NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

ĐẠI CƯƠNG

Nguyên nhân gây bệnh theo YHCT bao gồm:

Lục dâm: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa. Đây là những bệnh lý do ảnh hưởng của hoàn cảnh thiên nhiên (khí hậu, địa lý) trên con người gây nên.

Tình chí: Vui, giận, buồn, lo nghĩ, kinh sợ. Đây là những bệnh lý gây nên bởi những rối loạn về trạng thái tâm lý có liên quan chặt chẽ đến hòan cảnh xã hội.

Những nguyên nhân khác: ăn uống không điều độ, hoặc quá nhiều hoặc quá thiếu; Làm việc nặng nhọc quá sức; Sang chấn; Hoạt động tình dục vô độ.

NHÓM NGUYÊN NHÂN BÊN NGOÀI

Do 6 thứ khí: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa, khi trở thành nguyên nhân gây bệnh gọi là Lục dâm hay Lục tà.

Lục khí (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa) là khí hậu bình thường trong bốn mùa biến đổi theo quy luật chung. Bình thường các loại khí hậu này cần thiết cho sự sống, cho sức khỏe. Chỉ khi trái thường, trở nên thái quá hoặc bất cập, hoặc xuất hiện không đúng với thời tiết thì sẽ gây bệnh. Khi ấy, Lục khí được gọi là Lục dâm.

Lục dâm gây ra những bệnh gọi là Ngoại cảm (bệnh do bên ngoài đưa tới), luôn luôn có quan hệ với thời tiết như: Phong (mùa Xuân), Hàn (mùa Đông), Thử (mùa Hè), Táo (mùa Thu), Thử (cuối Hạ) … Ví dụ: Mùa Xuân nhiều bệnh do Phong, mùa Hạ nhiều bệnh do Thử, mùa cuối Hạ nhiều bệnh do Thấp, mùa Thu nhiều bệnh do Táo; mùa Đông nhiều bệnh do Hàn. Quy luật chung của bệnh Ngoại cảm là phát sinh có liên quan đến thời tiết. Nhưng khí hậu thay đổi rất phức tạp, cơ địa mỗi người cũng khác nhau, cho nên cùng một thời tiết, bệnh Ngoại cảm có thể phát sinh nhiều dạng khác nhau và cùng một bệnh mà lại có thể do nhiều lọai tà khí gây nên. Ngoài ra trong quá trình phát triển, bệnh cảnh cũng có thể biến đổi như Nhiệt cực sinh Phong hoặc Thấp uất hóa Nhiệt.

Cũng cần phân biệt sáu thứ Khí trên là lục Khí từ ngoài thiên nhiên môi trường đưa tới với sáu loại Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa do rối loạn công năng của các tạng phủ gây nên. Chúng được gọi tên là: Nội Phong, Nội Hàn, Nội Thấp, Nội Táo, Nội Nhiệt và không được đề cập trong phần Ngoại nhân dưới đây.

2.1. Phong

Tượng là gió, chủ khí mùa xuân (nhưng mùa nào cũng có thể gây bệnh), thường hay kết hợp với các tà khí khác mà gây bệnh.

Ví dụ:

Phong hợp với Hàn thì thành Phong Hàn.

Hợp với Thử thì thành Phong Thử.

Hợp với Nhiệt thì thành Phong Nhiệt.

Hợp với Thấp thì thành Phong Thấp.

Cho nên Phong đứng hàng đầu của bệnh Ngoại cảm. Thiên Phong luận – sách Tố vấn viết:“Phong đứng đầu trăm bệnh”. Thiên Sinh khí thông thiên luận viết:“Phong là sự bắt đầu của trăm bệnh”.

2.1.1. Đặc tính của Phong

Là Dương tà hay đi lên và ra ngoài nên hay gây bệnh ở phần trên cơ thể (đầu, mặt) và phần ngoài cơ thể (cơ biểu) làm da lông khai tiết: Ra mồ hôi, sợ gió, mạch phù …

Hay di động và biến hóa: Hay thay đổi vị trí đau, thay đổi cường độ đau.

Ví dụ:

Bệnh do Ngoại Phong gây ra thường phát không có chỗ nhất định và biến hóa nhiều cách (nặng, nhẹ, mau lẹ)

Đau do Phong hay di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác như trong đau khớp.

2.1.2. Các chứng hay xuất hiện do Phong

Cảm mạo do lạnh, ngạt mũi, chảy nước mũi, sợ lạnh, sợ gió, mạch phù.

Đau nhức khớp do lạnh.

Ban chẩn.

Phong nhiệt:

Cảm cúm kèm sốt, sợ gió, không sợ lạnh, họng đỏ, đau, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.b. Phong thấp :

Đau thần kinh tọa.

Đau thần kinh ngoại biên.

2.2. Hàn

Tượng là lạnh, chủ khí mùa đông, gây ra bệnh ở cơ thể bằng 2 cách:

Thương hàn là Hàn phạm vào cơ biểu bên ngoài và truyền biến theo sáu cách (Lục kinh hình chứng).

Trúng hàn là Hàn trực trúng vào Tạng Phủ.

2.2.1. Đặc tính của Hàn

Hàn là âm tà, rất dễ hại đến Dương khí (phần Dương) như trường hợp cảm mạo (phạm vào phần cơ biểu, phần vệ).

Có tính làm bế tắc, làm ngưng trệ gây chứng khí huyết ứ trệ, đau nhức.

Có tính thu vào, co rút lại nên gây các chứng cơ co rút, co cứng.

