SÁN KHÍ (Hernia – Hernie)

Bệnh Sán theo sách cổ chép, có hàm hai ý nghĩa khác nhau:

Một là chỉ về trong bụng đau do bị kích thích, chỉ về bệnh đau lan từ bụng dưới đến dịch hoàn.

Hai là dịch hoàn sưng đau.

Thiên ‘Cốt Không Luận’ (Tố Vấn 60) viết: “Mạch nhâm sinh bệnh con trai là 7 chứng sán kết ở trong” (7 chứng Sán là Quyết Sán, Xung Sán, Hà Sán, Hồ Sán, Lung Sán, Đồi Sán,…).

Chứng Hàn Sán trong sách ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ chỉ nêu về chứng đau bụng, cho nên chép ở thiên đau bụng.

Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận ‘ gọi 7 chứng sán là: Quyết Sán, Trưng Sán, Hàn Sán, Khí Sán, Bàn Sán, Phụ Sán và Lang Sán .

Sách ‘Nho Môn Sự Thân’ bàn về 7 chứng sán là: Hàn sán. Thủy Sán, Hồ Sán, Can Sán, Huyết Sán, Đồi Sán Và Khí Sán. Trương Tử Hòa dựa vào lý luận của người xưa, kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng mà suy xét kỹ thêm. Các chứng mà ông trình bày, trừ chứng Huyết Sán, Can Sán, thuộc về bệnh ngoại khoa, còn phần lớn đều thuộc về chứng sán khí đau rút dịch hoàn.

Chứng Bôn đồn khí, chứng trạng giống với chứng Xung Sán mô tả trong sách Nội Kinh (từ bụng dưới xông lên tim mà đau; đại tiểu tiện không được là Xung sán), có chỗ hơi giống nhau, vì vậy chúng tôi xếp vào đây để giúp dễ dàng cho việc biện chứng.

Nguyên Nhân

Bệnh sán tuy được coi là do mạch Nhâm gây nên, nhưng có quan hệ rất mật thiết với tạng Can.

Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10) viết: ‘Mạch túc quyết âm Can đi qua bộ phận sinh dục, đến bụng dưới, đàn ông sinh chứng hội sán, đàn bà bụng dưới sưng, chủ yếu là ở Can sinh ra”.

Thiên ‘Cốt Không Luận’ (Tố Vấn 60) viết: “Nhâm mạch gây bệnh, ở nam giới thì bên trong kết thành chứng Thất Sán, ở phụ nữ thì thành chứng Đới Hạ”.

Sách ‘Nho Môn Sự Thân’ viết: “Các chứng sán đều thuộc về Can kinh”.

Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ viết về chứng sán: “Các chứng sán là âm khí tích ở trong, lại bị hàn khí lấn vào, làm cho vinh vệ không điều hòa, huyết khí hư nhược cho nên gió lạnh lọt vào trong bụng mà thành bệnh sán”.

Sách ‘Cảnh Nhạc Toàn Thư’ viết: “Bệnh sán khí, có hàn chứng, cũng có nhiệt chứng, tất nhiên trước vì phong thấp, hoặc ăn thức nóng lạnh, sống làm cho tà tụ lại ở phần âm, đó là lúc đầu đều do hàn thấp sinh ra”. Như thế đủ thấy rằng tà khí phong, hàn, thấp, nhiệt, đều có thể phát ra bệnh sán khí. Ngoài ra do khóc, giận dữ, khí mất sự thông lợi, khí hư hãm xuống, cũng có thể gây nên bệnh.

Sách ‘Chứng Trị Chân Thuyên’ viết: “Cách chung, 7 chứng sán gây bệnh nếu không phải là phong lao gây nên, thì cũng là do đi đường xa gian khó, lội nước dầm băng”.

Sách ‘Y Học Nhập Môn’ viết: “Chứng khí, sán khí, trên liền với thận du, dưới vào bìu dái, mắc bệnh là do khóc, giận dữ sinh uất mà sưng lên, hoặc làm việc nặng nhọc cưỡi ngựa, đến nỗi hòn dái sưng trướng”.

Cũng có thể do tiên thiên mà thành. Sách ‘Nho Môn Sự Thân’ viết: “Trẻ nhỏ cũng có bệnh này, tục gọi là tiên khí, là bệnh từ trong thai”.

