THAY ĐỔI CỦA PHỤ NỮ MANG THAI
-
THAY ĐỔI VỀ NỘI TIẾT
Trong khi mang thai cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi lớn về giải phẫu, sinh lý và sinh hoá. Những thay đổi này xảy ra rất sớm sau khi thụ tinh và kéo dài trong suốt thời kỳ thai nghén. Nguyên nhân của các sự thay đổi này là do thay đổi về nội tiết – thần kinh gây ra.
Hai loại nội tiết tố thay đổi nhiều trong khi có thai là hCG (human Chorionic Gonadotropin) và các Steroid.
1.1. hCG: là hormon hướng sinh dục rau thai, được tạo thành từ hai tiểu đơn vị a và b. hCG được rau thai chế tiết rất sớm, trong những tuần đầu do cả hai loại đơn bào nuôi (tế bào Langhans) và hợp bào nuôi (syncytiotrophoblast), sau đó chủ yếu bởi hợp bào nuôi. Có thể phát hiện hCG trong huyết tương hoặc nước tiểu của thai phụ vào ngày thứ 8 tới thứ 9 sau khi thụ tinh. Nồng độ hCG trong huyết tương của mẹ tăng gấp đôi sau mỗi 48 giờ và đạt đỉnh điểm vào khoảng ngày thứ 60 đến 70 của thai kỳ. Sau đó, nồng độ giảm dần tới điểm thấp nhất vào khoảng ngày thứ 100 đến 130 của thai kỳ.
1.2. Các steroid
Hai steroid quan trọng nhất là progesteron và estrogen. Lượng nội tiết này tăng lên đều đặn trong quá trình mang thai và đạt mức cao nhất vào tháng cuối của thai kỳ. Trước khi chuyển dạ đẻ một vài ngày progesteron và estrogen sẽ giảm thấp xuống một cách đột ngột.
1.2.1. Progesteron: do hoàng thể sản xuất ra trong vài tuần lễ đầu khi mới có thai, sau đó từ bánh rau. Quá trình sinh tổng hợp của progesteron sử dụng LDL cholesterol của người mẹ . Lượng sản xuất tối đa là 250 mg/ngày. Tác dụng:
– Giảm trương lực cơ trơn: giảm co bóp của dạ dày, đại tràng, giảm trương lực cơ tử cung và bàng quang, niệu quản.
– Giảm trương lực mạch máu: áp lực tâm trương giảm, giãn tĩnh mạch
– Tăng thân nhiệt
– Tăng dự trữ mỡ
– Tăng nhịp thở, giảm CO2 trong phế nang và máu động mạch.
– Làm phát triển tuyến vú.
1.2.2. Estrogen: Trong 2-4 tuần đầu tiên của thai kỳ, lượng estrogen trong cơ thể người mẹ chủ yếu do hoàng thể thai nghén sản xuất. Vào tuần thứ 7 của thai kỳ, trên 50% estrogen được sản xuất từ bánh rau.Trong bánh rau, các lá nuôi tiết ra 2 loại estrogen gồm 17b-estradiol và estriol. Lượng estrogen sản xuất tối đa khoảng 30–40 mg/ngày, trong đó estriol chiếm khoảng 85%, nội tiết tố này tăng cho đến khi đủ tháng. Tác dụng:
– Làm tăng trưởng và kiểm soát chức năng của tử cung.
– Cùng với progesteron làm cho tuyến vú phát triển.
– Làm biến đổi thành phần hoá học của mô liên kết, giúp cho mô này chun giãn hơn, các bao khớp mềm ra và các khớp di động dễ dàng.
– Giảm bài tiết natri, gây ứ đọng nước trong cơ thể.
1.2.3. Lactogen rau thai (human Placental Lactogen – hPL): hàm lượng hPL tăng lên đều đặn cùng với sự phát triển của bánh rau trong suốt thai kỳ. Các tác dụng chuyển hoá bao gồm cung cấp nguồn năng lượng cho quá trình trao đổi chất ở mẹ và dinh dưỡng của thai nhi; kháng insulin dẫn tới làm tăng mức insulin ở mẹ và tham gia vào quá trình tạo sữa.
1.2.4. Relaxin: Được chế tiết từ hoàng thể thai nghén, nội sản mạc và bánh rau. Hàm lượng cao nhất đạt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Relaxin tác động lên cơ tử cung, kích thích adenyl cyclase và làm giãn tử cung
1.2.5. Các tuyến nội tiết khác
– Tuyến thượng thận: Về hình thái học ít thay đổi khi có thai, nồng độ cortisol trong huyết tương tăng đáng kể. Tuyến thượng thận là nguồn duy nhất sản xuất cortisol khi mới có thai, về sau người ta cho rằng bánh rau sản sinh ra nội tiết tố này khoảng 25mg mỗi ngày. Nội tiết tố này được gắn vào globulin dưới dạng transcortin, do đó ít có tác dụng toàn thân.
