Chăm sóc sơ sinh khỏe mạnh

Công tác chăm sóc trẻ sơ sinh trong những ngày đầu sau đẻ là vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng không ít đến sự phát triển toàn diện của cháu bé trong tương lai, có thể nói chắc chắn rằng tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ rất nhiều.

1. Tiêu chuẩn trẻ sơ sinh khoẻ mạnh

– Đủ tháng: Tuổi thai từ hết tuần 37 đến hết tuần 41.

– Cân nặng lúc đẻ >2500g.

– Apgar từ 8 điểm trở lên ở phút thứ 1 và 9 tới 10 điểm ở phút thứ 5 sau đẻ.

– Bú khoẻ, không nôn, có tiểu tiện và đại tiện trong vòng 24 giờ sau đẻ.

– Không có dị tật bẩm sinh.

2. Chăm sóc ngay sau đẻ

Cần đề phòng trẻ bị lạnh và nhiễm khuẩn chéo.

2.1. Giữ ấm cho bé

Trẻ có thể bị lạnh ngay cả ở mùa hè, vì ngay khi lọt lòng mẹ, nước ối bao quanh da của trẻ bay hơi gây mất nhiệt, hay khi da của trẻ tiếp xúc với đồ vật lạnh sẽ bị truyền mất nhiệt, do đó trẻ dễ bị hạ thân nhiệt, sẽ dẫn đến viêm phổi hoặc các bệnh khác sau này cho trẻ, vì vậy phòng đẻ cần có điều kiện chăm sóc như sau:

– Đèn sưởi ấm.

– Nhiệt độ phòng đẻ phải được sưởi ấm từ 26°C đến 32°C.

– Lau khô trẻ ngay sau đẻ bằng khăn khô, mềm, sạch.

– Mặc áo, đội mũ, quấn tã áo ấm sau thao tác làm rốn cho trẻ.

2.2. Các chăm sóc đặc biệt

– Làm thông thoáng đường thở: hút nhớt ở hầu họng và hốc mũi.

– Rốn: cặp, cắt rốn, buộc chỉ vô khuẩn (hoặc bằng kẹp nhựa) và sát khuẩn rốn bằng cồn 70°C (kẹp và kéo cắt rốn phải được tiệt khuẩn và sử dụng riêng cho mỗi trẻ), băng rốn vừa phải không nên quá chặt sẽ làm trẻ khó thở.

– Mắt: rửa mắt bằng nước muối sinh lý, lau sạch và nhỏ mắt mỗi bên một hoặc hai giọt Argyrol để đề phòng viêm mắt do lậu cầu.

– Kiểm tra miệng, vòm miệng, hậu môn để phát hiện dị tật, theo dõi phân xu.

– Đánh giá hiện trạng, giới tính, cân, đo chiều dài cơ thể.

– Tiêm bắp vitamin K1: 1mg liều duy nhất.

– Cho trẻ nằm với mẹ để bú sữa mẹ càng sớm càng tốt và được tiếp tục ủ ấm trong lồng ngực người mẹ.

2.3. Giữ sạch sẽ

– Các cán bộ y tế khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ phải rửa tay thường quy bằng nước sạch và xà phòng.

– Các dụng cụ sau mỗi lần sử dụng cần được khử nhiễm, đánh rửa sạch bằng nước và xà phòng rồi hấp tiệt khuẩn như kẹp, kéo, khay…

– Tã, áo, khăn quấn bé cần được giữ khô và sạch.

3. Chăm sóc và theo dõi những ngày tiếp theo

3.1. Chăm sóc trẻ hàng ngày

– Mầu da: mới lọt lòng a đỏ, sau chuyển hồng hào, từ 3 tới 5 ngày tiếp theo, da trẻ có mầu vàng nhẹ (vàng da sinh lý), môi hồng. Nếu thấy vàng da sớm (trước 3 ngày) và tăng nhanh, cần chuyển lên tuyến trên điều trị.

– Nhịp thở: bình thường 40 – 60 lần/1phút, dưới 40 hay trên 60 đều là bất thường, cần theo dõi tìm kiếm nguy cơ bệnh lý.

– Nhịp tim: bình thường từ 120 đến 140 lần/1phút.

– Thân nhiệt hàng ngày: 36°C – 37°C.