Sách ‘Châm Cứu Học Giảng Nghĩa’ (Sán Khí) viết: “Nguyên nhân gây nên bệnh Sán Khí rất nhiều nhưng không ngoài sự xâm nhập của hàn, nhiệt và thấp khí, khiến cho khí huyệt bị ủng trệ ở mạch Nhâm và kinh Can gây ra bệnh”.

Biện Chứng

7 chứng Sán theo Nan Kinh là:

Lung Sán: Tiểu không thông.

Xung Sán: Đau từ bụng dưới có khí đưa lên trên.

Quyết Sán: Chứng khí công kích, bốc lên bất cứ trên dưới, phải trái, tay chân lạnh.

Hà Sán: Trong bụng có khối u (trưng hà) nóng mà đau.

Đồi Sán Khí làm đau nhức từ bụng dưới lan xuống đến dịch hoàn làm cho dịch hoàn sưng to như cái đấu.

Hồ Sán: Dịch hoàn chạy vào trong bụng, khi nằm xuống nó sẽ chạy ra khỏi bụng, khi đứng lên nó lại tụt vào bên trong.

Đồi Sán: Dịch hoàn sưng to, cứng như đá, đau lan đến rốn.

7 chứng sán khí do Trương Tử Hòa phân loại đã lưu truyền từ lâu, sau này vẫn theo như thếû, trong đó, trừ chứng Huyết sán, Can sán, không thuộc vào bệnh ở dịch hoàn hoặc bìu dái, còn chứng trạng của 5 thứ sán khí khác theo sách ‘Nho Môn Sự Thân’ là:

Hàn sán: Bìu dái lạnh, cứng như đá, ngọc hành không cử động được, hoặc hòn dái bị co rút gây đau.

Đồi sán: Bìu dái sệ xuống, như cái thúng, cái đấu, không ngứa, không đau’.

Thấp sán: Bìu dái không đau, mồ hôi thường ra ở âm nang, hoặc bìu dái sưng đau, hình dạng giống như thủy tinh, hoặc bìu dái ngứa mà khô, chảy nước vàng, hoặc ấn vào bụng dưới có tiếng ọc ạch.

3 thứ bệnh sán ở trên, đêàu là bệnh ở bìu dái, hòn dái, hoặc sưng hoặc đau. Đặc điểm của hàn sán là cứng như đá, Đồi sán thì bìu dái to như cái thúng, Thủy sán trong có thủy thấp đình trệ.

Hồ sán: hình như hòn ngói khi nằm thì thu vào bụng dưới đi đứng thì tự bụng dưới xuống bìu dái.

Khí sán: “Chứng trạng liền với khu vực thận dưới, hoặc do kêu khóc giận dữ, thì khí uất kết lên mà trướng, giận dữ, kêu khóc hết thì khí tản ra”. Chứng sán này do khí trệ sinh ra, trên lâm sàng thấy rất nhiều.

2 loại bệnh sán trên đây gọi là bệnh trong bìu dái. Hồ sán bắt đầu thấy ở Nội Kinh, sách ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ viết: “Chứng âm hồ sán khí, bên to, bên nhỏ, khi lên, khi xuống”. Tức là chứng Thiên trụy, hoặc chứng Tiểu trường sán khí.

Sán là do giận dữ kêu khóc mà sinh ra, hay gặp ở người lớn, thường do quá lao lực, hoặc lúc gắng sức quá mà phát ra, sau khi thôi giận khóc, hoặc nằm yên, bệnh nhẹ thì cũng có thể tự khỏi.

Trên đây ngoài chứng Huyết sán, Can sán ra, còn các chứng khác, dù có quan hệ với sự uất trệ của khí huyết ở Can kinh, chứng Hàn sán là do âm hàn ngưng kết, cho nên cứng như đá; Đồi sán là do thấp khí nặng, cho nên sưng to nặng trĩu; Thủy sán là do thủy thấp tụ lại; Hồ sán thì thiên về khí hư, mà khí sán thuộc về khí trệ.

Cũng nên xem xét thân thể người bệnh khỏe hay yếu, mạch thịnh hay suy, hàn hoặc nhiệt, mới có thể chẩn đoán được bệnh tình mà tiến hành điều trị.

