BẢN THẢO VẤN ĐÁP

Quyển hạ

1.Hỏi: Sách Lôi-công-bào-chế chuyên nói về phép chế thuốc có ý nói nếu không chế thì không dùng được. Mà Trọng-cảnh dùng thuốc, hoặc chế hoặc không chế. Phong khí của năm phương không giống nhau. Tứ-xuyên đều dùng thuốc sống, Quảng-đông đều dùng thuốc chế rồi. Đâu phải đâu trái, xin nói rõ cho.

Đáp:Sách Lôi-công-bào-chế thêm một lối giải đặc biệt trong các sách bản-thảo. Muốn lấy hai chữ bào chế tranh hơn thua với các bản-thảo kia, cho nên nói mấy thứ thuốc không bào chế không thể dùng được. Quảng-đông là nơi bán thuốc, khoe khoang sự tinh khiết, nên bào chế thái quá, sức thuốc quá lợt lạt. Tứ-xuyên thuốc xấu, dù hết sức bào chế cũng không được giá cao, cho nên người bán thuốc không có ý cầu tinh. Hai nơi đều thiên lệch. Có thứ thuốc thường dùng sống, là lý nhất định, chưa thể bán theo một loạt, như Trọng-cảnh “Chích-cam-thảo thang” dùng để ích vị (bổ dạ dày), thì dùng Cam thảo nướng làm cho khí thăng. Thược-dược-cam-thảo thang dùng để bình vị, thì dùng Cam-thảo sống, cho khí bình, Cam-thảo-can-khương thang, Trắc-bá-diệp thang đều dùng gừng bào chế rồi, thì ấm mà không mạnh. Tứ-nghịch-lý-trung thì gừng không bào, dùng chổ khí mạnh, mới khử được hàn. Ngày xưa dùng lửa bào Phụ-tử, chính là để khử độc, có chổ giải thích là làm cho Phụ-tử nóng thêm, không phải vậy. Tôi là người Tứ-xuyên biết rằng ở huyện Chương-minh ( Tứ-xuyên) chế Phụ-tử phải dùng muối ướp. Muối ướp Phụ-tử độc, ăn vào chết người, không có thuốc nào giải được. Do đó biết rằng Phụ-tử rất độc, nhưng đem muối đã ướp Phụ-tử bỏ vào ống tre, dùng lửa đốt qua, thì không độc, nhập với thuốc bổ thận, lại ấm mà không mạnh, trở thành thuốc tốt. Theo đó thì biết Trọng-cảnh bào Phụ-tử là để chế độc. Dùng Phụ-tử sống, lại là lấy độc truy phong, vì độc mà dùng độc. Dùng sống hay chế rồi có lý nhất định. Độc Kim-quỹ nên xét để phân biệt, Đình-lịch không sao thì không thơm, không tán được, cho nên phải sao để dùng. Tử-tô, Bạch-giới phải sao để dùng, như trên Bán-hạ, Nam-tinh phải chế để khử độc mới dùng được. Mông-thạch phải dùng hoả thiêu đốt tính mới phát xuất, mới hạ đờm được; không đốt thì chất đá không biến đổi, tính dược không xuất phát, độc lại không tan, cho nên phải đốt. Sơn-giáp không sao thành châu, thì dược tính không phát. Kê-nội-kim không đốt tính cũng không phát. Đồng tiền xưa, Hoa-nhuỵ-thạch không đốt thì không có năng lực. Người đời không suy xét, khoe khoang sự bào chế. Có khi cũng dùng lửa đốt Châu-sa, không biết rằng trong Châu-sa cóThuỷ-ngân, đốt thì Thuỷ-ngân chảy ra, mất tính của Châu-sa. Dùng Sa-nhân, Sinh-khương, rượu để nấu với Địa-hoàng. Địa-hoàng trở nên ấm, không lạnh, mất hẳn dược tính. Nước đái trẻ con nấu thành Thu-thạch để tư âm; thật ra mặn quá vào huyết, lại phát nóng, không còn tí gì tính chất của nước đái trẻ con. Thục-địa đốt thành than thì táo, đâu còn công năng tư nhuận. Như than Ngân-hoa, than Hoè-hoa chất nhẹ rỗng, vật dư thừa của hoả khí, cho nên trở lại hạ hoả được, đối với Thục-địa có hơi khác, rất nên suy xét, không thể kể hết. Nói chung thuốc có tính hoà bình, không nên biến chế nhiều, để mất hết sức; tính mạnh, có độc không chế thì không dùng được. Vả chăng chế đúng cách, thích nghi thì công năng thiêm mầu nhiệm. Đó là do giỏi xét định, như Đại-hoàng chạy thẳng xuống hạ tiêu, dùng rượu sao đến màu đen, thì chất nhẹ, vị lạt, đi lên thanh đầu mắt được, không gấp đi xuống. Độc Hoàng hoàn trộn nhiều thứ thuốc, chín lần chưng, chín lần phơi nắng, thanh nhuận mà không công hạ, gọi là thanh minh hoàn. Thật là có ý nghĩa được khí trời để thanh, được khí đất để minh. Ba-đậu hạ lợi mạnh, người phương Tây sấy khô, bỏ dầu, biến mùi cay mạnh thành ra khô thơm, gọi là Trà,Cafe, tiêu thực lợi trường vị, không tả hạ thật là khéo chế Ba-đậu. Ngoài lợi dụng Ba-đậu nghiền nhỏ, thêm hùng-hoàng sao đến màu đen, để làm Ô-kim cao, hoá được thịt thối nát, không tổn thương đến chổ thịt tốt, đều là giỏi về phép chế thuốc. Tóm lại, dùng chỗ hay bỏ chổ dở, là bào chế giỏi, làm bớt chổ hay mà thêm chỗ dở là bào chế tồi.

