Bạch phục linh (phục linh, bạch linh)

Poria

Là nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông –Poria cocosWolf. Họ Nấm lỗ –Polyporaceae.

Nấm mọc bên cạnh hoặc đầu rễ gọi là bạch phục linh, mọc ở xung quanh rễ khi đào lên có rễ thông ở giữa nấm thì gọi là phục thần.

phục linh

Bạch phục linh

Tính vị: vị ngọt, nhạt, tính bình.

Quy kinh bạch phục linh: vào kinh tâm, phế, thận, tỳ và vị.

Công năng bạch phục linh: Lợi thuỷ, thẩm thấp, kiện tỳ và định tâm.

Chủ trị bạch phục linh:

Dùng trong các bệnh tiểu tiện bí, đái buốt, nước tiểu đỏ, đục, lượng nước tiểu ít, người phù thũng.

Dùng trong các bệnh của tạng tỳ bị hư nhược gây ỉa lỏng.

Trị tâm thần bất an, tim loạn nhịp, hồi hộp. mất ngủ, hay quên.

Liều dùng: 12 – 16g/ ngày.

Tham khảo thêm

BẠCH PHỤC LINH (白茯苓)

(Sclerotium Poriae Cocos)

茯苓味淡,渗湿利窍,白化痰涎,赤通水道。(去皮。)

Hán việt: Phục linh vị đạm, thẩm thấp lợi khiếu, Bạch hóa đờm diên, Xích thông thủy đạo. (khứ bì)

Dịch nghĩa: Phục linh vị nhạt, công dụng thẩm thấp, thông lợi cho các khiếu, Bạch phục linh thì trừ được đờm dãi, Xích phục linh thì thông lợi tiểu tiện. ( khi sử dụng thì bỏ vỏ.)

Giới thiệu:

Còn có tên là Bạch linh, Bạch phục linh là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ cây Thông, có tên thực vật là Poria cocos (Schw). Wolf thuộc họ Nấm lỗ (polyporaceae), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Nấm mọc hoại sinh trên rễ cây thông. Quả thể hình khối to, có thể nặng tới 5kg nhỏ cũng có thể bằng nắm tay, mặt ngoài màu xám đen, nhăn nheo có khi hình bướu, cắt ngang sẽ thấy mặt lổn nhổn màu trắng hoặc hồng xám có khi có rễ thông ở giữa nấm. Vỏ xám đen, thịt trắng, rắn chắc là tốt (lâu năm). Xốp nhẹ là xấu (còn non).

1/ Bộ phận dùng

Thể quả của nấm có hình dạng không đều, đường kính có thể đạt 10 – 30 cm hoặc hơn, nằm sâu dưới mặt đất 20 – 30 cm.

Phục linh trồng cho thu hoạch sau 2 năm, loại tốt nhất phải sau 3 – 4 năm.

Phục linh chia làm nhiều loại:

Phục linh bì: vỏ ngoài của “củ” Phục linh .

Xích Phục linh: lớp thứ 2 sau phần vỏ, hơi hồng hay nâu nhạt.

Bạch Phục linh: phần bên trong, màu trắng.

Phục thần: “củ” Phục linh ôm rễ thông bên trong.

2/ Tính vị qui kinh:

Vị nhạt tính bình, qui kinh Tâm Tỳ Thận.

Theo các sách thuốc cổ:

Sách Bản kinh: vị ngọt tính bình.

Sách Y học khởi nguyên: tính ôn vị nhạt.

Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập phế, tỳ, tiểu tràng kinh.

3/Thành phần chủ yếu:

Beta-pachyman, beta-pachymanase, pachymic acid, tumulosic acid, 3-beta-hydroxylanosta-7, 9(11), 24-trien-21-oilic acid, chitin, protein, mỡ, gluco, sterol, histamin, lecithin, gum, lipase, choline, adenine.

