Cách chọn mua nấm linh chi tốt

Nên dùng linh chi được gieo trồng chuyên nghiệp vì chất lượng ổn định, bảo đảm hiệu quả và không có phản ứng phụ bất lợi. Trái với quan niệm của nhiều người, linh chi mọc hoang lại không an toàn, vì hiện nay con người khó kiểm soát được sự ô nhiễm môi trường.

Chỉ nên mua linh chi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đừng xuôi lòng trước những quảng cáo đường mật như linh chi… trên rừng, trên núi.

Linh chi chất lượng tốt thì hai mặt không bị mọt, mặt dưới có màu từ vàng chanh nhạt đến trắng. Mặt dưới linh chi có màu vàng nghệ thường không tốt, vì đó không phải là màu tự nhiên của nấm.

Nếu dùng linh chi nấu nước uống, nên chọn nấm có kích thước vừa phải, đường kính 8-20 cm. Ở kích cỡ này, nấm chưa bị hóa gỗ hoàn toàn, hàm lượng các hợp chất polysaccharide và triterpen còn cao nên dễ ly trích khi nấu trong nước.

Chuyện kể về nấm Linh Chi

Ngoại sử chép rằng trong một tiệc tân niên đãi các sứ thần ngoại quốc, Từ Hi Thái Hậu nhà Thanh đã tổ chức một bữa ăn gồm tổng cộng 365 món, kéo dài bảy ngày đêm, mỗi ngày có một món đặc biệt. Bảy món cho bảy ngày là Linh Chi, tượng tinh, sơn dương trùng, chuột bạch bao tử, óc khỉ, trứng công, và nhũ trư (heo sữa)…

Bữa tiệc kéo dài từ sáng mồng một đến mồng bảy tháng giêng. Những món ăn đãi thực khách dĩ nhiên là cầu kỳ không phải chỉ vì bào chế công phu mà còn cả tìm tòi, săn bắt hay nuôi dưỡng rất kỹ lưỡng. Thế nhưng Linh Chi là cái gì mà được đưa lên hàng đầu trong danh sách của thực đơn 365 món? Phải chăng đó là những cái nấm màu đen sì, bóng nhẫy mà chúng ta vẫn thấy người ta để hàng rổ trong các tiệm thuốc bắc? Lẽ đâu Linh Chi lại dễ dàng đến thế.

Không, chính loại nấm đó tên gọi Linh Chi, là dược thảo đứng đầu trong Bản Thảo Kinh. Bản Thảo Kinh tên nguyên thủy là Thần Nông Bản Thảo Kinh, được hình thành vào khoảng cuối đời Ðông Hán, là của người đời sau thác danh họ Thần Nông sáng tác.

Tác phẩm này tập hợp những kinh nghiệm về dược vật từ đời Hán trở về trước, tất cả 365 loại, trong đó thực vật chiếm đa số (252 vị), kế là động vật (67 vị) và sau cùng là khoáng thạch (46 vị) và có thể coi là cuốn sách về dược học đầu tiên của Trung Hoa. Cuốn kinh này chia các vị thuốc ra làm ba loại: thượng, trung và hạ phẩm. Linh Chi là dược loại đứng đầu của thượng phẩm, trên cả nhân sâm, là một dược thảo được xem là kỳ diệu, có rất nhiều hiệu năng, dùng lâu không hại, có thể giúp người ta diên niên trường thọ. Thời trước chỉ có vua chúa và vương hầu biết tới chứ người bình dân thì chỉ nghe mà không mấy khi được gặp.

Cây nấm đó còn mang nhiều huyền thoại còn lạ lùng hơn cả nhân sâm. Người ta bảo rằng nấm này chỉ mọc tại những khu rừng hoang vu, vào thời điểm nhất định, mà không phải là người có duyên phận lớn thì không gặp được. Những khối ngọc tạc theo hình chiếc nấm này gọi là ngọc như ý, tượng trưng cho sống lâu, ta thấy nơi tay các tiên ông trong tranh cổ.

