Hỏi: Bé nhà tôi 8 tháng, bị sốt và đã được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi. Bé được điều trị kháng sinh Amoxicilline nên hết sốt nhưng vân còn khò khè vào buổi tối và ho có đàm. Vậy, chúng tôi phải làm gì cháu dễ thở và hết đàm. Trong nhà có máy sưởi và máy lọc không khí, nhiệt độ trong nhà là 25° c và nhiệt độ ngoài trời là – 29°c hoặc 30°c. Mong bác sĩ giúp dùm vì không muốn cho cháu uống nhiều thuốc tây.

Trả lời:Nếu cháu đã bị viêm phổi thì cách hiệu quả nhất để cháu dễ thở, hết đàm là phải điều trị kháng sinh một cách đúng đắn. cần cho cháu dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian. Không nên tự ý ngưng thuốc dù cháu có vẻ đã khỏe hơn (do sợ bé uống nhiều thuốc tây?), vì như vậy sẽ gia tăng khả năng tái phát, có biến chứng, thậm chí kháng thuốc về sau. Ngoài ra, cần cho cháu uống nhiều nước – đây chính là phương pháp làm loãng đàm hiệu quả. Cũng nên tránh lạm dụng một số loại thuốc ho, các loại thuốc kháng dị ứng (anti-histamines) vì có thể làm đàm cô đặc hơn, khó tống xuất hơn.Chị cũng cần giữ cho bé đủ ấm, tránh cho cháu phải chịu sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là trong điều kiện thời tiết quá lạnh và có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ trong và ngoài nhà như vậy.

Hỏi: Cháu trai nhà em được 1 tháng rưỡi. Cháu ho 2 ngày, không sốt đi khám bác sĩ và được chuẩn đoán bị viêm tiểu phế quản nhưng ở mức độ nhẹ vì gia đình phát hiện sớm. Sau 1 tuần điều trị, em đã hết bệnh. Xin hỏi bác sĩ sau này cháu có bị suyễn không ?

Trả lời:Có mối liên hệ giữa viêm tiểu phế quản và suyễn. Khoảng 30% trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ diễn tiến thành suyễn sau này, đặc biệt là trong trường hợp viêm tiểu phế quản nặng – cần được hỗ trợ hô hấp. Virút gây bệnh viêm tiểu phế quản có khả năng làm niêm mạc phế quản trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích từ bên ngoài – điều này làm cho trẻ dễ mắc bệnh suyễn. Các yếu tố thuận lợi làm trẻ dễ mắc bệnh suyễn hơn là: phái nam, mẹ mắc bệnh suyễn, và đặc biệt là khói thuốc lá.

Hỏi: Con gái tôi rất hay bị ho, sổ mũi, không ho nhiều, đêm ngủ ho 2- 3 lần, sáng thức dậy ho nhiều ra đàm xanh. Cháu được bác sĩ chẩn đoán viêm mũi họng cháu đã uống thuốc 6 ngày mà không hết han. Tháng nào cháu cũng bị ho sổ mũi, điều trị 1 tuần hết rồi bị lại, cháu vẫn chơi bình thường, nhưng tôi thấy như vậy là không ổn, xin bác sĩ cho lời khuyên

Trả lời:Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người ta ước tính rằng một em bé lứa tuổi này có thể bị từ 5 đến 8 lần trong 1 năm (dù là trẻ ở nước đang phát triển hay đã phát triển).

Để phòng tránh, chị lưu ý đến những biện pháp sau:

Nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ.

Bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 4 tháng tuổi và càng lâu càng tốt.

Chủng ngừa đầy đủ.

Uống vitamin A theo hướng dân.

Giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh.

Tránh khói thuốc lá.

Tránh nơi ô nhiễm, khói bụi.

Tránh cho trẻ gần gũi người đang cảm ho, tránh cho trẻ đến chỗ đông người khi đang có mùa bệnh.

Hỏi: Con trai tôi được 15 tháng tuổi, cháu khỏe mạnh nhưng thỉnh thoảng bị ho. Tôi có đi khám thì lần nào cháu cũng bị viêm đường hô hấp trên và phải uống kháng sinh. Tôi muốn biẽt bệnh này là do cha mẹ không giữ ấm tốt cho bé hay do sức đê kháng của bé không tót hay vì nguyên nhân nào khác? Cháu còn nhỏ nhưng uống kháng sinh nhiều có ảnh hường đến sức khỏe không? Nếu uống kháng sinh chỉ 2 ngày là bé hết ho thì có cần uống tiếp tục nữa không ?

