BẢN THẢO VẤN ĐÁP CÂU 40-45

40. Hỏi:Thân, cộng của cây thuốc ở giữa gốc và ngọn, nơi không thăng không giáng, chủ hoà, nhưng có thứ ưa đi lên, có thứ ưa đi xuống, sao vậy

Đáp:Đấy cũng phải xem khí vị nặng nhẹ để nhận định. Nếu hình dáng đã ở chổ giao tiếp trên dưới, mà khí vị hoà bình, thì không thăng không giáng, chuyên chủ hoà; thân cây Hoắc-hương. Thân cây Tử-tô, khí vị hoà bình, cho nên chuyên chủ hoà khí; Hoắc-hương vị ngọt, thì hoà khí của Tỳ-vị; Tử-tô vị cay thì hoà khí của Can-phế. Lên được xuống được, vì đều là thân cộng của cây cỏ. Trúc-nhự có hình tượng gân mạch của chu thân, thì hoà được gân mạch; Tòng-tiết có hình dáng xương đốt của nhân thân, thì hoà được xương đốt; Bạch-thông-thảo có hình dáng màng mỡ của nhân thân, cho nên thông đạt đến màng mỡ, trên thông với sữa, dưới thông với tiểu tiện. Điều là thân cây chủ hoà, lên được xuống được, tuỳ theo ý nghĩa từng loại. Đến như Vĩ-hành (thân cây lau), trong rỗng mà lên thẳng, vị lại nhạt, cho nên thuộc khí phần, chuyên đi lên, sách Kim-quỹ dùng để làm nôn ra mủ trong phế, chính là lấy ý nghĩa thấu đạt thẳng lên trên. Hà-hành (cộng sen) trong rỗng, mà khí vị nhạt, ở đáy nước mà lên khỏi nước, cho nên thăng đạt khí thanh dương. Thông-bạch (cây hành) trong rỗng mà khí vị mạnh, thì vừa lên vừa phát tán, ấy đều là thân cây, khí vị khinh thanh (nhẹ, trong sạch) cho nên đều chủ thăng. Kìa như thân cây Mộc-thông cũng thông suốt, nhưng thuộc loại dây leo, hình dáng khác với thân cây lên thẳng, vị lại đắng, rỉ nước, cho nên chủ hạ giáng mà thông lợi tiểu tiện. Tô-mộc cây gỗ vàng là thân cây, vỏ hồng vị mặn, có hình tượng huyết trong chu thân cho nên chủ hành huyết. Tần-bì là vỏ cây Tần, có hình tượng da của nhân thân, vị đắng giáng được thấp nhiệt, cho nên Trọng-cảnh dùng trị chứng da dẻ phát vàng, Tông-bì lông tơ như dệt, hình tượng mạch lạc của người vị sáp (rít) thu giáng được, cho nên dùng trị thổ huyết (mửa ra máu), nục huyết (chảy máu cam)để làm huyết của mạch lạc đi xuống. Huyết kết, Nhũ-hương nhựa của thân cây, hình tượng máu mủ của nhân thân, cho nên trị các bệnh ghẻ mủ của nhân thân. Đỗ-trọng mềm dẽo, giống gân, màng mỡ chày của người, vỏ tía đen, vị thuần hậu (dễ chịu, không gay gắt) cho nên vào Can-thận để làm mạnh gân cốt. Phàm các loại như thế kể đâu hết được, hoặc thăng hoặc giáng, hoặc bổ hoặc hoà, khí vị hình chất đều khác nhau, nên phân tách tỉ mỉ thì tự nhiên dùng đúng.

41. Hỏi:Bàn về thuốc, chỉ nói cành lá, mà không nói hoa, sao vậy?

Đáp:Hoa tức là bao quát trong cành lá, cành lá chủ tán, cho nên tính hoa phần nhiều chủ tán.