– Tiêu hoá: bú mẹ, phân vàng 3 – 4 lần/ngày, nếu thấy trẻ bỏ bú cần tìm nguyên nhân để xử trí hoặc chuyển tuyến.

– Tiết niệu: theo dõi nước tiểu…

3.2. Chăm sóc rốn

– Chăm sóc rốn là một quá trình liên tục phải làm từ ngay sau đẻ tới khi rụng, lên sẹo khô, phải đảm bảo vô khuẩn khi cắt và làm rốn.

– Cách chăm sóc rốn:

+ Với rốn bình thường: hàng ngày sau tắm bé sẽ sát khuẩn rốn bằng cồn 70°, cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 6 đến 10 ngày, nếu sau 10 ngày rốn không rụng cần kiểm tra lại, nếu không nhiễm khuẩn cắt bỏ cuống rốn.

+ Rốn mới rụng phải giữ chân rốn khô, sạch cho tới khi liền sẹo.

+ Trường hợp chảy máu rốn khi rốn chưa rụng cần được buộc chặt lại ngay bằng chỉ vô khuẩn, nếu chảy máu sau khi rốn đã rụng thì ta có thể chấm nitrat bạc 5% và băng ép lại, nếu vẫn không cầm máu thì cần cho bé vào viện khâu quanh mạch máu rốn và buộc lại, trường hợp này cần tiêm bắp Vitamin K 5mg.

+ Nếu rốn hôi, rỉ máu, quanh rốn nổi mẩn hay ẩm ướt, chậm rụng rốn vẫn sát khuẩn rốn hàng ngày bằng cồn 70° hoặc có thể chấm thêm Betadin 10% vào chân rốn, không rắc bột kháng sinh vào rốn.

+ Trường hợp rốn đã rụng nhưng còn lõi rốn sẽ tiết dịch vàng có thể gây nhiễm khuẩn, xử trí bằng chấm nitrat bạc 5% vào nụ hạt để teo dần, nếu quá lớn phải đốt điện.

+ Trường hợp đẻ rơi, đẻ tại nhà, điều kiện vô khuẩn không đảm bảo cần được tiếp cận chăm sóc rốn càng sớm càng tốt. Nếu người mẹ chưa tiêm phòng đủ 2 mũi chống uốn ván trong thời kỳ mang thai thì phải tiêm bắp ngay cho bé 1 liều huyết thanh chống uốn ván (SAT 1500ĐV).

+ Tuyến xã cần chuyển tuyến trên khi có bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm nào ở rốn hoặc quanh vùng rốn như:

Rốn hôi, chảy nước vàng.

Rốn sưng đỏ – có mủ.

Rốn có lõi to, rỉ máu, ướt.

Rốn không sạch và trẻ có sốt.

3.3. Chăm sóc da và giữ vệ sinh

– Vệ sinh thân thể, tắm bé hàng ngày bằng nước sạch, ấm từ 35°C – 37°C, trong phòng có nhiệt độ 28° – 32°C, không để gió lùa, chỉ được dùng loại xà phòng có độ xút thấp (xà phòng thơm), tránh để a b xây xát, tránh để nước vào rốn, vào tai trẻ, thời gian tắm bé không nên kéo dài quá 7 – 10 phút.

– Nhỏ mắt nước muối sinh lý sau khi tắm cho bé.

– Lau tai cho bé bằng loại tăm bông y tế nhỏ.

– Vệ sinh ăn uống: đồdùng của trẻ như cốc, thìa, bát phải rửa sạch sau mỗi lần sử dụng, luộc sôi trước khi dùng, giữ vệ sinh miệng tránh để tưa (đẹn) làm ảnh hưởng đến ăn uống của trẻ.

– Vệ sinh đồvải: áo tã, chăn, chiếu, khăn trải giường cho bé phải được thay giặt hàng ngày.

3.4. Giữ ấm

Phòng trẻ nằm phải ấm (28 – 30°C), không có gió lùa, tã ướt phải thay ngay, cho trẻ nằm cùng với mẹ, áo tã của trẻ phải khô – sạch và ấm.

3.5. Khuyến khích cho bú sớm và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi trẻ 6 tháng tuổi

Bài trướcBệnh HIV/AIDS đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh
Bài tiếp theoBệnh Uốn ván rốn sơ sinh

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.