2.Hỏi:Bản-thảo nói rõ 18 vị thuốc phản nhau: Lâu, Bán, Bối, Liễm, Cát phản Ô, Tạo, Kích, Toại,Nguyên đều chống thảo. Các thứ: Sâm, Tân, Thược phản Lê-lô, lại có 17 vị kỵ nhau, 19 vị sợ nhau. Có nên cẩn thận noi theo không

Đáp:Tính trái nhau như nước với lửa, băng giá với than không dung hoà nhau, cho nên không thể dùng chung. Nhưng Trọng-cảnh có dùng chung Cam-toại, Cam-thảo lại là lấy chổ giống nhau để thành công. Người đời sau biết sức mình kém, nên không dùng là phải. Còn như những vị thuốc sợ nhau, sai khiến nhau, thì không cần bàn. Kỵ nhau, cũng khó mà câu chấp cho hết. Nhưng uống Ma-hoàng, Tế-tân kỵ dầu mỡ; uống Mật ong, với Địa-hoàng kỵ hành; uống Sáp ong kỵ thịt Gà. Đó đều là những vật phải tránh. Chổ phải kỵ, không thể không biết được.

3.Hỏi:Trong Bản-thảo có thứ thuốc dẫn kinh, như Khương-hoạt, Ma-hoàng vào kinh Thái-dương, Bạch-chỉ, Phấn-cát vào kinh dương-minh; Bạch-thược vào kinh Quyết-âm, để dẫn kinh báo sứ, Tế-tân vào kinh thiếu-âm để dẫn kinh nhập sứ, là lối đi mau chóng về cách dùng thuốc. Có lý như vậy không?

Đáp:Phân kinh dụng dược, là phương pháp trọng đại củaTrọng-cảnh. Cho nên trong Thương-hàn-luận lấy sáu kinh bao quát các bệnh, thật là một đường lối nhất định trong việc trị bệnh, dùng thuốc. Tiếc rằng thuốc dẫn kinh, câu chấp ở đôi vị, chưa hết sự mầu nhiệm, vì gốc ở sáu khí của trời đất, tạng phủ trong thân thể con người mới sinh ra. Có tạng phủ, rồi sau mới sinh ra kinh mạch tức là có khí hoá qua lại, ra vào, ở trong đó, không thể tách riêng kinh mạch mà bàn. Nếu đem bàn chung tạng phủ khí hoá kinh mạch, để tìm hiểu tính dược chủ trị, thì hiểu được chổ thâm diệu phân kinh dụng dược của Trọng-cảnh, đâu phải giữ thuyết nông cạn “ dẫn kinh báo sứ”. Như Cát-căn, Trọng-cảnh dùng trị bệnh kinh phong kinh Thái-dương, mà người đời sau cho là dẫn kinh dương minh, đều là chưa xét đến chổ sâu xa. Những điều tôi bàn, đã chứa đựng ý nghĩa dẫn kinh. Xem qua thấy rõ, bây giờ nhắc lại.

4.Hỏi:Sáu kinh, sáu khí, gốc ở nội kinh, Trọng-cảnh đã nói rõ. Biết được kinh, khí, thì hiểu tất cả lý về bệnh, về thuốc. Sáu khí là phong, hàn, thấp táo, hoả, nhiệt. Thuốc trị phong, có thứ hàn, thứ nhiệt. Thuốc trị ba khí táo, hoả, nhiệt lại tựa như lẩn lộn không có phép tắc, sao vậy?

Đáp:Hoả là khí của đất, nhiệt là khí của trời, hàn là khí của trời, thấp là khí của đất, phong là khí tương ứng của âm dương, táo là khí tiêu hao của âm dương, cho nên không giống nhau.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.