42. Hỏi:Tại sao hoa Phù-dung không chủ tán mà chủ thu? Tại sao Toàn-phúc-hoa không chủ tán mà chủ giáng?

Đáp:Đấy cũng phải xem xét hình khí, mà định. Phù-dung chịu khí thu kim, mà chất lại dính khô, cho nên thu liễm được, là thứ thuốc hay cho mụt ghẻ. Toàn-phúc-hoa thấm sương mà sinh, hoa lại hơi mặn, cho nên chủ nhuận lợi khử đàm. Kìa như Tỳ-bà-diệp lợi được, Hoè-chi (cành Hoè) thanh được đều tuỳ theo khí vị mà dùng khác nhau một cách ngẫu nhiên chứ không phải bản tính của cành lá. Cho nên phần nhiều hoa tán được là ở đầu mắt. Đầu mắt ở trên, mà hoa ở trên ngọn cây, khí rất nhẹ đi lên, cho nên phần nhiều vào đầu mắt, để tán tà. Hoa-cam-cúckhí thơm vị bình (mùi bình hoà), tán phong tà ở đầu mắt, Hoa-kim-ngân tán phong nhiệt ở đầu mắt của kinh Dương-minh. Hoa-tân-di tán được phong hàn ở trong não, mũi. Hoa-mật-mông tán phong tà trong mắt. Nhìn chung, hoa ở trên ngọn, cho nên đi lên đầu mắt; như lá ở bốn phía thì chủ tứ tán, cho nên khử phong hàn trong chu thân da thịt. Lá-tre thanh được nhiệt của cơ nhục, Trúc-diệp-thạch-cao thang của Trọng-cảnh, chính là dùng tính tán của lá tre. Lá Cúc là thuốc chủ yếu trị ghẻ lở, cũng vì tính tán, khử phong tà trong cơ nhục. Lá Hy-thiêm cũng vậy, nhưng lá Cúc nhỏ mà nhọn phân thuỳ, cho nên chủ tán sang (hết ghẻ lở). Lá Hy-thiêm lớn có lông, tính trọng yếu ở lá, chuyên tán phong khí, cho nên xưa có cao-hy-thiêm, chủ khử phong ở chu thân. Lá Sen tán được nhiệt ở da dẻ. Lá Đào tán được nóng lạnh ở huyết phần. Lá Tía-tô tán được nóng lạnh ở khí phần. Vì lá của cây cỏ phần nhiều được phong khí, cho nên phần nhiều chủ tán, sách Chu-nghĩa nói: phong dùng để tán. Lá lớn có góc, có móc, như Bát-giác-phong, Thương-nhĩ-diệp, Tuần-cốt-phong đều lá lớn mà có góc có gai, đều chủ tán phong. Phàm cành phần nhiều đi ngang cho nên chủ tứ tán, và đạt đến chân tay. Cành của Tía-tô, tán khí kết ở gân hông. Quế-chi đi đến chân tay. Cành Dâu, cành Đào, cành Hoè đều đi đến chân tay, theo hình tượng đi ngang ra bốn phía.

43. Hỏi:Dùng thuốc có dùng rễ, dùng mầm, dùng đầu dùng đuôi, dùng đốt dùng mộng, dùng gai, dùng vỏ, dùng tim, dùng chất nước, dùng gân dùng, tép múi, dùng không giống nhau, xin nói cho rõ?

