Mỗi người đều đã từng có lúc bị mệt mỏi do lao động nặng nhọc hoặc mất ngủ. Mệt mỏi, mất sinh lực và uể oải là những triệu chứng rất hay gặp ở bệnh nhân trong nhiều bệnh khác nhau. Một bệnh nhân phàn nàn về mệt mỏi là một vấn đề khó khăn đối với thầy thuốc gia đình vì có nhiều cách lý giải cho sự mệt mỏi. Khó mà chẩn đoán phân biệt do sự lẫn lộn giữa bản tính chủ quan hay phàn nàn và mệt mỏi thật sự do bệnh lý.
ĐẠI CƯƠNG
Mệt mỏi hay gặp trong phần lớn dân cư và chiếm ít nhất 20% trong số những bệnh nhân tới khám ở phòng khám của bác sĩ gia đình. Các cuộc điều tra cộng đồng cho thấy có tới 50% những người được hỏi có bị mệt mỏi. Mệt mỏi cũng là lý do của khoảng 7 triệu lượt thăm khám và chi phí tới 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Valdini và cộng sự đã xác định rằng 58% những bệnh nhân tới gặp thầy thuốc gia đình với phàn nàn chủ yếu là mệt mỏi thì vẫn còn bị mệt mỏi sau lần khám đầu tiên 1 năm. Mệt mỏi mạn tính kéo dài trên 6 tháng ở cộng đồng dân chúng chiếm tỉ lệ từ 1775/100.000 tới 6321/100.000 dân. Mệt mỏi vẫn luôn được xếp vào hàng những phàn nàn hay gặp nhất khi tới khám ở phòng mạch của bác sĩ gia đình, bất kể hoàn cảnh hay văn hoá. Đánh giá những bệnh nhân mệt mỏi một cách hiệu quả, có hệ thống & trật tự là một kỹ năng thiết yếu đối với tất cả thầy thuốc gia đình.
Mặc dù mệt mỏi hay gặp và thường dai dẳng, nhưng nhiều bệnh nhân mệt mỏi kinh niên vẫn là thách thức cho việc phân loại chẩn đoán. Đã hàng thế kỷ nay các thầy thuốc bối rối trước những khó khăn trong chẩn đoán khi đánh giá những bệnh nhân mệt mỏi mạn tính. Có một số triệu chứng lâm sàng được coi là nguyên nhân gây mệt mỏi mạn tính như: cơn sốt nhẹ, suy nhược thần kinh, suy kiệt thần kinh, hội chứng DaCosta, bệnh Brucella mạn tính, hạ đường huyết, hội chứng dị ứng toàn thể, bệnh nấm Candida mạn tính, và nhiễm virus Epstein – Barr mạn tính. Năm 1987 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã thiết lập định nghĩa lâm sàng cho hội chứng mệt mỏi mạn tính (chronic fatigue syndrome – CFS) (7,8). Các định nghĩa tương tự cũng có ở Anh và Ồxtrâylia (9,10). Hy vọng rằng các bảng phân loại như vậy có thể giúp cho việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thành công hầu hết chứng bệnh này. Chương này bàn về chẩn đoán phân biệt tâm sinh lý theo hướng hệ thống và phác thảo một cách tiếp cận thực tế để đánh giá và giúp đỡ bệnh nhân bị mệt mỏi.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
Đâu là đặc trưng của những bệnh nhân đến gặp bác sĩ gia đình vì mệt mỏi? Tuổi của bệnh nhân có hai kiểu phân bố: một đỉnh ở tuổi từ 15 đến 24 và một đỉnh ở trên 60tuổi. Phụ nữ phàn nàn là mệt mỏi nhiều gấp ít nhất hai lần so với nam giới. Sự vượt trội này có thể được giải thích do tỉ lệ mệt mỏi ở phụ nữ cao hơn phụ nữ có xu hướng kể với bác sỹ về mệt mỏi hoặc do bác sĩ thông cảm nhiều hơn với cái cách mà những bệnh nhân nữ than phiền về mệt mỏi. Những bệnh nhân mệt mỏi thường ghi ít điểm hơn so với những bệnh nhân không mệt mỏi khi thực hiện những test đo hoạt động thể lực.