Sách ‘Châm Cứu Học Giảng Nghĩa’ nêu ra ba trường hợp sán khí thường gặp trên lâm sàng là:

Hàn Sán: Bìu dái lạnh đau, dịch hoàn cứng, co rút lên đến bụng dưới, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Tế.

Thấp Nhiệt Sán: Bìu dái sưng nóng, dịch hoàn căng đau, kèm sốt, sợ lạnh, nước tiểu vàng, táo bón, khát, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác.

Hồ Sán: Bụng dưới và bìu dái căng đau, nằm thì rút vào bụng, đứng lên thì sa xuống. Lâu ngày thì không còn cảm giác đau rõ, làm cho một bên bìu dái sưng to.

Điều Trị

Chứng sán khí, Trương Cảnh Nhạc cho hàn là gốc bệnh, thấp nhiệt là ngọn, do Can khí không thông lợi, cho nên phép chữa chủ yếu là điều khí, sơ Can. Thiên về thấp thì dùng lợi thấp để lý khí; thiên về nhiệt, thì dùng thanh nhiệt để lý khí. Nếu bệnh sán lâu ngày, nguyên khí bị hư hàn, hơi làm nhọc mệt là phát ngay, hoặc thiên trụy lâu ngày không khỏi, nên phối hợp với mạch chứng, có thể dùng thuốc bổ.

Vì bệnh sán khí là trong thực có hư, cần phân biệt cho rõ.

Phép Ôn Can Tán Hàn: chữa chứng sán khí do hàn (Hàn sán) phát ra sưng đau nhức, nên dùng Noãn Can Tiễn hoặc Thiên Thai Ô Dược Tán. Chứng Hồ sán lúc lên lúc xuống có thể dùng thêm bài Kim Quỹ Tri Thù Tán.

Phép Thanh Nhiệt Lợi Thấp: Chữa sán khí sưng nặng, đau nhức, chỗ đau mầu đỏ, tiểu tiện ngắn, nước tiểu đỏ, nên dùng Đại Phân Thanh Ẩm.

Phép Hành Khí Tiêu Kiên: chữa chứng Đồi sán, khí trệ huyết ứ sưng đau, cứng rắn, lâu không tiêu, nên dùng các bài Lệ Hương Tán, Tế Sinh Quất Hạch Hoàn.

Phép Bổ Trung Thăng Đề: chữa sán khí, thiên trụy, không co lên được, hoặc khi mệt nhọc quá lại phát ra, nên dùng Bổ Trung Ích Khí Thang.

Phép Hành Thủy Tiêu Kiên: chữa Thủy sán thuộc nhiệt, dùng Đại Phân Thanh Ẩm, thuộc hàn dùng Tế Sinh Quất Hạch Hoàn. Chứng thực đều có thể dùng Vũ Công Tán.

Sách ‘Trung Y Cương Mục’ nêu lên 3 trường hợp sán khí sau:

Loại Khí Hư Hạ Hãm: Khi lao động nặng, ho mạnh thì bìu dái sưng lên, xệ xuống, kèm ăn ít, tâm phiền, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng, tay chân mỏi mệt, mạch Vi hoặc Sáp.

Điều trị: Bổ trung, ích khí. Dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang gia giảm: Hoàng kỳ, Đảng sâm, Chích thảo, Quy thân, Trần bì, Thăng ma, Sài hồ, Bạch truật, thêm Xuyên luyện tử, Hương phụ.

(Hoàng kỳ là chủ dược để bổ trung ích khí. Hỗ trợ có Đảng sâm, Chích thảo, Bạch truật để ích khí, kiện Tỳ, hợp với chủ dược để ích khí, bổ trung. Tá có Trần bì để lý khí, hoà Vị. Quy thân dưỡng huyết; Thăng ma, Sài hồ giúp cho chủ dược để thăng đề dương khí bị hạ hãm; Xuyên luyện tử, Hương phụ lý khí, thông uất, chỉ thống).

Hàn Thấp Nội Thịnh: Âm nang có khối u, sưng cứng mà lạnh, dịch hoàn đau, thích ấm, sợ lạnh, bụng dưới trướng đau, rêu lưỡi trằng nhờn, mạch Huyền Khẩn.

