Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn
Trong lịch sử y học cổ truyền của nước Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông là một danh y của đất nước. Ông biết thừa kế những thuật học của danh y đời trước và nêu cao tinh thần độc lập, sáng tạo, có phê phán và phát triển…
Qua 30 năm, ông tổng kết kinh nghiệm của Trung y và y học cổ truyền biên soạn bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu… đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu Phần 1 cuốn sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của đại danh yHải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác. Bạn thể xem tiếp phần 2 của cuốn sách này tại đây
Và bạn có thể tải tập 1 bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh tại đây
Ngoài việc chữa bệnh phục vụ nhân dân, từ năm 1760 ông đã mở lớp huấn luyện y học: trao đổi kinh nghiệm phòng và chữa bệnh với các đồng nghiệp, tập hợp những kinh nghiệm dân gian; ông tìm hiểu quan hệ giữa khí hậu, thời tiết đối với bệnh tật ở nước ta. Ông ghi chép bệnh án để rút kinh nghiệm những bệnh chữa khỏi và những bệnh không chữa khỏi.
Tuy chịu ảnh hưởng của y học Trung Hoa nhất là Phùng Thị nhưng Lãn Ông đã có óc sáng tạo vận dụng y lí hợp với hoàn cảnh khí hậu và thể chất của người Việt Nam và đã sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, như ở các cuốn Lĩnh Nam Bản Thảo, Bách Gia Trân Tàng và Hành Giản Trân Nhu. Nhận định về Lĩnh Nam không có thương hàn, Lãn Ông đã lập ra nhiều phương thang mới ghi ở cuốn Ngoại Cảm Thông Trị. Đặc biệt trong 2 cuốn Dương Án và Âm Án, ghi lại những y án và phân tích về những bệnh đã chữa khỏi hoặc không chữa được. Cuốn Châu Ngọc Cách Ngôn để lại cho chúng ta những điều căn dặn rất bổ ích về chẩn đoán trị liệu và những sai lầm tai hại cần tránh.
Bộ sách của ông được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Bộ sách này đã đánh dấu bước tiến mới trong nền y học cổ truyền của Việt Nam, góp phần phát triển nền y học của đất nước.
Tập đầu tựa đề năm 1770 gồm mục lục bộ sách, tập thơ Y lý thâu nhàn, ngâm vịnh ngẫu hứng trong khi làm nghề y, một thiên y huấn cách ngôn nói về đạo đức của người thầy thuốc một thiên y nghiệp thần chương khái quát nội dung của bộ sách.
– Quyển 1: Nội kinh yếu chỉ, trích những điểm thiết yếu của kinh điển đông y.
– Quyển 2: Y gia quan niệm phân tích và tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, kinh lạc khí huyết, chẩn đoán, mạch học, bệnh lý, trị pháp.
– Quyển 3, 4, 5: Y hải cầu nguyên nêu lên những qui luật chung về sinh lý và nguyên tắc trị liệu.
– Quyển 6: Huyền tẫn phát vi nói về tiên thiên thủy hỏa – “Mệnh môn”, cơ năng sinh lý, và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa, cùng phép chữa.
– Quyển 7: Khôn hóa thái chân bàn về hậu thiên tỳ vị, cơ năng tiêu hóa và tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa.
– Quyển 8 và 9: Đạo lưu dư vận biện luận và bổ xung những điểm y lý chưa rõ hay còn thiếu ở các sách xưa.
– Quyển 10 và 11: Dược phẩm Vị yếu nói về dược tính 150 vị thuốc Bắc, Nam phân loại theo ngũ hành.
– Quyển 12 và 13: Lĩnh nam bản thảo; quyển thượng chép 496 vị thuốc nam thừa kế của Tuệ Tĩnh, quyển hạ chép 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm.
– Quyển 14: Ngoại cảm thống trị nói về đặc tính bệnh ngoại cảm ở nước ta và các thuốc sáng chế để điều trị theo các thể bệnh.
– Quyển 15 đến 24: Bách bệnh cơ yếu; bệnh học nội khoa 10 quyển, mới sưu tầm và khắc in 2 quyển Bính Đinh, còn thiếu 8 quyển: Giáp, Ất, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
– Quyển 25: Y trung quan kiện tóm tắt phương pháp điều trị các bệnh.
– Quyển 26, 27: Phụ đạo xán nhiên chuyên về phụ khoa.
– Quyển 28: Tọa thảo lương mô chuyên về sản khoa.
– Quyển 29 đến 33: Ấu ấu tu trị chuyên về nhi khoa.
– Quyển 34 đến 43: Mộng trung giác đậu chuyên về bệnh đậu mùa (10 quyển).
– Quyển 44: Ma chuẩn thăng chuyên về bệnh sởi.
– Quyển 45: Tâm đắc thần phương gồm 70 phương thuốc chọn lọc trong sách Cẩm nang của Phùng Triệu Trương.
– Quyển 46: Hiệu phỏng tân phương chép 29 phương thuốc hiệu nghiệm do Lãn Ông sáng chế.
– Quyển 47, 48, 49: bách giá trân tàng ghi trên 600 phương thuốc kinh nghiệm thu lượm trong nhân dân và thừa kế của ngoại tổ ông là Bùi Diệm Đăng.
– Quyển 50 đến 57: Hành giản trân nhu (8 quyển) chép trên 2000 phương thuốc chọn lọc trong các bản thảo đời trước, như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh hay thu nhập trong dân gian.
– Quyển 58: Y phương hải hội gồm 200 cổ phương đông y.
– Quyển 59 và 60: Y dương án chép 17 bệnh án chữa khỏi, và Y âm án chép 12 bệnh án tử vong.
– Quyển 61: Truyền tân bố chỉ được gọi là châu ngọc cách ngôn thâu tóm các điều cốt yếu nhất về quy tắc chẩn đoán, biện chứng, dùng thuốc trị bệnh.
Về sinh yếu quyết: chuyên về dưỡng sinh, vệ sinh phòng bệnh (2 quyển).
– Bảo thai thần hiệu toàn thư giải âm (1 quyển).
– Nữ công thắng lãm nói về cách nấu nướng.
– Quyển Thượng kinh ký sự kể lại hành trình của Lãn Ông lên kinh đô chữa bệnh cho thái Tử Trịnh Cán năm 1782.
Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được dịch ra và xuất bản ở miền Bắc trước năm 1970 (trừ các tập Mộng trung giác đậu, Vận khí bí điển và Bảo thai thần hiệu chưa in). Nay Viện y học dân tộc đã dành nhiều năm hiệu đính lại bản dịch lần trước, nâng cao chất lượng dịch thuật. Lần này Nhà xuất bản Y học chủ trương lần lượt xuất bản lại toàn bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh nhằm góp phần thực hiện chủ trương thừa kế y học dân tộc cổ truyển của Đảng và Nhà nước ta.