NẤC (Ách nghịch – Cách Cơ Kinh Luyến – Hoquet – Hiccough)

Nấc là tình trạng khí nghịch lên, trong họng phát ra tiếng ngắn và mau, làm cho người ta không tự chủ được.

Chứng này phát ra một cách tự nhiên, nhiều khi không dùng thuốc cũng khỏi.

Nấc lâu ngày cần phải điều trị.

Nấc thường xuất hiện với các chứng bịnh mạn cấp khác là một trong những triệu chứng dẫn đến bịnh nghiêm trọng.

Người đang bị bệnh nặng, có xuất hiện dấu nấc thường là dấu hiệu sắp chết.

Nguyên Nhân Nấc

Theo Y học hiện đại (sách Sổ Tay Thầy Thuốc Thực Hành): Chủ yếu là do cơ hoành bị co thắt, cùng lúc đó cơ thành bụng và cơ ngực bị co lại làm cho không khí bị đưa ra ngoài đi ngang thanh môn bị co lại phát ra thành tiếng.

Tổn thương trong não (não viêm, u não…)

Màng phổi góc sườn – Cơ hoành bị viêm.

Màng tim viêm.

Có khối u ở trung thất.

Niêm mạc bao tử viêm, màng bụng viêm.

Ngộ độc: urê huyết cao, nhiễm Acid… thuốc INH, Streptomycine….

Có thai

Sau phẫu thuật nhất là phẫu thuật ở bụng, ống tiêu hóa.

Theo Đông Y

Sách Nội Khoa Học Trung Y Thượng Hải và Thành Đô (Tứ Xuyên) cùng nêu ra các nguyên nhân sau:

Do ăn uống không điều độ:

Ăn uống nhiều thức ăn sống, lạnh, hoặc uống các loại thuốc mát (lương), lạnh (hàn) làm cho khí lạnh ngưng lại bên trong, vị dương bị cản trở gây ra nấc.

Ăn nhiều thức ăn cay nóng, hoặc uống các loại thuốc nóng làm cho táo nhiệt bên trong gây ra nấc.

Do bịnh nhiệt làm cho tân dịch bị khô, hỏa nhiệt tích lại ở bên trong, hỏa uất, khí thăng gây ra nấc.

Do tinh thần bị uất ức, tình chí không thỏa mãn, ưu tư, uất kết làm cho Can khí hoành nghịch gây ra nấc.

Do Tỳ và Thận hư yếu: Hạ nguyên quá suy, Thận không nạp được khí, khí nghịch lên gây ra nấc.

Do lao lực quá độ làm cho khí bị hao tổn hoặc người già yếu bịnh ốm đau lâu ngày, Tỳ Vị dương suy, thanh khí không thăng, trọc khí không giáng, gây ra nấc.

Triệu Chứng

Nấc Do Vị Bị Hàn (Hàn Tà Công Vị): tiếng nấc trầm, thưa, có lực vùng thượng vị đầy, gặp ấm nóng thì dễ chịu, gặp lạnh thì phát nấc nhiều hơn, lưỡi trắng mỏng, mạch Trì Hoãn (Nội khoa Thượng Hải) hoặc Hoãn (NKHT.Đô).

Nấc Do Vị Hỏa Nghịch Lên (Vị Hỏa Thượng Nghịch): tiếng nấc trong, miệng hôi, phiền khát, tiểu ngắn, đỏ, đại tiện khó, lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch Hoạt Sác.

Nấc Do Tỳ Thận Dương Hư: tiếng nấc ngắn và yếu, sắc mặt trắng bệch, tay chân mát, ăn ít, mệt mỏi, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Tế.

Nấc Do Vị Âm Hư (Nội khoa Thượng Hải): tiếng nấc nhanh nhưng không liên tục, miệng khô, phiền khát, buồn bực, lưỡi khô, đỏ, mạch Tế Sác.

Nấc Do Khí Trệ Huyết Ứ (NKHT.Đô): nấc kéo dài không hết, ngực sườn đầy đau, bụng đau có lúc, ăn ít, không tiêu rêu lưỡi có đốm ít huyết, mạch Huyền Hoạt hoặc Sáp.