Điều trị: Ôn kinh, tán hàn. Dùng bài Đương Quy Tứ Nghịch Thang gia giảm: Đương quy, Quế chi, Bạch thược, Tế tân, Ô dược, Tiểu hồi, Ngô thù du, Cao lương khương, Cam thảo, Đại táo.

(Đương quy ôn bổ Can huyết; Quế chi ôn thông kinh mạch; Bạch thược dưỡng huyết, hoà vinh. Hai huyệt phối hợp có tác dụng hỗ trợ việc sơ thông kinh khí ở Quyết âm; Tế tân thông huyết mạch, tán hàn tà; Ô dược, Tiểu hồi noãn Can, chỉ thống; Ngô thù du, Cao lương khương ôn trung, tán hàn, chỉ thống; Đại táo, Chích thảo, bổ Tỳ, điều hoà các vị thuốc).

Can Uất Khí Trệ: Tinh thần uất ức, không thoải mái, dễ tức giận, vùng gan đầy tức, bìu dái sưng, xệ xuống, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền.

Điều trị: Sơ Can, lý khí. Dùng bài Tế Sinh Quất Hạch Hoàn gia giảm: Quất hạch, Thanh bì, Xuyên luyện tử, Hậu phác, Nguyên hồ, Chỉ thực, Mộc hương, Tiểu hồi, Ô dược, Lệ chi hạch, Đào nhân.

(Quất hạch hành khí, trị sán; Thanh bì sơ Can, lý khí; Hậu phác, Chỉ thực phá khí tích trệ. Xuyên luyện tử, Mộc hương hành khí, chỉ thống; Nguyên hồ, Đào nhân hoạt huyết, tán kết, Ô dược hành khí, chỉ thống; Tiểu hồi, Lệ chi hạch lý khí, tán kết, tán hàn, chỉ thống).

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

Sâm Luyện Lệ Chi Thang (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1990, 6): Đảng sâm, Xuyên luyện tử đều 9g, Trần bì, Cam thảo (chích), Sài hồ, Mộc qua đều 5g, Thăng ma 7g, Phục linh 6g, Cát hạch, Lệ chi hạch đều 12g.. Sắc uống. Dùng cho trẻ nhỏ 1~2 tuổi.

Tác dụng: Bổ trung, thăng hãm, tán hàn, lợi thấp, lý khí, chỉ thống. Trị trẻ nhỏ bị sán khí.

Đã trị 102 ca, khỏi 42, chuyển biến tốt 40, không kết quả 20. Đạt tỉ lệ 80,2%. Trung bình uống 3~7 thang, đa số uống 15 thang thì khỏi. Có 8 ca bị tái phát, còn lại đều khỏi.

Tiểu Nhi Sán Khí Thang (Tân trung Y 1988, 4): Ô mai nhục, Cát hạch nhân, Thạch lựu bì, Chỉ xác, Xuyên luyện tử, Tiểu hồi, Hướng dương quỳ cán nhục bạch tâm 10g, Ngô thù du 6g, Nhục quế 3g. Sắc uống.

Tác dụng: Sơ Can, hoãn cấp, ôn kinh, tán hàn, táo thấp, kiện Tỳ, lý khí, chỉ thống. Trị tiểu nhi sán khí.

Đã trị 40 ca, nhẹ thì uống 3 thang, nặng uống 6~9 thang đều khỏi.

Tề Sán Phương (Tứ Xuyên Trung Y 1989, 7): Ngô thù du, Thương truật đều 12g, Đinh hương 3g, Bạch hồ tiêu 12 hột. Sấy nhỏ lửa, tán bột để dành dùng. Mỗi lần dùng 3~4g, trộn với dầu Mè cho đều, đắp vào vùng trên rốn, dùng băng rốn băng cố định lại. 1~2 ngày thay một lần. Nếu vùng bệnh phản ứng với thuốc đắp thì có thể cách 1~2 ngày đắp một lần.

Tác dụng:Ôn kinh tán hàn, lý khí, táo thấp, chỉ thống. Trị tề sán.

Đã trị 10 ca, đều khỏi, theo dõi 2 năm sau không thấy tái phát.

