Hỏi: Khi em bé bị muỗi, kiến….cắn thì nên làm gì và dùng thuốc gì thưa bác sĩ. Cám ơn bác sĩ.

Trả lời:Câu hỏi của chị tuy ngắn, nhưng có phần “ …” nên chắc chị muốn hỏi nhiều con côn trùng khác đốt nữa phải không? như nhện nè, bọ chét nè, rận, rệp, rết, ve … đủ thứ loại hết ! ! ! Nói chung côn trùng đốt thường thì nhẹ, có thể gây đau nhức, ngứa, sưng đỏ nhẹ tại chỗ, chỉ cần sơ cứu săn sóc vết thương tại chỗ như rửa sạch vết thương, chườm lạnh nếu đau nhức, ngứa, có thể bôi thuốc sát trùng để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào da gây nhiễm trùng. Thuốc sát trùng an toàn ở trẻ em là xanh methylen 2%, biệt dược trên thị trường là Milian. Có thể bôi dầu khuynh diệp vì trong thành phần có tinh dầu tràm có tính kháng viêm, giảm đau, khử trùng. Một số bà mẹ ưa dùng kem Zambuk có thành phần tương tự dầu khuynh diệp cũng cho kết quả khá tốt nhưng giá thành đắt. Tuy nhiên, cần lưu ý một số người dị ứng với nọc độc (nọc ong, nọc bọ cạp, nhện rừng) có thể bị sốc được gọi là sốc phản vệ, nên cần đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị

Hỏi: Con gái tôi 19 tháng tuổi, từ nhỏ bé bị muỗi đốt, tôi có bôi dung dịch trị muỗi cắn của Johnson baby hoặc nước hoa nhưng vẫn còn để lại những vết thâm gây mất thẩm mỹ. Xin cho tôi hỏi những vết thâm trên cánh tay và chân có mờ hết khi bé lớn không ? Mặc dù lúc ngủ tôi đều cho bé nằm trong mùng nhưng lúc bé chơi thì vẫn bị muỗi cắn. Dung dịch trị muỗi cắn của Johnson có bôi thường xuyên để đề phòng muỗi căn được không, có gây ảnh hưởng đến làn da của bé hay không?

Trả lời:

Thấy chị hỏi kỹ vấn đề này là biết chị thương và lo cho đứa con gái “rượu” của chị biết dường nào! Thông thường sau khi bị muỗi đốt da trẻ bị ửng đỏ kích thước lớn hơn đầu kim một chút (khoảng 1-3 mm), sau đó đổi thành màu thâm, phai dần và trở lại da bình thường sau một vài ngày. Qua mô tả của chị cho thấy bé gái con chị có vết thâm da kéo dài sau khi bị muỗi đốt, tuy nhiên, chị hãy yên tâm, các vết thâm da này sẽ mờ dần, phai dần khi con chị lớn lên và cháu sẽ mặc được váy đẹp mà không sợ mắc cỡ vì chân xấu! về nguyên tắc chị không nên bôi bất cứ một thuốc gì thường xuyên cho bé dù được quảng cáo là “hàng xịn”, “hàng tốt” vì thứ nhất hãy để làn da cháu phát triển tự nhiên, sinh lý, thứ nhì là các nguy hiểm khi dùng thuốc bôi đã xảy ra không lường trước được như gây kích ứng, dị ứng, tổn thương da, trẻ có thể quẹt vào mắt, mũi, miệng gây tổn thương mắt, mũi hay ngộ độc do nuốt. Nhân đây cũng xin nhắc đến quý phụ huynh ngoài quan tâm đến vết thương ngoài da do muỗi đốt, cần lưu ý trẻ có thể bị sốt xuất huyết do muỗi đốt truyền bệnh nữa.

