Bức xạ tần số radio và vi sóng

Bức xạ tần số radio (radiofrequency – RF) và vi sóng (Microwave – MV) gây ion hoá các phân tử do quá trình rung và chuyển động xoay của các phân tử, đặc biệt các phân tử bất đối xứng điện tích. Nguy cơ bị tổn thương tăng lên cùng với cường độ của bức xạ và khoảng cách so với nguồn phát.

Các tổn thương thường gặp ở những công nhân sử dụng hoặc bảo dưỡng các thiết bị hàn nhựa, vật lý trị liệu, và các thiết bị truyền thông sử dụng sóng radio. Các tổn thương biểu hiện bằng sự biến chất protein, hoại tử mô tế bào tại vị trí tiếp xúc. Tổn thương có phản ứng viêm thường sau đó sẽ tạo thành sẹo. Các tác hại không do nhiệt bao gồm cả các trường hợp bị đục thuỷ tinh thể.

Phần cơ thể tiếp xúc với bức xạ sẽ cảm thấy bị nóng và kèm theo cảm giác kim châm hay đau nhói và có biểu hiện bị cháy nắng. Các triệu chứng khác bao gồm dễ bị kích thích, đau đầu, đau mỏi, chảy nước mắt, khó nuốt, chán ăn, co cứng cơ bụng và buồn nôn.

Bức xạ hồng ngoại

Các công việc có thể phải tiếp xúc với bức xạ hồng ngoại (bước sóng từ 750 đến 3 triệu nm) là thợ hàn, thợ làm kính, thợ làm bánh mỳ. Các tổn thương nhiệt thường ở trên da, nhưng giác mạc, mông mắt và thuỷ tinh thể cũng rất dễ bị tổn thương. Biện pháp che chắn bảo vệ chủ yếu được áp dụng để bảo vệ mắt và da.

Bức xạ nhìn thấy

Ánh sáng có thể nhìn thấy được (có bước sóng từ 400-750 nm) gây ra các tổn thương do quá trình phản ứng với cấu trúc cơ thể, phản ứng nhiệt và phản ứng quang hoá. Mắt là cơ quan nhậy cảm nhất với loại bức xạ này. Các nguồn sinh ra bức xạ nhìn thấy gây tổn thương là ánh sáng mặt trời, các loại đèn có cường độ cao, laser, bóng đèn nháy, đèn pha và các thiết bị hàn.

Bức xạ tử ngoại

Bước sóng của tia tử ngoại (Ultraviolet – UV) càng dài (100-400nm) thì bức xạ của nó sẽ gây các phản ứng sinh học càng mạnh hơn. Các tác hại thường gặp là tổn thương mắt do nhiệt, tổn thương da do phản ứng quang hoá. Các tổn thương này thường gặp khi làm các công việc như hàn, sử dụng dụng cụ laser và các dụng cụ sát trùng.

Laser

Năng lượng điện được cho qua một tinh thể hay khí sẽ tạo ra một luồng ánh sáng đơn sắc chuẩn trực liên tục thành một tia và trên cùng mặt phẳng phân cực. Tia sáng sinh ra (laser) có thể có cường độ rất cao và thường là ở bước sóng của tia tử ngoại.

Laser gầy những tổn thương chủ yếu ở mắt và da do cơ chế quang hoá và cơ học, đặc biệt là do làm đông vón protein võng mạc. Nhiệt độ tăng có thể gây “nổ hơi nước” các tế bào. Bỏng võng mạc và tổn thương giác mạc là những tổn thương thường gặp ở mắt và là tổn thương bỏng do nhiệt thường gặp trên da.

Điều trị

Viêm kết giác mạc quang hoá (ánh chớp hàn) xảy ra sau khi tiếp xúc 6 đến 12 giờ với các triệu chứng như đau mắt, chói mắt, chẩy nước mắt, cảm giác như có sạn trong mắt. Thời gian tiếp xúc ngắn có thể gây ra các triệu chứng kích thích nhưng khi cường độ và thời gian tiếp xúc tăng lên thì các triệu chứng sẽ xuất hiện sớm hơn và mức độ sẽ nặng hơn. Mi mắt có thể bị sưng đỏ, khám mắt có thể thấy bình thường hoặc thấy xuất hiện những chấm hạt nhạt mầu trên giác mạc. Những triệu chứng này thường xuất hiện ở cả hai bên mắt. Việc điều trị chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng bao gồm: áp khăn lạnh vào mắt, sử dụng miếng đắp mắt, thuốc làm dịu mắt và ở trong phòng tối. Không nên sử dụng thuốc chữa mắt có chất gây tê.

Tổn thương da rất đa dạng từ nốt ban đỏ đến các bọng nước. Các tổn thương này thường được điều trị tương tự như bị rộp da do ánh nắng mặt trời và các tổn thương có thể sẽ chuyển thành những đám sừng hoá trên da. Các vết bỏng rộng có thể gây phản ứng toàn thân như sốc. Các phản ứng tăng tính nhậy cảm với ánh sáng, dị ứng với ánh sáng thường xảy ra do các loại dược phẩm, các yếu tố ức chế vi khuẩn và nước hoa. Các tổn thương tiền ác tính và ác tính trên da thường thấy là dầy sừng quang hoá, bướu gai sừng hoá và bệnh hắc tố Hutchinson. Các tổn thương thường tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và các khối u hắc tố ác tính. Nguy cơ ung thư cao hơn ở những người da sáng màu.

Phòng bệnh

Một nội dung quan trọng để phòng bệnh là phải huấn luyện cho công nhân, cán bộ giám sát và người quản lý biết cách sử dụng các thiết bị và các biện pháp an toàn và phải tuân thủ nghiêm chỉnh những hướng dẫn trong sử dụng thiết bị. Các biện pháp chủ yếu cần áp dụng là che chắn thiết bị để hạn chế nguồn bức xạ phát ra, điều chỉnh thiết bị hợp lý, sử dụng quần áo bảo hộ chuyên dụng, sử dụng các loại kem chống nắng và quan trọng nhất là sử dụng kính bảo hộ lao động.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.