Các giai đoạn nhiễm HIV

Giai đoạn tiền nhiễm:Khi cơ thể bị nhiễm HIV, HIV sẽ được sản sinh rất nhanh. Tình trạng này kéo dài nhiều tuần lễ cho đến khi hệ thống nhiễm dịch của cơ thể bắt đầu có phản ứng. Những tế bào chủ yếu tham gia vào việc diệt trừ các tế bào lympho nhiễm HIV là tế bào lympho CD 4. Tuy nhiên việc sản sinh đủ số lượng CD 4 kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Vào thời điểm hệ thống miễn dịch bắt đầu phản ứng, nhiều người nhiễm HIV sẽ bị một số triệu chứng sơ nhiễm như: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, khó chịu. Những triệu chứng này sẽ mất đi sau khoảng 2 tuần.

Giai đoạn cửa sổ: Chỉ sau khi hệ thống miễn dịch đã phản ứng, với sự tồn tại của kháng thể sẽ có phản ứng dương tính. Giai đoạn sau nhiễm, khi mà HIV được sản sinh nhiều nhưng các xét nghiệm tìm kháng thể cho kết quả âm tính, được gọi là giai đoạn cửa sổ. Với sự phát triển của các xét nghiệm có độ nhạy cao hơn cũng như các xét nghiệm tìm kháng nguyên HIV, giai đoạn cửa sổ đang dần dần được rút ngắn lại. Tuy nhiên giai đoạn cửa sổ này vẫn là một cản trở lớn đến việc sàng lọc một cách có hiệu quả, đặc biệt là trong công tác an toàn truyền máu.

Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Sau khi hệ thống miễn dịch đã phản ứng và xét nghiệm tìm kháng nguyên đã trở thành dương tính, người nhiễm sẽ tiếp tục sống với HIV mà không có triệu chứng gì trong thời gian trung bình là khoảng 8-9 năm. Thời gian này có thể dao động ít nhất là một năm cho đến hàng thập kỷ. Chính khoảng thời gian không có triệu chứng này đã khiến cho việc nhận biết cũng như khống chế nạn dịch này trở nên khó khăn. Để xác định một người có bị nhiễm HIV hay không trong khoảng thời gian này là phải tiến hành xét nghiệm HIV .

Đường lây truyền HIV từ mẹ sang con ở phụ nữ mang thai

Đường lây truyền HIV vào cơ thể: HIV xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, đường sinh dục và mẹ bị nhiễm HIV truyền sang con trong thời kỳ chu sinh. HIV có nhiều trong máu (từ 1.000-10.000 vi rút/1ml máu) kế đến là tinh dịch, dịch tiết âm đạo của người nhiễm HIV/AIDS. Sữa có HIV với số lượng thấp hơn. Ngoài ra cũng tìm thấy HIV trong các dịch khác của cơ thể: nước miếng, đàm, nước mắt nhưng với số lượng rất ít không đủ để lây bệnh. Vì vậy HIV có thể lây qua 3 đường: Qua quan hệ tình dục với một người bị nhiễm HIV nếu không dùng BCS (quan hệ tình dục qua đường âm đạo, qua miệng, qua hậu môn). Qua đường máu, nhận máu của người nhiễm HIV do truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm, các vật sắc nhọn đâm qua da mà không được tiệt trùng đúng cách, bị dính máu và dịch của người nhiễm HIV qua các vết thương hở. Mẹ bị nhiễm HIV có khả năng truyền cho con qua quá trình mang thai, khi sanh và cho con bú. Ba đường lây đó phải hội đủ hai điều kiện: số lượng HIV đủ ngưỡng lây và tạo ngõ vào thẳng trong máu .

Đường lây truyền HIV từ mẹ sang con: Lây truyền từ mẹ sang con hay còn gọi là lây nhiễm dọc hoặc lây nhiễm bẩm sinh. Kết quả là trẻ bị sinh non, dị tật bẩm sinh, dị dạng bào thai hoặc bào thai chậm phát triển trong tử cung dẫn đến nhẹ cân hoặc nhiễm trùng bào thai kéo dài. HIV có thể từ máu mẹ, nhau thai, nước ối, dịch tiết cổ tử cung, âm đạo hoặc từ sữa mẹ thông qua tuần hoàn nhau thai, qua da niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp mà truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh. HIV được truyền từ mẹ sang con qua hai phương thức là trực tiếp từ mẹ sang thai nhi và từ sữa mẹ sang con. HIV có thể lây truyền trực tiếp từ mẹ sang con khi thai còn nằm trong tử cung, khi chuyển dạ, sau khi sinh và trong thời kỳ cho bú. Tất cả những trẻ của những bà mẹ có HIV dương tính đều có khả năng bị lây nhiễm HIV nhưng thực tế chỉ có khoảng 30-35% trẻ của các bà mẹ này bị lây nhiễm HIV từ mẹ .

