THIÊN BÀO SANG
Từ Thiên Bào Sang xuất hiện đầu tiên trong sách ‘Sang Dương Kinh Nghiệm Toàn Thư’ (đời nhà Tống). Từ đời nhà Đường về sau đa số cho chứng mụn nước và chứng mụn mủ nước đều là một.
Sách ‘Chứng Trị Chuẩn Thằng – Dương Khoa’ viết: “Hỏa nhiệt khách ở giữa bì phu, bên ngoài không tiết được, kết lại thành mụn nước, to như hạt đậu, bên dưới mầu đỏ, bên trên mặt mầu trắng hoặc bên trên cũng mầu đỏ”, đó là loại mụn nước mủ.
Sách ‘Ngoại Khoa Chính Tông’ viết: “Chứng thiên bào, do tâm hỏa vong động, Tỳ có thấp mọc ở cơ thể trên dưới không đều, nóng lạnh khác thường”, đây là dạng Thiên bào sang.
Sách ‘Y Tông Kim Giám – Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết dựa theo vị trí vùng tổn thương phân làm hai loại: “Bắt đầu mọc nhỏ như hạt Khiếm thực (hột súng), to như Thầm tử (trái dâu), bên trong có nước, mầu đỏ là chứng Hỏa xích sang. Nếu trên mặt mầu trắng, bên dưới mầu đỏ gọi là Thiên bào sang”.
Đời nhà Đường, sách Ngoại Đài Bí Yếu, viết về chứng ‘Thiên hành ban sang’ như sau: “Phát ra ở đầu, mặt rồi toàn thân, phát nốt ban ở da, giống như vân đỏ, bên trên có nước trong, da lở loét như mụn nhọt, có thể bị phiền táo, nói sảng”. Đó là loại Thiên bào sang.
Còn gọi là Thiên Pháo Sang. Dân gian quen gọi là Trái Rạ.
Nguyên Nhân
Do Tâm hỏa vong động, Tỳ có thấp. Tùy theo bệnh chứng có thể phân ra như sau:
Tỳ Thấp Uẩn Kết: Tỳ chủ về thấp, thấp khí kết lại ở da sẽ gây nên mụn nước. Lâm sàng cho thấy đây chính là thủy bào, nhỏ như hạt cây súng, to như hạt Dâu tằm.
Nhiệt Thịnh Thấp Uẩn: Tâm chủ hỏa, hỏa nhiệt ngừng ở da sẽ gây nên những vết ban đỏ mọc thành từng đám, thành mụn nước
Khí Âm Tổn Thương: Thấp nhiệt uẩn kết lâu ngày hóa thành táo, làm tổn thương tân dịch, làm hại khí, vì vậy bệnh xuất hiện chậm, thường thấy phần khí và phần âm đều bị tổn thương.
Tóm lại: Tâm kinh có uất nhiệt, hóa thành hỏa, Tỳ hư yếu không vận hành được thủy thấp, hỏa nhiệt và thủy thấp uất kết bên trong, thấp theo hỏa nhiệt ra bên ngoài uất kết ở da gây nên bệnh. nói cách khác, vết ban mọc ở phần trên cơ thể, thường do phong nhiệt, vết ban mọc ở phần dưới cơ thể là nặng, đa số do thấp nhiệt. Bệnh lâu ngày làm cho âm dịch bị hao tổn, nguyên khí bị thụ thương, đa số phần khí và phần âm bị hư yếu.
Triệu Chứng Lâm Sàng
Tỳ Hư Uẩn Nhiệt: Cơ thể, tay chân và niêm mạc miệng có những nốt bỏng nước, nhỏ như hạt củ Súng, to như trái Dâu tằm, bên trong có nước trong, nếu vỡ ra thì bề mặt bị lở loét, thấm nước ra nhiều, kèm theo tay chân mỏi mệt, ăn kém hoặc bụng trướng, tiêu lỏng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng bệu, mạch Trầm Nhu hoặc Hoạt Tế.
Điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp, lương huyết giải độc. Dùng bài Thanh Tỳ Trừ Thấp Ẩm gia giảm: Sinh địa, Xích phục linh, Liên kiều, Nhân trần đều 15g, Thương truật (sao), Bạch truật (sao), Mạch môn, Trạch tả, Chỉ xác (sao) đều 10g, Sơn chi, Hoàng cầm đều 6g, Xích tiểu đậu, Bạch hoa xà thiệt thảo đều 30g.
Nhiệt Thịnh Thấp Kết: Trên mặt, ngực, lưng đều thấy các mụn nước lớn mọc thành từng đám, trên bề mặt mụn có nước đục như dầu, thành vẩy, rồi vỡ ra, giống như da cóc, kèm tâm phiền, miệng khô không muốn uống, bụng đầy trướng, lưỡi mạch Huyền Hoạt hoặc Hoạt Sác.
Điều trị: Thanh nhiệt, lương huyết, trừ thấp. Dùng bài Giải Độc Tả Tâm Thang gia giảm: Hoàng cầm, Ngưu bàng tử (sao), Phòng phong, Hoạt thạch đều 10g, Hoàng liên, Tri mẫu (sao), Chi tử (sống), Kinh giới đều 6g, Thạch cao (sống), Huyền sâm đều 12g, Mộc thông, Cam thảo (sống) đều 3g.
Khí Âm Lưỡng Thương: Bệnh nhẹ lâu ngày không khỏi, mụn nước lúc mọc lúc ẩn, kết vẩy khô mà không vỡ ra, tinh thần mệt mỏi, chân tay uể oải, hơi thở ngắn, nói sàm, tự ra mồ hôi hoặc mồ hôi trộm, miệng khô không muốn uống, phiền táo, ít ngủ, bụng đầy trướng, lưỡi nhạt, có vết răng, rêu lưỡi trắng hoặc xanh, mạch Trầm Tế vô lực.
Điều trị: Ích khí, dưỡng âm, phù chính, cố biểu. Dùng bài Sâm Kỳ Tri Mẫu Thang gia giảm: Thiên môn, Hoàng kỳ, Đảng sâm đều 12g, Bạch liễm, Thương truật, Bạch truật, Bạch thược (sao), Xích phục linh đều 10g, Tri mẫu, Ngân hoa đều 15g, Sơn dược, Lục đậu y, Xích tiểu đậu, Bạch hoa xà thiệt thảo đều 30g