Cơ quan nghe của người là một hệ thống nhạy cảm. Khi sinh ra, tai người có thể nghe được âm thanh trong khoảng dao động từ 20 đến 20000 hertz (Hz). Càng lớn, khoảng dao động này càng thu hẹp dần, nhưng vẫn có khả năng phân biệt được rõ giọng của người ở khoảng 200 đến 4000 Hz.

Sự giảm thính lực được chia làm hai loại chính : giảm do thần kinh cảm giác và giảm do dẫn truyền. Giảm thính lực do dẫn truyền gồm tất cả các nguyên nhân cản trở sự chuyển động của âm thanh từ ống tai ngoài khi nó bắt đầu cộng hưởng với màng nhĩ, sau đó được khuếch đại và truyền đi nhờ các xương con. Giảm thính lực do thần kinh cảm giác gồm bất cứ tổn thương nào về cảm giác ở bộ phận ốc tai hoặc dây thần kinh nghe. Giảm thính lực được xem là hỗn hợp khi xuất hiện cả hai loại giảm thính lực nói trên. Giảm thính lực trung tâm tức là giảm khả năng tiếp nhận và giải mã âm thanh ở mức độ vỏ não, tức là mức độ cao hơn. Nguyên nhân gây giảm thính lực trung tâm gồm đột quỵ, nhiễm trùng, khối u tác động đến trung tâm não nơi có nhiệm vụ chuyển hoá thông tin về âm thanh. Triệu chứng đặc hiệu gồm thất ngôn bán cầu đại não, thất ngôn Wernick và điếc ngôn từ.

Giảm thính lực ở trẻ em

Chẩn đoán

Khi mới đẻ, trẻ đáp ứng với tiếng động bằng cách khóc, phản xạ Moro, chớp mắt hoặc tự vận động. Tuy nhiên không có dấu hiệu nào là đặc hiệu để phát hiện hiện tượng giảm thính lực. Trẻ điếc hoàn toàn vẫn có thể khóc và phát âm mặc dù chúng không nghe được. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở giai đoạn sớm trẻ đã có thể phân biệt âm thanh và truyền tải kích thích về tiếng động. Vì khả năng nghe bình thường là rất quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ cũng như các kỹ năng xã hội, nên việc phát hiện sự giảm thính lực ở trẻ là rất quan trọng, ở trẻ có thính lực bình thường, một tiếng động mạnh có thể làm toàn thân trẻ cử động cùng các chi, thậm chí cả trong lúc ngủ. Có thể dùng cách vỗ tay hoặc rung chuông làm thước đo, tuy nhiên trong trường hợp trẻ có nguy cơ cao bị điếc thì cần phải dùng thêm một số phương pháp kiểm tra khác.

Khi thăm khám một trẻ, những câu hỏi đặc hiệu liên quan đến tiền sử gia đình và tiền sử mang thai là cần thiết để giúp nhận biết đứa trẻ có nguy cơ giảm thính lực không. Những yếu tố này bao gồm tiền sử giảm thính lực từ khi dưới 5 tuổi ở những người thân. Thời kỳ mang thai có bị nhiễm toxoplasma, các yếu tố khác, rubella, cytomegalovirus, virus herpes simplex hoặc các bệnh nhiễm trùng có kèm phát ban, hay dùng các thuốc ví dụ như aminoglycosid. Sau đó, trong thời kỳ trẻ nhỏ, một số bệnh cũng có thể làm tổn thương khả năng nghe, đặc biệt là viêm tai giữa và viêm tai thanh dịch. Thính lực có thể giảm rõ ở trẻ có dịch trong tai giữa kéo dài, dẫn đến giảm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ, cuối cùng giảm các chức năng xã hội. Nếu một đứa trẻ đã từng bị nhiễm trùng tai, tắc mũi và chảy mũi, viêm đường hô hấp trên mạn tính hoặc viêm xoang hoặc có một dấu hiệu nguy cơ nào đó thì cần phải kiểm tra xem có giảm thính lực không. Một đứa trẻ mà cha mẹ bày tỏ sự lo lắng đến khả năng nghe của con mình thì cũng cần được kiểm tra. Quan niệm “chờ và xem” làm mất đi một khoảng thời gian đánh giá, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ của trẻ.

Việc thăm khám thường xuyên cho trẻ cũng như thăm khám lâm sàng tại bệnh viện gồm cả đánh giá về những biểu hiện chung của trẻ (vì có nhiều triệu chứng bẩm sinh có liên quan đến giảm thính lực) và phải khám tai mũi họng. Các dấu hiệu của viêm tai giữa mạn tính, có dịch hay dị ứng là rất quan trọng. Vì trẻ cần phân biệt âm thanh để phát triển ngôn ngữ và khả năng ngữ pháp một cách bình thường, nên ngưỗng được coi là giảm thính lực phải được xem là 15dB chứ không phải là 25 dB áp dụng cho người lớn. Với những trẻ có nguy cơ cao, cần hội chẩn chuyên khoa để đánh giá, bao gồm cả phương pháp đáp ứng kích thích chức năng nghe ở thân não. Đây là phương pháp đặt điện cực trên da đầu để phát hiện các dạng sóng xuất hiện trên bảng mẫu cho sẵn dựa theo các kích thích âm thanh. Hiệp hội Ngôn ngữ- Phát âm- Thính lực học Hoa Kỳ khuyến cáo dùng đáp ứng kích thích này cho tất cả các trẻ có nguy cơ cao, bao gồm các trẻ ở khoa cấp cứu sơ sinh trước khi ra viện và phải theo dõi 6 tháng một lần. Những trẻ được phát hiện giảm thính lực phải được theo dõi thường xuyên và điều trị.

