Bệnh sởi và sốt phát ban khác phân biệt thế nào?

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do virut gây ra, thường gặp ở trẻ em với đặc điểm lâm sàng là viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ngoài da, thường để lại nhiều biến chứng nặng cho trẻ em nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần phân biệt các bệnh sốt phát ban khác với bệnh sởi.

Tác nhân gây bệnh là virut sởi, thuộc nhóm RNA Paramyxovirus, genus Morbillivirus chỉ gây biểu hiện phát ban ở khỉ và người. Bệnh lây theo đường hô hấp do các dịch ở họng có chứa virut sởi bắn ra ngoài không khí khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi. Thời gian lây bệnh có thể khoảng 9-10 ngày sau khi tiếp xúc (đôi khi có thể sớm hơn, khoảng 7 ngày) và kéo dài đến 5 ngày sau phát ban. Đây là thời gian cần cách ly trẻ bệnh để tránh lây lan.

Bệnh sởi có thể xảy ra khắp mọi nơi, quanh năm. Bệnh rất dễ lây, dễ phát trở thành dịch. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là 2-6 tuổi. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi cũng ít khi mắc sởi vì có kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai. Sau đó kháng thể của mẹ ở trẻ sẽ giảm dần khi trẻ lớn.

Triệu chứng lâm sàng: Chia làm 4 thời kỳ.

– Thời kỳ ủ bệnh, trung bình 10-12 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.

– Thời kỳ khởi phát còn gọi là thời kỳ viêm long. Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài 4-5 ngày. Các triệu chứng chính trong giai đoạn này là: sốt, có thể sốt nhẹ 38-38,5oC hoặc sốt cao 39-40oC, kèm theo mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ khớp. Biểu hiện viêm long, đây là triệu chứng trung thành gần như không bao giờ thiếu trong bệnh sởi. Bao gồm:

Viêm long ở mắt gây chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ. Bệnh nhân sợ ánh sáng. Giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù.

Viêm long ở mũi gây hắt hơi, sổ mũi, khàn giọng, ho có đờm. Viêm long đường tiêu hóa gây tiêu chảy, thường là phân lỏng, số lượng ít.

Khám họng ở giai đoạn này có thể tìm thấy một dấu hiệu bệnh lý rất có giá trị để chẩn đoán bệnh sởi trước khi phát ban: dấu Koplik – đây là những chấm trắng nhỏ khoảng một milimet, nổi trên niêm mạc má màu đỏ sung huyết, đối diện với răng hàm thứ nhất. Những nốt này biến mất nhanh trong vòng 12-18 giờ sau khi xuất hiện. Rất hiếm các trường hợp các nốt này xuất hiện phía trên vòm hầu hay giữa môi dưới.

– Thời kỳ toàn phát, còn được gọi là thời kỳ phát ban. Ban xuất hiện đầu tiên sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ ngực bụng và phần chi trên. Trong 24 giờ tiếp ban lan ra sau lưng, hông và chi dưới. Trong vòng 2-3 ngày ban lan ra toàn thân. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất. Ban có khuynh hướng dính kết lại, nhưng xen kẽ có những khoảng da lành không bị tổn thương nằm giữa những vùng không bị phát ban.

Trong các thể nhẹ, ban thưa thớt, không lan đến chân. Trong trường hợp nặng, ban dày gần như toàn bộ da bị che kín, ngay cả bàn tay bàn chân. Đôi khi có cả ban xuất huyết và có thể kèm theo xuất huyết ở mũi, miệng, ống tiêu hóa. Khi bắt đầu phát ban, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, nhưng khi ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Sau khi phát ban 2-3 ngày mà còn sốt thì phải theo dõi thêm những biến chứng. Ngoài ra còn có thể biểu hiện: hạch cổ và hàm có thể bị sưng lên, lách to, hạch màng bụng to gây đau bụng…

– Thời kỳ hồi phục, thông thường sởi bay theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da được gọi là vết vằn da hổ. Bệnh nhân ăn uống khá hơn, toàn trạng hồi phục dần.

Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán bệnh, thường dựa vào các biểu hiện lâm sàng là chính và các yếu tố dịch tễ học như trẻ dưới 10 tuổi, chưa mắc sởi lần nào, có tiếp xúc với nguồn lây khoảng 10 ngày trước đó và nhiều trẻ mắc bệnh tương tự trong khu vực cư trú, sinh hoạt. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định bệnh sởi chúng ta cần làm thêm các xét nghiệm về virut học như phân lập virut và huyết thanh chẩn đoán (IgM) để khẳng định.

Phân biệt với các bệnh phát ban khác

Đứng trước trường hợp phát ban dạng sởi chúng ta cần phân biệt với một số bệnh có phát ban khác như: Rubella, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, Scarlatine (ban hồng nhiệt), Megalerythema epidimicum, nhiễm virut đường ruột như virut Coxsackie A và B, Echovirus hoặc phản ứng thuốc hoặc huyết thanh…

Diễn biến bệnh

Diễn biến của bệnh sởi thường lành tính, phục hồi hoàn toàn. Phần lớn các trường hợp tử vong do biến chứng, nhất là bội nhiễm phổi do các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên tục, trực khuẩn gram âm hoặc vi khuẩn lao đặc biệt trên cơ địa suy dinh dưỡng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não, cam tẩu mã, viêm ruột kéo dài dẫn đến tình trạng tiêu chảy liên tục, loét giác mạc mắt (do thiếu vitamin A, có thể dẫn đến thành lập hạt Bitot và mù), đặc biệt suy dinh dưỡng do một chế độ quá kiêng khem.

Điều trị

Hiện nay bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng bất lợi của bệnh giúp cho bệnh nhân tự hồi phục. Các bà mẹ cần tránh kiêng cữ thái quá, cho trẻ ăn những thức ăn nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tránh những trường hợp suy dinh dưỡng nặng khó hồi phục về sau.

Đặc biệt chú ý dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt. Chú ý chăm sóc cho trẻ súc miệng, đánh răng, rửa tay sạch, dùng kháng sinh nhỏ mắt, tắm rửa sạch sẽ để tránh những trường hợp nhiễm khuẩn, lở loét.

Nếu bệnh nhân sốt cao cho uống paracetamol hoặc sử dụng các biện pháp vật lý để hạ nhiệt và uống nhiều nước. Tránh sử dụng aspirin sợ gây nên hội chứng Reyes. Giảm ho và tránh sử dụng corticoid vì dễ gây nên ban xuất huyết và không dùng kháng sinh nếu không có chỉ định. Điều trị các biến chứng nếu có.

Phòng bệnh

Cho trẻ tiêm phòng vacxin sởi theo lịch tiêm chủng, bao gồm hai mũi:

– Mũi 1: Khi trẻ được 9 tháng tuổi.

– Mũi 2: Khi trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

ThS. Nguyễn Văn Dũng

  1. Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em

  2. Cách tiêm phòng vắc xin bệnh sởi cho trẻ đúng theo Bộ y tế

  3. Phòng ngừa bệnh sởi theo Bộ Y tế

  4. Phác đồ điều trị bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y Tế

  5. Bệnh sởi và sốt phát ban khác phân biệt thế nào?

  6. Bệnh dịch sởi?

  7. Bài thuốc nam chữa bệnh sởi hiệu quả

  8. Chữa bệnh sởi bằng thuốc nam

  9. Bệnh sởi ở trẻ em – triệu chứng, cách chăm sóc và điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi

  10. Bệnh sởi – nguyên nhân, dịch tễ, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, dự phòng

  11. Chữa bệnh sởi bằng đông y

  12. Bệnh sởi – Chẩn đoán, điều trị theo bộ Y tế

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.