Nấc Do Đờm Thấp Ngưng Trệ (NKTYHG.Nghĩa): tiếng nấc thưa, ngực đầy, đờm nhiều, hoa mắt, phiền muộn, mạch Nhu Hoãn.

Điều Trị

Nấc do Vị Hàn: Ôn trung tán hàn (Nội khoa Thượng Hải) hoặc Ôn trung giáng nghịch (NKHT.Đô).

(Nội khoa Thượng Hải T.Đô: Đinh Hương Tán (Tam Nhân Cực – Bịnh Chứng Phương Luận Q.1): Đinh hương 4g Lương khương 2g, Thị đế 4g, Chích Thảo 2g.

Tán bột. Mỗi lần dùng 6g, uống với nước nóng.

Đinh Hương Thị Đế Thang (Chứng Nhân Mạch Trị, Q 2): Đinh hương, Nhân sâm, Thị đế, Sinh Khương. Sắc uống nóng.

GT: Đinh hương, Thị đế ôn vị, tán hàn, giáng khí, chỉ nghịch; Nhân sâm bổ khí, ích vị; Sinh khương ôn trung, tán hàn. Các vị phối hợp có tác dụng ôn trung, giáng nghịch, ích khí, hoà vị.

Đinh Hương Thị Đế Tán (Thế Y Đắc Hiệu Phương Q.4): Nhân Sâm 40g, Bán Hạ 40g, Thị Đế 40g, Phục Linh 40g, Lương khương 40g, Sinh Khương 60g, Quất Bì 40g, Đinh hương 40g, Cam Thảo 20g. Tán bột. Mỗi lần dùng 12g, Sắc uống nóng.

Thạch Liên Hoàn (Thánh Tế Tổng Lục, Q.47): Thạch Liên Nhục (bỏ tim) 40g, Phụ tử (nướng, bỏ vỏ cuống) 40g, Can Khương (nướng) 40g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 6-8g

Quy Khí Ẩm ( Cảnh Nhạc Toàn Thư, Q.51): Thục Địa 12 – 20g, Can Khương 4g, Hoắc Hương 6g, Phục Linh 8g, Đinh hương 4g, Chích Thảo 3,2g, Biển Đậu 8g, Trần Bì 4g. Sắc uống ấm lúc đói.

Hàn Chứng Ách Nghịch Thang (Thiên Gia Diệu Phương): Thị Đế 50g, Can Khương10g, Quất hồng 25g, Nhân Sâm 50g, Đinh hương 10g, Chích Thảo 10g, Bán Hạ 10g, Ngô Thù 10g. Sắc uống.

Trầm Hương, Bạch Đậu Khấu, Tía Tô đều 40g. Tán bột. Ngày uống 2- 2,8g với nước sắc Thị Đế (Hành Giản Trân Nhu – Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh):.

Nấc do Vị Hỏa nghịch lên: -Nội khoa Thượng Hải: tiết nhiệt, thông phủ. -Nội khoa Thành Đô: thanh Vị, giáng nghịch.

Nội khoa Thượng Hải: Tiểu Thừa Khí Thang (Thương Hàn Luận): Đại Hoàng 8 – 16g, Hậu phác 8 – 16g, Chỉ Thực 8 – 16g. Sắc uống.

(Đại Hoàng, Chỉ Thực, Hậu phác để tiết nhiệt, thông trường vị, khoan trung, hành khí.)

Nội khoa Thành Đô: Trúc Nhự Thang (Tập Nghiệm Phương): Trúc Nhự 12g, Bán Hạ 20g, Quất bì 12g, Sinh Khương 16g, Phục Linh 16g. Sắc uống.

Nội Khoa Trung Y Học Giảng Nghĩa: Đan Khê Tả Tâm Thang (Đan Khê Tâm Pháp)

Hoàng Liên 12g, Cam Thảo 4g, Bán Hạ 8g, Sinh Khương 3 lát. Sắc uống.

