Lịch sử Điều trị gãy xương kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại

Trung Quốc

Tất cả các bệnh viện đều có kết hợp Trung – Tây y trong điều trị gãy xương ngoại trú và nội trú. Để nhằm khoa học hoá Trung y, các bác sĩ Tây y đã học phương pháp nắn bó cổ truyền rồi cải tiến, trực tiếp nắn bó, theo dõi và kiểm tra bằng X quang. Rất nhiều bệnh nhân được nằm viện để theo dõi một thời gian.

Trước khi nắn bao giờ cũng phải tiêm tê, ở trẻ em thì phải gây mê.

Đặt chi ở tư thế trung bình sinh lý (cơ ở trạng thái chùng giãn nhất), dùng lực kéo và lực kéo ngược lại để giải quyết di lệch chồng, di lệch gấp góc, di lệch bên, di lệch xoay….

Dụng cụ bó có khác nhau về chất liệu ở mỗi bệnh viện: nẹp tre nhỏ cho ngón tay, ngón chân, nẹp bột ngắn (Bắc Kinh); nẹp gỗ liễu được dán một lớp dạ mỏng cho êm (Thiên Tân), nhưng đều dài giữ toàn bộ xương hoặc chờm khớp, cho phép khớp có thể cử động được một phần. Ngoài việc đặt nẹp, đệm cũng giữ một vai trò quan trọng nhằm chống di lệch thứ phát. Đệm được làm bằng giấy bản tốt, có nhiều hình dáng khác nhau phù hợp với nơi đệm. Vị trí đặt đệm tuỳ thuộc cơ chế di lệch và nhiệm vụ cố định.

ở tất cả các bệnh viện đã kết hợp điều trị, các thầy thuốc đều nhận định: xương liền nhanh hơn 1/3 thời gian so với điều trị bó bột, ấy là chưa kể đến cơ năng chi gãy phục hồi nhanh hơn, không mất nhiều thời gian tập luyện vận động như sau tháo bột.

Ưu điểm của phương pháp là nhờ không bất động hoàn toàn khớp trên và dưới ổ gãy, các khớp khác đều có thể cử động nhẹ nhàng ngay, rồi các động tác tăng dần. Vì tập cử động được rất sớm cho nên máu lưu chuyển tốt, xương không bị mất chất vôi (nhất là ở người già), cơ không teo, do đó xương gãy chóng liền.

Việt Nam

Bắt đầu từ 1960, Khoa Chấn thương Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức và Bệnh viện Xanh – Pôn (Saint-Paul) phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông y (nay là Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương) đã áp dụng phương pháp y học cổ truyền để điều trị những chấn thương gãy kín. Trong những năm đầu áp dụng cho một số gãy xương đơn giản ở người lớn rồi trẻ em. Từ tháng 5 năm 1960 đến cuối 1963 đã điều trị 1841 trường hợp chấn thương kín, trong đó có 658 ca gãy xương, 1183 ca chạm thương bong gân và trật khớp.

Năm 1966; Khoa ngoại – Viện nghiên cứu Đông y bước đầu cải tiến nẹp đã điều trị các trường hợp gãy thân xương dài như cẳng chân, cẳng tay, xương đùi người lớn.

Từ 1977 Viện Y học dân tộc Hà Nội (Viện Nghiên cứu Đông y trước đây) đã thừa kế, phát huy ưu điểm của cả hai phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại, khắc phục nhược điểm của chúng, xây dựng phương pháp điều trị gãy xương kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại như chỉnh hình bằng dụng cụ hoặc bàn chỉnh hình, kiểm tra X quang: sau khi vô cảm bằng gây tê, châm tê hoặc thuỷ châm tê thì tiến hành chỉnh hình theo phương pháp y học hiện đại, cố định xương gãy bằng nẹp tre. Nẹp không ngừng được cải tiến, từ nẹp gỗ thô sơ đến nẹp có vít điều chỉnh ở ngoài, có đệm bọc lót, uốn cho ăn khuôn chi kết hợp với đệm làm bằng giấy bản giúp cho việc chỉnh phục thêm hoàn thiện, chống di lệch thứ phát để cố định xương gãy ngày một tốt hơn. Các bài sau đây là nội dung của phương pháp điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.