Linh Chi đã được biết từ nhiều ngàn năm trước. Tần Thủy Hoàng muốn kiếm những cây nấm này nên sai đạo sĩ Từ Phúc đem 1500 đồng nam, 1500 đồng nữ dong thuyền ra Ðông Hải tìm thuốc trường sinh. Phái đoàn đó ra đi mà không thấy trở về, không biết vì mất tích ngoài biển cả hay vì không kiếm ra nên sợ không dám về phục mệnh. Có thuyết cho rằng họ đã định cư trên quần đảo Phù Tang và là tổ tiên của người Nhật hiện nay.

Lại có truyền thuyết khác nói rằng trong một lần chinh phạt xuống phía nam, đạo quân tiên phong của Tần Thủy Hoàng bị lạc vào một khe núi hiểm trở. Bất chợt họ nhìn thấy trên vách đã cheo leo phía trước thấp thoáng bóng những cô gái đầu đội những chiếc khăn màu sặc sỡ. Đại tướng Mông Điềm đích thân xua quân tràn lên với kỳ vọng bắt sống bằng được.

Nhưng đuổi mãi, đuổi mãi cho tận đỉnh núi cao phía dưới là vực sâu ngàn trượng, họ chẳng còn thấy bóng dáng các cô gái đâu cả, mà chỉ thấy những cây nấm to lớn lạ thường đang bám chặt vào vách đá bên mép vực thẳm. Tức giận, Mông Điềm vung kiếm chém lia lịa. Những cây nấm đổ gục, từ vết chém ứa ra những dòng nhựa đỏ tựa máu đào. Nhưng hết thảy quân tướng đều giật mình kinh hãi, không tin vào mắt mình: những cây nấm bị chém lại từ từ đứng dậy, các vết thương liền lại tựa hồ như chưa hề bị lưỡi kiếm hung hãn chém đứt lìa”. Câu chuyện về những cây nấm thần tiên đã làm cháy bùng lên những khát vọng vô biên được trường sinh bất lão của Tần Thủy Hoàng. Vị hoàng đế hiểu rằng: “Phải mất hàng ngàn năm kết tinh từ cái quý của mây mưa trên đỉnh núi cao và cái tinh của ngũ hành trong ngày đêm mới tạo nên được cây nấm thần tiên ấy. Đó chính là linh khí của đất trời ở nơi âm dương hòa quyện”. Và từ ngàn xưa ấy, cây nấm luôn là món ăn quý của các bậc đế vương.

Trong lịch sử không biết bao nhiêu người đã tìm cách gây giống và trồng loại nấm này nhưng đều thất bại. Mãi tới năm 1971, hai nhà bác học người Nhật tên là Yukio Naoi và Zenzaburo Kasai, giáo sư của phân khoa nông nghiệp, đại học Kyoto mới thành công trong việc gây giống và người ta mới sản xuất được vị thuốc này một cách qui mô. Từ đó Linh Chi được trồng và sử dụng trong việc bào chế chứ không chỉ là huyền thoại.

Hiện nay, thế giới hàng năm sản xuất vào khoảng 4,300 tấn, trong đó riêng Trung Hoa trồng khoảng 3000 tấn còn lại là các quốc gia Ðại Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Sri Lanka. Nhật Bản tuy tìm ra cách trồng nhưng nay chỉ sản xuất khoảng 500 tấn mỗi năm, đứng sau Trung Hoa. Kỹ nghệ trồng Linh Chi ngày càng phát triển, và tại Việt Nam nhiều nhà nông nghiệp học cũng đã nghiên cứu và thiết lập một trại trồng và bào chế Linh Chi ở Saigon từ năm 1987.

Linh Chi, viết theo kiểu phiên âm Trung Hoa Lingzhi hay Lingchih, tên gọi theo tiếng Nhật reishi, tên khoa học Ganoderma lucidum, là một loại nấm thuộc họ đa khổng (polyporaceae), thường mọc trên những cây mục. Thời xưa người ta chỉ có thể tìm thấy nấm trong rừng, trên những núi cao chứ không cách gì gây giống được. Có sách lại nói là Linh Chi chỉ tìm thấy ở phía tây núi Thái Hàng. Chính vì thế mà cây nấm này càng mang nhiều truyện thần kỳ. Trong truyện Bạch Xà tinh, Linh Chi có tác dụng cải tử hoàn sinh, làm cho người chết có thể sống lại được. Vì chưng người ta còn gọi là Linh Chi thảo nên nhiều tác giả đã cho rằng đây là một loại cây cỏ.