Hiện Đại Trung Y Học Nội Khoa: An Vị Ẩm (Cảnh Nhạc Toàn Thư, Q.57)

Trần Bì 4g,Mộc Thông 4g, Hoàng Cầm 8g, Sơn Tra 12g, Trạch Tả 4g, Thạch Hộc 20g, Mạch Nha 12g. Sắc uống lúc đói

Giáng Nghịch Hóa Trọc Phương (Tân Biên Trung Y Kinh Nghiệm Phương): Đại Giả Thạch 12g, Tỳ Bà Diệp 12g, Trúc Nhự 12g, Tuyền Phúc Hoa 12g, Phục Linh 12g, Chỉ Xác 8g, Bán Hạ (chế) 12g, Đinh hương 2g, Lâu Bì 12g, Trần Bì (sao) 8g, Thị Đế 7 cái Bối mẫu 12g, Bạch Tật Lê (bỏ gai, sao) 12g. Sắc uống.

Trị Can Khí Hoành Nghịch Ách Nghịch Bất Chỉ Phương (Tân Biên Trung Y Kinh Nghiệm Phương): Tuyền Phúc Hoa 12g, Hoàng Liên 6g, Chỉ Xác 12g, Đại Giả Thạch 12g, Mộc Hương 6g, Ô Dược 12g, Ngô Thù Du 2g, Tân Lang 6g, Sa Môn 12g, Kim Linh Tử 12g, Diên Hồ 8g. Sắc uống.

Nhiệt Chứng Ách Nghịch Thang (Thiên Gia Diệu Phương): Thị Đế 50g, Câu Đằng 40g, Bạch thược 35g, Địa Long 25g, Quất Hồng 25g, Trúc Nhự 25g, Mạch môn 35g, Thạch cao sống 40g, Toàn Yết 7,5g, Cam thảo 10g. Sắc uống

Nấc do Tỳ Thận Dương hư: -Nội khoa Thượng Hải: Ôn bổ Tỳ, Thận, hòa Vị, giáng nghịch.

Nội khoa Thành Đô: Ôn trung, kiện Tỳ, giáng nghịch, chỉ ách.

Nội khoa Thượng Hải: Phụ Tử Lý Trung Thang (Cục Phương): Phụ Tử 4g, Bạch Truật 8g, Chích Thảo 4g, Đảng Sâm 12g, Bào Khương 4g. Sắc uống.

(Bào Khương để trừ hàn, Bạch Truật kiện Tỳ, Đảng Sâm bổ khí, Chích Thảo hòa trung, Phụ Tử hợp với Bào Khương để hồi dương cứu nghịch).

Nội khoa Thành Đô: Tuyền Phúc Giả Thạch Thang hợp với Lý Trung Thang: Tuyền Phúc Hoa 12g, Đại Giả Thạch 16g, Bán Hạ 12g, Nhân Sâm 8g, Chích Thảo 12g, Sinh Khương 12g, Táo 12 trái, Bạch Truật 8g. Bào Khương 4g Sắc uống

HĐTYNK. Học: Đại Bổ Nguyên Tiễn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): Đảng Sâm 30g, Hoài Sơn 10g, Sơn Thù nhục 4g, Đương Quy 16g, Đỗ Trọng 10g, Chích Thảo 4g, Thục Địa 16g, Câu Kỷ Tử 10g. Sắc uống

Trị Hạ Hư Xung Khí Thượng Nghịch Hư Ách Phương (Tân Biên Trung Y Kinh Nghiệm Phương): Long Cốt 16g, Thiết Lạc 40g, Câu Kỷ Tử 12g, Mẫu Lệ 16g, Bạch Vi 8g, Tử Thạch Anh 16g, Miếp Giáp (nướng) 16g, Trầm hương 3,2g, Nhục thung dung 16g, Hồ Đào Nhục 16g, Thục Địa 24g, Cáp Xác 16g. Sắc uống.

Thị Tiềm Tán (Chính Hòa Bản Thảo, Q.12): Thị Tiềm, Đinh Hương, Nhân Sâm. Lượng bằng nhau.Tán bột. Ngày uống 8- 12g sau bữa ăn.

