SỎI MẬT

Bệnh sỏi mật là bệnh thường gặp ở hệ thống đường mật. Bệnh này thường do những nhân tố chủ yếu khởi phát bệnh gồm: dịch mật ứ đọng, nhiễm khuẩn đường mật và chuyển hoá cholesterol mất cân bằng và nhiều khi do nhiều yếu tố kết hợp lại gây bệnh. Sỏi do chuyển hoá mất cân bằng mà hình thành phần lớn là sỏi cholesterol, cho nên vị trí phát bệnh thường là trong túi mật. Sỏi hình thành do ký sinh trùng, nhiễm khuẩn đường mật, gây ra viêm đường mật, đa phần là sỏi sắc tố mật, thì vị trí phát bệnh thường là ở đường mật trong gan. Theo y học cổ truyền, sỏi mật thuộc phạm vi các bệnh đảm trướng, hiếp thống, hoàng đản.

Chẩn đoán: chủ yếu dựa vào:

Đau tức vùng bụng trên: thời kỳ phát cơn đau dữ dội vùng hạ sườn phải xuyên lên vai hoặc xương bả vai, cơn đau kéo dài vài giờ đến vài ba ngày và có thể tái phát.

Triệu chứng rối loạn tiêu hoá, ăn vào đầy bụng khó tiêu, ợ hơi, nôn, buồn nôn, nôn ra mật hoặc thức ăn.

Khám ấn đau vùng túi mật, nghiệm pháp Murphy dương tính.

Nếu có tắc nghẽn: da vàng, nước tiểu vàng, nếu nhiễm khuẩn sốt cao.

Siêu âm: có giá trị xác định chẩn đoán: kích thước túi mật, số lượng sỏi, chính xác trên 90%.

Biện chứng luận trị của Bệnh sỏi mật

Bệnh sỏi mật Thời kỳ đau cấp:

Triệu chứng lâm sàng: Bệnh phát đột ngột, rất đau vùng hạ sườn phải, cơn đau thắt kéo dài, từng cơn nặng lên, đau xuyên lên vùng vai hoặc bả vai phải, ấn đau tăng (cự án). Người bệnh sốt cao hoặc vừa kèm cơn rét, miệng đắng, họng khô, nôn, buồn nôn, hoặc da mắt vàng, nước tiểu vàng, đại tiện khó hoặc táo bón, lưỡi đỏ, rêu vàng hoặc vàng nhờn, mạch huyền hoạt sác, nghiệm pháp Murphy dương tính hoặc cơ vùng bụng trên bên phải căng tức.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, sơ can lý khí.

Điều trị cụ thể:

Bài thuốc: Đại sài hồ thang kết hợp với Nhân trần cao thang gia giảm

Nhân trần

30g

Bạch thược

10g

Kim tiền thảo

30g

Sơn chi

10g

Sài hồ

10g

Hổ trượng

10g

Hoàng cầm

10g

Mộc hương

10g

Chỉ thực

10g

Đại hoàng

10g

Sắc uống ngày một thang

Gia giảm: Vùng mạng sườn phải đau nhiều gia: Xuyên luyện tử, Diên hồ sách, hạ sườn cứng ấn đau gia Tam lăng, Nga truật, Đan sâm, Xích thược, nôn, buồn nôn gia Trúc nhự, Sinh khương, Bán hạ…nhiệt thịnh gia Kim ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh, đại tiện táo bón gia lượng Sinh Đại Hoàng, có triệu chứng hàn thấp bỏ Nhân trần, Hổ trượng, gia Thương truật, Hậu phác, Trần bì.

Bệnh sỏi mật Thời kỳ ngoài cơn:

Triệu chứng lâm sàng: Phần lớn không đau vùng mạng sườn, hoặc đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, đầy, khó chịu, kém ăn, miệng đắng, họng khô, không sốt, phần lớn không hoàng đản, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch huyền.

Pháp điều trị: Sơ can lợi đởm, lý khí chỉ thống.

Điều trị cụ thể:

Bài thuốc: Tứ nghịch tán gia vị

Kim tiền thảo

30g

Mộc hương

10g

Sài hồ

10g

Xuyên luyện tử

10g

Chỉ thực

10g

Huyền hồ

10g

Bạch thược

10g

Kê nội kim

10g

Uất kim

10g

Cam thảo

6g

Sắc uống ngày một thang.

Nếu người kèm theo tỳ hư thì thêm: Phục linh, Bạch truật; sốt nhiều, đại tiện táo thì thêm: Đại hoàng, Huyền minh phấn.

Kết hợp thuốc Y học hiện đại: thời kỳ phát cơn bệnh: bệnh nhân sốt cao, đau nhiều cần dùng thuốc Y học hiện đại chống nhiễm khuẩn như Gentamycin, Penicillin…chống co thắt giảm đau như Papaverin uống hoặc tiêm Atropin…

Trường hợp sỏi to điều trị nội khoa y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền không khỏi, tái phát nhiều lần nên chuyển điều trị ngoại khoa.

Điều trị bằng châm cứu:

Liệu pháp châm cứu: thường điều trị phối hợp với phương pháp dùng thuốc, có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, thoái hoàng.

Lấy huyệt: Chủ huyệt là Nhật nguyệt (phải), Kỳ môn (phải)

Can du, Đởm du, Dương lăng tuyền (phải)

Người hư nhược thì châm thêm huyệt Túc tam lý.

Nếu đau bụng khá dự dội và túi mật căng to thì dùng thêm Cự khuyết, Phúc ai, Đởm du. Điện châm: sau khi đắc khí vê kim vài phút sau đó lưu kim 20-30 phút, bệnh nặng có thể 60 phút, tăng cường độ dòng điện đến mức tối đa có thể chịu được. Thời kỳ phát cơn, ngày châm 1-2 lần, 3-7 lần là một liệu trình. Thời kỳ ổn định mỗi tuần 2-3 lần.

Nhĩ châm:

Huyệt chính: Giao cảm, Thần môn, Đởm

Huyệt phối hợp: Can, tá tràng.

Phương pháp: Chọn 2-3 huyệt, có phản ứng mạnh, kích thích mạnh, lưu kim 30 phút, ngày 2-3 lần.

Các biện pháp phòng và chữa bệnh chung:

Giữ cho tinh thần vui vẻ, lạc quan, vì tức giận, phiền muộn hoặc lo âu thường dẫn đến cơn đau thắt mật.

Chú ý vệ sinh ăn uống, tránh xảy ra bệnh ký sinh trùng đường ruột và nhiễm khuẩn đường ruột, tích cực chữa trị nhiễm khuẩn hệ mật.

Đối với người ngồi lâu, cần nhấn mạnh tăng cường hoạt động ngoài trời, như luyện tập thể dục, chạy, đi bộ, nhằm thúc đẩy chuyển hoá cholesterol trong cơ thể.

Cần hạn chế thức ăn béo và nhiều cholesterol.

Bài trướcCHỮA TRỊ BỆNH TÁO BÓN MẠN TÍNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài tiếp theoỈA CHẢY TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.