Thực ra, như trên đã nói, Linh Chi là một loại nấm. Trong thiên nhiên, nấm này thường chỉ có nơi rừng rậm, ít ánh sáng và độ ẩm cao. Những cây thường có Linh Chi là cây mận, dẻ (pasania), và guercus serrata. Tuy nhiên trong hàng vạn cây già, chỉ có độ hai ba cây có Linh Chi. Vì thế nấm này rất hiếm trong dạng thiên nhiên. Hơn thế nữa, nấm tìm được thường không mấy khi nguyên vẹn mà hay bị sâu bọ cắn nát. Vỏ ngoài của Linh Chi rất cứng, nên việc nẩy mầm càng thêm khó khăn và việc tìm được cây nấm trở thành huyền thoại. Khi may mắn kiếm được, người ta thường phải dấu cả người thân và coi như một gia bảo. Mỗi khi kiếm được loại nấm này, cả vùng đó mở hội ăn mừng và lập tức loại dược thảo quí dược này được đem tiến cung. Linh Chi càng huyền bí khi người ta còn đặt cho nó cái tên vạn niên Linh Chi, cho rằng ai ăn được nó sẽ trường sinh bất tử.

Tuy nhiên phần chúng ta nhìn thấy ở cây nấm chỉ là bộ phận nổi, vì chính cây nấm là phần nằm ngầm trong thớ gỗ, có tên khuẩn ti thể (mycelium), là những đường dây chằng chịt, giống như rễ cây có nhiệm vụ hút chất bổ nuôi thân. Và khi nào điều kiện còn thuận tiện, phần ngầm này tiếp tục phát triển và nẩy ra những cánh nấm. Những cây nấm này là một bộ phận tái biến chế (recyclers) quan trọng trong thiên nhiên vì nó làm gia tăng tiến trình hủ nát của thảo mộc, góp một phần quan trọng vào môi trường chúng ta đang sống. Những cây cỏ sẽ biến thành mùn nuôi sống các cây khác. Không có những cây nấm, thế giới sẽ chỉ là một bãi rác khổng lồ, chất đầy những vật liệu chết, mà phải mất một thời gian rất lâu mới tiêu đi được.

Linh Chi có nhiều hình dạng khác biệt, có cái hình nấm nhưng mũ nấm không tròn mà nhăn nheo, có thứ giống như trái thận, có thứ lại hình giống như sừng hươu. Theo Thần Nông Bản Thảo có 6 loại Linh Chi, mỗi loại có một công năng đặc biệt. Thanh chi (xanh) vị toan bình, giúp cho mắt sáng, bổ can khí, giúp cho an thần, nhân thứ, dùng lâu sẽ thân thể nhẹ nhàng, thoải mái. Xích chi (đỏ), vị đắng, chủ vị, ích tâm khí, tăng trí tuệ. Hắc chi (đen) ích thận khí, khiến cho đầu óc tinh tường. Bạch chi (trắng) ích phế khí, làm cho trí nhớ dai. Hoàng chi (vàng) ích tì khí, an thần, trung hòa. Tử chi (tím đỏ) bảo thần, ích tinh, làm cứng gân cốt, da tươi đẹp. Cả sáu loại đều có công năng giúp người ta thân thể khinh linh, tiêu sái, trẻ mãi không già, trường thọ.

Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân viết là “dùng lâu, người nhẹ nhàng, không già, sống lâu như thần tiên”. Nói chung, Linh Chi bổ đủ ngũ tạng, nhưng mỗi loại bổ một khác. Tuy nhiên những biện biệt trong Thần Nông Bản Thảo xem ra chỉ thuần lý, dựa trên ngũ hành, ngũ sắc để luận hơn là được thử nghiệm thực tế. Màu xanh thuộc mộc, chủ can nên thanh chi bổ gan, màu trắng thuộc kim, chủ phế nên bạch chi bổ phổi, màu đen thuộc thủy, chủ thận nên bổ thận, màu vàng thuộc thổ, chủ tì vị nên bổ tì. Những tác dụng và hậu quả đều do hệ luận đó mà ra.

