Dị vật tai là bệnh lý rất thường gặp. Dị vật tai thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi chơi đã tự đút vào tai những vật như hạt bắp, hạt đậu, hạt cườm…., hoặc một số mảnh vụn đồ chơi, bụi…, hoặc do một số côn trùng như kiến, gián… bò vào tai khi ngủ. Thường các dị vật tự bản chất không gây ra nguy hiểm gì nhưng chính những cách lấy dị vật ra không đúng cách có thể gây biến chứng, tổn hại nặng.
Trên thực tế có thể gặp hai loại sau
Loại dị vật bất động: hạt cườm, hạt thóc, hạt bắp, các mảnh nhỏ đồ chơi… có thể ở trong tai khá lâu mà không gây biến chứng gì. Nếu dị vật khá to, gây bít kín, tắc ống tai làm cho tai bị ù, nghe kém hoặc gây cảm giác đau, ho do kích thích thần kinh.
Loại dị vật cử động: Kiến, ruồi, gián… khi vào tai, bò, chạy vào trong ống tai, gây nên tiếng sột soạt, cắn vào da trong ống tai, chạm vào màng nhĩ gây rát, đau tai, có khi chóng mặt. Các dị vật sống này nếu không biết cách xử lý tốt có thể gây biến chứng rách màng nhĩ.
Xử lý như thế nào khi nghi ngờ trẻ bị dị vật tai?
Thông thường thì bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng mới có kinh nghiệm và đủ dụng cụ để lấy dị vật tai.
Loại dị vật bất động
Tùy theo hình dạng, kích thước của loại dị vật mà người thầy thuốc dùng các dụng cụ khác nhau để lấy.
Không nên dùng kẹp để lấy dị vật với những dị vật hình tròn như hạt cườm, vì như vậy sẽ không gắp được dị vật mà còn làm dị vật vào sâu thêm. Trong trường hợp này, dùng cây móc hoặc móc ráy tai, luồn sát thành ống tai ra phía sau dị vật, nhẹ nhàng kéo ra.
Những dị vật là những mảnh
nhỏ có thể dùng nước ấm (37°C) bơm vào thành trên ống tai, tia nước sẽ đi theo thành trên ống tai ra phía sau dị vật và đẩy dị vật từ trong ống tai ra ngoài. Nhưng với những dị vật như miếng xốp, hay các hạt thóc, ngô thì không nên dùng phương pháp này vì chúng có thể thấm nước gây phình to hơn.
Nếu dị vật mềm như bông gòn, giây… có thể dùng kẹp gắp ra. Loại cử động
Nếu chúng còn sống không nên gắp ra ngay, vì đụng vào chúng càng chui sâu hơn, vừa khó lấy, vừa đau. Loại gián thường chui đầu vào trước, ngạnh và cái chân bị vướng nên không sao chui ra được. Có trường hợp gián bị gắp đứt cả bụng và chân mà vẫn mắc đoạn thân ở lại, chúng càng phản ứng và cào xước da ống tai, màng nhĩ. Trong trường hợp này cần làm cho côn trùng sợ và chui ra hoặc giết chết bằng cách nhỏ cồn nhẹ hoặc rượu, dầu phọng, hoặc thuốc nhỏ tai có vị đắng…
Khi côn trùng đã chết, râu, ngạnh xẹp lại, dùng kẹp gắp ra, nếu chưa sạch xác côn trùng trong ống tai có thể dùng nước bơm rửa ống tai.
Một số trường họp không sử dụng được các phương pháp trên như dị vật là viên sỏi to không lấy ra được thì phải nhập viện gây mê và mổ đường sau tai để lấy dị vật.