ỈA CHẢY

Ỉa chảy là hiện tượng ỉa nhiều lần trong ngày nhưng chủ yếu là phân nhão, lỏng, nước… ỉa chảy có thể là triệu chứng phụ của nhiều bệnh cấp tính mà nguyên nhân dễ tìm. Nhưng khi nó kéo dài ảnh hưởng đến toàn trạng thì nguyên nhân trở nên phức tạp và khó điều trị. Phân loại trên lâm sàng thường chia thành ỉa chảy cấp tính và ỉa chảy mạn tính.

Trong Y học cổ truyền ỉa chảy dù cấp tính hay mạn tính đều nằm trong chứng tiết tả (ỉa chảy mạn tính còn gọi dưới tên Cửu tiết). Đây là một thuật ngữ để chỉ tình trạng bệnh lý trên lâm sàng với số lần bài tiết phân trong ngày tăng lên nhiều, phân nhão nát, thậm chí đi ngoài phân ra như nước

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền

Do cảm thụ ngoại tà: Những nguyên nhân bên ngoài đưa đến ỉa chảy trong đó thường gặp nhất là hàn, thấp, thử, nhiệt… mà thấp tà là hay gặp hơn cả. Vì cơ chế sinh bệnh theo Y học cổ truyền là Tỳ sợ thấp, thích táo vì vậy thấp tà dễ gây tổn thương Tỳ nhất dẫn đến ỉa chảy

Do ẩm thực: Do ăn uống quá nhiều, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn sống lạnh, không sạch sẽ đều có thể làm rối loạn chức năng của tỳ vị dẫn đến ỉa chảy.

Do tỳ vị dương hư: Chức năng vận hóa của tạng tỳ phải dựa vào phần dương khí trong cơ thể. Khi cơ thể làm việc quá mệt mỏi hay mắc bệnh lâu ngày dễ làm tiêu hao phần dương khí trong cơ thể, làm tỳ vị dương hư, gây suy giảm chức năng vận hóa thủy cốc của tỳ vị mà đưa đến ỉa chảy.

Do mệnh môn hỏa suy: Thường hay gặp ở người cao tuổi hay mắc bệnh tật kéo dài, làm tổn thương thận dương đưa tới ỉa chảy mạn tính. Hoặc do thận dương bất túc, không thể ôn ấm được tỳ dương, làm cho tỳ dương suy dẫn đến ỉa chảy.

Do tình chí bị rối loạn: Thường phát sinh ở những người tỳ vị vốn hư nhược lại bị những sang chấn về mặt tinh thần như: tức giận quá sẽ ảnh hưởng đến can, lo nghĩ quá sẽ ảnh hưởng đến tỳ làm cho can khí hoành nghịch, tỳ vị bị suy giảm mà vận hóa bị rối loạn nên phát sinh ra ỉa chảy.

Biện chứng luận trị

Ỉa chảy cấp tính (Thể ỉa chảy thường)

Ỉa chảyThể hàn thấp:

Triệu chứng: đau bụng, sôi bụng, đại tiện phân nhão nát, thậm chí phân ra như nước. Toàn thân sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, ngạt mũi, toàn thân đau mỏi, rêu lưỡi mỏng hay trắng nhờn, mạch nhu hoãn.

Pháp điều trị: Giải biểu tán hàn, phương hương hóa trọc.

Bài thuốc: Hoắc hương chính khí tán gia giảm

Hoắc hương 40g Hậu phác 12g

Tô diệp 10g Trần bì 8g

Cát cánh 10g Bạch chỉ 12g

Đại phúc bì 12g Bạch truât 12g

Phục linh 12g Bán hạ chế 8g

Sinh khương 3 lát

Tất cả sao giòn, tát bột. Mỗi ngày uống 20g chia 2 lần

Các vị thuốc trong bài này có tác dụng khu phong, tán hàn, tiêu thấp, trừ mãn, kiêm có kiện tỳ, khoan trung, điều lý vị trường, khiến cho thấp trọc được hóa, giải được phong hàn, hồi phục được chức năng của tỳ vị làm ngừng ỉa chảy.

