Vọng chẩn (nhìn)

Nhìn thần, sắc, toàn trạng giống như nội khoa. Cần chú trọng nhìn lưỡi với các đặc điểm sau:

Chất lưỡi đỏ tươi là chứng huyết nhiệt.

Chất lưỡi nhợt là chứng huyết hư.

Chất lưỡi trắng nhợt là khí huyết hư.

Văn chẩn (nghe, ngửi)

Máu kinh khắm thối là nhiệt, tanh là hàn, hôi là huyết ứ.

Khí hư khắm thối là nhiệt, khắm hôi như cóc chết là thấp nhiệt ứ kết thành độc.

Vấn chẩn (hỏi)

Hỏi về kinh nguyệt

Hỏi tuổi bắt đầu thấy kinh lần đầu, chu kỳ kinh, số ngày có kinh, lượng kinh, màu sắc, tính chất, mùi vị của máu kinh; đau lưng, đau bụng và các chứng khác kèm theo. Nếu hành kinh có đau bụng dưới, cự án là chứng thực; còn đau âm ỉ mà thích xoa thích chườm nóng là chứng hư. Có cảm giác bụng dưới nặng tức khi sắp hành kinh là khí trệ; còn có đau tức ngực, đắng miệng là can khí uất trệ. Khi hành kinh có phù và ỉa lỏng là tỳ hư, hành kinh xong đau bụng là huyết hư. Nếu kinh trước kỳ, lượng nhiều đỏ tươi, mặt đỏ, khát, thích mát, sợ nóng, thường là nhiệt; còn kinh sau kỳ, lượng ít, nhợt, thích ấm, sợ lạnh thường là hàn.

Nếu không có kinh 2 tháng, buồn nôn, thích ăn chua, ăn kém, mệt mỏi là có thai. Nếu không có kinh nhiều tháng, mặt bệch, chóng mặt hoa mắt, tim đập mạnh, thở yếu, ăn ít, da khô, lại không có thai là bế kinh.

Hỏi về đới hạ

Chú ý màu sắc, lượng, mùi của đới hạ. Nếu màu trắng lượng nhiều, mỏi mệt, ăn kém là tỳ hư thấp trệ. Nếu màu vàng hoặc xanh đặc, dính hôi và ngứa ở âm hộ là thấp nhiệt. Nếu có màu như máu cá, ra liên tục, hơi hôi thường là nhiệt uất ở kinh can.

Hỏi về chửa đẻ

Hỏi số lần chửa đẻ, số lần sẩy thai, nạo thai; sau cùng hỏi về tình trạng thai nghén, sinh đẻ. Nếu lấy chồng nhiều năm không có chửa hoặc đã sinh rồi, sau đó không có chửa nữa, thường có đau mỏi thắt lưng, hoặc có thai song sẩy liên tiếp là thận hư, hai mạch xung – nhâm bị tổn thương. Nếu đẻ nhiều lần, mất máu nhiều thường là do khí huyết không đủ.

Thiết chẩn (bắt mạch)

Chú ý bốn loại mạch: mạch kinh nguyệt, mạch có thai, mạch khí hư, mạch vô sinh.

Mạch kinh nguyệt

Sắp có kinh mạch thốn bên phải phù hồng hoặc riêng mạch thốn hoạt, kèm theo miệng đắng, trướng bụng.

Đang hành kinh: mạch thốn bên phải phù hồng hoặc mạch quan hơi huyền, hoặc mạch thốn hai bên hơi phù.

Kinh trước kỳ lượng nhiều (do nhiệt ở xung, nhâm): mạch huyền hoạt sác.

Kinh trước kỳ, lượng ít (do âm hư, huyết nhiệt, huyết thiểu): mạch tế sác.

Kinh sau kỳ, lượng ít (hư hàn, huyết hải bất túc): mạch trầm trì.

Kinh không đều, can tỳ hư tổn có mạch quan hai bên hư yếu. Khí hư hạ hãm, mạch trầm tế.

Kinh bế (khí huyết hư): mạch xích vi sáp; (khí hư đàm thấp): mạch trầm hoạt.

Băng lậu: mạch hư đại huyền sác là tiên lượng bình thường, mạch phù hồng sác là tiên lượng xấu.

Mạch khí hư

Khí hư nhiều trắng hoặc vàng; nếu thấp nhiệt mạch bên trái huyền sác, bên phải trầm tế có lực; nếu đờm thấp đình trệ: mạch bên trái hoạt đại có lực.

Khí hư nhiều, loãng (thận dương hư) mạch trầm trì vi nhược, đặc biệt mạch ở hai mạch xích.

Mạch có thai

Mới có thai: mạch hoạt hoặc mạch thốn bên phải và xích hai bên hoạt lợi.

Phòng sẩy thai: sáu bộ mạch trầm hoãn sáp hoặc mạch xích hai bên đều yếu, đó là khí huyết hư yếu cần phòng sẩy thai, đẻ non.

Sắp đẻ: thai đầy tháng tuổi, mạch có thể phù sác, tán loạn hoặc trầm tế hoạt, kèm theo đau bụng lan ra cột sống.

Mạch vô sinh

Bụng dưới thường xuyên lạnh, mạch xích vi nhược sáp.

Mạch sau khi đẻ

Bình thường phải là hoãn hoà; không nên là hồng đại, huyền.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.