Nấc do Vị Âm hư: Sinh tân, dưỡng Vị.

Ích Vị Thang (Ôn Bệnh Điều Biện): Sa Sâm 12g, Sinh Địa 20g, Mạch Nha 4g, Mạch Môn 20g, Ngọc Trúc 6g. Thêm Tỳ Bà Diệp, Thạch Hộc, Thị Đế, Sắc uống.

Quất Bì Thang (Loại Chứng Hoạt Nhân Thư, Q.17): Cam Thảo 20g Nhân Sâm 10g Trần Bì (bỏ xơ trắng). Tán bột. Mỗi lần dùng 20g, thêm Trúc Nhự một nắm (20g), gừng sống 4 lát, táo 1 trái.Sắc uống nóng.

Bán Hạ Sinh Khương Thang (Loại Chứng Hoạt Nhân Thư,.Q.18): Sinh Khương 20g, Bán Hạ 12g. Sắc uống ấm.

Nấc do khí trệ, huyết ứ: Điều khí, hoạt huyết.

Cách Hạ Trục Ứ Thang (Y Lâm Cải Thác): Ngũ Linh Chi 12g, Cam Thảo 12g, Xuyên Khung 8g, Đương Quy 12g, Ô Dược 8g, Hương Phụ 6g, Đào Nhân 12g, Đan Bì 8g, Chỉ Xác 6g, Hồng Hoa 12g, Xích thược 8g, Huyền Hồ 4g. Sắc uống.

Hội Yếm Trục Ứ Thang (Y Lâm Cải Thác, Q.Hạ): Đào Nhân (sao) 20g, Sinh Địa 16g, Sài Hồ 4g, Hồng Hoa 20g, Đương quy 8g, Huyền sâm 4g, Cam Thảo 12g, Chỉ Xác 8g, Cát cánh 12g, Xích thược 8g. Sắc uống.

Nấc Do Đờm Thấp Ngưng Trệ Hóa đờm, lợi thấp. Dùng Tiểu Bán Hạ Gia Phục Linh Thang (Kim Qũy Yếu Lược): Bán Hạ 24g, Sinh Khương 20g, Phục Linh 12g. Sắc uống

MỘT SỐ PHƯƠNG ĐƠN GIẢN

Làm cho người nấc phải hoảng sợ bất thình lình hoặc làm cho họ tức giận lên (Việt Nam dươc Học).

Uống môt ly nước, hớp từng ngụm nhỏ và nhịn thở (Phòng Ngừa Và Trị Bệnh 1971).

Hít vào thật mạnh và nín thở trong một thời gian khá lâu (Y Học Cẩm Nang).

Dùng một túi giây kín và thở vào trong túi đó, thán khí thở ra và giữ lại trong túi sẽ làm cho nấc cục sẽ tự nhiên hết.

Sách Nội Khoa Học Thành Đô giới thiệu một số bài thuốc đơn giản, ít vị chữa nấc như sau:

Nấc do hàn:

Tạo Giác, tán bột, thổi vào mũi cho hắt hơi.

Xuyên Tiêu 12g, tán bột, trộn với hồ làm viên. Mỗi lần nấc uống 4 – 6g với rượu.

Ngô Thù 4g, Thanh Bì 8g, Sinh Khương 12g. Sắc uống.

Nấc do nhiệt:

Lô Căn 12g, Thị Đễ 12g,Sắc uống.

Hương xị 10g, Uất Kim 6g, Xạ can 10g, Tỳ Bà Diệp 12g, Thông Thảo 4g, Sắc uống.

Hoàng Liên 2g, Tô Diệp 2g. Sắc uống ít một.

Phục Long Can hòa nước uống.

Nấc do khí trệ, huyết ứ:

Tuyền Phúc Hoa 20g, Tây Thảo 20g.Sắc uống.

Đại Hoàng (sao) 10g. Sắc uống.