Khi đo độ lo lắng và trầm cảm bằng máy, họ ghi điểm nhiều hơn so với nhóm chứng, và trong suốt cuộc đời hay bị chẩn đoán là trầm cảm hơn.
Cũng rất có ích nếu xem xét các biểu hiện lâm sàng của mệt mỏi trong những bối cảnh khác nhau tuỳ theo cách bệnh nhân mô tả vấn đề. Một số bệnh nhân thấy mệt mỏi là một phần trong phức hợp nhiều triệu chứng của bệnh sử hoặc do bác sĩ tổng hợp lại. Một số bệnh nhân khác có biểu hiện chính là mệt mỏi. Nhóm bệnh nhân thứ ba đến gặp bác sĩ với các câu hỏi về hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS). ít khi bệnh nhân kể về mệt mỏi cấp tính với bác sĩ nếu họ biết vì sao lại mệt mỏi. Thí dụ, một bệnh nhân bị bệnh siêu vi trùng thông thường thì hay coi mệt mỏi là một phần của phức hợp triệu chứng và ít khi lo ngại về nó đến mức phàn nàn với bác sĩ về mệt mỏi. Những bệnh nhân này không phàn nàn với bác sĩ về mệt mỏi nhưng có thể được coi là mệt mỏi khi xem xét tổng thể. ở những bệnh nhân này thì mệt mỏi là triệu chứng thứ phát.
Phần lớn các nghiên cứu để giải quyết mệt mỏi trong thực hành tại nhà chỉ dựa trên những bệnh nhân có mệt mỏi là triệu chứng chính hoặc tiên phát. Trong trường hợp này thầy thuốc phải xem xét chẩn đoán phân biệt rất rộng với những bệnh mà mệt mỏi là triệu chứng ban đầu. Khi đó khả năng giải quyết việc chẩn đoán phân biệt với chi phí hợp lý là rất quan trọng.
Hội chứng mệt mỏi mạn tính rất được quan tâm trên các tạp chí không chuyên nghành. Do vậy, nhiều bệnh nhân tới gặp bác sĩ gia đình để hỏi về các rối loạn này của họ. Như vậy-việc hiểu biết các nguyên tắc chẩn đoán CFS và cập nhật các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực này là rất quan trọng đối với các thầy thuốc gia đình
CHẨN ĐOÁN
ít có vấn đề nào minh hoạ rõ ràng cho tính bất cập của mô hình chẩn đoán y sinh học hơn là mệt mỏi. Mô hình chẩn đoán kiểm tra các phàn nàn của bệnh nhân, cố gắng xác định nguyên nhân và sau đó điều trị nguyên nhân này thì được gọi là “mô hình dịch tễ học”. Mô hình chẩn đoán y sinh học truyền thông cũng là một mô hình dịch tễ học rộng lớn. Mô hình chẩn đoán hệ thống thì cố gắng xác định các triệu chứng và yếu tố đi kèm, thay vì cố gắng xác định nguyên nhân, nhằm làm cho những phàn nàn của bệnh nhân được dễ hiểu và dễ xử trí hơn. Chẩn đoán hệ thống có thể gồm việc tiếp cận với bệnh nhân về mặt y sinh học, nhưng cũng rất cần những đánh giá về mặt gia đình, cộng đồng và văn hoá xã hội. Sau đây là một hệ thống tiếp cận để chẩn đoán trước một bệnh nhân bị mệt mỏi thứ phát hoặc tiên phát, hoặc lo lắng về CFS.
Mệt mỏi là triệu chứng thứ phát
Hầu hết các vấn đề mà bác sĩ gia đình thường gặp có liên quan với chứng bệnh mệt mỏi. Những bệnh mạn tính như tiểu đường, hay phải dùng thuốc như bệnh tăng huyết áp, những bệnh cấp tính như viêm gan virus, những biến đổi sinh lý như tình trạng mang thai, và những tình trạng sống căng thẳng như ly dị, đều có thể gây mệt mỏi. Trong những trường hợp này, mệt mỏi thường được coi là triệu chứng thứ phát, và trên quan điểm chẩn đoán thì nó có thể ít quan trọng. Tuy vậy, trên quan điểm tổng thể thì các thầy thuốc gia đình quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của sự mệt mỏi này đối với sự thành công trong nghề nghiệp, quan hệ gia đình, hoạt động thể lực hay hoạt động tình dục của bệnh nhân. Sự tiếp cận hệ thống đòi hỏi thầy thuốc phải quan tâm đến ảnh hưởng của các triệu chứng cũng như nguyên nhân của nó. Như vậy khi mệt mỏi là triệu chứng thứ phát thì tác động của chúng lên lối sống của bệnh nhân và khả năng đương đầu với các bệnh có sẵn rất quan trọng.
