KINH NGUYỆT RA QUÁ NHIỀU

Là trạng thái khi hành kinh lượng huyết ra nhiều hơn lúc bình thường nhưng chu kỳ kinh vẫn không thay đổi. Hoặc số ngày hành kinh kéo dài hơn nên lượng kinh cũng tăng lên.

Đông y gọi là ‘Kinh Nguyệt Quá Đa’, ‘KinhThủy Quá Đa’, ‘Nguyệt Thủy Quá Đa’.

Nếu hành kinh trên 7 ngày gọi là ‘Rong Kinh’. Nếu lượng huyết ra nhiều gọi là ‘Cường Kinh’.

Nguyên Nhân Kinh Nguyệt Ra Quá Nhiều

Đa số do mạch Nhâm và mạch Xungbij suy yếu, huyết hải không giữ huyết lại được gây nên bệnh. Có thể gặp một số nguyên nhân chính sau:

Huyết Nhiệt: huyết gặp nhiệt thì chảy ra. Sách ‘Y Học Chính Ấn’ viết: “Dương thắng âm thì kinh nguyệt nhiều”.

Huyết Ứ: Người thường hay uất ứ, giận dữ, khí bị uất kết làm cho huyết bị ứ trệ hoặc hoặc lúc có kinh hoặc sau khi sinh huyết còn dư không ra hết, hoặc do ngoại tà hoặc do phòng sự không điều độ, ứ huyết tụ lại bên trong, ứ trở ở mạch Xung Nhâm, huyết không quy kinh được gây ra kinh nguyệt ra nhiều.

Khí Hư: Khi khí bị hư, không nhiếp được huyết khiến cho huyết ra nhiều. Sách ‘Khôn Nguyên Thị Bảo’ viết: “Mạch Xung Nhâm hư yếu thì khí không nhiếp được huyết”.

Đàm Trở: đờm ngăn trở ở huyết hải khiến cho huyết bị đẩy xuống. Sách ‘Đan Khê Tâm Pháp’ viết: “Đàm nhiều, chiếm mất vị trí của huyết hải cho nên huyết xuống nhiều”.

Cũng có khi hư hàn làm cho mạch Xung Nhâm bị hư tổn khiến cho mạch Xung, Nhâm không quản lý được huyết làm cho huyết ra nhiều. Tuy nhiên trên lâm sàng ít khi gặp trường hợp này.

Điều Trị Kinh Nguyệt Ra Quá Nhiều

Nên chú ý đến phương pháp ích khí, thanh nhiệt, cố Xung (giữ vững mạch Xung), nhiếp huyết. Tránh dùng những vị thuốc có tác dụng hành khí, hoạt huyết.

Huyết nhiệt, nên lương huyết, bổ huyết.

Huyết ứ nên hành huyết, khứ ứ.

Khí hư nên bổ khí, nhiếp huyết.

Đàm nhiều nên khử đàm, hóa thấp.

Trên lâm sàng thường gặp những loại sau:

Khí Hư: Kinh ra nhiều, mầu đỏ nhạt hoặc lợn cợn, tinh thần uể oải, hơi thở ngắn, nói xàm, bụng dưới xệ xuống, sắc mặt trắng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi nhạt, mạch Hoãn Nhược.

Điều trị: Bổ khí, thăng đề, cố Xung (mạch), chỉ huyết. Dùng bài An Xung Thang (Y Học Trung Trung Tham Tây Lục): Bạch truật, Hoàng kỳ, Long cốt (sống), Mẫu lệ (sống), Sinh địa, Bạch thược, Hải phiêu tiêu, Tây thảo căn, Tục đoạn. Thêm Thăng ma.

(Bạch truật, Thăng ma bổ khí, thăng đề, cố Xung, nhiếp huyết; Long cốt, Mẫu lệ, Hải phiêu tiêu, Tục đoạn cố xung, thu liễm, chỉ huyết; Sinh địa, Bạch thược lương huyết, liễm âm; Tây thảo căn chỉ huyết mà không gây ứ trệ).

Huyết Nhiệt: Kinh nguyệt ra nhiều, mầu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, dính, khát muốn uống nước lạnh, tâm phiền, hay mơ, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Hoạt Sác.

Điều trị: Thanh nhiệt, lương huyết, cố Xung, chỉ huyết. Dùng bài Bảo Âm Tiễn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): Sinh địa, Thục địa, Hoàng cầm, Hoàng bá, Bạch thược, Sơn dược, Tục đoạn, Cam thảo. Thêm Địa du (sao), Hòe hoa.

(Hoàng cầm, Hoàng bá, Sinh địa thanh nhiệt, lương huyết; Bạch thược dưỡng huyết, liễm âm; Sơn dược, Tục đoạn bổ Thận, cố Xung, Địa du, Hòe hoa lương huyết, chỉ huyết; Cam thảo điều hòa các vị thuốc).

Huyết Ứ: Kinh ra nhiều, mầu đỏ tối, có cục, hành kinh thì bụng đau hoặc khi hành kinh bụng dưới trướng đau, lưỡi tím tối hoặc có vết ứ huyết, mạch Sáp có lực.

Điều trị: Hoạt huyết, hóa ứ, cố Xung, chỉ huyết. Dùng bài Đào Hồng Tứ Vật Thang (Y Tông Kim Giám): Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Xuyên khung, Hồng hoa, Đào nhân. Thêm Tam thất, Tây thảo.