4/Tác dụng dược lý:

Thuốc có tác dụng lợi thủy thảm thấp, kiện tỳ, an thần. Chủ trị các chứng tiểu khó ít, phù, chứng đàm ẩm, tỳ khí hư nhược, hồi hộp, mất ngủ.

Trích đoạn y văn cổ:

Sách Bản kinh: ” chủ ngược sườn khí nghịch, tinh thần lo lắng, sợ hãi, tâm hạ kết thống (đau tức mõm ức), nóng lạnh bứt rứt, khái nghịch (ho khó thở), mồm lưỡi khô, lợi tiểu tiện”.

Sách Bản thảo diễn nghĩa: ” Phục linh, phục thần có tác dụng hành thủy mạnh, ích tâm tỳ ít”.

Sách Bản thảo cương mục: ” chứng tâm hư phong huyền, thiếu Phục linh không trị được .”

5/ Công dụng:

Phục linh được dùng làm thuốc bổ chữa suy nhược, chóng mặt, di mộng tinh; lợi tiểu, chữa phù thũng, bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, ăn kém; an thần, trấn tĩnh, chữa mất ngủ.

Tài liệu Trung Quốc còn nghiên cứu Phục linh có tác dụng tăng cường miễn dịch, làm tăng chỉ số thực bào ở Chuột cống trắng, có tác dụng an thần, chống loét dạ dày, hạ đường huyết và có tác dụng bảo vệ gan.

Mỗi bộ phận của Phục linh đều có tác dụng riêng biệt:

Bạch Phục linh hoặc Bạch linh, ngoài có tác dụng lợi thuỷ trừ thấp, còn có tác dụng bổ tỳ vị chữa bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, kém ăn và thuốc bổ toàn thân chữa suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, di mộng tinh. Bạch linh cũng có tác dụng an thần.

Phục linh bì có tác dụng ưu tiên về lợi tiểu, tiêu thũng, chống phù.

Xích Phục linh hoặc xích linh có tác dụng chính là hành thuỷ, lợi thấp nhiệt.

Phục thần có tác dụng an thần, chữa sợ hãi, hồi hộp, mất ngủ, sầu uất, đần độn, mất trí, tinh thần bạc nhược.

6/ Cách bào chế:

Theo Trung y: Dùng thịt, bỏ lõi gân, giã nát nhỏ cho vào chậu đổ nước và quấy đục lên, thứ nào nổi lên thì vớt đi (uống vào làm nhỏ đồng tử, mồ mắt) (Lôi Công). Theo Đạo Hoàng Cảnh dùng làm hoàn tán thì nấu sôi lên vài dạo thái nhỏ, phơi khô. Khi dùng tẩm sữa rồi đồ lên mà dùng.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Ngâm nấm một ngày, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, đồ lên, thái mỏng 2 – 3 ly, phơi khô hay sấy khô. Khi dùng sắc với thuốc thang.

Theo Viện Đông y: Sau khi phơi khô, tán bột. Khi thuốc thang đã sắc được rồi thì cho vào nước sắc mà uống có tác dụng hơn vì pachymose không tan khi sắc. Vỏ nấm: rửa qua, phơi khô.

7/ Bảo quản: Để nơi mát, khô ráo, đậy kín, không nên để quá khô, quá nóng vì dễ bị nứt vụn và mất tính chất dính.

Ghi chú: Phục thần là một loại với bạch linh, chỉ khác là nấm này mọc bao xung quanh rễ, do đó ở giữa có lõi rễ cây thông dùng làm thuốc trấn tĩnh, an thần, nhập kinh tâm. Cách bào chế cũng như bạch linh.

Xích linh cũng là cùng loại với bạch linh nhưng thịt đỏ, do lâu năm mà hóa thành, dùng trị các chứng ngoại cảm. Cách bào chế cũng như bạch linh.

Bài trướcKhiên ngưu tử ( hắc sửu, bạch sửu)
Bài tiếp theoRâu ngô

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.