Nếu như biểu chứng thể hiện tương đối nặng thì gia thêm: Kinh giới, Phòng phong… tăng cường tác dụng sơ tán phong hàn.

Nếu như biểu hiện thấp nặng như người cảm giác nặng nề, ngực đầy tức, tay chân mỏi mệt… thì gia thêm Thương truật, Trạch tả, Ý dĩ…

Châm cứu: châm tả Thiên khu, Trung quản, Hợp cốc, Túc tam lý.

Ỉa chảyThể thấp nhiệt

Triệu chứng: đau bụng, đi ngoài phân vàng lổn nhổn, phân có mùi tanh thối, có cảm giác nóng rát ở hậu môn khi đi ngoài, tâm phiền, miệng khát, đi tiểu nước tiểu ít và vàng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp

Bài thuốc: Cát căn cầm liên thang gia giảm

Cát căn 16g Hoàng liên 6g

Hoàng cầm 10g Nhân trần 16g

Kim ngân hoa 16g Mộc thông 12g

Hoắc hương 8g Cam thảo 6g

Trong bài thuốc này Cát căn có tác dụng thanh nhiệt, hóa thấp trọc, Hoàng cầm, Hoàng liên có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Gia Kim ngân hoa, Nhân trần, Mộc thông để tăng cường tác dụng thanh nhiệt trừ thấp làm cho thấp nhiệt tiêu đi, ỉa chảy sẽ ngừng.

Châm cứu: Châm tả Thiên khu, Trung quản, Hợp cốc, Túc tam lý, Nội đình, Âm lăng tuyền.

Ỉa chảyThể thực tích

Triệu chứng: Do người bệnh ăn quá nhiều thịt mỡ… dẫn đến đau bụng, sôi bụng, đi đại tiện phân mùi hôi thối, phân sống lổn nhổn, sau khi đi ngoài thì đau giảm, bụng thường chướng đầy, kèm theo ợ hơi, ợ chua, rêu lưỡi dày nhờn, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: Tiêu thực dẫn ngưng

Bài thuốc: Bảo hòa hoàn

Sơn tra 12g Thần khúc 10g

Bán hạ chế 12g Phục linh 16g

Trần bì 8g Liên kiều 8g

Lai phúc tử 8g

Đây là bài thuốc vừa có tác dụng tiêu thực dẫn ngưng, vừa có tác dụng hòa vị, trừ thấp. Nếu trường hợp thực ngưng tương đối nặng, bệnh nhân đi ngoài không thông, bụng trướng đau có thể gia thêm: Đại hoàng, Chỉ thực, Binh lang… để tăng cường hành khí, tả hạ nhằm đưa khối tích ra ngoài.

Tất cả các vị thuốc trong các bài thuốc cổ phương đã được trình bày ở trên có thể làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần hay sao giòn, tát bột, làm hoàn, mỗi ngày uống 10g chia 2 lần.

Châm cứu: Châm tả Trung quản, Thiên khu, Tam âm giao, Thái bạch.

Ỉa chảy mạn tính (Rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, Hội chứng ruột kích thích)

Ỉa chảyThể tỳ vị hư

Triệu chứng: Đại tiện phân nát, lỏng, khi ăn thức ăn nhiều mỡ thì hiện tượng đau bụng kèm rối loạn đại tiện, hay tái phát, số lần đại tiện nhiều hơn, ăn uống kém, sau khi ăn, bụng hay đầy tức, khó chịu, sắc mặt vàng, nhợt, tinh thần mỏi mệt, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch hoãn nhược.

Pháp điều trị: Kiện tỳ hóa thấp

Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán

Đẳng sâm 12g Bạch biển đậu 10g

Phục linh 16g Liên nhục 16g

Bạch truật 16g Chích cam thảo 6g

Hoài sơn 16g Cát cánh 8g

Ý dĩ sao 16g Trần bì 8g

Sa nhân 8g

Tất cả các vị này có thể làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần hoặc sao giòn tán bột, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần

Trong bài thuốc này Đẳng sâm, Bạch truật, Hoài sơn, Bạch biển đậu, Ý dĩ, Phục linh, Liên nhục đều là những vị thuốc có tác dụng kiện tỳ, lợi thấp. Sa nhân, Trần bì, Chích cam thảo có tác dụng lý khí, Cát cánh dẫn các vị thuốc lên trên.