Đáp:Đấy không có ý gì khác, chỉ dùng chổ chuyên chú của sức thuốc, để cho tương đắt với bệnh mà thôi. Ví như Ma-hoàng phải dùng mầm, là vì mầm nhỏ dài trong rỗng, giống như lông ở lổ chân lông, mà khí lại nhẹ bốc lên, cho nên phát hãn được, chạy thẳng đến da lông. Cũng có lúc dùng rễ Ma-hoàng, là vì rễ cứng chắc mà vị chát, cho nên chỉ hãn. Mầm rỗng thì thông, rễ chắc thì nghẹt, không thông. Cũng là lý âm dương thông nghẹt thay đổi lẫn nhau. Thường-sơn dùng mầm, là vì lên thấu cơ hoành để dẫn đờm đi lên đi ra. Thương-lục dùng rễ, là vì vào thấu trong cơ hoành, để dẫn nước đi xuống. Dùng mầm thì lên, dùng rễ thì xuống, lên xuống dùng khác nhau, cũng đều theo loại. Đương-qui dùng đầu dùng đuôi có chổ khác biệt, tính của đầu đi lên, cho nên chủ sinh huyết; tính của đuôi đi xuống, cho nên chủ hành huyết. Địa-du có dùng đầu đuôi khác nhau, khí vị ở đầu đậm cho nên hành huyết mạnh, dược vị ở đuôi nhạt, cho nên lực hành huyết nhẹ. Dùng đốt như Tòng-tiết để trị xương đốt của người. Ngưu-tất đốt giống như đầu gối, lợi được đầu gối ống chân, là vì lấy hình giống nhau. Ngó-sen trong rỗng, hành thuỷ được, cho nên dùng để hành huyết, chữa thấp nhiệt ở huyết phần, mà thanh ứ huyết được, cây sen ở trong nước, ngó sen lại tóm kết cực nhỏ, mà ở trong thông được thuỷ khí, dùng trị chứng lâm lậu, rất hay; lâm là lổ nước thông mà không thông; đốt củ sen ở trong nước, không thông mà thông; vả lại cái bao ở ngoài từ tía biến ra hồng được, lại vào huyết phần để trị chứng lâm rất hay. Dùng Mộng, Mầm non, là dùng chổ phát tiết phong tán ra ngoài, như lúa mì vẫn không sơ lợi, mà mọc mầm, thì khí thấu đạt, thông thuỷ cốc để lợi Can khí. Thóc lúa vẫn không hành trệ được; mọc mầm rồi, thì sơ lợi Tỳ thổ, khiến tiêu cơm. Đậu Nàng lên mầm, thí thăng đạt khí của tỳ vị được. Cho nên Thự-dư-hoàn của Trọng-cảnh dùng để bổ tỳ. Xích-tiểu-đậu lên mầm rồi thì thấu đạt được mủ máu, cho nên Trọng-Cảnh dùng Xích-đậu-Đương quy tán để làm vỡ mủ. Dùng gai có hai ý nghĩa: công phá giáng lợi, như gai Bù-kết, Bạch-cức. Hai thứ đó nhọn dài, cho nên chủ công phá. Ví thử gai không nhọn mà cong queo, gai không dài mà nhỏ mềm, thì không phá lợi mà hoà tán, tức phong trị gân được, như gai Câu-đằng, Hồng-mao, Ngũ-gia-bì, Bạch-tật-lê. Vì “móc gai” là thần của phong mộc, vật hấp thụ mà sinh gai, móc, góc, cho nên điều hoà Can mộc được, để tức phong, trị gân. Dùng vỏ có ý nghĩa lấy da trị da, cho nên Vỏ Gừng, vỏ Phục-linh, vỏ Quýt, vỏ cây Dâu, vỏ quả Cau, đều trị được phù thũng. Dùng Tim có ý nghĩa lấy Tim để vào Tim, cho nên Quế-tâm để làm ấm Tâm khí, Phục-thần dùng để an Tâm thần. Liên-tử-tâm dùng để thanh Tâm hoả. Trúc-diệp-tâm cũng thanh Tâm hoả được. Đấy là lấy ý nghĩa của Tâm vào Tâm. Dùng chất nước, là hoặc dùng theo hình tượng chất nước trong con người Nước-cốt-gừng, Trúc-lịch để khử đờm ẩm, trị theo chất nước, hoặc là lấy hình tượng huyết dịch trong thân thể, như nước Ngó-sen, Nhựa-đào để thanh ứ huyết, trị theo huyết dịch. Dùng gân như Tục-đoạn nhiều gân, cho nên hàn gắn vết thương nhẹ. Tần-giao thịt rối, sớ hai bên vấn vít vào nhau, cho nên trị phong ở hai bên, chứng gân mạch đau nhức. Đỗ-trọng trong có màng, gân xương trong thân thể liền với gân, gân liền với màng; màng gân của Đỗ-trọng nới ra được co rút được, rất bền dẻo, cho nên làm cứng gân cốt của người được. Trúc-nhự giống như gân mạch, thì thanh nhiệt của mạch lạc để hoà huyết. Quất-lạc, Qua-lâu đều trị được khí kết trong ngực, màng ngực, lấy sơ của Quýt, màng của Qua-lâu, giống với chẽn dừng trong ngực, cho nên trị được. Quât-bì (vỏ quýt), Phúc-bì (vỏ quả Cau to bụng) hình tròn sắc vàng, giống hình bụng người, cho nên hai thứ đó lại trị khí của đại phúc, đều lấy theo hình tượng. Các vật không giống nhau, khí vị lại khác biệt, cho nên vào Tạng-phủ để chủ cũng khác nhau, khó nêu lên hết các thứ thuốc, nên nhận xét chung vậy.