Mệt mỏi là phàn nàn chính
ít có tình huống lâm sàng nào thử thách các kỹ năng của thầy thuốc gia đình hơn là bệnh nhân bị mệt mỏi không giải thích được. Bảng 55.1 liệt kê một số bệnh nội khoa và một số vấn đề về tâm lý thường gây mệt mỏi. Đánh giá bệnh nhân này cần bắt đầu bằng một bệnh sử kỹ lưỡng và toàn diện, gồm cả bệnh sử tâm lý chi tiết, trong đó có các triệu chứng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, các rối loạn lo lắng, lạm dụng thuốc, các trải nghiệm về hôn nhân và tình dục.
Nguyên nhân mệt mỏi hay gặp nhất là trầm cảm, cuộc sống căng thẳng, bệnh nội khoa mạn tính và các phản ứng thuốc. Bệnh sử cũng cần có các thông tin về những triệu chứng khác của những bệnh trên như thiếu máu, suy giáp trạng, và các rối loạn về tim.
Tiếp đó cần thăm khám lâm sàng tỉ mỉ. Các vùng đặc biệt quan trọng khi thảm khám thực thể là tuyến giáp, hệ tim mạch, trực tràng, vùng chậu, và tình trạng tinh thần (tìm các dấu hiệu trầm cảm và lo âu kèm theo).
Trước một bệnh nhân bị chứng mệt mỏi mạn tính, các đánh giá cận lâm sàng là rất cần thiết nhưng lại ít khi có ích. Sugarman và Berg thấy rằng các xét nghiệm chỉ giúp ích trong chẩn đoán xác định 9 trong số 118 bệnh nhân bị mệt mỏi ở phòng khám đa khoa của một trường đại học.
Tuỳ bệnh sử và thăm khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Đối với phần lớn bệnh nhân, cần thử công thức máu, sinh hoá máu cơ bản, tốc độ lắng máu (để sàng lọc các bệnh viêm nhiễm), và nồng độ hormon kích thích tuyến giáp (để sàng lọc bệnh suy giáp). Các xét nghiệm khác có thể làm là chụp X quang ngực, điện tâm đồ, phân tích nước tiểu và phản ứng Mantoux, tuỳ theo kết quả thăm khám lâm sàng và tiền sử bệnh.
Những bệnh nhân không sẵn lòng giải thích rõ ràng về sự mệt mỏi của họ cũng có thể được đánh giá thông qua gia đình. Đánh giá loại này cũng có thể nhờ họp mặt gia đình, chuẩn bị cây phả hệ, hoặc dùng các công cụ đánh giá gia đình khác (xem chương 5). Để đánh giá toàn diện những bệnh nhân bị mệt mỏi cũng cần tìm hiểu tiền sử nghề nghiệp, môi trường sống, hoàn cảnh xã hội và tài chính.
