Các loại dụng cụ thông thường trong phẫu thuật
Mục tiêu:
1. Biết được một số dụng cụ thông thường trong phẫu thuật.
2. Biết cách sử dụng một số dụng cụ thông thường.
3. Hiểu cấu trúc các dụng cụ kim loại.
1. Đại cương
Dụng cụ kim loại dùng trong phẫu thuật phải có những tính chất sau:
Trước đây làm bằng sắt hoặc thép rồi mạ để tránh rỉ, nhưng nay đều làm bằng hợp kim, hợp kim này không rỉ, nhẹ, chắc, mặt ngoài nhẵn nhưng không bóng để tránh phản chiếu ánh sáng. Các chữ hay số trên dụng cụ không còn được dập sâu vào dụng cụ mà thay bằng áp điện để dễ cọ rửa và tiệt trùng.
Những dụng cụ dễ mòn do cặp vào vật cứng hay dùng thường xuyên được gia công thêm một bản carbon, rất cứng (Thí dụ: 2 má của kéo, kìm cặp kim…). Những dụng cụ này được mạ vàng phía chuôi để dễ phân biệt trong khi dùng (Hình 1.3-C, 1.4e).
Sau khi dùng xong, các dụng cụ này trước đây được ngâm trong nước, rồi dùng bàn chải cọ sạch dưới vòi nước. Làm như vậy dễ làm hỏng dụng cụ (mòn) và khó có thể cọ ở các khe, máu vẫn bám vào, khi tiệt trùng (lò sấy) sẽ két lại. Nay dùng một dung dịch có tính chất làm tiêu-tan các chất bám vào dụng cụ (mỗi hãng sản xuất đặt một tên khác nhau, căn bản là có enzym), ngâm một thời gian, xả nước sạch rồi đưa vào lò sấy.
Đối với những dụng cụ mổ vi phẫu, rất mỏng mảnh và rất đắt nên lại càng phải hết sức thận trọng khi dùng cũng như khi lau chùi, tiệt trùng. Những dụng cụ này thường được cài từng chiếc lên một khay sao cho các dụng cụ không va chạm, nằm đè lên nhau sẽ làm cong hay gẫy nhất là khi đang sấy ở nhiệt độ cao.
2. Nguyên tắc sử dụng
Mỗi dụng cụ làm ra nhằm thực hiện một mục đích riêng, do đó không được tuỳ tiện dùng làm việc khác sẽ hỏng (Thí dụ: kìm cặp kim nhỏ cho chỉ 5-0, 6-0 không được dùng để cặp kim khâu cơ hay khâu da, chỉ cần trót cặp nhầm một lần là đã hỏng phải vứt bỏ mà mỗi kìm này giá vài triệu đồng; kéo phẫu tích không được dùng để cắt chỉ…).
Khi cặp vào một tạng hoặc một mô tinh tế (não, thành mạch…) mà không định cắt bỏ thì không được dùng các loại kẹp có răng.
Không bao giờ hai người cầm một dụng cụ: người phụ đang cầm nhưng nếu người mổ cần đến (để đặt lại, để khâu…) thì người phụ phải thả ngay dụng cụ đó, nếu không rất dễ rách phần mô đang cặp.
Trong khi mổ, không bao giờ nhóm mổ (người mổ chính và người phụ mổ) được tự mình thò tay lên bàn dụng cụ để lấy mà phải nói qua dụng cụ viên, chính vì vậy người mổ cũng phải biết tên dụng cụ mà gọi. Một khi đã làm việc thành thạo, người mổ chỉ việc chìa tay, không cần nói, dụng cụ viên cũng tự biết phải đưa dụng cụ nào.
3. Cách sử dụng một số loại dụng cụ cơ bản
3.1. Kẹp phẫu tích (Hình 1.3)
Kẹp được giữ bằng ngón cái và ngón trỏ như kiểu cầm bút (Hình 1.3B).
3.2. Kéo (Hình 1.4)
Luồn ngón cái vào một vòng, vòng kia là ngón giữa hay ngón nhẫn, ngón trỏ đỡ kéo.
3.3. Kìm cặp kim (Hình 1.1)
Cầm như cầm kéo để dễ dàng mở và khép kìm. Không được dùng cả bàn tay nắm lấy kìm vì như vậy mỗi khi mở hay khép lại phải chuyển tay trở về tư thế như kiểu cầm kéo, động tác này không những mất thêm thì giờ mà điểm chính là gây rách mô đang khâu nhất là những mô mỏng, dễ nát mỗi khi chuyển tay. Chỉ trừ khi phải khâu qua một mô rất cứng, rất dai (xương, mô xơ dày…) mà kim lại cùn thì mới nắm như vậy để có sức.
Hình 1.1. Kìm kẹp kim.
Khi mổ do vị trí đứng nên không phải luôn luôn thuận chiều cầm dụng cụ, bắt buộc người mổ (cả người mổ chính và phụ mổ) phải sử dụng linh hoạt hơn. Điều chủ yếu là phải sử dụng cổ tay, làm sao bàn tay có thể ở mọi tư thế khi sử dụng, không thể chỉ biết sấp-ngửa. Mặt khác, thí dụ như kẹp Kocher, phải biết mở kẹp cả tay phải lẫn tay trái, cả xuôi chiều lẫn trái chiều (vòng tay sang đối diện để mở ngược trở lại).
3.4. Dao mổ (Hình 1.2)
Trước đây là loại dao mổ cán liền lưỡi. Loại này phải luôn luôn mài cho sắc. Nay gần như đã thay thế hoàn toàn bằng loại cán rời, loại này có lợi là các lưỡi dao tháo lắp đơn giản, dùng một lần vứt lưỡi đi không bao giờ phải mài, có rất nhiều loại lưỡi khác nhau,
Hình 1.2. Cán dao mổ và các loại lưỡi dao.
Cầm dao mổ có hai cách: cách thông thường là cầm như kiểu cầm cán kéo khi chơi vĩ cầm để rạch da, nhưng khi rạch da xong thì gần như ai cũng cầm theo kiểu cầm bút.
Hình 1.3. Kẹp phẫu tích.
A. Các loại kẹp phẫu tích: không răng, có răng.
B. Cách cầm kẹp phẫu tích.
C. Miếng cacbon gắn vào đầu kẹp để chống cùn.
Hình 1.4. Kéo.
a: Kéo cắt chỉ cho nhóm mổ. b: Kéo cắt chỉ cho dụng cụ viên.
c: Kéo phẫu tích thông thường cong và thẳng. d: Kéo phẫu tích cong. e: Kéo cắt chỉ thép. f: Kéo phẫu tích thẳng. g: Kéo cắt ngược chiều. h. Kéo cắt băng.
Hình 1.5. Một số loại kẹp.
a: Kẹp ruột (clamp) thẳng và cong. b: Kẹp các tạng (ruột, túi mật…). c: Kẹp cầm máu (Kocher) có răng thẳng và cong. d: Kẹp cặp đại tràng thẳng và cong. e: Kẹp để cặp và tháo agrafe Michel.
Hình 1.7. Dụng cụ vi phẫu.
a: Cách cầm kìm. b: Cách cầm kéo. c: Các loại kìm cặp kim. d: Kẹp phẫu tích.
Câu hỏi lượng giá:
1. Hãy nêu những nguyên tắc khi sử dụng dụng cụ mổ.
2. Hãy nêu 5 dụng cụ cơ bản khi mổ.