PHỤ LỤC: MỘT SỐ BÀI THAM KHẢO CHỮA NẤC

Ách Nghịch Thang (Thiên Gia Diệu Phương):

Thạch Quyết Minh (sống) 30g, Đảng Sâm 30g, Thị Đế 30 cái.

Sắc uống.

Tác dụng: trị các loại nấc.

GC:Nấc do phù não sau mổ, tăng áp lực sọ não, dùng bài này cũng có hiệu qủa phần nào.

Đinh Hương Thị Đế Tán (Vệ Sinh Bảo Giám Q.12): Đinh Hương, Thị Đế, Thanh Bì,Trần Bì. Lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần dùng12g. Sắc uống ấm.

Tác dụng: Trị các chứng nấc.

Nhân Sâm Bạch Truật Thang (Đan Khê Tâm Pháp Q.3): Nhân Sâm, Hoàng Cầm, Sài Hồ, Can Khương, Kỷ Tử Nhân, Chích Thảo, Bạch Truật, Phòng Phong, Bán Hạ (chế), Ngũ Vị đều 3 lát. Sắc uống.

Tác dụng: Trị nấc do khí hư.

Sài Hồ Thang Gia Vị (Chứng Nhân Mạch Trị Q.2): Sài Hồ, Hoàng Cầm, Trần Bì, Cam Thảo, Sơn Chi, Đan Bì. Sắc uống.

Tác dụng: Trị nấc do Can Đởm hỏa bốc lên.

Khương Hoạt Tán (Tô Thẩm Lương Phương, Q.5): Khương hoạt, Phụ Tử (nướng), Hồi Hương (sao Sơ) đều 20g, Mộc Hương,Can Khương (nướng) đều 4g. Tán bột. Mỗi lần dùng 8g thêm ít muối, sắc uống nóng.

Tác dụng: trị nấc do âm hàn.

Giáng Nghịch Chỉ Ách Thang (Trung Y Trị Liệu Phối Phương Tễ): Đại Giả Thạch 3,2g, Trần bì 20g, Tuyền Phúc Hoa, Trúc Nhự, Thái Tử sâm đều 16g, Đinh hương, Thị Đế, Thiên Môn, Mạch Môn, Cam Thảo, Tỳ Bà Diệp đều 12g. Sắc uống.

Tác dụng: Trị nấc mà tay chân không lạnh, mạch Tế.

Thuận Khí Tiêu Trệ Thang (Thọ Thế Bảo Nguyên Q.3): Trần Bì 8g, Bán Hạ (sao gừng) 8g, Bạch Linh (bỏ vỏ) 12g, Đinh hương 1,2g, Thị Đế 2 cái, Hoàng Liên (sao gừng) 0.8g Thần Khúc (sao) 8g, Hương Phụ 8g, Bạch Truật 6g, Trúc Nhự 16g, Cam Thảo 3,2g. Thêm gừng sống 5 lát, Sắc uống.

Tác dụng: Trị ăn vào làm khí trệ gây ra nấc.

ĐIỀU TRỊ NẤC BẰNG CHÂM CỨU

Châm cứu học Thượng Hải: Lý Khí, Giáng nghịch.

Huyệt chính: Thiên Đột Cách Du Nội Quan.

Thực Chứng: Thêm Cự Khuyết, Thiên xu, Hành Gian, Nội Đình, Chiên Trung.

Hư chứng: thêm Quan Nguyên, Trung Quản, Khí Hải, Túc Tam Lý, Chiên Trung.

Ý Nghĩa: Thiên Đột hội của Âm Duy và Nhâm Mạch, để bình giáng nghịch khí, thêm Nội Quan để làm thông ngực và Hoành cách mô. Cách Du là Bối du huyệt của Hoành cách mô, trị các bịnh của cơ hoành. Chiên Trung là huyệt hội của khí để lý khí, Cự khuyết thông ngực và cơ hoành; Thiên Xu thông khí ở phủ (Vị), Hành Gian tả hỏa của Can, Nội Đình thanh nhiệt ở Vị, Quan Nguyên, Khí Hải để bổ Thận Khí, Trung Quản, Túc Tam Lý để bổ trung khí.

