Chứng Quyết

Đại Cương

Định nghĩa:Chứng quyết là chứng đột nhiên bất tỉnh, chân tay lạnh toát, cũng là chứng khí thượng nghịch làm cho âm dương mất điều hòa không tương thuận.

Theo Tuệ Tĩnh: “Quyết chứng là chân tay giá lạnh. Khí thuộc dương, dương hư ở dưới âm lấn vào sinh giá lạnh (Hàn quyết), huyết thuộc âm, âm huyết hư ở dưới thì dương phát vào nên phát nóng (nhiệt quyết) đó là 2 chứng trạng âm dương đối lập nhau.

Đặc điểm:Quyết chứng phát tương tự như trúng phong nhưng trúng phong thì người còn ấm, mà chứng quyết thì người lạnh. Trúng phong thường có bán thân bất toại còn chứng quyết thì thời gian bất tỉnh ngắn (cũng có khi không tỉnh lại được vì quá nặng) và thường không có bán thân bất toại. Chứng quyết cũng không có biểu hiện cân cơ máy giật như chứng kính (Nam dược thần hiệu – chứng quyết).

Cũng cần phân biệt, chứng quyết có chân tay quyết lạnh song chưa hẳn cứ chân tay quyết lạnh đã có chứng quyết.

Liên hệ với YHHĐ: hay gặp trong các trường hợp: Choáng do mất máu, trúng nắng, choáng do hạ đường huyết, cơn cao huyết áp nặng, Histeria… thuộc phạm vi chứng quyết của Y học cổ truyền.

Nguyên nhân:Ngoại cảm lục dâm, nội thương thất tình, đờm, thức ăn, giun… biểu hiện trên lâm sàng tương ứng hàn quyết, nhiệt quyết, thử quyết, khí quyết, huyết quyết, đờm quyết, hồi quyết…

Cơ chế bệnh sinh:

Hàn quyết do nội tạng hư hàn dương khí không đủ để ra ôn dương tứ chi (Thuộc hư chứng)

Điểm khác:với chứng trúng hàn là người hư yếu chính khí suy, hàn tà từ ngoài vượt qua 3 kinh dương đánh thẳng vào 3 kinh âm làm các khiếu bị tắc gây bất tỉnh nhân sự, khí lạnh làm dương khí tiêu tán gây chân tay giá lạnh (thực chứng nhiều hơn hư chứng).

Nhiệt quyết thường do nội tạng ứ nhiệt đốt ở trong, dương khí uất lại ở trong không tỏa ra tứ chi.

Thử quyết thường do đi lâu, làm nặng dưới nắng gắt của mùa hạ, đột nhiên bị trúng thử tà làm khí cơ mất thăng giáng gây tắc trở cả trên và dưới gây hôn quyết.

Khí quyết do 2 nguyên nhân: Một là giận dữ hoặc khiếp sợ làm khí cơ nghịch loạn, che lấp mất tâm khiếu (thực chứng). Hai là nguyên khí suy làm việc mệt hoặc khiếp sợ làm khí hạ, thanh dương không thăng được (hư chứng).

Huyết quyết do 2 nguyên nhân: Một là can dương nguyên đã vượng, nay lại lên cơn thịnh nộ làm huyết theo khí nghịch lên, khí huyết cùng nghịch che lấp thanh khiếu (thực chứng). Hai là sau khi đẻ mất máu hoặc mất máu do các nguyên nhân khác lúc đó huyết thoát kéo theo khí thoát gây nên vựng quyết (hư chứng).

Đờm quyết thường thấy ở người to béo mà khí hư, thích ăn chất béo ngọt, uống rượu, tỳ vị bị tổn thương làm thấp tụ lại sinh đờm, đờm ứ lại ở trung tiêu làm trở ngại khí cơ gây thăng giáng mất điều hòa lâu dần, đờm làm tắc khí đạo thanh dương không lên được gây hôn quyết.

Thực quyết: Thức ăn tích lại đình ở bên trong làm bế tắc cả trên và dưới cơ hoành, khí cơ bị trở ngại nghẽn tắc gây quyết (thường gặp ở trẻ em). Người lớn ăn no gặp việc giận dữ thì thực khí chèn nhau cũng dễ xảy ra chứng quyết.

Hồi quyết do hàn lại bị giun đũa công kích gây nên.

Triệu chứng: Gồm 2 loại chứng thực và chứng hư:

Xử Trí Cấp Cứu Chứng Quyết

Chứng thực

Triệu chứng:Thở thô, chân tay cứng, răng cắn chặt, mạch thực.

Pháp điều trị:Khai khiếu tỉnh thần: Giật tóc mai, châm nhân trung, thập tuyên chích nặn máu.