muỗi vằn đốt và bệnh sốt xuất huyết
muỗi vằn đốt và bệnh sốt xuất huyết
Hỏi: Con em được 10 tháng tuổi, mỗi lần bị muỗi đốt thì chỗ bị đốt đó sưng đỏ lên rất to. Nếu cắn ngay mắt cá chân thì chân của cháu sưng lên y như bà mẹ mang thai mà bị phù chân vậy. Tối đến thì rất ngứa. Em có ra tiệm thuốc tây mua tuýt kem bôi để bôi cho bé mau lành.
Nhưng cả tuần sau mới hết. Xin hỏi bác sĩ làm cách nào vết đốt đó mau lành. Em nghe người ta nói bé bị vậy là do có chứng phong. Không biết là có đúng không. Nếu là chứng phong thì làm cách nào để chữa trị. Vừa rồi cháu bị muỗi đốt sưng lên một cục to bằng đốt ngón tay cái có màu đỏ. Để làm phai dần thì hằng ngày em phải bôi dầu khuynh diệp liên tục, khoảng 1 tuần sau thì teo lại thành một đốt nâu nhạt. Và không mất đi, do vậy da của cháu rất xấu vì có những chấm li ti màu nâu nhạt này. Xin hỏi bác sĩ cháu bị như vậy là như thế nào vì thông thường vết muỗi đốt chỉ nhỏ chứ không to và đỏ liên tục cả 1 tuần lễ, ngoài ra bác sĩ chỉ giúp em loại thuốc bôi nào giúp cho vết muỗi chích màu nhạt và teo lại.
Trả lời:

Qua mô tả diễn tiến vết thương da do muỗi đốt của con chị, cho thấy con chị có “máu phong”, “chứng phong” theo dân gian như chị nói, hay theo y học là “cơ địa dị ứng”, vấn đề quan trọng ờ đây là chăm sóc vết thương đúng cách, không để bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào gây nhiễm trùng. Chị hãy yên tâm vết da thâm của con chị dần dần sẽ biến mất khi trẻ lớn lên. Hiện nay chưa có thuốc bôi nào hiệu quả, an toàn để trị vết thâm da. Một số loại thuốc quảng cáo có trên thị trường chứa corticoid có thể gây nguy hiểm cho bé như gây “bạc màu da”, giảm sắc tố da, mỏng da, chưa kể là gây tác dụng phụ toàn thân. Nên cẩn thận đọc kỹ thành phần, hướng dẫn sử dụng thuốc bôi trước khi dùng và phải theo chỉ định, chỉ dẫn của bác sĩ.

Hỏi: Con em 16 tháng tuổi. Vừa rồi bé bị chích (tôi đoán là con rết) ở tay, vết chích hơi đỏ. Tôi xoa dầu và quan sát vài ngày thì thấy bé vẫn chơi đùa, ăn uống như những ngày bình thường. Tuy vậy tôi vẫn còn lo lắm, không biết rết cắn có làm độc gì không?

Trả lời:Chị hãy yên tâm rết cắn không gây chết người, nhưng có thể sưng nhức đau đớn, khó chịu. Chị hãy xử trí như hướng dẫn ở phần trả lời câu hỏi 1. Khi nhận được câu trả lời này, chị thấy cháu vẫn chơi đùa chứ? thậm chí còn quậy phá nữa là khác!

Hỏi: Vừa rồi tôi có đứa con gái 13 tháng tuổi đi chơi Đà Lạt. Sau khi ngủ 1 đêm, sáng dậy tôi phát hiện miệng bé sưng vù, không biết là do con gì chích. Suốt mấy ngày đi chơi mà miệng bé vẫn còn sưng (dù cũng có giảm đi đôi chút) làm cả nhà mất vui. Hiện tại thì bé đã bình thường nhưng không biết bị chích như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không, và tôi có cần đưa con tôi đi chích ngừa không, thưa bác sĩ?
Trả lời:

Miệng cháu sưng ở đây có thể do côn trùng đốt nhưng cũng có thể là biểu hiện của tình trạng dị ứng. Để phân biệt cần xem có vết đốt trên vùng miệng sưng không, trẻ có dị ứng trước đây không? Ngay lúc phát hiện trẻ sưng miệng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế vì tình trạng có thể diễn tiến nặng sưng lan lên cả mặt, mắt hoặc đến vùng cổ, hầu họng gây chèn ép đường thờ, đưa đến khó thờ. May mắn thay, tình trạng của trẻ diễn tiến tốt, thuận lợi. Hiện tại chị không cần đưa trẻ đi chích ngừa gì cả ngoài chích ngừa các bệnh lý theo lứa tuổi trẻ, chị nên theo dõi về cơ địa dị ứng của trẻ như trẻ có nổi mề đay hay chàm không? viêm mũi dị ứng theo thời tiết,…

 

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.