KINH NGUYỆT ĐẾN TRƯỚC KỲ
Kinh đến trước kỳ là trạng thái thấy kinh sớm hơn một tuần hoặc có khi một tháng có đến hai lần.
Đông y còn gọi là Kinh Thuỷ Tiên Kỳ, Kinh Nguyệt Tiên Kỳ, Nguyệt Kinh Tiên Kỳ, Kinh Kỳ Siêu Tiền, Kinh Tảo.
Sách ‘Phụ Nhân Quy’ viết: “Gọi là kinh sớm nên dựa vào số hành kinh của hàng tháng, đừng vì nhiều lần không đều, bỗng nhiên thấy chỉ một lần đến trước kỳ mà vội cho rằng đó là kinh đến trước kỳ”.
Đa số các sách cổ y đều cho rằng kinh đến trước kỳ thuộc về nhiệt. Sách ‘Đan Khê Tâm Pháp’ ghi: “ Kinh đến trước kỳ thuộc nhiệt”.
Tuy nhiên, trong lúc chẩn đoán, không nên chỉ dựa vào việc kinh nguyệt đến trước kỳ mà xác định là do nhiệt nhưng nên tổng hợp các triệu chứng của toàn thân, phải dựa vào tứ chẩn, bát cương để xác định cho đúng. Sách ‘Phụ Nhân Quy’ viết: “Để gọi là huyết nhiệt thì nên luận theo tạng tượng cả toàn thân” hoặc “Mạch chứng không có hoả thì kinh đến trước kỳ đừng cho là nhiệt”. Sách ‘Y Học Tâm Ngộ’ cũng viết: “Nếu như mạch Sác, nội nhiệt, khô môi miệng, sợ nóng, thích lạnh mới là có nhiệt. Nếu mạch trì, bụng lạnh, lưỡi nhạt, đó là có hàn…”.
Nguyên Nhân Kinh Nguyệt Đến Trước Kỳ
Thường do một số nguyên nhân sau: Huyết uất, Đờm nhiệt, Khí hư, Tỳ hư, Huyết nhiệt, Hư nhiệt và Huyết ứ.
Sách ‘Vạn Thị Phụ Nhân Khoa’ viết: “Tính tình hay giận, hay ghen thì khí huyết nhiều nhiệt, kèm theo có uất”.
Sách ‘Cảnh Nhạc Toàn Thư viết: “Nếu chứng mạch không phải hoả mà kinh nguyệt đến sớm không đúng kỳ, đó là do khí của Tâm Tỳ suy yếu không cố nhiếp được gây nên”.
Sách ‘Diệp Thiên Sỹ Nữ Khoa’ viết: “Nếu dương khí quá thịnh làm cho kinh nguyệt đến trước một tháng hoặc sớm hơn một tháng thì mầu sắc đỏ nhiều hoặc tía đen mà đậm, thể chất ăn uống thích lạnh, không thích nóng, đó mới là huyết nhiệt”.
Trong sách ‘Nữ Khoa’, Phó Thanh Chủ lại có nhận định như sau: “Người ta cho rằng (kinh đến trước kỳ) là do chân huyết thiên về nhiệt mà ra trước kỳ và ra nhiều. Ôi au biết đó là bởi cả thuỷ và hoả ở trong Thận đều vượng cả đâu! Hoả mà vượng quá thì huyết nhiệt, thuỷ mà vượng quá thì huyết nhiệt nhiều, thế là bởi ‘Thuỷ hoả hữu dư’ chứ không phải bất tức”.
Điều Trị Kinh Nguyệt Đến Trước Kỳ
Chứng Huyết Uất – Can Uất Hóa Nhiệt: Kinh đến sớm, lượng nhiều hoặc ít, mầu tím đỏ, có cục, khi hành kinh thì vú đau, hông sườn đau, bụng dưới trướng đau, phiền táo, hay giận dữ, miệng đắng, nôn khan, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác.
Điều trị: Thanh Can, giải uất, lương huyết, điều kinh. Dùng bài:
Đơn Chi Tiêu Dao Tán (Nữ Khoa Toản Yếu): Đơn bì, Chi tử (sao), Đương quy, Bạch thược, Sài hồ, Bạch truật, Phục linh, Cam thảo (chích).
(Sài hồ, Chi tử, Đơn bì sơ Can, giải uất, thanh nhiệt, lương huyết; Đương quy, Bạch thược dưỡng huyết, nhu Can; Bạch truật, Phục linh, Chích thảo bồi Tỳ, hòa trung).
Nếu kinh nguyệt ra quá nhiều, bỏ Đương quy, thêm Mẫu lệ, Tây thảo, Địa du (sao) để điều Xung (mạch), chỉ huyết. Kinh hành không thoải mái, kèm có huyết cục, phối Trạch lan, Ích mẫu thảo để hoạt huyết, hóa ứ. Hành kinh mà vú sưng đau, thêm Qua lâu, Vương bất lưu hành, Uất kim để giải uất, hành trệ, chỉ thống.
