Thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai
Nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý và thực hiện chương trình Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tại TP.HCM, Trung tâm Dinh dưỡng tổ chức Hội thảo “Thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai: thực trạng và giải pháp” với sự tham dự cán bộ y tế, các bác sĩ chuyên khoa sản của các bệnh viện vào ngày 30/8/2011 nhằm mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho các phụ nữ mang thai, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị thiếu máu thường gặp nhất. Thiếu máu ở phụ nữ mang thai là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu.
Theo dõi tình trạng dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai tại TP.HCM do Trung tâm Dinh dưỡng tiến hành, thiếu máu và thiếu vi chất dinh dưỡng hiện là những vấn đề sức khỏe cộng đồng đe dọa sức khỏe mẹ và thai nhi. Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 17,5%, trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 60%. Các vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi cũng thiếu nhiều ở phụ nữ mang thai. Tỷ lệ thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai là 72,8%, thiếu kẽm là 34,6%.
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai là có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Con bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng tỉ suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác. Phụ nữ mang thai thiếu acid folic có thể gây những dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, gai đôi cột sống. Thiếu i- ốt ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, tai biến sản khoa như sinh non, con suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần.
Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Điều tra do Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh tiến hành cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.
Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai cần áp dụng các biện pháp tăng cường công tác truyền thông giáo dục để phụ nữ mang thai chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt rét.
Sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, trứng, đậu đỗ, rau xanh. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Dùng thực phẩm lên men (dưa chua, dưa giá…) cùng bữa ăn hoặc dùng các lọai trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, sơ-ri, thơm… sau bữa ăn sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt tốt hơn. Những chất ức chế hấp thu sắt có trong ngũ cốc thô, trà.
Thực phẩm giàu acid folic là rau lá xanh, gan, thận, nấm rơm, mầm lúa mì, đậu đỗ, các loại hạt, trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, lê, dưa hấu. Acid folic trong thực phẩm tự nhiên có giá trị sinh học không cao như acid folic ở viên bổ sung.
Do nhu cầu sắt và acid folic ở của phụ nữ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên WHO khuyến nghị phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt và acid folic với liều 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic mỗi ngày. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
Sử dụng muối i-ốt trong chế biến món ăn hàng ngày là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao trong phòng chống thiếu hụt i-ốt ở các bà mẹ tương lai
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp
GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM
Theo Trung tâm dinh dưỡng