Trả lời:Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể do một số nguyên nhân sau:

Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa đầy đủ.

Đường hô hấp của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh lại là nơi dễ bị tác động của các yếu tố có hại bên ngoài.

Một số loại virút có ái lực riêng với trẻ nhỏ.

Kháng sinh là vũ khí hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi trùng nhưng đây không phải là vũ khí vạn năng. Thật vậy, kháng sinh không hiệu quả đối với virút – đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

Việc lạm dụng kháng sinh có thể có một số hậu quả như: có thể có tác dụng phụ của thuốc (nôn ói, tiêu chảy, dị ứng, …), tốn kém, nhất là dễ phát sinh tình trạng kháng thuốc sau này. Tuy nhiên, nếu trẻ thật sự cần điều trị kháng sinh (như viêm phổi, …) thì cần cho trẻ dùng đủ thời gian được chỉ định vì nếu không cũng có thể có hậu quả xấu: dễ tái phát, có biến chứng, và cũng có thể dẫn đến kháng thuốc. Ngoài ra, việc trẻ phải uống kháng sinh nhiều không phải là điều tốt. Không tốt không chỉ do bản thân việc dùng kháng sinh mà còn do bệnh tái phát nhiều lần. Vì vậy, chỉ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để tìm thêm những yếu tố thuận lợi cho bệnh tái phát cũng như có chẩn đoán chính xác.

Hỏi: Con gái tôi được 5 tháng tuổi. Mùa này thời tiết khá thất thường, ban ngày thì nóng chiều xuống thì lạnh. Khi cháu bú ra mo hôi ở trên đầu rất nhiều nhất là hai bên thái dưomg, tôi cời bớt áo cho cháu nhung sau đó cháu lại ho. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.

Trả lời:Thay đổi thời tiết và tình trạng bị nhiễm lạnh đột ngột là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu làm các cháu có thể mắc các bệnh hô hấp. Vì vậy, tùy theo thời tiết, khí hậu mà ta có cách bảo vệ thích hợp cho trẻ. Khi trời lạnh cần cho trẻ mặc đủ ấm. Khi trời nóng lại cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, lau khô mồ hôi thường xuyên và tránh để luồng gió quạt máy thổi thẳng vào cháu (chỉ nên dùng quạt như công cụ làm đối lưu không khí trong phòng). Khi dùng máy lạnh thì cũng không nên để nhiệt độ quá lạnh, tránh luồng gió thổi thẳng vào cháu. Dùng loại máy lạnh hai cục thường dễ chịu hơn là loại một cục. Cần làm vệ sinh máy lạnh thường xuyên. Chú ý thỉnh thoảng mở rộng cửa phòng và làm vệ sinh thường xuyên cho phòng sạch sẽ thông thoáng, tránh bụi bậm, ẩm thấp.

Hỏi: Xin Bác sĩ cho biết nguyên nhân đa số trẻ bị sốt cao liên tục và tiêu chảy nhiều ngày lại trong bệnh cảnh về đường hô hấp và có sự tái diễn?

Trả lời:Các trường hợp nhiễm trùng hô hấp tái phát thường là do các nguyên nhân sau:

  1. Do trẻ có cơ địa đặc biệt dễ mắc bệnh: trẻ suy dinh dưỡng, trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, không chủng ngừa đủ, thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt, trào ngược dạ dày-thực quản , có bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh tim bẩm sinh và nhiều loại bệnh lý bẩm sinh khác, bại não và các bệnh thần kinh – cơ, suy giảm miễn dịch).
  2. Môi trường sống không thuận lợi: không khí ô nhiễm, nhà cửa chật chội, đông đúc, thiếu vệ sinh, khói bếp – khói xe – khói công nghiệp và đặc biệt là khói thuốc lá

Cần lưu ý là nhiễm trùng hô hấp là bệnh lý phổ biến hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Người ta ước tính, một đứa trẻ dưới 5 tuổi bình thường cũng có thể mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính từ 5 – 8 lần trong một năm.

 

Bài trướcKhói thuốc ảnh hưởng thế nào đối với trẻ
Bài tiếp theoBệnh rubella bẩm sinh có nguy hiểm không?

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.