Phương thuốc:Trích từ thuốc nam châm cứu

Bài 1: Sinh khương 20g, rượu trắng 30ml. Giã vắt nước cốt gừng hòa với rượu hâm lên cho ấm, đổ cho uống mỗi lần 10ml, uống cho đến lúc tỉnh (Trúng hàn bất tỉnh).

Bài 2: Nước tiểu trẻ em cho uống 30 ml (Trúng thử bất tỉnh)

Bài 3: Ngải cứu 20g, nước tiểu trẻ em 1 bát, giã nát ngải cứu, cho nước tiểu trẻ em vào hòa đều, vắt lấy nước cốt, bỏ bã. Uống 2 thìa canh 1 lần, ngày uống nhiều lần (điều trị như trúng phong bất tỉnh thể dương bế).

Phương thuốc dùng ngoài: bồ kết bỏ hạt nướng vàng12g, bán hạ sống 10g, tán mịn, dùng lượng bằng hạt đậu xanh thổi vào mũi để thông quan khai khiếu, khi bệnh nhân hắt hơi được là tốt.

Chứng hư

Triệu chứng: Thở yếu, mồm há, chân tay lạnh, mạch vi tế.

Pháp điều trị:Hồi dương cứu thoát.

Phương thuốc:“Sâm phụ thang”

Nhân sâm 10g (tẩm gừng), phụ tử chế 6 – 8g sắc lấy 100ml uống làm 2 lần. Nếu bệnh nhân không tự uống được phải cậy răng, nghiêng đầu để đổ thuốc, nếu không nuốt được phải cho qua ống xông.

Phương thuốc dùng ngoài:(bài này còn dùng trong điều trị chứng trúng hàn)

Hành củ 50g, cám gạo 60g, muối 30g hoặc chỉ dùng một vị hành củ giã nát, sao nóng chia 2 gói bằng vải thay đổi nhau chườm lên rốn hoặc cứu huyệt thần khuyết đến khi chân tay ấm.

Hoặc ngải cứu cứu thần khuyết cho tới khi chân tay ấm.

Các chứng trên sau khi qua giai đoạn cấp cứu bệnh nhân tỉnh thì tiếp tục điều trị theo nguyên nhân.

Xử trí sau cấp cứu chứng quyết

1. Khí quyết

Triệu chứng: Bị kích động bất tỉnh nhân sự, chân tay quyết lạnh, ngực đày, khó thở, tay nắm, rêu lưỡi trắng, mạch trầm huyền hoặc phục (thực chứng).

Pháp điều trị: Thuận khí khai uất (thuận khí điều can).

Phương: „Ngũ ma ẩm tử“ gồm 5 vị thuốc hành khí: Mộc hương 6g, chỉ thực 9g, trầm hương 6g, ô dược 9g, tân lang 9g (Binh lang).

Trong đó trầm hương, ô dược để thuận khí khai uất (Sơ can), mộc hương, chỉ thực, tân lang để hành khí hóa trệ, giáng nghịch

Trường hợp hư chứng: khí thoát, bất tỉnh, thở yếu vã mồ hôi, thân thể lạnh, mạch vi nhược dùng bài Tứ vị hồi dương ẩm (=Tứ nghịch thang+Nhân sâm)

Huyết quyết

Triệu chứng: Sau mất máu cấp, đột nhiên bất tỉnh, mặt tái bệch, môi bệch, chân tay máy động, tự hãn, chân tay lạnh, thở yếu, mạch vi tế (thuộc hư chứng).

Pháp điều trị: bổ dưỡng khí huyết

Phương: Độc sâm thang dùng ngay để bổ dưỡng nguyên khí sau đó dùng nhân sâm dưỡng vinh thang hoặc Quy tỳ thang.

Trường hợp đột nhiên bất tỉnh, răng cắn chặt, tai nóng, mặt đỏ, mạch huyền, chân tay quyết lạnh (Thực chứng)

Điều trị: Hoạt huyết, thuận khí

Phương: Thông ứ tiễn hoặc hóa can tiễn.

Thử quyết (liên hệ YHHĐ: Say nắng, say nóng)

Triệu chứng:

a- Bị trúng thử, (say nắng) bất tỉnh, vã mồ hôi, thở dốc, mặt bệch, da lạnh, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Thử nhiệt xâm nhập, thanh khiếu bị đóng lại nên hôn mê, thử nhiệt nung nấu bên trong tân dịch tiết ra ngoài nên toát mồ hôi, nhiệt uất vào sâu khí cơ khó cử động, tay chân da dẻ lạnh)

Pháp điều trị: Giải thử, ích khí

Phương: Nhân sâm bạch hổ thang hoặc trúc diệp thạch cao thang.

b- Nếu trúng thử (Say nóng: Nhiệt uất bên ngoài) có da nóng, mặt đỏ, mạch hư huyền sác

Pháp điều trị: trừ thử, lợi thấp

Phương: Lục nhất tán.