Noãn Cân Cử Sán Thang (Ấu Khoa Điều Biện):Hồ lô ba, Lệ chi hạch, Cát hạch, Sơn tra hạch, Đảng sâm đều 9g, Ba kích, Tiểu hồi, Thanh bì,, Xuyên luyện tử, Mộc hương đều 6g, Thăng ma 3g. Sắc uống.

Tác dụng: Noãn Can, tán hàn, thăng cử dương khí. Trị Hồ sán (loại hàn ngưng ở Can kinh, khí hư hạ hãm).

Thoái Dịch Thang (Tứ Xuyên trung Y 1985, 3): Phục linh, Trạch tả, Trư linh, Bạch truật, Quế chi, Xa tiền tử, Tiểu hồi, Trần bì, Thanh bì đều 10g, Lệ chi hạch, Cát hạch đều 30g,, Binh lang, Ô dược, Mộc hương đều 10g. Sắc uống.

Tác dụng: Ôn kinh tán hàn, hành khí, trừ thấp. Trị thủy sán.

Đã trị 4 ca đều khỏi hẳn.

Trị Sán Phương (Tứ Xuyên Trung Y 1985, 9): Phật thủ, Binh lang, Lệ chi hạch đều 9g, Hương phụ, Ngô thù du, Tiểu hồi, Cát hạch, Thanh bì đều 6g. Cam thảo 3g. Sắc uống.

Tác dụng: Sơ Can, lý khí, tán hàn, chỉ thống. Trị khí sán.

Đã trị 10 ca đều khỏi hẳn.

Thủy Sán Thang (Trung Y Tạp Chí 1987, 6): Tiểu hồi 10g, Binh lang, Ô dược, Xa tiền tử, Ngưu tất, Đương quy, Xích thược, Trạch tả đều 5g, Cát hạch 3g, Trư linh, Phục linh đều 6g, Nhục quế (cho vào sau) 3g, Hắc sửu (sao), Bạch sửu (sao) đều 3g. Sắc uống.

Tác dụng: Sơ Can, lý khí, ôn kinh, tán hàn, hoạt huyết, lợi thủy. Trị trẻ nhỏ niêm mạc dịch hoàn có nước (thủy sán).

Thường uống 5~10 thang là khỏi.

Câu Sán Thang (Cát Lâm Trung Y Dược 1986, 2): Hương phụ, Mộc hương đểu 15g, Sơn tra, Xuyên luyện tử đều 10g, Tam lăng, Nga truật (sao dấm), Khương hoàng, Đởm nam tinh, Thần khúc, Cát hạch đều 5g, Hoàng liên, Ngô thù du, Đào nhân, Chi tử, Lai phục tử đều 2,5g. Sắc uống.

Tác dụng: Sơ Can, lý khí, ôn kinh, tán hàn, tiêu viêm, tán kết. Trị phúc cổ câu sán.

Đã trị 21 ca, đều khỏi.

Kiện Tỳ Hóa Đờm Thang (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Đảng sâm, Bạch truật, Trạch tả, Cốc nha, Mạch nha, Bán hạ (chế) đều 9g, Trần bì 4,5g, Cam thảo (chích) 3g, Mẫu lệ (nấu trước) 30g, Tiêu Dao Hoàn 9g (uống với nước thuốc sắc).

Tác dụng: Kiện Tỳ, hóa đờm, sơ Can, lý khí, trị trẻ nhỏ dịch hoàn ứ nước (thủy sán).

(Cốc nha, Trạch tả kiện Tỳ lợi thủy; Trần bì, Bán hạ hóa đờm; Mẫu lệ thu liễm; Tiêu Dao Tán bổ khí huyết, trị bệnh ở Can Tỳ; Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo ích khí, kiện Tỳ).

Đã trị 33 ca, khỏi hoàn toàn 100%. Uống 1~3 tháng, nhiều nhất là 6 tháng đều khỏi. Sau 6 tháng theo dõi không thấy một ca nào tái phát.

Thuốc Đắp Ngoài

Ngô thù du 6g, Mộc qua 10g, Tiểu hồi 12g, Xuyên luyện tử, Cát hạch đều 20g. nghiền nát, chia làm 2 phần, bọc lại. Đem rang cho nóng lên, chườm vào chỗ đau, nguội lại thay bao khác, cứ luân phiên thay đổi hai bao trên. Ngày làm một lần, mỗi lần khoảng 1 giờ (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1990, 6).

