Cây lá Bỏng

* Tên khoa học: Kalanchoe pinata (Lam.) Pers.

* Họ: Thuốc bỏng (Crassulaceae).

* Tên khác: Cây sống đời, Diệp sinh căn, Thuốc bỏng, trường sinh, đả bất tử, tầu púa sung (Dao).

* Mô tả: Cây cỏ, sống lâu năm, cao 40 – 60cm. Thân tròn, nhẵn, có đốm tía. Lá mọc đối, nguyên hoặc xẻ 3 thùy, ít khi 5 – 7. Phiến lá dày, mọng nước, có răng cưa tròn ở mép. Hoa mọc thõng xuống, màu đỏ hoặc vàng cam tụ tập thành xim trên một cán dài ở ngọn thân. Quả gồm 4 đại.

* Phân bố: Mọc hoang và được trồng làm cảnh ở nhiều nơi nước ta.

* Trồng trọt: Trồng bằng lá, vì nó có thể tạo thành cây ra từ nách các vết khía của mép lá. Có khả năng phát triển trồng ở các vùng chuyên canh

* Bộ phận dùng: Lá

* Thu hái, chế biến: Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi

* Thành phần hoá học: Lá chứa acid malic, isocitric, citric, succinic, fumaric, pyruvic, oxalacetic, lactic, oxalic và một số acid hữu cơ khác. Còn có các glucosid flavonoic như quercetin 3-diarabinosid, kaempferol 3-glucosid, các hợp chất phenolic bao gồm acid p-cumaric, syringic, cafeic, p-hydroxybenzoic.

* Công năng: Tiêu thũng, giảm đau, sinh cơ.

* Công dụng:

Ngọn và lá non có thể thái nhỏ nấu canh ăn. Thường dùng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt và cầm máu. Cũng dùng chữa viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu. Do có tác dụng kháng khuẩn nên nó được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác.

Cách dùng: Lá tươi giã nát đắp hoặc vắt lấy nước bôi hàng ngày. Để uống trong, dùng lá tươi (40g), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước hoặc hoà nước chín, lọc lấy nước cốt để uống.

Lá tươi giã nát, vắt lấy nước, nhỏ vào tai chữa viêm tai giữa cấp tính. Cũng nước lá tươi, thêm rượu và đường uống chữa bị đòn ngã, bị thương thổ huyết.

* Cách dùng, liều dùng:

Dùng trong, ngày 20 – 40g giã tươi, thêm nước và gạn uống. Dùng ngoài, lấy lá tươi giã nhỏ, đắp hoặc chế thành dạng thuốc mỡ để bôi.

* Bài thuốc :

Chữa chấn thương do té ngã, đánh đập; bỏng do lửa hay nước sôi và bỏng do nóng: dùng lá bỏng tươi giã nhuyễn đắp lên.

Viêm họng: ăn 10 lá bỏng , chia làm 10 lần trong ngày (sáng 4 lá, chiều 4 lá, tối 2 lá), nên nhai ngậm và nuốt cả bã, dùng khoảng 3 ngày.

Chữa viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội đi ngoài ra máu: lấy một nắm lá tươi (50g), vò lấy nước uống hoặc sắc uống.

Mất sữa: sáng và chiều mỗi lần ăn 8 lá bỏng; người mất ngủ dùng đơn này, thì giấc ngủ sẽ đến sớm.

Chữa kiết lỵ và bệnh trĩ: lá bỏng, rau sam mỗi thứ 20g nhai nuốt nước hay sắc uống; hoặc mỗi ngày ăn 20 lá bỏng (sáng 8 lá, chiều 8 lá, tối 4 lá), ăn khoảng 5 ngày.

Giải rượu: khi say rượu ăn 10 lá bỏng, khoảng 10 phút có tác dụng giải rượu.

Chữa viêm xoang mũi: giã nát 2 lá bỏng lấy nước thấm vào bông, nút lỗ mũi bên viêm, ngày 4-5 lần; nếu viêm cả 2 bên, thì sáng nút 1 bên, chiều nút 1 bên. Cách này còn dùng cho người bị chảy máu cam.

Chữa phong ngứa không rõ lý do: dùng lá bỏng, lá nghễ răm, lá ké, lá bồ hòn, nấu nước xông và tắm; dùng thêm lá ké đầu ngựa, sắc uống trong vài ngày.

Chữa chứng đại tiện ra máu: Lấy 30g lá bỏng, 10g cỏ nhọ nồi, 10g ngải cứu (sao cháy), 10g lá trắc bá (sao cháy) sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

Chữa viêm tai giữa cấp tính: Lá bỏng giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào tai.

Ðau mắt đỏ và đau mắt hột: Trước khi ngủ, đánh răng, nạo lưỡi sạch, nhai 3 lá bỏng, mút bớt nước, đặt bã vào gạc vải (vô trùng) đắp vào mắt buộc chặt, sáng tháo ra, rửa mắt bằng nước pha muối. Làm như trên 3 ngày liền sẽ khỏi.

Chữa đau mắt đỏ: Giã nát lá bỏng đắp vào mắt.

Chữa đổ máu cam: Nhai 1, 2 lá bỏng, lấy nước nhai thấm bông gòn đặt vào lỗ mũi độ 10 phút sau sẽ khỏi.

Chữa mất ngủ: Chiều và tối, ăn mỗi lần 8 lá, giấc ngủ sẽ đến sớm.

Chữa mụn nhọt khi chưa có mủ: Lấy 30g lá bỏng, 15g lá đại, 20g lá táo. Rửa sạch, giã nát đắp vào mụn ngày 1 – 2 lần.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.