Châm cứu học Vân Nam: Điều hòa Vị khí, thông cơ hoành.

Châm Nội Quan Túc Tam Lý Cự Khuyết Cách Du.

CCT. Liệu Học:

Thực chứng: Cự khuyết, Cách Du, Chiên Trung, Túc Tam Lý (tả).

Hư chứng: Quan Nguyên, Trung Quản, Khí Hải,Túc Tam Lý (bổ).

Khoái Tốc Châm Thích Liệu Pháp: châm kích thích mạnh huyệt Thiên Đột. Nếu không bớt, phối hợp thêm Nội Quan hoặc Trung Quản.

Phổ Tế: Chiên Trung, Du Phủ, Vị uyển (Trung quản) đều cứu 10 tráng.

Y Học Cương Mục: Kỳ Môn, Chiên Trung, Trung Quản đều cứu.

Thần Cứu Kinh Luân: Du Phủ, Phong Môn, Kiên Tĩnh, Thừa Tương, Chiên Trung, Trung Quản, Kỳ Môn, Khí hải, Túc Tam Lý, Tam Aâm Giao. Nhũ căn đều cứu 3 tráng.

Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học: Nội Quan, Túc Tam Lý, Cự Khuyết, Cách Du.

Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu: Túc Tam Lý, Trung Quản, Nội Quan, Cách Du, Thiên Đột.

Trung Hoa Châm Cứu Học: Tỳ Du, Vị Du, Trung Quản, Túc Tam Lý, Công Tôn.

Châm Cứu Học Hong Kong: Cưu vĩ, Thượng Quản, Nội Quan, Khí Hải, Nhật Nguyệt, Quyết Âm Du, Đốc Du, Cách Du, Y Hy, Cách Quan, Thạch Quan.

Châm Cứu Học Thực Hành của Thượng Trúc: châm Thượng Quản, Trung Quản, Hạ Quản, Túc Tam Lý, đều 1,5 thốn, bình bổ, bình tả kưu kim 30 phút, từ từ rút kim. Hoặc Dưỡng Lão 0,3 – 0,5 thốn vê kim, rút ra, rồi châm Nội Quan 0,5 – 1 thốn, bình bổ bình tả, lưu kim 20 phút.

Hoà Vị, giáng nghịch làm chính, hỗ trợ có thể thêm Tán hàn, Thanh nhiệt, Tư âm.

Trung quản, Nội quan, Túc tam lý, Cách du.

(Trung quản là huyệt mộ của Vị, Túc tam lý là huyệt hợp của kinh Vị, hai huyệt phối hợp, châm tả có thể thanh nhiệt, giáng khí; Châm bổ có thể ích khí, ôn trung; Nội quan là huyệt lạc của tâm bào, thông với mạch Âm duy, có thể hoà trung, giải uất; Cách du lợi cách, giáng nghịch).

Hàn dùng cứu hoặc châm bổ để ôn dương, tán hàn. Nhiệt chứng, Can khí phạm Vị, Vị âm suy châm tả hoặc bình bổ bình tả.

Vị hàn thêm cứu Lương môn.

Vị nhiệt thêm châm tả Hãm cốc.

Dương hư thêm cứu Khí hải.

Âm hư thêm cứu Thái khê.

Can khí hoành nghịch thêm tả Kỳ môn,Thái xung (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Nhĩ Châm

Chọn dùng Cách, Vị, Thần môn, Dưới đồi, Giao giảm, Can. Tuỳ theo cơn nấc nặng nhẹ để chọn cách châm hoặc ấn huyệt. Nấc liên tục, chứng trạng nhẹ: dùng phương pháp day ấn huyệt. Chứng trạng nặng: dùng châm, kích thích mạnh, lưu kim 30 phút. Nếu nấc lâu không hết có thể dùng cách lưu kim (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Dùng ngón tay cái để vào huyệt Toàn trúc, 4 ngón tay kia để phía trên tai, vùng huyệt Suất cốc, ấn day nhẹ hoặc mạnh từ 3 – 5 phút. Trị 30 ca, chỉ có một ca không khỏi (Day Ấn Huyệt Toàn Trúc Trị 30 Trường Hợp Nấc’ (Trung Quốc Châm Cứu Tạp Chí 1987, 56 (3): 18).