44. Hỏi:Trọng-cảnh dùng thuốc có 10 cái, 3 cây, 5 cành các phép, tựa hồ lấy số, cũng có lý. Trong Bản-thảo cũng có lấy số đặt tên, như Tam-thất, Tam-lăng, Bát-giác-hồi, Lục-thần-khúc, Ngũ-gia-bì, Lưỡng-đầu-tiêm. Đã lấy số đặt tên, có lấy số để trị không?

Đáp:Các vật trong trời đất, không ngoài hai thứ khí số. Sự thật số do khí sinh ra; khí nhiều thì số nhiều, khí ít thì số ít, được khí trước thì số ở trước, được khí sau thì số ở sau. Cho nên thuỷ sinh số 1 ở trời, hoả sinh số 2 ở đất; được khí dương thì số lẻ được khí âm thì số chẵn. Cho nên số ngũ hành trong hà đồ, lần lược sinh thành; xem số có thể lường được khí. Đến như dùng thuốc 10 cái, 3 cây, 5 cành chẳng qua là dùng lượng thuốc nhiều ít, để làm một tể. Chẳng phải lấy số đó mà nắm được quyền tạo hoá. Nếu trời đất sinh thành mà có số đó, như Tam-lăng, Tam-thất, Bát-giác-hồi-hương, Ngũ-gia-bì…..lại vì chịu khí âm dương để thành số chẳng lẻ. Bàn về thuốc, có thể lấy số chẵn lẻ, để xét định âm dương, chẳng phải số trị bệnh được. Thật ra, vì số mà biết được chổ chủ trị của thuốc. Lá-tam-thất, không ba thì bảy, số không sai, vì chịu mộc khí, cho nên được số 3; chịu hoả khí, cho nên được số 7; phù hợp với số của mộc, hoả trong hà đồ. Tạng Mộc, Hoả thuộc Can và Tâm, chủ quản huyết dịch trongthân thể. Lá Tam-thất xanh, mà có gân hồng, cũng là sắc của Mộc,Hoả, cho nên rễ hoá ứ hành huyết được; chỉ làm cho trọn vẹn việc Tâm hoả sinh huyết, Can mộc thống huyết mà thôi. Biết được ý nghĩa tên Tam-thất thì đã biết được tính. Tam-lăng sắc trắng, đắng ấm hành khí; các sách đều dùng để phá khí trong huyết, là vì mầm,lá và rễ đều có hình dáng 3 cạnh, 3 là mộc số, cho nên vào huyết phần ở Can được; sắc trắng thuộc khí, vị đắng ấm, chủ hành khí, cho nên phá khí được, là thứ thuốc hành khí trong huyết. Bát-giác-hồi khí ấm, được khí của mộc, 8 là số của mộc; ôn trung được, cũng là lấy mộc sơ thổ; Mộc tà lui mà thổ được bổ ích, là thứ thuốc bổ thổ ôn Can. Thầy thuốc ngày nay, tất thêm món này, đã thơm lại ấm, hợp với khí của dạ dày (vị khí). Lục-thần-khúc màu sắc tổng hợp của các thứ thuốc; hợp sáu thứ thuốc ủ cho nát để làm thần khúc. Theo ý nghĩa Thổ hoá vật được, Thổ vượng ở bốn phương, mà bốn phương lại qui về thổ ở giữa, cho nên sáu thứ thuốc ủ nát mà thành men, công năng chuyên vào Tỳ vị, tiêu hoá cơm nước, Lưỡng-đầu-tiên là cức chuột đực; tính chuột hay đào hang, đào vách, mà cức lại nhọn hai đầu, biết là có tính công lợi, cho nên chủ công phá (đánh phá). Đó đều là lấy số để biết rõ khí, mà việc chủ trị tự nhiên không sai. Lại như vị thuốc Nhân-sâm, Trương-cảnh-nhạc cho là dương dược, Trần-tu-viên cho là âm dược. Gọi dương dược là lấy chỗ ích khí; gọi âm dược là lấy chổsinh tân. Hai người bàn khác nhau, đều vì chưa theo khí và số của Nhân-sâm, hợp lại để xét định. Bạn tôi Diên-thứ-ngô đã đến Liêu-đông, thấy trồng Nhân-sâm đều ở trong rừng sâu, chổ ẩm ướt, thì biết là chịu khí của âm thuỷ sinh ra. Nhưng lúc sinh, thân có 3 nhánh, lá có 5 lá chét. Ba năm là số dương. Lấy khí và số hợp lại để bàn, thì biết Nhân-sâm sinh ở âm, thành ở dương. Vì ẩm ướt, rừng sâu là âm, sinh ra Nhân-sâm, thành số ba năm là dương. Khí của thân thể là dương, ở trong thận thuỷ sinh ra, từ âm sinh ra dươngm đối với Nhân-sâm dinh nơi âm mà thành ra dương, không có gì khác nhau, cho nên Sâm là thuốc thánh để bổ khí hoá tân (hoá chất tân dịch). Xem số thì biết khí, thấy được bản tính của Nhân-sâm. Còn như nói sắc trắng vào phế, vị ngọt vào tỳ, ít đắng thì sinh tân, ít ấm thì ích khí, là cách nói càng nông cạn.

