BỆNH ĐỘNG MẠCH CHI DƯỚI

Theo Y học hiện đại bệnh động mạch chi dưới do nguyên nhân chủ yếu là xơ vữa động mạch dẫn đến tình trạng tắc nghẽn động mạch. Vì vậy, trước một trường hợp bị bệnh động mạch chi dưới, nhất thiết phải tìm xem có tổn thương xơ vữa động mạch ở các khu vực khác: mạch vành, mạch não, mạch thận….

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch chi dưới bao gồm: Tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu, rối loạn về đông máu, đái tháo đường,… và các yếu tố liên quan đến lối sống như: Hút thuốc lá, hạn chế vận động, ăn uống, địa dư, lứa tuổi và di truyền.

Bệnh ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động, thường gặp ở lứa tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ.

Theo Y học cổ truyền, bệnh động mạch chi dưới thuộc phạm vi của chứng Thoát thư. Nguyên nhân của chứng Thoát thư là do cân mạch bị yếu tố hàn thấp hay hỏa độc xâm phạm làm cho các ngón chân, bàn chân ban đầu lạnh, tê dại, đi lại khó khắn xuất hiện cơn đau dữ dội, lâu dần thì tím đen, loét thối, không hồi phục và hậu quả là khớp xương ngón bị bệnh rụng đi.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền

Do người bệnh làm việc hay sống ở môi trường ẩm lạnh khiến cho hàn thấp xâm phạm vào hạ chi làm cho khí huyết ngưng trệ ở kinh lạc không lưu thông được mà gây cảm giác tê lạnh, lâu ngày có thể hóa thành nhiệt độc.

Do người bệnh ăn nhiều thức ăn thịt, mỡ, đồ ăn cay nóng, uống bia rượu nhiều… làm tổn thương tỳ vị, gây hao tổn phần âm mà sinh ra hỏa độc.

Hai nguyên nhân trên tuy khác nhau, nhưng đều dẫn đến hỏa độc uất kết, vận hành khí huyết trong kinh mạch bị tắc trở, cân mạch kém nuôi dưỡng mà phát thành chứng thoát thư.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Giai đoạn hư hàn và khí trệ

Tương ứng với giai đoạn đầu và trước khi có biểu hiện loạn dưỡng của bệnh động mạch chi dưới.

Triệu chứng: Sắc mặt xanh, người mệt mỏi, thích ấm, sợ lạnh, ngón chân và bàn chân bên bệnh bị tê, lạnh, đau, hay bị chuột rút, khi vận động đi lại thì thường xuất hiện cơn đau, nghỉ thì đỡ (cơn đau cách hồi), nước tiểu trong, đại tiện thường nát, chất lưỡi nhợt, mạch trầm trì vô lực

Pháp điều trị: Ôn kinh, tán hàn, hành khí, thông lạc.

Bài thuốc cổ phương: Tứ vật đào hồng thang gia vị

Thục địa 16g Đương quy 12g

Xuyên khung 8g Bạch thược 12g

Đào nhân 8g Hồng hoa 8g

Phụ tử chế 6 – 8g Quế chi 8g

Đan sâm 12g Ngưu tất 12g

Tang ký sinh 16g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Giai đoạn nhiệt độc

Tương ứng với giai đoạn loạn dưỡng dẫn tới hoại thư và bội nhiễm

Triệu chứng: Đầu chi bị bệnh nóng, sưng, dẫn tới loét, chảy nước vàng, mùi hôi, đau dữ dội. Toàn thân sốt, miệng khô, nước tiểu đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác hay huyền sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc.

Bài thuốc cổ phương: Tứ diệu dũng an thang

Huyền sâm 100g Kim ngân hoa 100g

Xuyên quy 60g Cam thảo 30g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu bệnh nhân đau dữ dội gia Nhũ hương, Một dược để hoạt huyết, chỉ thống.

Giai đoạn khí huyết lưỡng hư

Tương ứng với tình trạng bệnh kéo dài

Triệu chứng: Mệt mỏi, hay ra mồ hôi, đau ít, vết loét ở đầu chi hoại tử khó lành, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu tế, hoãn.

Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông lạc.

Bài thuốc cổ phương: Cố bộ thang

Hoàng kỳ 12g Cúc hoa 12g

Thạch hộc 12g Tử hoa địa đinh 20g

Bồ công anh 12g Kim ngân hoa 12g

Xuyên quy 12g Đẳng sâm 16g

Ngưu tất 12g Cam thảo 6g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu bệnh nhân khát nước nhiều gia thêm Thiên hoa phấn.

Tất cả các thể lâm sàng điều trị một liệu trình là 30 ngày. Vấn đề rút ngắn liệu trình hay sử dụng liệu trình kế tiếp, cũng như gia giảm trong bài thuốc là tùy thuộc vào diễn biến lâm sàng của từng người bệnh. Ngoài các bài thuốc cổ phương dùng dưới dạng thang sắc, còn có các bài thuốc nghiệm phương hay các bài thuốc đã được nghiên cứu minh chứng được hiệu quả nhất định trên lâm sàng như:

Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương:

Hoàn bổ động mạch:

Thục địa Phá cố chỉ

Đỗ trọng Sơn thù

Bạch phụ tử Đan sâm

Thạch xương bồ Cao ban long

Hoài sơn Kỷ tử

Thỏ ty tử Bạch truật

Ngưu tất Đan bì

Xuyên quy

Tất cả các vị thuốc sao giòn, tán bột, hòa với lượng mật ong vừa đủ làm viên hoàn có hàm lương 10g/viên x 2 – 3 viên/ngày

Cao thông u:

Mã tiền chế 10g Phụ tử chế 16g

Trần bì 8g Tùng tiết 12g

Uy linh tiên 12g Ý dĩ 16g

Hồng hoa 12g Đào nhân 12g

Quy bản 16g Mộc qua 12g

Hoàng kỳ 16g Đẳng sâm 16g

Hoàng cầm 12g Cam thảo 4g

Bạch thược 16g Xuyên khung 12g

Ngưu tất 16g Đỗ trọng 16g

Xuyên quy 12g Sinh địa 16g

Phòng kỷ 12g Độc hoạt 12g

Phục linh 12g Đan sâm 20g

Quế chi 8g Binh lang 8g

Tần giao 12g Tế tân 6g

Hoàng bá 20g Miết giáp 16g

Tất cả nấu thành cao. Mỗi ngày uống 30 – 40 ml

Châm cứu và vận động liệu pháp

Chỉ định khi chưa có hiện tượng hoại thư

Châm cứu:

Huyệt chính: Huyết hải, Túc tam lý, Giải khê

Huyệt phối hợp: Thiếu hải, Tam âm giao, Côn lôn, Thái khê. Sử dụng điện châm với thủ pháp kích thích mức độ trung bình, mỗi ngày châm 1 lần, thời gian lưu châm 15 – 20 phút.

Vận động liệu pháp:

Nâng chân bị bệnh lên cao từ 2 – 3 phút, sau hạ thõng xuống khoảng 3 – 5 phút, rồi để ngang ra 2 – 3 phút. Mỗi ngày luyện tập 3 lần, mỗi lần thực hiện những động tác trên từ 5 – 6 lần với mục đích nhằm tăng cường lưu thông khí huyết ở chi bị bệnh.

Y học hiện đại thường sử dụng phối hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa đối với các bệnh động mạch chi dưới tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Nội khoa chủ yếu sử dụng các thuốc điều trị chống huyết khối như: Thuốc chống kết tập tiểu cầu, Heparin, thuốc chống đông đường uống, thuốc tiêu sợi huyết và một số thuốc vận mạch. Ngoại khoa sử dụng các phương pháp nong mạch qua da và nối mạch nhân tạo.

Ngày nay với phương châm kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền, tùy từng giai đoạn bệnh, người thầy thuốc kết hợp sử dụng trong trị liệu cho thích hợp để nâng cao hiệu quả điều trị.

Bài trướcCƠN ĐAU THẮT NGỰC TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoVIÊM PHẾ QUẢN TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.