Bệnh Án Nấc Do Can Khí Phạm Vị

(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư).

Kha X, nữ, 23 tuổi.

Khám lần đầu bị nấc kéo dài hơn một tháng, gần đây muốn tăng nặng hơn, ngay trong lúc nói cũng không ngừng nấc; Vị quản trướng đầy, đau âm ỉ, lan tỏa tới hai bên sườn,

kém ăn, có lúc ứa ra nước chua, miệng đắng và khô, đầu chướng đau, chất lưỡi nhạt, bệu, hơi xanh, rêu lưỡi nhớt, hơi vàng, mạch Nhu Tế. Bệnh do tình chí không thoải mái, ăn uống không điều hòa đến nỗi Can khí cùng với thực trệ cùng bị nghẽn tắc, Vị mất hòa giáng. Trước hết cần giáng nghịch hòa Vị.

Dùng Đinh hương 16g, Thị đế 6g, Trúc nhự 8g, Toàn phúc hoa 12g, Đai giả thạch 40g, Bán hạ 12g, Hoàng liên 8g, Trần bì 6g, Tỳ bà diệp 12g.

Khám lần hai: Sau khi uống 2 thang, nấc giảm dần, đến nay không tái phát, nhưng Vị quản vẫn cảm giác chướng đầy, rêu lưỡi bớt nhớt dần. Theo đơn cũ có gia giảm, uống thêm 4 thang nữa thì khỏi.

Nhận xét: Bệnh án này là Can khí phạm Vị kèm theo thực trệ dẫn đến ách nghịch kéo dài một tháng không dứt, so với loại Vị nhiễm hàn lạnh nặng hơn, cho nên mới dùng các phương Đinh Hương Thị Đế Thang, Toàn Phúc Đại Giả Thang v.v… đều là những bài thường dùng để chữa ách nghịch.

Trong đó dùng một vị Hoàng liên, lấy vị đắng lạnh để giáng nghịch là vì rêu lưỡi hơi vàng, miệng đắng mà khô, đó là hiện tượng khí uất có kiêm thực trệ và có xu hướng hóa hỏa nên mới dùng tới Hoàng liên. Nếu mới bị bệnh và thuộc Hàn tính thì không nên dùng.

Ngô X, nam, 62 tuổi.

Khám lần đầu: Bị nấc liên tục hai ngày không dứt, hôm qua nôn ra chất dính đặc mầu cà phê rất nhiều, hơi thở ngắn, mỏi mệt, khát nước nhưng không uống nhiều, ho, muốn nôn, mạch Tế Sác mà Kết Đại, đầu lưỡi đỏ khô, gốc lưỡi nhớt. Đây là loại khí âm đều suy, đàm nhiệt nghẽn ở trong, có hiện tượng Vị bại.

Điều trị theo hướng ích khí dưỡng âm, hóa đàm hòa trung.

Dùng Di sơn sâm 8g, Mạch đông 12g, Ngũ vị tử 4g, Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Bán hạ 12g, Trúc nhự 12g, Trần bì 6g, Viễn chí 4g.

Khám lần thứ hai: Sau khi uống 2 thang đã yên cơn nấc, ho cũng bớt, ăn tạm được, mạch Tiểu, đầu lưỡi đỏ, gốc lưỡi nhớt. Vẫn theo phép điều trị trước, dùng đơn cũ thêm Tang bạch bì; Nam sa sâm đều 12g.

Nhận xét: Bệnh án này thuộc loại Phế nham (ung thư) khá nặng, tuổi cao, khí suy, đoản hơi, mỏi mệt, mạch Tế Sác mà Kết Đại, biện chứng là khí âm đều suy, điều trị theo phép ích khí dưỡng âm, hóa đàm hòa trung, sau khi uống 2 thang khỏi luôn ách nghịch, về sau tiếp tục điều trị Phế nham.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.