Gần đây khi tìm được cách gây giống, những khoa học gia Nhật Bản chứng minh được rằng những cây nấm màu sắc khác nhau không phải vì khác loại mà chỉ vì môi trường và điều kiện sinh hoạt khác nhau. Thay đổi điều kiện người ta có thể có được đủ sáu loại từ cùng một giống.

Công dụng của Linh Chi

Theo giáo sư Hiroshi Hikino, một bác học chuyên về dược thảo thì Linh Chi là một trong những vị thuốc bổ quan trọng nhất trong Ðông y. Các thầy thuốc đã dùng Linh Chi trong các chứng mệt mỏi, suy nhược, tiểu đường, các chứng bệnh về gan, và nhiều chứng thuộc hệ thống đề kháng của cơ thể. Theo Lý Thời Trân trong Bản Thảo Cương Muc thì Linh Chi có tác dụng bổ tâm khí, chữa các chứng nhói ngực. Hiện nay, Linh Chi được dùng để giảm áp huyết, kích thích sự làm việc của gan, tẩy máu, và giúp cơ thể chống lại các chứng lao lực quá độ. Trong một mức độ nào đó, Linh Chi có tác dụng giải độc trong cơ thể.

Ngoài ra Linh Chi còn được dùng để chữa bệnh mất ngủ, loét dạ dày, tê thấp, suyễn, sưng cổ họng. Người ta cũng không thấy có phản ứng phụ hay tác dụng xấu nào khi dùng lâu. Người Trung Hoa hiện nay còn dùng Linh Chi để cho da mặt thêm mịn, có lẽ là do các chất hormone trong loại nấm này. Nhiều y gia Nhật Bản lại dùng Linh Chi trong các loại thuốc trị rụng tóc. Vì tác dụng bổ khí và làm tăng hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, người ta còn dùng Linh Chi để phụ với các loại thuốc trị ung thư. Bác sĩ Fukumi Morishige, một chuyên gia giải phẫu tim đang nghiên cứu công dụng của Linh Chi trong việc trị bệnh ung thư tại viện Linus Pauling Institute of Science & Medicine, Hoa Kỳ, cho biết là dùng Linh Chi chung với sinh tố C liều lượng lớn (megadose) có tác dụng mạnh hơn vì sinh tố C giúp cho việc hấp thụ dược tính của Linh Chi.

Nhiều trường hợp chữa lành hay thuyên giảm bệnh đã được bác sĩ Morishige trình bày trên các tập san y học. Những công dụng của Linh Chi vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, dùng đơn lẻ hay dùng chung với các loại dược thảo khác. Hầu như Linh Chi có thể dùng để chữa rất nhiều chứng bệnh khác nhau nên người ta đã đặt cho cái tên nấm trường sinh.

Ở Trung Hoa, Linh Chi được trồng chính yếu tại mười khu vực, bao gồm vùng ngoại ô Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Thiết Kim, và An Huy. Người Hoa thường trồng nấm trong bao vinyl để sản xuất qui mô, cho số lượng nhiều. Họ cũng còn theo phương pháp trồng trên gỗ của Nhật nhưng không thông dụng lắm. Trên thế giới, người Trung Hoa vẫn là sắc dân chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm về Linh Chi. Hiện nay trên thị trường có bán đủ loại từ nấm nguyên dạng đến bột, capsule, hay gói trà, hoặc ngâm trong rượu. Ngoài ra họ còn dùng Linh Chi trong các loại thức ăn.

Trong vòng năm mươi năm qua, con người đã tìm ra được những loại thuốc có sức đề kháng cao với vi trùng từ một số cây nấm hay mốc trong đó có những loại trụ sinh đầu tiên như penicilin, tetracycline, aureomycin. Kỹ nghệ trồng nấm cung cấp cho chúng ta một số thực phẩm dồi dào chất đạm và sinh tố. Việc trồng nấm để làm thuốc cũng ngày càng tinh vi. Chính nhờ đó người ta đã phục hồi lại được một vị thuốc mà chỉ hai mươi năm trước còn là huyền thoại vì chỉ nghe mà không mấy ai được thấy bao giờ.