Hội chứng mệt mỏi mạn tính
Định nghĩa của CDC về CFS được chỉ ra trong bảng 55.2. Việc thiết lập các nguyên tắc chẩn đoán này nhằm mục đích xác định một nhóm bệnh nhân mệt mỏi để định hướng cho các nghiên cứu trong tương lai. Các đề án nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu nhiều hơn về các bệnh nhân đạt tiêu chuẩn chẩn đoán. Một số nghiên cứu đã khảo sát sự liên quan với bệnh nhiễm trùng do virus Epstein – Barr (EBV), vì bệnh này có nhiều điểm giống với bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Tuy các nghiên cứu này vẫn tiếp tục, nhưng phần lớn bằng chứng cho thấy chỉ có những biến đổi miễn dịch toàn thân gặp ở những bệnh nhân mệt mỏi mạn tính. Không đủ bằng chứng để thiết lập mối liên kết về mặt lâm sàng giữa EBV và CFS. Cũng không phát hiện thấy chuỗi ADN của retrovirus ở bệnh nhân bị mệt mỏi mạn tính. Một nghiên cứu khác khảo sát chức năng miễn dịch của bệnh nhân CFS – Mặc dù có những bất thường về miễn dịch đo được ởbệnh nhân có CFS, nhưng không theo một kiểu cố định nào qua các nghiên cứu. Một lĩnh vực nghiên cứu khác đang tiến hành là cố gắng gắn các bệnh mô liên kết và tự miễn với CFS. Chỉ có vài bệnh nhân có tự kháng thể bất thường, và không thấy mối liên hệ rõ ràng được so sánh với các bệnh tự miễn. Tiêu chuẩn của CDC về CFS đã được so sánh với các tiêu chuẩn của Anh và Ôxtrâylia và cả ba hệ thống này hầu như cùng xác định một nhóm bệnh nhân. Nay rõ ràng là các bệnh nhân CFS không phải là một nhóm đồng nhất và không khác những bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài khác trên nhiều phương diện. ,
Bảng 55.1. Các chẩn đoán liên quan tới mệt mỏi.
Các bệnh nhiễm trùng
Hội chứng virus
Bệnh bạch cầu đơn nhân
Viêm gan
Viêm họng
Viêm nội tâm mạc
Các nhiễm trùng đường niệu
Nhiễm HIV
Bệnh lao
Ảnh hưởng của thuốc và độc tố
Tác dụng phụ của thuốc
Lạm dụng rượu và ma tuý
Nhiễm độc mạn tính
Các rối loạn về nội tiết và chuyển hoá
Rối loạn điện giải
Suy giáp
Hạ đường huyết
Đái tháo đường
Cường giáp
Đói ăn hoặc ăn kiêng
Béo phì
Suy tuyến thượng thận
Các tình trạng khối u
Bệnh ác tính kín đáo (occult malignancy)
Bệnh bạch cầu và u limpho
Ung thư đại tràng
Các bệnh lý về mạch
Bệnh tim do xơ mỡ động mạch
Bệnh van tim
Suy tim sung huyết
Bệnh cơ tim
Các bệnh tim bẩm sinh
Các bệnh phổi
Hen/COPD
Các rối loạn do dị ứng
Bệnh phổi hạn chế
Bệnh khác
Thiếu máu
Mang thai
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Thiếu sắt
Suy thận
Các vấn đề tâm lý
Trầm cảm
Lo âu
Phản ứng hoà giải
Căng thẳng do hoàn cảnh sống
Nghiện rượu và ma tuý
Rối loạn tình dục
Hành hạ vợ hoặc chổng, hànhhạ trẻ em, hoặc các dạng bạolực gia đình khác
Căng thẳng do nghề nghiệp và hội chứng mất việc
————————————
HIV: Human immunode ficiency virus = Virus gây suy giảm miễn dịch ở người; COPD: chronic obstructive pulmonary disease = Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Cũng rõ ràng là mệt mỏi mạn tính hay gặp hơn nhiều so với CFS. Chỉ dưâi 5% những bệnh nhân tới khám bác sĩ gia đình do mệt mỏi mạn tính CUỐI cùng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán CFS (1,8). Những bệnh nhân tối khám bác sĩ gia đình vì lo lắng về CFS là một thử thách khá phức tạp. Một số bệnh nhân chỉ đơn giản là tìm kiếm thông tin, nhu cầu này có thể được thoả mãn bằng thảo luận vấn đề và cung cấp các nguồn tài liệu hướng dẫn. Nhiều bệnh nhân lo lắng về CFS không thoả mãn các tiêu chuẩn chẩn đoán trong bảng 55.2. Những bệnh nhân này cần được thầy thuốc tiếp cận chẩn đoán về tâm sinh lý học.
Bảng 55.2. Định nghĩa trường hợp có hội chứng mệt mỏi mạn tính
———————————
Một trường hợp hội chứng mệt mỏi mạn tính phải đáp ứng hai tiêu chuẩn chính và các tiêu chuẩn phụ như sau:
- ít nhất 6 trong số 11 tiêu chuẩn triệu chứng và ít nhất 2 trong số 3 tiêu chuẩn thực thể.