Nếu mồ hôi ra nhiều, tay chân lạnh dùng sinh mạch tán gia vị Biển đậu, hà diệp để thanh thử.

4. Hàn quyết

Triệu chứng: Chân tay quyết lạnh, nằm co, không khát, mặt bệch, nước tiểu trong, mạch trầm trì tế.

Pháp điều trị: Ôn kinh, tán hàn.

Phương: Phụ tử lý trung thang hoặc “Tứ nghịch thang” (cam thảo, phụ tử, can khương) nặng hơn thì dùng Sâm Phụ để hồi dương.

5. Nhiệt quyết (liên hệ YHHĐ: Sốt cao co giật)

Triệu chứng: Khi mới bị bệnh thì người nóng, đầu đau, sau đó sốt cao khát nước, bồn chồn, phân kết, đại tiện khó, tiểu tiện ít, mạch hoạt sác, nặng thì chân tay quyết lạnh. Thông thường biểu hiện nặng nhẹ của chứng nhiệt quyết liên quan tới mức độ nhiệt nhiều hay ít, nhiệt nặng gây quyết nặng, nhiệt nhẹ gây quyết nhẹ.

Pháp điều trị: Quyết nhẹ thì dùng pháp tuyên thông dương khí bị uất lại dùng bài “tứ nghịch tán” (sài hồ, chỉ thực, bạch thược, cam thảo).

Phương: Quyết nặng tà vào dương minh chưa vào phủ (Chưa có táo kết) thì dùng pháp thanh nhiệt sinh tân bài thuốc là “bạch hổ thang”.

Nặng hơn, tà khí vào dương minh và vào phủ thì dùng pháp Cấp hạ để cứu âm dùng bài “Tiểu thừa khí thang” (Đại hoàng, chỉ thực, hậu phác)

Thực quyết

Triệu chứng: phát sau khi ăn no, rồi bị cảm phong hàn hoặc tức giận làm thức ăn ứ lại, tỳ dương không vận hóa được, bụng đày chướng chân tay quyết lạnh, bất tỉnh, rêu lưỡi dày nhớt, mạch hoạt thực.

Pháp điều trị: Hòa trung tiêu đạo

Phương: “Bảo hòa hoàn” (Đan khê tâm pháp)

= Nhị trần thang bỏ cam thảo thêm liên kiều, la bạc tử, sơn tra, thần khúc.

Nếu bệnh nhân không đi ngoài được phân táo kết dùng bài: Tiểu thừa khí thang.

Đàm quyết

Triệu chứng: người vốn có đờm, đột nhiên bất tỉnh, trong họng có đờm kêu lọc xọc hoặc nôn ra đờm rãi, chân tay quyết lạnh, lưỡi có rêu trắng bẩn, mạch trầm hoạt.

Pháp điều trị: hành khí hóa đờm

Phương: Đạo đàm thang (tế sinh phương) = Nhị trần thang thêm Nam tinh, chỉ thực.

Tổng kết

Chứng quyết là một chứng nặng, nguyên nhân các quyết nói trên tuy khác nhau nhưng bệnh lý thường do khí cơ rối loạn, thăng giáng thất thường gây nên. Khí quá thịnh bốc lên đè tắc thanh khiếu, khí hư thiếu thì khí bị hãm mà không lên, thanh dương không thư giãn đều gây ra chứng quyết.

Trên thực tế lâm sàng thường gặp khí quyết, huyết quyết và thử quyết. Khí quyết có chứng hư và thực, thực chứng do can khí không thông, khí cơ rối loạn cần dùng phép thuận khí khai uất. Hư chứng do nguyên khí vốn yếu, nhất thời khí cơ rối loạn nên dùng phép bổ khí hồi dương. Huyết quyết cũng có hư và thực, thực chứng do can khí bốc lên huyết theo khí đi lên nên dùng phép hoạt huyết thuận khí, hư chứng do mất huyết quá nhiều, huyết không dâng lên được cần bổ khí nhiếp huyết. Thử quyết thường xảy ra vào mùa hè, cách chữa cần thanh thử ích khí.

TÀI LIỆU HỌC TẬP, THAM KHẢO

Chuyên đề nội khoa Y học cổ truyền – NXB y học Hà Nội – 2002. Chứng quyết

Nội khoa Yhọc cổ truyền (Dùng cho đối tượng sau đại học). NXB Y học 2003. Chứng quyết

Hải thượng y tông tâm lĩnh (tập 4). NXB Y học 1997

Trương Quốc Bảo, Hải Ngọc (1993) Chữa bệnh nội khoa bằng y học cổ truyền Trung Quốc (bản dịch) – Nhà xuất bản Thanh Hóa. Quyết chứng

Bài trướcChứng Trúng Hàn trong hồi sức cấp cứu y học cổ truyền
Bài tiếp theoRôm Sẩy | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.