Viết thêm về nấm Linh chi:

Nhóm nấm quý họ Linh chi (Ganodermataceae), sống trên cây, trên gỗ hay rễ cây mục. Nấm Linh Chi phiên âm theo tiếng Trung Quốc là lingzhi, theo tiếng Nhật là reishi. Cho tới nay đã có 386 tên loài được ghi nhận trên toàn thế giới thuộc họ Linh chi, trong đó 221 loài được các nhà khoa học công nhận, hơn 200 loài còn lại là các loài đồng nghĩa (synonym), các loài được sắp xếp nhầm vào họ Linh chi và gần 10 loài chưa định loại được. Các loài trên được sắp xếp vào các chi sau: Linh chi bóng (Ganoderma) với 166 tên (48 có thể là synonym), Hắc chi bào tử hình cầu (Amauroderma) với 96 tên (41 có thể là synonym), Linh chi bào tử có rãnh dọc (Haddowia) với 5 loài (2 loài có thể là synonym) và các chi Linh chi bào tử mạng lưới (Humphreya) với 10 loài (3 loài có thể là synonym), Linh chi hải miên (Tomophagus) với 2 loài (1 loài có thể là synonym), Linh chi không bóng (Elfvingia) với 51 loài (21 loài có thể là synonym) có khi còn được một số tác giả gộp chung vào chi Linh chi bóng.

Đặc trưng cơ bản của nấm linh chi là có hệ sợi nấm ban đầu màu trắng, mọc kí sinh hay hoại sinh trong cây, trong gỗ hay trên đất giàu mùn gỗ, khi gặp điều kiện thuận lợi hình thành nên quả thể nấm chất bần đến chất gỗ, có khi hoá sừng rất cứng. Chúng có thể có cuống hay không có cuống với phần thịt nấm ở trên và ống nấm ở phía dưới. Nấm linh chi có bào tử đặc trưng gồm hai lớp (hình cầu đến hình trứng cụt đầu, đôi khi có các gờ trang trí theo chiều dọc hay mạng lưới đặc trưng cho từng chi). Nhóm nấm linh chi bao gồm các loài sống một năm (đơn niên) và các loài sống nhiều năm (đa niên được gọi là cổ NLC). Phân bố trên toàn thế giới nhưng phong phú và đang dạng nhất là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Nhóm nấm linh chi bao gồm các loài sống kí sinh trên cây gây mục ruỗng, trên cây chết hoặc đã chặt hạ, trên rễ cây mục hoặc đất có mùn gỗ mục và thường là các loài có hệ enzim mạnh, phân huỷ gỗ cây nên mục trắng gỗ, gây hại cây rừng cũng như cây công nghiệp, cây ăn quả. Tuy nhiên từ trước Công nguyên, nấm linh chi đã được coi là vị thuốc quý, được nhân dân Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… sử dụng và được coi là thượng dược, có khi còn hơn cả nhân sâm. Gần đây, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học của nấm linh chi, trong đó đáng kể nhất là một số polisacarit, peptit và đặc biệt là hơn 100 tritecpenoit (ganoderic, ganodermic axit…). Các hợp chất trên có tác dụng kháng khuẩn, giảm cholesterol trong máu, giữ vững và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chống oxi hoá… Vì vậy chúng có khả năng phòng chống nhiều bệnh hiểm nghèo thuộc hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ bài tiết, ung thư… cũng như tăng tuổi thọ và nâng cao trí nhớ.

Ở Việt Nam đã định tên được hơn 40 loài nấm linh chi và còn hàng chục loài khác mới chỉ định tên được đến chi. Khu hệ nấm linh chi của Việt Nam rất đa dạng về thành phần loài và dạng sống (có loài đường kính lớn tới 110 cm), nhiều loài rất quý hiếm có giá trị dược liệu cao cần được nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen và sử dụng hợp lí để giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, xử lí môi trường và giữ cân bằng cho hệ sinh thái bền vững của đất nước

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.