HIV truyền từ mẹ sang con khi thai còn nằm trong tử cung: HIV từ máu của mẹ qua màng nhau thai vào bào thai. Màng nhau thai trở nên mỏng hơn trong những tháng của thời kỳ thai nghén. Các tế bào CD 4 có chứa các vi rút HIV. Sự lây truyền này có thể xảy ra suốt từ quý đầu cho đến khi đủ tháng do HIV được truyền trực tiếp từ mẹ sang thai nhi qua bánh nhau. Người ta cũng thấy HIV trong tổ chức não, thận, gan của bào thai tuy nhiên cơ chế vi rút được truyền qua bánh nhau rất phức tạp và tuỳ thuộc vào từng cá nhân của thai phụ. Bánh nhau có một màng ngăn cách với tử cung của người mẹ để bảo vệ thai nhi. Thông thường các mầm bệnh rất khó đi qua màng ngăn cách này. Sự ngăn cách để bảo vệ thai nhi rất phức tạp và có thể có nhiều yếu tố tham gia, đặc biệt là các bạch cầu đơn nhân, các đại thực bào tại các gai nhau. Chính sự ngăn cách này đã bảo vệ cho khoảng 60-70 % con của các bà mẹ nhiễm HIV không bị lây nhiễm HIV từ những bà mẹ. Tuy nhiên khi bị nhiễm HIV, có thể có một số tác động làm giảm khả năng chống đỡ nên đã cho phép HIV trong máu mẹ trực tiếp lách qua màng ngăn cách này sang thai nhi hoặc những tháng cuối, màng ngăn cách này mỏng đi càng làm thuận lợi cho vi rút trực tiếp từ máu mẹ sang thai nhi. Vi rút cũng có thể từ các tế bào CD4 có chứa HIV, lọt qua màng ngăn cách này mà sang thai nhi. Các đại thực bào khi diệt các tế bào có HIV trong những trường hợp đặc biệt đã lọt qua màng ngăn cách tại màng nhau truyền sang thai nhi. Trong những trường hợp viêm nhiễm ở ba tháng đầu hay ba tháng giữa, màng nhau bị thay đổi cấu trúc làm cho vi rút dễ dàng sang thai nhi. Trong ba tháng cuối bề dày của các hội bào ở các gai nhau mỏng, vi rút dễ xâm nhập vào thai nhi.

HIV lây truyền trong chuyển dạ: Tử cung co bóp và chảy máu, các vết rách ở âm đạo và cổ tử cung gây chảy máu. Chấn thương bào thai hoặc các vết rách gây chảy máu do cắt tầng sinh môn, do dùng kềm hoặc giác hút. Nuốt dịch âm đạo có chứa HIV. Trong chuyển dạ, các cơn co tử cung làm cổ tử cung xoá và mở, làm tổn thương các mạch máu nhỏ và gây chảy máu vào đường sinh dục của thai phụ. Khi máu chảy vào âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm HIV khi thai đi qua âm đạo người mẹ. Khi thăm khám làm xây xước thành âm đạo, cổ tử cung gây chảy máu từ người mẹ vào đường sinh dục. Nếu cuộc đẻ có can thiệp như cắt tầng sinh môn, đặt kềm hoặc giác hút thì các mạch máu lớn bị tổn thương, máu chảy nhiều làm tăng khả năng nhiễm HIV cho thai nhi. Khi thai qua đường âm đạo để ra ngoài có thể nuốt dịch âm đạo có nhiều HIV vào đường tiêu hoá. Những xây xước da và niêm mạc của trẻ sơ sinh do thăm khám hay thủ thuật, vi rút qua những chỗ xây xước đó mà xâm nhập vào thai nhi. Trong những trường hợp đặc biệt, các đại thực bào đã nuốt những tế bào có HIV ở bên trong, vì vậy khi những đại thực bào này lọt qua màng ngăn cách của bánh nhau sang được máu của thai nhi đã truyền vi rút cho thai .

HIV lây truyền qua sữa mẹ: Sữa mẹ có chứa HIV; Núm vú bị chấn thương và có thể bị chảy máu sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV nếu trẻ bú mẹ. Trong thời kỳ sau đẻ, HIV từ những bạch cầu trong máu mẹ qua các mạch máu thẩm thấu vào các nang sữa rồi qua sữa mẹ mà sang con. Ở Châu Phi, trẻ em bị lây truyền qua sữa mẹ chiếm tỉ lệ 16% đến 42%, vì vậy người ta khuyên những phụ nữ có HIV dương tính, khi có điều kiện và có những thức ăn thay thế thì không nên cho con bú mà nên nuôi con bằng thức ăn thay thế để cắt nguồn lây HIV qua sữa mẹ. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra ở ba giai đoạn của thai kỳ với tỷ lệ lây truyền khác nhau, lây truyền qua tử cung thường gặp vào 3 tháng giữa thai kỳ chiếm khoảng 30-50%. Lây truyền cao nhất là trong giai đoạn chuyển dạ 60-65%. Lây truyền sau khi sinh, trong giai đoạn cho con bú là 10-15% . Trước khi đưa ARV vào chương trình điều trị dự phòng, nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con từ 15­25% ở các nước phát triển và có thể cao hơn ở những nước đang phát triển 25-35% . Tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con thay đổi từ 13-40% tùy thuộc vào từng nghiên cứu, 30% theo báo cáo của WHO; 14,4% theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tại châu Âu, 39% theo nghiên cứu ở Zambia, 23% ở Thái lan, 27% theo báo cáo của 51 trung tâm hợp tác nghiên cứu của Pháp. Tuy nhiên, tỉ lệ lây truyền có thể thay đổi do ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ như tình trạng bệnh của mẹ, trẻ có bú mẹ hay không hoặc cũng có thể do cách tính khác nhau tùy thuộc vào độ nhạy hoặc kỹ thuật xét nghiệm được sử dụng hoặc do tình trạng loại trừ khỏi nghiên cứu khi trẻ bị tử vong sau sinh hoặc mất dấu trong quá trình theo dõi .

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.