Tác dụng: làm tăng đường huyết, làm thay đổi hoạt động của kháng thể.
Aldosteron cũng do tuyến thượng thận của mẹ tiết ra, trong khi có thai lượng nội tiết tố này tăng nhiều gây tình trạng ứ đọng nước và muối trong cơ thể.
– Tuyến yên: trọng lượng tăng hơn bình thường từ 0,6 – 0,86 g.
FSH, LH không được chế tiết trong suốt thai kỳ, hàm lượng prolactin tăng đều trong khi mang thai. Hiện tượng tiết sữa chỉ xuất hiện khi hàm lượng prolactin vẫn cao và estrogen giảm.
– Tuyến giáp: to, có thể xuất hiện bướu giáp tồn tại một thời gian.
– Tuyến cận giáp: sản xuất nội tiết tố cận giáp giúp kiểm soát sự phân bố canxi. Trong thai kỳ thường có tình trạng hạ canxi máu do canxi được huy động cho thai.
-
THAY ĐỔI GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ Ở BỘ PHẬN SINH DỤC
2.1. Thân tử cung.
2.1.1. Trọng lượng: Bình thường nặng 50- 60g, cuối thai kỳ có thể tử cung nặng đến 1000g. Các yếu tố dẫn đến tăng trọng lượng tử cung:
– Phì đại sợi cơ tử cung: sợi cơ dài thêm tới 40 lần, rộng gấp 3-5 lần.
– Tăng sinh các mạch máu và xung huyết.
– Tăng giữ nước ở cơ tử cung.
2.1.2. Hình thể
– Ba tháng đầu tử cung có hình cầu, cực dưới phình to, có thể sờ thấy qua túi cùng bên âm đạo, đó là dấu hiệu Noble.
– Ba tháng giữa tử cung có hình trứng, cực nhỏ ở dưới, cực to ở trên.
– Ba tháng cuối tử cung có hình dáng phù hợp với tư thế của thai nhi bên trong.
2.1.3. Vị trí
Khi chưa có thai, tử cung nằm trong tiểu khung. Khi mang thai, từ tháng thứ hai trở đi mỗi tháng tử cung lớn lên, trên khớp vệ trung bình mỗi tháng 4cm. Dựa vào tính chất này, người ta có thể tính được tuổi thai theo công thức:
Chiều cao tử cung (cm)
Tuổi thai (tháng) = + 1
4
2.1.4. Cấu tạo
– Cơ tử cung gồm 3 lớp. Lớp ngoài là lớp cơ dọc, lớp trong là lớp cơ vòng, quan trọng nhất là lớp cơ giữa gọi là lớp cơ đan. Đây là lớp cơ dày nhất, các sợi cơ đan chéo nhau về mọi hướng, trong lớp này có nhiều mạch máu. Ở đoạn dưới không có lớp cơ đan. Sau khi sổ rau, lớp cơ này co chặt lại tạo thành khối an toàn của tử cung để thực hiện cầm máu sinh lý. Bình thường cơ tử cung dày 1cm, khi có thai ở tháng thứ 4-5 lớp cơ này dày nhất có thể lên 2,5 cm, vào cuối thai kỳ lớp cơ này giảm xuống còn 0,5 – 1 cm.
– Niêm mạc tử cung: khi có thai niêm mạc tử cung biến đổi thành ngoại sản mạc, gồm ba phần: ngoại sản mạc trứng, ngoại sản mạc tử cung và ngoại sản mạc tử cung-rau.
2.1.5. Sinh lý
– Mật độ: khi chưa có thai mật độ tử cung chắc. Dưới tác dụng của các nội tiết tố khi có thai tử cung mềm.
– Khả năng co bóp và co rút: khi có thai tử cung tăng mẫn cảm, dễ bị kích thích và co bóp.
2.2. Eo tử cung: khi chưa có thai eo tử cung dài 0,5 – 1 cm, khi có thai eo tử cung giãn rộng dần, dài và mỏng ra trở thành đoạn dưới, đến cuối giai đoạn một của cuộc chuyển dạ đẻ, đoạn dưới tử cung dài 10cm. Về giải phẫu eo tử cung chỉ có hai lớp cơ, đó là lớp cơ dọc và lớp cơ vòng, không có lớp cơ đan. Do đó đoạn dưới tử cung dễ vỡ nhất khi chuyển dạ và dễ chảy máu khi rau bám thấp. Khi có thai eo tử cung mềm ra, khi khám tưởng như thân tử cung tách rời khỏi phần cổ tử cung, đó là dấu hiệu Hegar.
