Những bài thuốc nam chữa bệnh sởi hiệu quả nhất

Bệnh sởi, y học cổ truyền còn gọi là ma chẩn, là một bệnh truyền nhiễm thường thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay gặp ở mùa đông xuân.

Điều trị bệnh sởi bằng thảo dược

Bệnh sởi, y học cổ truyền còn gọi là ma chẩn, là một bệnh truyền nhiễm thường thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay gặp ở mùa đông xuân. Trẻ bị bệnh xuất hiện những nốt ban đỏ hơi nổi cao, sờ tay thì vướng giống như hạt vừng, những lớp ban đó độ trên dưới 10 ngày thì khỏi, nhưng nếu sức đề kháng cơ thể yếu, nhiễm khuẩn quá mạnh, các nốt ban không mọc, bệnh tà không ra ngoài dễ gây biến chứng như sưng phổi, tiêu chảy.

Các bài thuốc trị bệnh sởi

Các bài thuốc trị bệnh sởi gồm các dược thảo có những tác dụng dược lý giúp ích cho việc điều trị bệnh như: Tác dụng kháng khuẩn (hoàng cầm, hoàng liên, ngưu bàng, kim ngân hoa, diếp cá, liên kiều, tri mẫu), kháng virut (hoàng cầm, hoàng liên, liên kiều, ngưu bàng), sinh tân dịch (mạch môn). Hầu hết các vị thuốc đều có tác dụng hạ sốt. Một số vị còn có thêm tác dụng an thần (tri mẫu), giảm đau (sa sâm), giải độc (cam thảo), lợi tiểu (mộc thông), trị viêm đường hô hấp (bối mẫu), trị tiêu chảy (hoàng liên, hậu phác).

Điều trị theo các thời kỳ

Thời kỳ phát sốt (sởi chưa mọc):Bệnh khởi đầu bằng sốt 3, 4 ngày đến khi sởi mọc. Các triệu chứng giống thời kỳ viêm và khởi phát của các bệnh truyền nhiễm khác, cần chú ý đến dịch tễ học, xem kỹ vùng tai, gáy, cổ, lưng có một số điểm ban đỏ.

Triệu chứng: Bắt đầu người nóng, ho, chảy nước mũi, chảy nước mắt, người mệt mỏi, sốt cao dần, niêm mạc miệng có ban chẩn.

Bài 1: Lá diếp cá, rau dệu, mỗi vị 16g, cam thảo đất 12g, sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

Bài 2: Phù bình (bèo cái), đậu sị, mỗi vị 12g; ngưu bàng tử, liên kiều, cát căn, thăng ma mỗi vị 8g; thuyền thoái (xác ve sầu) 4g. Nếu sốt cao, thêm kim ngân hoa, hoàng cầm, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Ngưu bàng 12g; kim ngân hoa, cát căn, bạc hà, kinh giới mỗi vị 8g. Đổ nước ngập, đậy kín, sắc rồi xông và uống.

Bài 4: Cát căn 12g, xích thược 6g, thăng ma 4g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Liên kiều, huyền sâm, mỗi vị 16g; kim ngân hoa, ngưu bàng, tử thảo, hoàng đằng, mẫu đơn bì mỗi vị 10g; cam thảo 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 6: Cát căn 12g, liên kiều 8g; thuyền thoái, xích thược, kinh giới, ngưu bàng tử, mộc thông mỗi vị 6g; bối mẫu, tiền hồ, tang bạch bì mỗi vị 4g; đăng tâm, cam thảo mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

Nếu khó thở, thêm ma hoàng 6g. Chảy máu cam, thêm trúc như 6g. Táo bón, thêm vừng đen 8-12g. Sốt cao, thêm hoàng liên, hoàng cầm mỗi vị 8g. Tiêu chảy, thêm phục linh, trạch tả mỗi vị 8g. Tiểu tiện ít, thêm xa tiền tử (hạt mã đề) 10g.

Thời kỳ sởi mọc(bắt đầu xuất hiện nốt ban sởi đến khi mọc dày toàn thân, độ 3-4 ngày).

Triệu chứng: Sởi mọc tuần tự từ đầu mặt, thân mình, tay chân, lòng bàn tay chân, mọc càng ngày càng dày; sốt cao, ho nhiều, đại tiện nhão. Phương pháp chữa: thanh nhiệt giải độc.

Bài 1: (làm sởi chóng mọc và mọc đều): Quả khế thái lát phơi khô, rau dệu, lá nọc sởi, canh châu mỗi vị 20g, các vị trên đều sao vàng, hạ thổ. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Bài 2: Lá tre 20g, sài đất, kim ngân hoa, mỗi vị 16g; mạch môn, sa sâm, sắn dây, cam thảo đất mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Hoa kim ngân, cỏ ban mỗi vị 30g. Dùng tươi giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô sắc uống.

Bài 4: Cát căn 12g; tô diệp, xuyên khung mỗi vị 8g; xích thược, ngưu bàng mỗi vị 6g; thăng ma 4g; cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: (bệnh nhân sốt cao): Cát căn, liên kiều mỗi vị 12g; tri mẫu, địa cốt bì, thiên hoa phấn (rễ qua lâu), ngưu bàng tử, huyền sâm, tang diệp (lá dâu tằm) mỗi vị 8g; cát cánh, mộc thông, hoàng cầm, cam thảo mỗi vị 6g; tiền hồ, hoàng liên, chi tử, phòng phong, bạc hà mỗi vị 4g; đăng tâm 3g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 6: (bệnh nhân sốt cao li bì, mê sảng, có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh): Huyền sâm, gạo tẻ mỗi vị 12g; sừng con trâu, tri mẫu mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 7: (bệnh nhân tiêu chảy): Sơn tra 8g, đăng tâm 6g; bình lang sao, chỉ xác sao mỗi vị 4g; liên kiều, ngưu bàng tử mỗi vị 3g; hoàng liên sao, hoàng cầm sao, hậu phác sao, thanh bì, cam thảo, đương quy mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 8: (bệnh nhân có biến chứng viêm phổi): Thạch cao 20g, hạnh nhân 6g, ma hoàng 4g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Thời kỳ sởi bay, bệnh nhân mất nước vì sốt kéo dài, miệng khô, ho.

Bài 1: Sa sâm, hạt sen, đậu đỏ, lá dâu non mỗi vị 120g; cam thảo, mạch môn, hoàng tinh mỗi vị 80g, hoài sơn 60g. Tán thành bột, làm viên. Ngày uống 30g, chia làm 3 lần.

Bài 2: Sa sâm 12g; ngân sài hồ, huyền sâm mỗi vị 8g; đảng sâm, mạch môn mỗi vị 6g; cam thảo 4g; long đởm thảo, đăng tâm mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Hoàng cầm, địa cốt bì mỗi vị 12g; tang bạch bì (vỏ dễ cây dâu), mạch môn, sa sâm, lô căn (rễ sậy) mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

GS. Đoàn Thị Nhu

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.