THỦY ĐẬU
Gặp thấy đầu tiên trong sách ‘Y Thuyết’ của Trương Quý Minh đời nhà Tống.
Là một bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa đông xuân.
Trẻ nhỏ thường bị nhiều hơn.
Còn gọi là Thủy Sang, Thủy Hoa, Thủy Bào, Phu Chẩn, Thủy Hoa Nhi.
Nguyên Nhân
Các y gia xưa quan niệm không thống nhất về nguyên nhân gây bệnh. Đa số cho là do trẻ nhỏ có thấp nhiệt nội uất bên trong kèm ngoại cảm thời tà bệnh độc gây nên. Thời tà và thấp nhiệt tranh chấp nhau, lưu lại ở kinh Tỳ và Phế. Nhẹ thì làm cho Phế mất chức năng tuyên giáng biểu hiện bằng nốt đậu mầu đỏ, nhuận, mụn nước trong. Nặng hơn thì tà độc làm tổn thương Tỳ dương, bệnh độc vào sâu bên trong, thấy dấu hiệu bệnh ở phần khí, tà khí không thoát ra ngoài được, vì vậy nốt đậu đỏ tối, nước đục.
Chủ yếu do độc khí làm tổn thương phần vệ, phần khí, xâm nhập vào phần doanh gây nên bệnh.
Triệu Chứng
Phong Nhiêtp Hợp Thấp: Thiên về phần khí thuộc loại nhẹ. Hơi sốt, mũi nghẹt, chảy nước mũi, ho, một hai ngày sau đậu xuất hiện như hạt sương, mầu hồng nhuận, mọc ở lưng trước rồi mới lan ra tay chân (nhưng tay chân ít hơn), ngứa. Sau khi nổi lên, ở chính giữa có một bọng nước gọi là bào chẩn. Bào chẩn lớn dần không đều nhau, hình bầu dục, chứa một chất nước trong, không nung mủ, có vành đỏ chung quanh, kéo dài khoảng 2~3 ngày thì khô và bong ra, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch Phù, chỉ tay mầu đỏ tím.
Điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, giải độc khứ thấp. Dùng bài
Ngân Kiều Tán gia giảm: Ngân hoa 10g, Liên kiều, Kinh giới, Trú diệp đều 6g, Lục đậu y 12g, Cát cánh, Thuyền thoái, Đại thanh diệp, Tử thảo, Cam thảo đều 4,5g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Đại Liên Kiều Ẩm: Phòng phong, Kinh giới, Cam thảo, Đương quy đều 4g, Hoàng cầm, Xích thược, Sài hồ, Mộc thông, Chi tử đều 6g, Hoạt thạch, Liên kiều, Ngưu bàng tử đều 8g, Xa tiền 12g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).
Thấp Nhiệt Nhiều: Thiên về phần huyết, thuộc loại nặng. Sốt cao, miệng và răng khô, môi đỏ, mặt đỏ, tinh thần mệt mỏi, niêm mạc miệng có những nốt phỏng, tiểu ít, nước tiểu đỏ, thủy đậu mọc dầy, nốt thủy đậu to, mầu nước đục, chung quanh mầu đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng khô mạch Hoạt Sác, chỉ tay mầu đỏ trệ.
Điều trị Thanh nhiệt giải độc, lương huyết thanh doanh. Dùng Thanh Ôn Bại Độc Ẩm gia giảm: Liên kiều, Hoàng cầm, Huyền sâm, Xích thược đều 10g, Tiêu sơn chi, Trúc diệp, Hoàng liên (sao), Tri mẫu đều 6g, Thạch cao (sống), Đại thanh diệp, Tử thảo, Ngân hoa đều 12g.
Thuốc Rửa
Khổ sâm, Mang tiêu đều 30g, Phù bình 15g. Nấu lấy nước, rửa (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm
Thanh Nhiệt Giải Độc Thang III (Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1987, 8): Kim ngân hoa, Liên kiều đều 6~9g, Tử thảo, Mộc thông đều 4,5~6g, Hoàng liên, Cam thảo đều 3~4,5g. Sắc uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, khứ thấp. Trị thủy đậu.
Đã trị 60 ca. Trong đó nhẹ và vừa có 13 ca, 47 ca nặng. Đều khỏi hẳn. Sau nửa ngày thì hạ sốt, có khi kéo dài đến 2 ngày mới hạ sốt. Trung bình 1 ngày là hạ sốt.. Thời gian nốt đậu đóng vẩy: đa số 2~3 ngày, một số ít 4 ngày.
Ngân Thạch Thang (Hắc Long Giang Trung Y Dược 1990, 1): Ngân hoa, Thạch cao (nấu trước) đều 30g, Huyền sâm, Tử thảo, Trạch tả đều 15g, Bạc hà 9g (cho vào sau), Kinh giới 6g. Sắc uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, sơ phong, lương huyết, khứ thấp. Trị thủy đậu
Đã trị 116 ca. Toàn bộ đều khỏi. Uống 2~5 thang. Thường sau 1 thang, đều hạ sốt.