2.3. Cổ tử cung: cổ tử cung mềm dần, có màu tím nhạt do tăng tuần hoàn và phù nề toàn bộ cổ tử cung. Ngay sau khi thụ thai, chất nhầy ống cổ tử cung đặc lại và tạo thành nút nhầy bít chặt cổ tử cung. Khi chuyển dạ nút nhầy bong ra và được tống ra ngoài.
2.4. Âm hộ, âm đạo: có sự tăng sinh mạch máu, xung huyết trong da và cơ của vùng tầng sinh môn và âm hộ, các mô liên kết mềm hơn. Do hiện tượng xung huyết, niêm mạc âm đạo có màu tím nhạt và tăng tiết dịch (dấu hiệu Chadwick).
Độ pH của môi trường âm đạo dao động từ 3,5 – 6.
2.5. Buồng trứng
Hoàng thể thai nghén chế tiết progesteron tối đa trong 6-7 tuần đầu của thai kỳ, sau đó giảm dần và được thay thế bởi bánh rau.
Do tác dụng của hoàng thể thai nghén các nang noãn không chín, người phụ nữ không hành kinh và không xảy ra hiện tượng phóng noãn. Từ tháng thứ tư trở đi, hoàng thể thai nghén thoái hoá dần và teo đi.
Buồng trứng to lên, phù và xung huyết trong khi có thai.
2.6. Vòi trứng: có hiện tượng xung huyết và mềm ra.
-
THAY ĐỔI GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ Ở CƠ QUAN KHÁC
3.1. Thay đổi ở da, cân, cơ
Ở da có thể xuất hiện các vết sắc tố, chủ yếu tập trung ở mặt và cổ, đường trắng giữa bụng. Quầng vú và da vùng cơ quan sinh dục cũng tăng sắc tố. Thành bụng bị giãn nở ra, các vết rạn thường thấy ở hai hố chậu, bụng, ngực và mặt trong đùi. Các cơ thành bụng, cân cơ thẳng to giãn rộng.
3.2. Thay đổi ở vú
Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, người phụ nữ thường có cảm giác căng và ngứa ở vùng vú. Sau tháng thứ 2, tuyến sữa và ống dẫn sữa phát triển làm vú to và căng lên, quầng vú sẫm màu, các hạt Montgomery nổi lên, núm vú to và sẫm màu, hệ thống tuần hoàn tăng, các tĩnh mạch to và nổi lên, nhìn thấy ở dưới da gọi là lưới tĩnh mạch Haller. Sau những tháng đầu tiên có thể gặp hiện tượng tiết sữa non.
3.3. Thay đổi trong hệ tuần hoàn
3.3.1. Máu
Khi không có thai, nước chiếm khoảng 72% trọng lượng cơ thể, trong số này khoảng 5% ở trong mạch máu, khoảng 70% ở trong nội bào và dịch kẽ chiếm khoảng 25%.
Khi có thai lượng dịch nội bào không thay đổi, nhưng thể tích trong lòng mạch và dịch kẽ đều tăng. Thể tích huyết tương tăng, đạt cao nhất chung quanh tuần lễ thứ 32. Thể tích trung bình khi không có thai là 2600ml, thể tích cao nhất ở người có thai con so là 3850ml gia tăng khoảng 41%, ở con rạ là 4100ml gia tăng khoảng 57%. Tỷ lệ huyết sắc tố giảm, Hematocrite giảm (bình thường khoảng 39,5% còn khoảng 35,8% khi thai 40 tuần). Máu có xu hướng loãng, làm cho thiếu máu nhược sắc và giảm áp lực thẩm thấu. Bạch cầu tăng rõ rệt từ 7×109/l lúc không có thai lên đến 10×109/l ở giai đoạn cuối thai nghén, chủ yếu tăng đa nhân trung tính. Tiểu cầu gia tăng trong suốt thời kỳ có thai và thời kỳ hậu sản (300 – 400×109/l).
Hệ thống đông máu: Trong lúc có thai có tình trạng tăng đông, có lẽ nhằm tránh nguy cơ chảy máu ở giai đoạn sổ rau. Nồng độ Fibrinogen tăng, bình thường 2,6g/l tăng đến 4g/l.
3.3.2. Tim mạch
– Cung lượng tim tăng 50%, cao nhất vào tháng thứ bảy do:
+ Nhu cầu oxy tăng
+ Thể tích máu tăng
+ Diện tích tưới máu tăng
– Nhịp tim: tăng khoảng 10 nhịp /phút
– Có thể có những thay đổi trong tiếng tim. Tiếng thổi tâm thu có thể xuất hiện ở khoảng 90% phụ nữ có thai.
– Mạch máu: huyết áp động mạch không tăng, huyết áp tĩnh mạch chi dưới tăng do tĩnh mạch chủ dưới bị tử cung mang thai chèn ép, có thể xuất hiện trĩ và giãn tĩnh mạch chi dưới.