Đờm Nhiệt: Cơ thể gầy yếu, sắc mặt vàng, phù, chóng mặt, tay chân mỏi mệt, miệng nhớt, miệng hơi đắng, bứt rứt trong ngực, muốn nôn, nôn ra đờm nhớt, bụng đầy, tiêu chảy, rêu lưỡi trắng nhờn, hơi vàng, mạch Hư Hoạt và Sác.
Điều Trị: Thanh nhiệt, Hóa đờm, điều kinh. Dùng bài Tinh Khung Hoàn (Đan Khê Tâm Pháp): Nam tinh 120g, Xuyên khung, Thương truật đều 90g, Hương phụ (chế với Đồng tiện) 120g. Thêm Hoàng liên 80g, Bạch truật 80g. Tán bột. Mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần (Giản Minh Trung Y Phụ Khoa Học).
Châm Cứu: Quan nguyên, Trung cực, Tam âm giao, Âm lăng tuyền, Túc tam lý.
Huyết Nhiệt: Sắc mặt đỏ hồng, chóng mặt, tinh thần mỏi mệt, miệng khô, khát, bứt rứt trong ngực, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Sác.
Thanh nhiệt, Lương huyết., điều kinh.
Dùng bài Tiên Kỳ Thang (Giản Minh Trung Y Phụ Khoa Học).
Thanh Kinh Thang (Phó Thanh Chủ Nữ Khoa): Thanh cao, Địa cốt bì (bỏ xương) đều 6g, Hoàng bá (tẩm nước muối sao) 1,5g, Bạch thược (tẩm rượu sao), Thục địa, Đơn bì đều 9g, Bạch linh 3g
Châm Cứu: Quan nguyên, Trung cực, Nội quan, Tam âm giao.
Huyết Ứ: Huyết ra mầu bầm tím, có cục, bụng dưới đầy đau, chất lưỡi xanh nhạt hoặc có vết ứ huyết, mạch Tế Sáp.
Hoạt huyết, Khứ ứ, Điều kinh. Dùng bài Đào Hồng Tứ Vật Thang (Y Tông Kim Giám): Đào nhân 8g, Đương qui 8g, Hồng hoa 6g, Thục địa 16g, Xích thược 8g, Xuyên khung 4g.
Châm Cứu: Trung cực, Tam âm giao, Hành gian, Huyết hải, Quy lai.
Hư Nhiệt: Kinh rất vào lúc chiều tối, gò má đỏ, gầy ốm, da thịt khô, chóng mặt, miệng khô, lưỡi nứt, nóng âm ỉ trong xương, lòng bàn tay nóng, ngủ không yên, táo bón, nước tiểu vàng, lưỡi hồng không nhớt, mạch Tế Sác.
Tư âm, Giáng Hỏa. Dùng bài Lưỡng Địa Thang (Phó Thanh Chủ Nữ Khoa): A giao 12g, Bạch thược 20g, Địa cốt bì 12g, Huyền sâm 40g, Mạch môn 20g, Sinh địa 40g.
Châm Cứu: Quan nguyên, Trung cực, Tam âm giao.
Khí Hư: Mỏi mệt, sợ lạnh, tiếng nói yếu, đầu nặng, hồi hộp, hơi thở yếu, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi mỏng, nhuận ướt, mạch Hư Nhược.
Điều trị: Bổ khí, Ích khí. Dùng bài Bổ Khí Cố Kinh Hoàn (Thẩm Thị Tôn Sinh Thư): Nhân sâm, Chích thảo, Phục linh, Bạch truật, Hoàng kỳ, Sa nhân. Tán bột, làm thành viên, uống.
Châm Cứu: Chiên trung, Khí hải, Quan nguyên, Túc tam lý.
Tỳ Khí Hư: Sắc mặt vàng úa, phù, chóng mặt, mệt mỏi, hồi hộp, hơi thở yếu, tay chân lạnh, không có sức, ăn uống kém, tiêu chảy, lưỡi trắng nhờn, mạch Hư Nhược.
Điều trị: Kiện Tỳ, Ích khí. Dùng bài Quy Tỳ Thang (Tế Sinh Phương): Bạch truật 8g, Cam thảo 2g, Đương qui 4g, Hoàng kỳ 8g, Long nhãn nhục 8g, Mộc hương 2g, Nhân sâm 8g, Phục linh 4g, Toan táo nhân 4g, Viễn chí 8g.
Châm Cứu: Khí hải, Quan nguyên, Trung cực, Tỳ du, Túc tam lý.
Thận Khí Hư: Kinh đến trước kỳ, lượng ít, mầu trắng tối, lợn cợn xanh, lưng đau, chân mỏi, đầu váng, tai ù, tiểu nhiều, sắc mặ sạm tối hoặc có vết ban tối, lưỡi nhạt tối, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch Trầm Tế.
Điều trị: Bổ Thận, ích khí, cố Xung (mạch), điều kinh. Dùng bài Cố Âm Tiễn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): Nhân sâm, Thục địa, Sơn dược, Sơn thù, Viễn chí, Chích thảo, Ngũ vị tử, Thỏ ty tử.