45. Hỏi:Thần-nông lấy Bản-thảo đặt tên kinh, mà trong đó đề cập đến nhiều loài kim, loài đá, lần lần đến cầm thú, côn trùng, sao vậy?

Đáp:Bản-thảo kể rất nhiều loài thảo mộc, cho nên lấy đó làm chủ danh. Nhưng thảo mộc tuy đủ ngũ hành, mà khí Giáp-At (âm-dương) so với ngũ tạng lục phủ của người, phần nhiều chưa phù hợp trọn vẹn với khí hoá, cho nên lại nhờ đến kim thạch côn trùng, huyết nhục loài cầm thú, rất giống với huyết nhục của người, cho nên phần nhiều tư bổ. So với thảo mộc thì côn trùng, kim thạch rất kiến hiệu. Cỏ cây là thực vật, sâu bọ là động vật. Sức công lợi (công=đánh, phá, chống. Lợi=có ích), lợi đại tiểu tiện của động vật rất nhiều hơn thực vật, vì tính của động vật đẻ được, mà lại có tính chống đối; so với thực vật không đi được, thì sức công phá rất mạnh. Mai Rùa công phá Can khí, khử trưng hà. Xuyên-sơn-giáp tính đục núi đuợc, ở trong đất ra, cho nên phá được mụt mủ, lại cũng làm tan được tích tụ cứng. Con Đĩa nhọn bén giỏi chích, lại hút máu được, cho nên chủ về phá huyết tích, Manh-trùng bay mà hút máu, cho nên chủ về hành huyết trên dưới. Nhưng động vật đều là đồ huyết nhục, phần nhiều vào huyết phần, cho nên các thứ thuốc trên đây đều chủ công phá huyết. Chỉ có Vảy-tê-tê được tính là của kim thuỷ còn gồm cả công phá khí phần: Động thực vật, tính đều không trấn tĩnh. Chỉ có Kim-thạch tính vẫn trấn tỉnh, cho nên an hồn phách, định tinh thần, điền, tắc, trấn, giáng thì nên lấy Kim-thạch làm chủ yếu. Kim-bạc trấn được tâm thần; Tâm thần phù động, nhờ phế khí để thu liễm, cho nên Nội-kinh nói: Phế là cơ quan tướng phó, để phụ giúp cho tâm quân. Hoàng-kim (vàng) lấy khí ở phế kim, để trấn tĩnh tâm thần, cũng chẳng khác gì tướng trấn tĩnh an ủi vua. Châu-sa trấn bổ tâm thần, đi thẳng vào tâm, để trấn bổ, Long-cốt nặng, đè nén được dương khí, cho nên cũng trấn tâm thần được. Bạch-ngân (bạc) định kinh phong được; trẻ con kinh phong, đàn bà có con động thai, dùng nhiều, đó là tẩy phế kim bình can mộc, lấy sức nặng trấn áp sự phù động. Vậy: Xích-thạch-chỉ, Vũ-dư-lương, là đất trong đá, lại có tính chát, cho nên dùng để bồi đắp ở ruột dạ dày. Đồng là chất nước trong đá, màu đỏ giống như huyết cho nên vào được huyết phần, tính nấu chảy ngưng cứng được, cho nên tiếp nối gân cốt được, là thứ thuốc tiếp nối xương khi vấp té đánh đập. Tự nhiên đồng có lửa tự chảy ra, vào huyết phần chảy ra tiếp cốt, thật là vật lạ kỳ, cỏ cây