Ù tai là một cảm giác về âm thanh mà không do tác động bên ngoài kích thích vào bộ phận nghe. Được mô tả như âm thanh có thể nghe được, có thể là tiếng lách cách, vo ve, tiếng chuông, tiếng rì rầm. ù tai còn liên quan đến nhiều mức độ khác nhau của tình cảm như đau buồn, từ lo lắng đến rất lo lắng. Hiếm khi hiện tượng ù tai liên quan đến một bệnh gây chết người, nhưng tình trạng này có thể dẫn đến sự giảm tập trung, buồn ngủ, cảm giác bất lực và trầm cảm. Một số bệnh nhân còn có ý nghĩ tự tử. Tỷ lệ dân số bị ù tai mạn tính là 1% và có tới 50% dân số đã từng bị ù tai.

Ù tai có thể là chủ quan, tức là chỉ có bệnh nhân nghe thấy, và có thể là khách quan, tức là cả thầy thuốc và bệnh nhân đều nghe thấy. Các nguyên nhân được liệt kê ở bảng 74.1. Mặc dù chưa biết được cơ chế nhưng ù tai thường liên quan đến giảm thính lực. Trong giảm thính lực tuổi già, tức là giảm thính lực liên quan đến tuổi, sự mất các tế bào lông của ốc tai và sự hư hại đường dẫn truyền âm thanh trung tâm có thể là nguyên nhân gây ù tai. Ù tai liên quan đến giảm khả năng dẫn truyền thường được mô tả như âm thanh trầm, tiếng mạch đập rõ hơn ở bên tai bị tổn thương.

Ù tai do chấn động âm thanh ví dụ như qua một buổi biểu diễn nhạc rock hoặc qua một trận đấu thể thao thường là do giảm thính lực tạm thời (gọi là thay đổi ngưỡng tạm thời) và người bệnh nên chú ý rằng ù tai là dấu hiệu đe doạ tổn thương thính lực của họ. Nếu các chấn động này được lặp lại thì sẽ dẫn đến sự thay đổi ngưỡng nghe kéo dài, dẫn đến giảm thính lực kéo dài.

Việc dùng thuốc và hóa chất cũng có thể dẫn đến ù tai. Các thuốc được biết đến nhiều nhất là aspirin, ngoài ra có các thuốc lợi niệu tác động tới quai ống thận, arsenic, thuốc chống sốt rét. ù tai cũng có thể liên quan đến u hệ thống thần kinh trung ương, bệnh vữa xơ động mạch, các tổn thương cấu trúc của tai, các bệnh thần kinh ví dụ bệnh Ménière (gồm ù tai, điếc và chóng mặt).

Đánh giá ù tai được bắt đầu bằng việc hỏi bệnh sử: mô tả âm thanh, các câu hỏi về sự khởi phát, thời gian, các yếu tố làm tăng và giảm ù tai, tần số (cao hoặc thấp), biểu hiện của tiếng đập bất kỳ đối với âm thanh. Các thông tin khác về bệnh sử và tiền sử bao gồm sự giảm thính lực đi kèm, chóng mặt, đau tai, dẫn lưu mủ, sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác, đau đầu, các bệnh khác như bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thần kinh mạn tính hoặc có trước đó ví dụ như bệnh Ménière và xơ cứng rải rác. Thêm vào đó, sự tiếp xúc nghề nghiệp vớitiếng ồn, bị chấn thương vùng đầu, dị ứng , tiền sử dùng thuốc cũng có thể là chìa khoá để chẩn đoán.

Thăm khám lâm sàng thường tập trung vào tai mũi họng và hệ thống thần kinh, tim mạch. Bệnh sử có thể dẫn đến việc thăm khám lâm sàng mở rộng. Khám tai đê phát hiện ráy tai hoặc bất kỳ một bất thường nào ví dụ như viêm tai ngoài, thủng màng nhĩ, dịch hoặc mủ sau màng nhĩ và viêm tai giữa, cholestetoma. Thăm khám thần kinh có thể phát hiện bệnh xơ cứng rải rác (liệt mắt hai bên do tổn thương võng mạc) hoặc các bệnh thần kinh khác. Tiếng động ở trên đầu có thể dẫn đến các nguyên nhân chủ quan của ù tai hoặc sự rung giật cơ vùng xương khẩu cái có thể được quan sát qua khám họng. Khớp thái dương – hàm phải được thăm khám nếu đau và có tiếng lạo xạo.

Cơ bản là phải đánh giá thính lực. Việc phát hiện hiện tượng giảm khả năng nghe đối với âm tần cao ở cả hai bên thường do giảm thính lực tuổi già. Nếu giảm thính lực một bên thường do bệnh lý thần kinh trung ương và khối u ở vùng tiểu não, cầu não.