Nếu tình trạng hàn nặng, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng như nước, tay chân lạnh thì dùng pháp điều trị: Ôn trung, tán hàn và dùng bài thuốc cổ phương: Phụ tử lý trung thang.

Nếu có biểu hiện khí hư hạ hãm dẫn đến sa trực tràng thì dùng pháp điều trị: Bổ khí thăng đề và dùng bài thuốc cổ phương: Bổ trung ích khí thang.

Châm cứu: Châm bổ Trung quản, Thiên khú, Tỳ du, Vị du, Túc tam lý.

Ỉa chảyThể thận dương hư

Triệu chứng: Sôi bụng, đau bụng vùng quanh rốn vào buổi sáng sớm, ngũ canh tả. Sau khi đi ngoài đau giảm, hoặc chườm nóng thì đỡ đau. Người lạnh, chân tay lạnh, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: Ôn thận, kiên tỳ

Bài thuốc cổ phương: Tứ thần hoàn

Phá cố chỉ 16g Nhục đậu khấu 10g

Ngũ vị tử 6g Ngô thù 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần hoặc sao giòn tán bột, làm hoàn, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần

Trong bài này Phá cố chỉ có tác dụng ôn bổ thận dương, Ngô thù và Nhục đậu khấu có tác dụng ôn ấm tỳ vị. Ngũ vị tử để liễm trường, chỉ tả. Khi sử dụng bài này để tăng cường tác dụng ôn, bổ dương khí của tỳ, thận có thể gia thêm Bào khương, Hắc phụ tử để nâng cao hiệu quả ôn dương cố sáp.

Đối với người cao tuổi, ỉa chảy kéo dài, khó cầm, có thể kèm theo biểu hiện khí hư hạ hãm thì gia thêm Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Thăng ma… để ích khí thăng đề.

Châm cứu: Cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Quy lai, Thận du, Tỳ du, Túc tam lý.

Ỉa chảyThể can tỳ bất hòa

Triệu chứng: Hay có cảm giác đầy tức ở vùng ngực sườn, ợ hơi, ăn kém. Mỗi khi tinh thần bị kích thích như: tức giận, căng thẳng thì lập tức phát sinh ra đau bụng và đại tiện phân lỏng, nát. Chất lưỡi bệu đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.

Pháp điều trị: Ức can, phù tỳ.

Bài thuốc: Thống tả yếu phương thang

Phòng phong 12g Trần bì 8g

Bạch truật 16g Bạch thược 12g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Trong bài này lấy Bạch truật để kiện tỳ, Bạch thược để nhu can, Trần bì để lý khí, Phòng phong để sơ can, kiện tỳ. Bốn vị này kết hợp với nhau mới có thể điều hòa được can khí, thăng vận được tỳ khí. Can tỳ hòa thì ỉa chảy mạn tính sẽ tự dừng.

Nếu ỉa chảy kéo dài thì có thể gia thêm: Ô mai 8g, Mộc qua 12g

Nếu đầy bụng, khó tiêu gia thêm: Bắc mộc hương 6g, Hương phụ 8g

Châm cứu: châm các huyệt: Thái xung, Chương môn, Kỳ môn, Túc tam lý, Nội quan.

Ỉa chảy cấp tính nguyên nhân đa số là do ngoại tà xâm phạm, ăn uống thất thường, bản chất là thực do vậy trong điều trị lầy trừ tà làm chủ. Ỉa chảy mạn tính đa số là do rối loạn chức năng của các tạng phủ mà tạo thành, bản chất là hư, nên trong điều trị lấy phục chính làm chủ. Ngoài ra cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống cho người bệnh, tránh tinh thần căng thẳng, cũng như tránh ăn thức ăn có nhiều dầu, mỡ, khó tiêu.

Bài trướcBỆNH SỎI MẬT TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoHỘI CHỨNG LỴ TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.