Phì đại tiền liệt tuyến

Tuyến tiền liệt là một tổ chức nhỏ bao quanh niệu đạo, nặng khoảng 15 – 20gr, nằm ở đáy bàng quang, phía sau xương mu và trước trực tràng.

Chức năng chính là sản xuất ra chất dịch – làm môi trường vận chuyển tinh trùng và tạo thành tinh dịch. TLT chỉ có ở nam giới. Tuyến thường phát triển ở tuổi dậy thì, đến khoảng 20-25 tuổi thì bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, đến sau 40 tuổi, tiền liệt tuyến thường có khuynh hướng phát triển bất thường, được gọi là phì đại lành tính tiền liệt tuyến.

Sự phì đại của tiền liệt tuyến gây ra một số triệu chứng rối loạn về tiểu tiện. U phì đại lành tính tiền liệt tuyến (hay u xơ tiền liệt tuyến) không phải là bệnh lý ác tính. U xơ tiền liệt tuyến nhìn chung thường bắt đầu vào độ tuổi trung niên ở người đàn ông, tiến triển từ từ và thường chỉ gây ra triệu chứng sau 50 tuổi. Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có tới 45-70% số nam giới trong độ tuổi từ 45-75 mắc căn bệnh này, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Còn theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có trên 50% nam giới từ 60-70 tuổi bị u xơ tiền liệt tuyến, tỷ lệ này lên đến 88% ở những người 80 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi. Sự phát triển bất thường của tuyến, vừa làm suy giảm chức năng của tuyến vừa gây chèn ép niệu đạo, làm cản trở sự lưu thông của nước tiểu khi qua niệu đạo.

U xơ tiền liệt tuyến có thể phát triển từ từ trong một thời gian dài mà không gây nên bất kỳ sự nguy hiểm nào. Tuy nhiên, vì tuyến bao quanh niệu đạo nên nếu bị phì đại tiền liệt tuyến sẽ gây cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo; làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn về tiểu tiện (tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu rắt, tiểu đêm nhiều lần…). Nếu nặng có thể gây bí tiểu mạn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu thậm chí suy thận. Người bệnh thường đến khám khi xuất hiện các triệu chứng về rối loạn tiểu tiện, hoặc bí tiểu cấp tính.

Biểu hiện lâm sàng u xơ tiền liệt tuyến

Trên thực tế, không rõ có mối liên quan giữa rối loạn tiểu tiện với kích thước của tiền liệt tuyến. Có người bệnh u nhỏ dưới 30gr nhưng lại có những rối loạn tiểu tiện rất nặng, ngược lại, có người bệnh u trên 100gr mà không có biểu hiện lâm sàng hoặc biểu hiện ở mức độ vừa phải.

Khối u tiền liệt tuyến phì đại chèn ép vào niệu đạo gây nên những rối loạn tiểu tiện, với 2 hội chứng đặc trưng sau:

Hội chứng tắc nghẽn đường tiểu: Đi tiểu không hết, vẫn còn nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, phải gắng sức rặn, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, thậm chí không thành tia, tiểu chỉ nhỏ giọt (người ta thường hay ví người bị u xơ tiền liệt tuyến là “tiểu ướt mũi giày” là do nước tiểu nhỏ giọt xuống mũi giày) hoặc tiểu bị tắc xong lại tiểu tiếp, đi tiểu rất lâu… và nặng hơn có thể bị bí tiểu hoàn toàn.

Hội chứng kích thích: Luôn luôn có cảm giác rất mót tiểu, tiểu không hết, dễ bị són, có nhu cầu đi tiểu nhiều lần trong cả ngày và đêm…

U xơ tiền liệt tuyến sẽ gây nên những hậu quả gì?

Trước hết nếu u to, chèn ép vào đường niệu đạo gây nên các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh (đây chính là lý do chủ yếu để bệnh nhân tìm đến với thầy thuốc).

Khi u xơ gây chèn ép, ứ trệ nước tiểu sẽ gây nên một số hậu quả: dễ bị viêm đường tiết niệu, nguy hiểm hơn nếu viêm nhiễm này đi ngược lên trên gây viêm đài – bể thận là một bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu rất nặng. Nếu ứ trệ nặng và kéo dài có thể dẫn đến suy thận mạn tính.

Chuyển thành ung thư tiền liệt tuyến, nếu ung thư tiền liệt tuyến được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng và tiên lượng tốt; nếu để muộn, xuất hiện di căn sang các cơ quan khác thì tiên lượng sẽ xấu hơn rất nhiều. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được khám, kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư (nếu có) để có thể điều trị kịp thời.

Điều trị và theo dõi u xơ tiền liệt tuyến như thế nào?

Không phải tất cả các bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến đều phải điều trị. Những người không bị ảnh hưởng nhiều bởi các triệu chứng của u xơ tiền liệt tuyến thì thường không điều trị nhưng phải được kiểm tra định kỳ để xem tình trạng bệnh có trở nên xấu đi hay không, đặc biệt cần xét nghiệm PSA để xem có bị ung thư tiền liệt tuyến hay không mà xử trí kịp thời. Lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là dựa vào các dấu hiệu lâm sàng (tức là mức độ ảnh hưởng đến tiểu tiện) và khối lượng của tiền liệt tuyến.

Điều trị nội khoa: Với những người có triệu chứng rối loạn về tiểu tiện ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì trước tiên phải điều trị nội khoa. Các thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay thuộc nhóm ức chế alpha 1 có tác dụng làm giãn cơ trơn, tiền liệt tuyến và cổ bàng quang giúp làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn niệu đạo do phì đại tiền liệt tuyến.

Điều trị ngoại khoa: Hiện nay phổ biến nhất là áp dụng phương pháp cắt bỏ tiền liệt tuyến bằng nội soi qua đường niệu đạo.

Ngoài ra có nhiều biện pháp hỗ trợ điều trị khác không dùng thuốc cũng được chứng minh có hiệu quả như: ngâm nước ấm toàn bộ vùng chậu hông kết hợp xoa bóp phía ngoài hằng ngày. Uống đủ nước, nhất là mùa hè nhưng luôn nhớ là ưu tiên uống vào ban ngày, sau 19 giờ nên hạn chế uống nước hoặc ăn các đồ ăn nhiều nước (vì nhiều người uống cả vào buổi tối gây đi tiểu nhiều cả đêm, làm mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe).

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.