- Hoặc ít nhất 8 trong số 11 tiêu chuẩn triệu chứng
Các tiêu chuẩn chính
- Một đợt mệt mỏi suy nhược mới dai dẳng hoặc tái phát, hoặc dễ mệt mỏi ở một bệnh nhân trước đây không có triệu chứng tương tự mà không hết mệt khi nằm nghỉ tại giường, và trầm trọng đến mức làm giảm hoặc làm suy yếu các hoạt động hàng ngày ở mức trung bình dưới 50% so với mức độ hoạt động trước khi ốm, trong thời gian dài ít nhất 6 tháng.
- Các tình trạng bệnh khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự phải bị loại trừ thông qua đánh giá dựa trên tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng và xét nghiệm
Các tiêu chuẩn phụ
Các tiêu chuẩn triệu chứng phải bắt đầu ngay hoặc sau khi xuất hiện sự mệt mỏi tăng lên và phải kéo dài trong thời gian ít nhất 6 tháng.
Sốt nhẹ hoặc ớn lạnh
Đau họng
Hạch lympho đau ở trước hoặc sau cổ, hoặc ở nách
Yếu cơ chung không giải thích được
Mỏi cơ hoặc yếu cơ
Mệt mỏi toàn thân kéo dài sau những bài tập mà khi chưa ốm, bệnh nhân dễ dàng chịu đựng được.
Đau đầu thường xuyên.
Đau khớp di chuyển có hoặc không có sưng khớp
Than phiền về bệnh thần kinh hoặc tâm thần kinh như sợ ánh sáng, ám điểm nhìn thoáng qua, tính hay quên, dễ cáu kỉnh quá mức, lú lẫn, suy nghĩ khó, không thể tập trung, hoặc trầm cảm
Rối loạn giấc ngủ
Mô tả phức hợp các triệu chứng chính xuất hiện từ đầu qua vài giờ tới vài ngày.
Các tiêu chuẩn thực thể
Các tiêu chuẩn thực thể cần được bác sĩ ghi lại ít nhất 2 lần cách nhau ít nhất 1 tháng
Sốt nhẹ
Viêm họng không xuất tiết
Có hạch lympho ở cổ truức, cổ sau hoặc nách, mềm, sờ thấy đuợc
———————————–
Đánh giá bệnh nhân nên bắt đầu bằng hỏi bệnh sử toàn diện và khám thực thể. Phần lớn bệnh nhân trước đó đã khám ở những bác sĩ khác cũng vì mệt mỏi, do vậy nên thu thập tư liệu từ các bác sĩ đó. Vào lần khám đầu tiên nhất thiết bác sĩ phải thảo luận chi tiết với bệnh nhân về phương cách mệt mỏi mạn tính ảnh hưởng và làm thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Cũng nên bổ sung ý kiến đánh giá của gia đình, và kể cả họp mặt gia đình khi có thể. Mặc dù bệnh nhân mệt mỏi kéo dài có tỉ lệ cao bị mắc chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, và bất ổn trong gia đình, nhưng bệnh nhân có thể không dễ tiếp nhận việc thảo luận ngay từ đầu về những vấn đề tâm lý. Do việc chẩn đoán xác định không thể trông đợi nhiều vào các đánh giá y sinh học, nên các đánh giá tâm sinh lý học bắt đầu ngay từ lần khám đầu tiên có vai trò chính yếu. Bệnh nhân cần được thăm khám thường xuyên và làm các xét nghiệm như đã mô tả trên đối với bệnh nhân mà mệt mỏi là phàn nàn chính. Ngày nay các xét nghiệm tìm bệnh miễn dịch hay tự miễn dịch còn được quan tâm. Các xét nghiệm được chỉ định tuỳ theo bệnh sử và khám lâm sàng.
XỬ TRÍ
Theo mô hình dịch tễ học, xử trí vấn đề bắt đầu sau khi đã xác định chẩn đoán chính xác. Với cách tiếp cận chẩn đoán hệ thống, xử trí bắt đầu ngay khi tiếp xúc lần đầu giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Chăm sóc cho bệnh nhân phàn nàn mệt mỏi tiên phát cần đến cách tiếp cận hệ thống, có nghĩa là câu hỏi chẩn đoán của thầy thuốc phải có phạm vi rộng rãi nhất. Từ lần đến khám đầu, thầy thuốc nên bắt đầu giúp đỡ bệnh nhân cách mô tả để đối phó với các triệu chứng hiệu quả hơn. Sau đây là các nguyên tắc cơ bản của xử trí hệ thống đối với bệnh nhân mệt mỏi kéo dài tiên phát.