Châm Cứu

Thiên ‘Mậu Thích’ (Tố Vấn 63) viết: “Tà khí khách ở lạc của túc Quyết âm, khiến cho người ta bị sán thống, đột nhiên đau, châm ở chỗ thịt giáp móng ngón chân cái, mỗi bên một nốt. Bệnh nhân là con trai, khỏi ngay. Nếu là con gái, một lát sẽ khỏi. Bệnh bên phải châm bên trái và ngược lại”.

Hàn Sán: Ôn hóa hàn thấp, sơ thông kinh mạch. Châm tả và cứu huyệt Khí hải, Đại đôn, Tam âm giao. Mỗi ngày châm 1 lần, 7 ngày là một liệu trình.

(Sán khí đa số thuộc Nhâm mạch và kinh Can. Nhâm mạch bệnh gây nên Thất Sán. Kinh túc Quyết âm vận hành ngang qua bụng dưới, khi bệnh thường là chứng Đồi sán, bụng dưới sưng. Túc Thái âm là nơi gân của bộ phận sính dục tụ lại, khi bị bệnh thì bộ phận sinh dục co rút, đau, lan lên rốn, đến hông sườn, vì vậy, dùng huyệt Khí hải của mạch Nhâm để thông lợi khí huyết của mạch Nhâm, ôn hóa hàn thấp, lý khí, chỉ thống; Đại đôn là huyệt Tỉnh của kinh túc Quyết âm Can để sơ Can, hành khí, tán kết, chỉ thống. Phối hợp với huyệt Tam âm giao, thuộc kinh Tỳ, là nơi hội của 3 kinh âm, có thể ôn kinh, tán hàn, hoãn giải đau cấp (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Quan nguyên, Tam âm giao, Đại đôn (Châm Cứu Học Giảng Nghĩa).

Thấp Nhiệt Sán: Thanh nhiệt, hóa thấp, tiêu thủng, tán kết. Châm tả huyệt Trung cực, Quy lai, Thái xung, Âm lăng tuyền, Tam âm giao. Mỗi ngày hoặc cách ngày châm một lần. 7 ngày là một liệu trình.

(Trung cực hợp với Tam âm giao có tác dụng sơ thông nhiệt tà ở mạch Nhâm và kinh Can. Dương minh là nơi hội của tông cân, vì vậy dùng huyệt Quy lai, Âm lăng tuyền, Tam âm giao để thanh tiết thấp nhiệt ở kinh Tỳ; Phối hợp với mộ huyệt của Bàng quang là Trung cực để sơ lợi bàng quang khiến cho thấp nhiệt theo thủy đạo bài tiết ra ngoài, để tiêu thủng, tán kết (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Quan nguyên, Quy lai, Thái xung, Âm lăng tuyền, Tam âm giao (Châm Cứu Học Giảng Nghĩa).

Hồ Sán: Bổ khí, thăng hãm, chỉ thống. Châm bổ và cứu Quy lai, Quan nguyên, Đại đôn, Tam giác cứu. Mỗi ngày hoặc cách ngày châm một lần. 7 ngày là một liệu trình.

(Dương minh kinh nhiều khí nhiều huyết, là nơi hội của tông cân. Quy lai thuộc kinh túc Dương minh là huyệt dùng trị sán khí có hiệu quả cao. Can kinh vận hành qua bộ phận sinh dục, vì vậy dùng huyệt Đại đôn là huyệt thường dùng trị sán khí; Tam giác cứu là huyệt Ngoài kinh, là huyệt đặc hiệu trị sán khí (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Quan nguyên, Khí môn, Tam giác cứu (Quan nguyên là nơi khí của Tam tiêu xuất ra, vì vậy dùng để bổ nguyên khí, làm cho khí đủ thì sự thăng đề trở lại bình thường. Hợp với huyệt Khí môn, Tam giác cứu làm cho khí hư hãm ở dưới có thể phục hồi dần) (Châm Cứu Học Giảng Nghĩa).