(Đào nhân, Hồng hoa hoạt huyêt, hóa ứ; Đương quy, Xuyên khung hoạt huyết, dưỡng huyết, điều kinh; Thục địa, Bạch thược bổ huyết, dưỡng âm để làm yên huyết thất. Ứ được trừ thì mạch Xung và Nhâm thông, huyết sẽ trở lại bình thường. Thêm Tam thất, Tây thảo để tăng cường khứ ứ, chỉ huyết).

Châm Cứu

Khí Hư: Bổ khí nhiếp huyết, điều bổ Xung, Nhâm mạch.

Châm bổ Túc tam lý, Tam âm giao, Khí hải, Tâm du, Tỳ du.

(Túc tam lý là huyệt Hợp của kinh Vị, là huyệt chủ yếu để cường tráng, bổ cho hậu thiên; Tam âm giao là yếu huyệt của kinh Tỳ, làm thông Can Thận, bổ ích cho huyết khí của 3 kinh âm; Khí hải là huyệt cường tráng toàn thân, bổ cho nguyên khí ở hạ tiêu; Tâm du, Tỳ du điều dưỡng Tâm Tỳ).

Huyết Nhiệt: Lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, điều kinh. Châm tả Khúc trì, Thái xung, Tam âm giao, Hành gian, Thông lý.

(Khúc trì là huyệt Hợp của kinh Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết; Thái xung, Hành gian đều thuộc kinh Can, một là huyệt Nguyên, một là huyệt Vinh, đều có tác dụng thanh Can, lương huyết; Thông lý là huyệt Lạc của kinh Tâm, thông với kinh Tiểu trường, là yếu huyệt để trị kinh nguyệt ra nhiều không cầm).

Huyết Ứ: Hoạt huyết, hóa ứ, chỉ huyết, điều kinh. Châm tả Hợp cốc, Thái xung, Hành gian, Thần môn, Tam âm giao.

(Hợp cốc, Thái xung ngày xưa gọi là huyệt Tứ quan. Hợp cốc là huyệt Nguyên của kinh Đại trường, có tác dụng hành huyết, hóa ứ; Thái xung là huyệt Nguyên của kinh Can, có tác dụng sơ Can, điều khí, khí hành thì huyết hành, huyết ứ gây nên kinh nguyệt ra nhiều sẽ hết; Thần môn, Tam âm giao điều kinh, khứ ứ).

Nhĩ Châm

Dùng Vương bất lưu hành, tán bột, dán vào các huyệt Thận, Tử cung, Phần phụ, KHoang chậu, Nội tiết, Thượng thận, Bì chất hạ, Buồng trứng. Hợp với huyệt Cách (mô), Can, Tỳ, Tâm, Yêu thống điểm. Mỗi huyệt một hột, sau khi dán thuốc, day ấn ngày 3-4 lần, mỗi lần 15~20 phút. Cách ngày dán một lần. 15 lần là một liệu trình. Liên tục 2 liệu trình. Đã trị 90 ca, khỏi 64, có chuyển biến 23, không kết quả 3. Đạt tỉ lệ 97,7% (Lữ Tiêu Hiền, Nhĩ Áp Trị Liệu Nguyệt Kinh Quá Đa – Hà Bắc Trung Y 1987 (3): 17).

Cứu Pháp

Dùng điếu Ngải cứu huyệt Thập Thất Chùy (đốt sống lưng thứ 17), ngay phía dưới đốt xương sống thắt lưng thứ 5. Ôn cứu 30~40 phút cho đến khi khoang chậu thấy nóng lên. Cứu trước rồi phối hợp với châm sâu 0,2~0,5 thốn, kết quả tốt hơn. Đã trị 20 ca, đều khỏi hẳn (Hà Khắc Triết, Ngải Cứu Thất Thập Chùy Huyệt Trị Liệu Nguyệt Kinh Quá Đa – Tân trung Y 1990, 22 (7): 35).

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

Cung Huyết Linh (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Ích mẫu thảo, Hạn liên thảo, Địa du (sống), Ngẫu tiết đều 30g Quán chúng (tro), Sơn tra (sống) đều 15g, Tây thảo 12g, Hồng hoa 10g, Tam thất phấn 3g (trộn với nước thuốc uống). Sắc uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, khứ ứ, chỉ huyết. Trị kinh nguyệt ra quá nhiều, kinh nguyệt kéo dài.

Đã trị 151 ca, uống 1~3 thang, nhiều nhất là 6 thang. Khỏi 46, có kết quả 91, không kết quả 14. Đạt tỉ lệ 90,7%.

Cung Huyết Linh 2 (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Hoàng kỳ 30g, Đài sâm, Sơn dược đều 20g, Thăng ma, Sài hồ, Sơn thù nhục, Đương quy, Xích thược đều 10g, Long cốt 20g.

Tác dụng: Ích khí, thăng dương, hóa ứ, chỉ huyết. Trị kinh nguyệt ra nhiều.

Ninh Cung Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Vũ dư lương 18g, Thục địa, Bạch thược (sao) đều 12g, Thăng ma (sao) 6g, Sơn thù nhục, Đỗ trọng đều 12g, Quán chúng (tro) 6g. Sắc uống.

Tác dụng: Ninh cung, chỉ băng, cố ích Xung, Nhâm (mạch). Trị kinh nguyệt ra nhiều.

Bài trướcKinh Nguyệt | Đông Y
Bài tiếp theoKinh Nguyệt Không Dứt (Kinh Đoạn Phục Lai) | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.