2.2.2. Các chứng bệnh hay xuất hiện do Hàn ư Cảm mạo (thường kết hợp với Phong).

Tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa (Hàn thấp khốn Tỳ).

Đau bụng dưới, đau bụng khi hành kinh (Hàn trệ Can mạch).

Đau thần kinh tọa, đau nhức khớp, thường phối hợp với các tà khí khác.

2.3. Thử

Tượng của Thử là nắng, chủ khí mùa Hạ

2.3.1. Đặc tính của Thử

Là Dương tà, hay gây sốt và gây viêm nhiễm: Sốt cao, mạch hồng, ra mồ hôi.

Có tính hay đi lên trên, tản ra ngoài gọi là Thăng tán. Cho nên Thử tà xâm phạm vào cơ thể hay làm cho lỗ chân lông mở ra, tấu lý bị sơ hở, mồ hôi ra nhiều

Hay phối hợp với Thấp tà, lúc cuối hạ sang thu, gây chứng ỉa chảy, lỵ.

2.3.2. Các chứng bệnh hay xuất hiện do Thử

Thử nhiệt

Nhẹ gọi là Thương thử, nặng gọi là Trúng thử.

Thương thử: Sốt về mùa hè, vật vã, khát, mệt mỏi.

Trúng thử: Say nắng, nhẹ thì hoa mắt, chóng mặt. Nặng thì đột nhiên hôn mê, bất tỉnh, khò khè, ra mồ hôi lạnh, chân tay quyết lãnh. b. Thử thấp

Tiêu chảy về mùa hè, kiết lỵ, ỉa chảy nhiễm trùng.

2.4. Thấp

Tượng của Thấp là ẩm thấp, chủ khí cuối mùa Hạ.

2.4.1. Đặc tính của Thấp

Thấp là âm tà, hay làm tổn thương Dương khí , gây trở ngại cho khí vận hành như trường hợp Hàn thấp khốn Tỳ, gây trở ngại chức năng vận hóa của Tỳ Dương.

Có tính nặng đục. Nếu Thấp trúng ở phần biểu thì sinh ra chứng rét sốt ra mồ hôi, mình nặng, chân tay mỏi rũ, khắp mình đau ê ẩm, khớp xương đau nhức, hoặc sinh các chứng da thịt mềm nhũn, tê dại không biết đau ngứa, gân mạch chùng dãn. Thấp trúng phần đầu thì đầu nặng. Thấp trúng phần dưới thì các chứng đầu gối sưng đau, phù thũng hoặc chân yếu đi lại khó khăn.

Hay bài tiết ra các chất đục (Thấp trọc ) như đại tiện lỏng, tiểu đục, chảy nước ở các sang thương ngoài da (bệnh chàm),

Thấp hay gây dính nhớt như miệng dính nhớt, tiểu tiện khó (sáp).

2.4.2. Các chứng bệnh hay xuất hiện do Thấp

Thấp tà cũng thường phối hợp với các tà khí khác như Phong, Hàn, Thử, Nhiệt mà gây bệnh:

Phong thấp.

Hàn thấp.

Thử thấp.

Thấp nhiệt.

Bao gồm tất cả các bệnh nhiễm trùng ở các tiêu hóa, hệ tiết niệu, sinh dục như viêm gan, viêm đường mật, lỵ, tiêu chảy, viêm niệu đạo …

2.5. Táo

Tượng của Táo là khô, chủ khí mùa thu. Táo tà xâm nhập vào cơ thể bắt

đầu từ mũi, miệng gây ra ôn táo và Lương táo

2.5.1. Đặc tính của Táo

Táo tính khô, hay làm tổn thương tân dịch: mũi khô, họng khô, da khô, đại tiện táo, nước tiểu ít, ho khan, đàm ít.

2.5.2. Các chứng bệnh hay xuất hiện do Táo

Lương táo

Sốt, sợ lạnh, đau đầu, không có mồ hôi, họng khô, ho đờm ít, hay gặp ở chứng cảm mạo do lạnh về mùa thu

ôn táo

Sốt cao, ít sợ lạnh, đau đầu, đau ngực, mũi khô, miệng khát, tâm phiền,

đầu lưỡi đỏ, hay gây chứng mất tân dịch (Âm hư , Huyết nhiệt)

2.6. Hỏa

Hỏa và Nhiệt là một khí trong lục dâm, chỉ khác nhau về mức độ nặng và nhẹ: Hỏa là Nhiệt nặng hơn, Nhiệt là Hỏa nhẹ hơn, cho nên Nhiệt cực có thể hóa Hỏa.

Ngoài ra, các tà khí như Phong, Hàn, Thấp, Táo ở điều kiện nhất định đều có thể hóa Nhiệt, sinh Hỏa gọi là Ngũ khí hóa Hỏa.Ngũ khí hóa Hỏa là thứ Hỏa do Ngoại cảm sinh ra.

2.6.1. Đặc tính của Hỏa

Hỏa hay gây sốt: Sốt cao, phiền táo, mặt đỏ, mắt đỏ, nước tiểu đỏ, họng đỏ, sưng đau

Hỏa hay gây chứng viêm nhiệt: Loét lưỡi, sưng lợi, mắt đỏ, sưng đau.

Hỏa hay đốt tân dịch: Khát nước, miệng khô, lưỡi khô, táo.

Hỏa hay gây chảy máu (bức huyết vọng hành): Như nôn máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, xuất huyết trong các bệnh truyền nhiễm.

Tính Hỏa cấp bách, mãnh liệt cho nên những bệnh do Hỏa tà hay phát đột ngột, mạnh và nguy hiểm.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.