Bảng 74.1. Các nguyên nhân gây ù tai.

————————————-

Nguyên nhân khách quan (Cả thầy thuốc và bệnh nhân đều nghe thấy)

Shunt động – tĩnh mạch

Tiếng động mạch đập

Hẹp động mạch cảnh

Tiếng của tĩnh mạch

Bất thường động mạch xương bàn đạp

Rung giật cơ xương khẩu cái, xương bàn đạp

Vòi nhĩ mở thông bất thường

Bất thường khớp thái dương – hàm

Tiếng bệnh lý của tim

Nguyên nhân chủ quan (chỉ bệnh nhân nghe được)

Giảm thính lực (do tiếng ồn)

Giảm thính lực người già Nút ráy tai

Chấn động âm thanh (cấp và mạn)

Cholestetoma

Xơ cứng tai

Thủng màng nhĩ

Viêm tai giữa thanh dịch

Giang mai

Viêm tai ngoài

Dị ứng

Lo lắng/căng thẳng

Thiếu kẽm

Chấn thương sọ não kin

Bệnh xơ cứng rải rác

Bệnh Ménière

u thần kinh thính giác

Đái tháo đường

Cao huyết áp

Hạ huyết áp

Tăng mỡ máu

Dùng thuốc salicylat

Dùng thuốc điều trị sốt rét

Dùng thuốc lợi tiểu quai

Dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng

Dùng thuốc aminoglycosid

Nhiễm độc kim loại nặng (arsen)

————————————

Ngoài ra có thể làm thêm các xét nghiệm giúp khẳng định nghi ngờ trong phần hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng. Nếu nghi ngờ có bệnh lý thần kinh, u hoặc ở tình trạng có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật, tổn thương còn bù thì bệnh nhân có thể đi khám thêm các bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng.

Các ca ù tai phức tạp có thể phải dùng đến phẫu thuật. Bệnh nhân có tình trạng bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu có thể được bác sỹ gia đình điều trị. Trừ khi bệnh ù tai do các trường hợp bệnh lý có thể điều trị khỏi, thường không thể hồi phục hoàn toàn. Người ta đang tranh cãi về liệu pháp điều trị bệnh Ménière, bệnh mà điều trị gồm lợi tiểu, giảm muối và chống chóng mặt với thuốc như meclizine (Antivert)

Phần lớn bệnh nhân bị ù tai thường do giảm thính lực theo tuổi, chấn động âm thanh lặp đi lặp lại hoặc yếu tố nghề nghiệp (tiếp xúc tiếng ồn). Đối với những người này, có nhiều cách điều trị. Làm mờ tiếng ù tai, ví dụ tạo ra “âm thanh trắng” bằng cách vặn đài ở giữa hai nấc, nghe nhạc ở mức thấp, nhạc nhẹ hoặc các âm thanh môi trường như tiếng sóng biển có thể có tác dụng. Vào thời gian ban ngày, khi các tiếng động thường xuyên xuất hiện thì triệu chứng ù tai thường biểu hiện rõ ràng hơn. Máy trợ thính (vì chúng có tác dụng khuếch đại âm thanh môi trường, nên cũng được dùng để làm mờ ù tai).

Có nhiều loại thuốc được dùng điều trị ù tai. Trong trường hợp có hiện tượng trầm cảm đi kèm, có thể dùng thuốc chống trầm cảm để cải thiện các triệu chứng. Thuốc an thần (ví dụ nhóm ba vòng) có thể giúp tạo giấc ngủ, giảm thời gian bệnh nhân hay bị ảnh hưởng của chứng ù tai. Tuy nhiên khi nghiên cứu lại alprazolam người ta lại không ủng hộ việc dùng benzodiazepin trong ù tai. Các thuốc khác cũng có thể có tác dụng bao gồm các thuốc ức chế kênh calci, lợi tiểu, chống co giật và gây tê. Nhưng không có thuốc nào có tác dụng tuyệt đối.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật tập luyện hành vi bao gồm cả hai phương thức thư giãn và tập trung, cũng tạo được một số thành công. Một số nhà nghiên cứu khác đã dùng phương pháp thôi miên, có thành công đối với những bệnh nhân giảm thính lực ít. Một nhóm nhỏ bệnh nhân được châm cứu nhưng không có mấy thành công. Nếu ù tai mạn tính không phải là biểu hiện của một bệnh nặng nào đó thì người bệnh có thể chắc chắn rằng mặc dù khó chịu, nhưng bệnh này không đe doạ tính mạng.

Bài trướcTheo dõi và phòng ngừa Bệnh sâu răng
Bài tiếp theoGiảm thính lực trẻ em và người lớn – Chẩn đoán và điều trị

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.