Nhĩ Châm

Chọn huyệt Sinh dục ngoài, Thần môn, Giao cảm, Tiểu trường, Thận, Can. Mỗi lần dùng 2~3 huyệt, kích thích mạnh. Lưu kim 10~20 phút. Cách ngày châm một lần (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Tham Khảo

Dùng Ngải nhung cứu huyệt Tam giác cứu là chính. Phối hợp với Quan nguyên, Khí hải, Khúc cốt, Khí xung, Xung môn. Mỗi lần dùng huyệt chính còn các huyệt phối hợp thay đổi dùng. Mỗi huyệt cứu 5 tráng, mỗi ngày hoặc 2~3 ngày cứu một lần. Đã trị 50 ca, cứu 1~7 lần đều khỏi (Ngải Cứu Trị Sán Khí – Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1981, 16 (9): 429).

Châm kết hợp với uống thuốc trị sán khí. Đã trị Phúc ngoại sán 60 ca. trong đó Phúc cổ câu tà sán 41 ca, Trục sán 12, Cổ sán 5, Phục cổ câu hoạt động tính sán 2. Huyệt dùng chính: Bá hội, Khí hải, Quan nguyên, Hội âm, Thận du. Phối hợp với Trung cực, Khúc cốt, Đại hoành, Quy lai. Châm thẳng, lưu kim 5~10 phút. Phối hợp dùng thuốc: Hoàng kỳ 30~60g, Tiểu hồi, Quất hạch nhân, Thục địa, Đương quy, Bạch truật, Thăng ma đều 15g, Nhân sâm, Cam thảo đều 10g.

Đã trị 43 ca vừa châm vừa dùng thuốc, 17 ca chỉ dùng châm cứu. Kết quả: Khỏi 53, có kết quả 6, không kết quả 1 (Lưu Tiết Học, Châm Cứu Phối Hợp Dược Vật Trị Liệu Sán Khí – Tứ Xuyên Trung Y 1989, 7 (11): 51).

Châm huyệt Đại đôn, Tam âm giao, Quy lai. Sau khi đắc khí, dùng một miếng Tỏi, châm lỗ ở giữa, lấy Ngải nhung có pha Xạ hương, đặt lên. Mỗi huyệt cứu 1~2 tráng, làm cho vết cứu bỏng lên.

Đã trị 22 ca, giảm nhẹ bệnh 14 (sau khi châm cứu 10~20 ngày chỗ bị sán khí co lên), có chuyển biến 6, không kết quả 2 (Võ Quang Lục, Châm Cứu Liệu Sán Khí 1990, 10 (2): 53).

Tóm Tắt

Bệnh sán khí, chủ chứng của nó, hoặc là một bên hòn dái sưng nặng, đau nhức, sưng lên, khi tụt vào, lúc phình lên, lúc xẹp xuống, tức là chứng Hồ sán khí. Hoặc sưng to đau nhức, tức là Hàn sán, Thùy sán, Đồi sán. Còn chứng Quyết sán, Xung sán, Hồ sán (theo Nội Kinh) và chứng Hàn sán (theo Kim Quỹ Yếu Lược), 7 chứng sán trong sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’, trừ chứng Lang sán ra, còn các chứng Quyết sán, Trưng sán, Hàn sán, Khí sán, Hồ sán, Phụ sán đều là tật bệnh ở trong bụng. Trương Tử Hòa gọi là chứng Huyết sán, Can sán trong 7 chứng là bệnh ngoại khoa, đều không phải chứng sán khí thảo luận trong thiên này, không lẫn lộn. Các chứng Hàn sán, Thấp sán,

Đồi sán, Khí sán, Hồ sán trên lâm sàng đều có chứng trạng đặc biệt, chỉ có chứng Khí sán và Hồ sán là giống nhau, có khi khó mà phân tích tuyệt đối được.

Sán khí là thuộc bệnh về can kinh, hoặc vì cảm phải tà của phong hàn thấp nhiệt, hoặc do giận dữ khí uất lên, hoặc do nhọc mệt quá, khí hãm xuống. Phép chữa nên lấy sơ can làm chủ yếu, thiên về hàn thì thêm những vị thuốc ôn để thông. Thiên về nhiệt thì thêm những vị thuốc mát để tiêu. Cứng rắn không tiêu thì thêm những vị phá ứ, hành thấp và tiêu cứng, hình thể yếu, khí hư hãm xuống, thì nên dùng cách bổ khí thăng đề.

Bài trướcSẩy Thai | Đông Y
Bài tiếp theoSản Hậu Phát Sốt | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.