- Thầy thuốc phải quan tâm và lo lắng về các tác động của sự mệt mỏi của bệnh nhân cũng như về nguyên nhân gây mệt mỏi. Mô tả các tác động của triệu chứng lên cuộc sống của bệnh nhân là một bước quan trọng để hiểu triệu chứng và đê bắt đầu xử trí vấn để.
- Thầy thuốc nên giải thích cho bệnh nhân ngay từ lần khám đầu tiên rằng các nguyên nhân gây mệt mỏi hay gặp nhất là trầm cảm và các vấn đề tâm lý. Thầy thuốc nên biết chắc thông tin này có nghĩa gì đối với bệnh nhân và liệu bệnh nhân’ có cho rằng các vấn đề tâm lý có vai trò trong mệt mỏi hay không.
- Thầy thuốc nên thảo luận với bệnh nhân về các nguyên nhân gây mệt mỏi haygặp khác ngay từ lần khám đầu và đề nghị bệnh nhân nghĩ tới các khả năng này cho tới lần khám tiếp theo, ở lần khám tiếp theo thầy thuốc có thể hỏi xem liệu về phía bệnh nhân có cơ hội đánh giá các khả năng có thể gây mệt mỏi hay không và có cách hiểu mới cho vấn đề này không.
- Trong mỗi lần khám tiếp theo, thầy thuốc nên tiếp tục trở lại thảo luận về gia đình, về các vấn đề nghề nghiệp, tâm lý tình dục, và các tác nhân gây nghiện. Việc này có thể thế chỗ khi các xét nghiệm y sinh học cụ thể đánh giá các triệu chứng của bệnh nhân đang được tiến hành. Ngay cả khi những mệt mỏi này có nguyên nhân là một rối loạn thực thể, nó vẫn có những tác động mạnh đối với gia đình và nghề nghiệp.
- Thầy thuốc có thể cân nhắc việc triệu tập gia đình để khảo sát thái độ và ý kiến của các thành viên khác trong gia đình. Điểm này đặc biệt quan trọng nếu bệnh nhân có một người vợ hoặc chồng hay “một người khác đáng kể”
- Thầy thuốc có thể nên thảo luận về các bất mãn nghề nghiệp và các vấn đề khác. Việc đưa cho bệnh nhân các bản chụp những bài báo về mệt mỏi cũng có thể là hữu ích.
- Nếu như thầy thuốc tin rằng tình trạng của bệnh nhân chủ yếu do nguyên nhân tâm lý, nhưng bệnh nhân miễn cưỡng với cách giải thích này thì các khảo sát sinh y học cần làm từ từ, từng bước và được hẹn qua nhiều lần khám tiếp theo để làm cho mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân sâu sắc hơn, và để tiếp tục thảo luận về những vấn đề tâm lý.
- Thầy thuốc gia đình chỉ nên chuyển bệnh nhân tới bác sĩ tư vấn khi cần thiết và chỉ nhằm mục đích chuyên môn. Việc liên hệ trước với nhà chuyên môn này rất quan trọng, để tránh gặp phải những nhà chuyên môn thiếu tế nhị về các vấn đề tâm lý.
- Nghiên cứu cho thấy việc nghỉ ngơi kéo dài ở bệnh nhân mệt mỏi mạn tính có vẻ có hại hơn là có ích. Trong một số khảo sát, chương trình hoạt động tăng dần cũng cải thiện được tình trạng chức năng.
Tóm lại, mệt mỏi cấp tính có thể gặp trong nhiều bệnh nặng. Mệt mỏi mạn tính không những cần thiết chẩn đoán phân biệt y sinh học rộng mà còn đòi hỏi tiếp cận một cách hệ thống để việc chẩn đoán và xử trí được khả quan. Mặc dù, những phàn nàn của bệnh nhân đã có nhiều thay đổi nhưng mệt mỏi mạn tính vẫn là một thách thức với thầy thuốc, cần lập tức được tiếp cận chẩn đoán tâm sinh lý học nhờ thầy thuốc gia đình.