Với những trẻ lớn, có thể kiểm tra thính lực tại phòng khám bằng cách dùng dụng cụ đo thính lực cầm tay hoặc máy đo thính lực của phòng khám. Đe chẩn đoán giảm thính lực do dẫn truyền hay do tiếp nhận, người ta dùng test Weber hoặc Rinne cho những trẻ có thể làm theo chỉ dẫn. Mặc dù nếu dùng máy soi tai cầm tay thì có thể đánh giá được tình trạng của màng nhĩ, nhưng đo nhĩ lượng có thể đánh giá nhạy hơn và khách quan hơn. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các mẫu nhĩ lượng đồ, trong đó mẫu của Jerger là được dùng rộng rãi hơn cả. Việc đánh giá sự phát triển ngôn ngữ cũng giúp cho việc chẩn đoán giảm thính lực. Giả sử nếu bố mẹ có phát âm bình thường thì một đứa trẻ bị điếc cũng vẫn có thể bị chậm phát triển ngôn ngữ, phát âm và dùng sai ngữ pháp.

Bảng 74.2. Các yếu tố nguy cơ gây giảm thính lực ở trẻ nhỏ.

————————————–

Tiền sử gia đình có người giảm thính lực từ khi < 5 tuổi

Đẻ non

Đẻ nhẹ cân

Vào khoa cấp cứu do phải thở máy hoặc nhiễm trùng sơ sinh

Thở máy trên dưới 10 ngày

Tăng bilirubin máu đòi hỏi phải lọc máu

Trước khi sinh bị bệnh do toxoplasma, rubella, cytomegalovirus, herpes.

Giang mai bẩm sinh

Có các dị dạng bẩm sinh lớn hoặc nhỏ, dị dạng sọ mặt tiên phát, gồm những bất thường của tal ngoài, đường chân tóc thấp, hoặc các bất thường khác xuất hiện cùng những hội chứng kết hợp với điếc.

Điểm Apgar thấp (< 3 trong 5 phút) hoặc khi sinh bị ngạt kéo dài.

Viêm màng não nhiễm khuẩn

——————————-

Điều trị

Ở trẻ giảm thính lực dẫn truyền do dị vật, nhiễm trùng hoặc dị ứng, việc điều trị nguyên nhân chính có thể cải thiện được khả năng nghe. Một bác sỹ gia đình cần phải theo dõi thường xuyên bằng cách khám tai, đo nhĩ lượng cũng như đánh giá sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu trẻ bị bệnh mạn tính mà không đáp ứng với điều trị ban đầu ví dụ như dùng kháng sinh điều trị viêm tai, thì cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa.

Nếu thấy trẻ giảm thính lực do thần kinh thì phải đưa đến bác sỹ chuyên khoa về tai. Nhiệm vụ của bác sỹ gia đình là phải phát hiện sớm, kết hợp khám hội chẩn chuyên khoa, hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân và bản thân bệnh nhân.

Giảm thính lực ở người lớn

Chẩn đoán

Giảm thính lực ở người lớn có nhiều nguyên nhân. Thông tin bệnh sử quan trọng bao gồm: 1) Khởi phát đột ngột hay từ từ?; 2) Một hay hai bên tai ?; 3) Có chấn thương, sốt hay đau tai không? Có dịch mủ hay máu không?; 4) Có kèm theo choáng váng? chóng mặt? nôn? hay ù tai?; 5) Tiền sử tiếp xúc với tiếng ồn đột ngột hay kéo dài; chấn thương do khí áp (lặn hoặc đi máy bay); 6) Người nhà có than phiền rằng bệnh nhân vặn đài quá to (dẫn truyền)?; 7) Tiếng động ở môi trường có làm cho tình hình tồi tệ hơn không (thần kinh cảm giác)?; 8) Người bệnh có dùng thuốc ví dụ như aspirin, kháng sinh, lợi tiểu hoặc thuốc điều trị ung thư?

Ống tai và màng nhĩ cần được kiểm tra để tìm dấu hiệu nhiễm trùng, sẹo cũ, bóng bình thường của xương con, phản xạ ánh sáng. Soi tai có thể xem được tổn thương cũng như tình trạng của màng nhĩ. Người ta dùng test âm thoa đặc hiệu gọi là Weber và Rinne cho mỗi bệnh nhân có nghi ngờ giảm thính lực. Mặc dù có một vài ý kiến chống lại việc dùng âm thoa ở tần số tối ưu, phần lớn người ta vẫn dùng âm thoa ở tần số 256 Hz. Nếu sau thăm khám thấy nghi ngờ có giảm thính lực thì người ta sẽ đo thính lực bằng dụng cụ đo do cơ sở khám bệnh chỉ định. Đo nhĩ lượng cũng được dùng cho người lớn để đánh giá chức năng và sự toàn vẹn của màng nhĩ.

Điều trị

Cho tới nay, nguyên nhân chính gây giảm thính lực dẫn truyền ở người lớn là cục ráy tai. Có thể lấy ráy tai bằng thìa nạo, hoặc rửa bằng nước ấm hay nước có pha peroxid.

Bài trướcCác nguyên nhân gây Ù tai
Bài tiếp theoBiểu hiện bệnh giang mai và điều trị mới nhất

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.