sâu bọ không thể bì kịp mấy thứ ấy được. Đến như huyết nhục của cầm thú, đối với người không khác, phần nhiều bổ ích được. Thịt Heo tính bình, thì ăn thường, công năng làm trơn nhuận, chuyên chủ vào tư táo. Thịt bò tính ấm thì bổ tỳvị được. Vịt được tính của kim thuỷk, thì thịt tư phế được. Gà thì được tính của mộc hoả, thì thịt ôn can được. Thịt dê hôi mùi dê mà ôn can, gan dê rất dễ vào can, để tán khí kết, gan heo cũng vậy, so với gan dê tính rất bình, vì heo thuộc thuỷ, lấy thuỷ sinh mộc, cho nên trị được bệnh mắt. Cật heo vào thận; tuỷ xương sống vào tuỷ, đều là theo loại. Màng mỡ chai heo, giống màng mỡ của người, mà mỡ ở cột sống thuộc thứ mỡ rất nhuần trơn, lại vào màng mỡ, dùng để dẫn đường, trị được bệnh trong màng mỡ, và trị bệnh cách thực (hông ngực tắc trở, ăn uống không xuống), ruột khô. Trư-cao-phát-tiên của Trọng-cảnh, trị phân táo, tức là ý ấy. Da heo là da cổ heo, Trọng-cảnh dùng trị cổ họng đau, cũng lấy ý nghĩa dẫn vào cổ. Loài thú linh dị, không có con nào bằng Hươu nai. Đêm ngủ đầu quay về đuôi, thông được mạch đốc. Đốc là mạch của thận, chủ mạch của nhất dương trong quẻ khảm. Sinh nai ở phương bắc, được khí nhất dương của quẻ khảm, cho nên đốc mạch vượng, mà cột sống và não tuỷ rất đầy đủ, để phát lên trên sinh ra sừng. Mỗi năm thay sừng một lần, sừng mới mọc là lộc nhung, tinh khí của nhung rất đầy đủ, là một thánh dược để bổ tuỷ cường tinh, tráng dương ích huyết; nhưng tính đi lên, hễ có huyết nghịch, hoả nghịch thì không nên dùng; chỉ có huyết hư, hoả nhược, dương yếu, khí không lên, mới thích hợp. Bào thai của con nai là nguyên khí hoàn toàn, vào hạ tiêu mà không đi lên, để sinh con bổ thận, bổ bào cung là rất hay. Tính Rùa là nằm núp, mà tính ở tại mai rùa thông được nhâm mạch. Nhâm là hào âm trong quẻ Ly, dưới giao với đốc, hợp làm hình tượng ký tế. Cho nên cao Quy-bản ích âm để tư tâm thận (tư là thấm nhuần). Thật là một vị thuốc ngang hàng với lộc nhung (sừng non con nai). Hổ cốt có sức mạnh, cho nên mạnh gân khoẻ xương. Cọp gầm nổi gió, gió theo cọp, cho nên cao hổ cốt là thuốc trị trúng phong, phong đau nhức. Có nhiều loài thú ăn thịt được, và công hiệu rất lớn, các thứ kim thạch cầm thú đó giúp được chổ mà cỏ cây không bì kịp, cho nên Bản-thảo dùng thêm mấy thứ đó.

Bài trướcQuan hệ qua đường hậu môn có tác hại gì
Bài tiếp theoĐỗ trọng cùng Tục đoạn

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.