Chữa Ngất bằng châm cứu

(Hưu Khắc – Shock – Shock )

A. Đại cương

Ngất là trạng thái chết trong chốc lát. Sau 1 thời gian ngắn, người bệnh lại trở lại bình thường và tỉnh lại.

Y học cổ truyền xếp chứng này vào loại chứng ‘Quyết’, chứng ‘Thoát’ hoặc hiện tượng ‘Vong Âm’ hoặc ‘Vong Dương’.

B. Nguyên nhân

Thường thấy nơi người cơ thể suy yếu, lao lực quá sức, tình cảm thay đổi đột ngột.

Vong Âm thường do dùng phương pháp phát hãn, thổ hoặc hạ làm cho tân dịch hao tổn quá nhiều hoặc do thổ huyết, tiểu ra huyết nhiều quá làm âm dịch bị hao tổn gây ra.

Do Âm Dương Khí Huyết liên hệ mật thiết do đó, âm kiệt thì dương cũng theo đó mà suy, huyết thoát thì khí cũng mất chỗ dựa, sinh ra vong Dương.

C. Triệu chứng

Đột nhiên ngã ra bất tỉnh, sắc mặt tái xanh, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh, huyết áp tụt (hạ) xuống.

Nếu kèm theo hơi thở yếu, môi thâm, chất lưỡi dầy, mạch Tế, vô lực là dấu hiệu Khí thoát, nặng thì gọi là Vong Dương.

Nếu kèm miệng khát, bồn chồn vật vã, mạch Vi mà Sác là dấu hiệu Huyết thoát, nặng thì Vong Âm.

Nếu hôn mê, hô hấp yếu, tiếng tim yếu, mạch hầu như không bắt được là dấu hiệu Khí và Huyết đều thoát, thuộc loại bệnh nặng.

D. Điều trị

1- Châm Cứu Học Thượng Hải: Sơ quyết, hồi dương.

Huyệt chính: Tố Liêu (Đc.25) + Nội Quan (Tb.6).

Huyệt phụ: Nhân Trung (Đc.26), Trung Xung (Tb.9), Dũng Tuyền (Th.1), Túc Tam Lý (Vi.36) .

Cách Châm: Bắt đầu châm huyệt chính, vê kim liên tục, kích thích mạnh vừa, đợi huyết áp có lực, ổn định rồi thì có thể không vê kim nữa. Nếu huyết áp không tăng rõ rệt thì thêm huyệt phụ.

Cứu: Bá Hội (Đc.20), Tề Trung, Khí Hải (Nh.6), Quan Nguyên. Dùng ngải viên hoặc ngải điếu cứu cho đến khi mạch hồi phục, mồ hôi không ra nữa thì thôi.

2- Nhân Trung (Đc.26) + Tố Liêu (Đc.25) + Bá Hội (Đc.20) + Thiếu Xung (Tm.9) (Châm Cứu Học HongKong).

3- Khai khiếu tỉnh thần là chính, sau đó dùng phép điều hòa kinh khí, an thần. Châm kích thích mạnh Nhân Trung (Đc.26) + Thập Tuyên để khai khiếu, tỉnh thần.

Châm từng huyệt cho đến khi tỉnh thì châm Nội Quan (Tb.6) + Túc Tam Lý (Vi.36) để điều hòa kinh khí, an thần (Châm Cứu Học Việt Nam).

4- Nhân Trung (Đc.26) + Trung Xung (Tb.9) + Nội Quan (Tb.6) + Bá Hội (Đc.20 + Tố Liêu (Đc.25).

Bắt đầu châm Nhân Trung và Trung Xung, thỉnh thoảng vê kim.

Nếu không bớt, thêm Nội Quan.

Nếu huyết áp không tăng, thêm Tố Liêu, kích thích mạnh vừa (Tân Y Liệu Pháp Thủ Sách).

5- Châm Nhân Trung (Đc.26) + Dũng Tuyền (Th.1). Kích thích mạnh, thỉnh thoảng vê kim, lưu kim 15 phút.

Nếu chứng trạng không tiến triển, phối hợp châm Tố Liêu, Nội Quan, vê kim liên tục.

Hoặc cứu thêm Khí Hải, Quan Nguyên cho đến khi tỉnh lại (Thường Kiến Bệnh Trung Y Lâm Sàng Thủ Sách).

Bài trướcChâm cứu Chữa Say nắng
Bài tiếp theoChâm cứu chữa Hôn mê

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.