– Hội chứng tụt huyết áp do nằm ngửa: Ở những tháng cuối của thai kỳ, tử cung đè vào tĩnh mạch chậu dẫn đến tuần hoàn tĩnh mạch về tim bị giảm, do đó giảm cung lượng tim thứ phát, gây ra hội chứng tụt huyết áp đáng kể ở khoảng 10% thai phụ..
3.4. Hô hấp
– Lồng ngực: trong thai kỳ góc sườn hoành mở rộng, đường kính ngang của lồng ngực tăng khoảng 2 cm, cơ hoành bị đẩy lên cao khoảng 4 cm.
– Thông khí: Có hai thay đổi quan trọng trong khi có thai là giảm thể tích dự trữ thở ra (do cơ hoành nâng lên) và tăng thông khí, thể tích khí lưu thông cho một nhịp thở và hấp thu ôxy/phút theo tiến triển của thai nghén.
– Tần số thở: tăng vừa phải, thai phụ thường thở nhanh và nông, đặc biệt ở những người đa thai, đa ối.
3.5. Tiết niệu
– Thận: khi có thai lưu lượng máu qua thận tăng từ 200ml/phút lên 250ml/phút. Tốc độ lọc cầu thận tăng khoảng 50%, tăng nhẹ kích thước của thận
– Nồng độ creatinin trong huyết tương và urê thường giảmnhẹ.
– Đài bể thận và niệu quản thường giãn và giảm nhu động do bị tử cung mang thai chèn ép và tác động của progesteron. Sự giãn và giảm nhu động này có thể dẫn đến đánh giá sai về thể tích, chất lượng nước tiểu, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn và thay đổi hình ảnh đường tiết niệu.
– Bàng quang: Trong những tháng đầu có thể bị kích thích gây tình trạng đái rắt, những tháng sau có thể chèn ép cổ bàng quang gây bí đái.
3.6. Tiêu hoá
Niêm mạc lợi có thể dày lên, mềm ra và tăng sinh tuần hoàn, dễ chảy máu khi chấn thương. Trong ba tháng đầu sản phụ thường buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt.
Vị trí của dạ dày và ruột non thay đổi do tử cung to lên trong thai kỳ.
Thời gian tiêu hoá ở dạ dày và ruột non thường kéo dài hơn do ảnh hưởng của các nội tiết tố hoặc yếu tố thực thể. Có thể xuất hiện chứng táo bón, trĩ.
Chứng ợ nóng cũng khá phổ biến ở phụ nữ có thai do hiện tượng trào ngược của acid vào phần dưới của thực quản.
3.7. Hệ thống cơ xương khớp
– Tăng tính di động của các khớp cùng chậu, cùng cụt và khớp mu – có thể là do ảnh hưởng của thay đổi hormone. Trong thời kỳ cuối của thai nghén phụ nữ có thai có thể có cảm giác đau, tê, và yếu ở các chi trên .
– Cột sống ưỡn ra trước trong những tháng cuối thai kỳ.
3.8. Thần kinh
Thai phụ có thể có tình trạng giảm sự chú ý, tập trung và trí nhớ trong suốt giai đoạn thai nghén và giai đoạn đầu của thời gian sau đẻ, ngoài ra cũng gặp các hiện tượng khó ngủ, thức giấc nhiều lần, giấc ngủ ngắn hơn và giảm hiệu suất của giấc ngủ nói chung.
3.9. Một số thay đổi khác
– Nhiệt độ: trong 3 tháng đầu do tác dụng của hoàng thể thai nghén nên thân nhiệt cao trên 370C, từ tháng thứ tư nhiệt độ trở lại bình thường.
– Trọng lượng cơ thể: có thể tăng đến 25% so với khi không mang thai, trung bình khoảng 12 kg. Tăng cân chủ yếu xảy ra vào nửa sau của thời kỳ thai nghén, khoảng 0,5 kg mỗi tuần.Hiện tượng tăng cân là do sự tăng trưởng của khối thai, các tạng của mẹ tăng dự trữ mỡ, protein và sự gia tăng thể tích máu, dịch kẽ của mẹ.
+ Vú: 1 – 1,5 kg
+ Tử cung: 0,5 – 1kg
+ Thai, bánh rau: 5kg
+ Dự trữ mỡ dưới da, dự trữ protein: 4 -4,5 kg
+ Nước điện giải: 1- 1,5 kg
– Chuyển hoá: trong thai nghén người ta quan sát thấy chuyển hoá cơ bản cao, nhịp tim, hô hấp tăng để thích hợp với các đòi hỏi của thai.
+ Nhu cầu năng lượng cần khoảng 2500 cal/ ngày.
+ Thai nghén bình thường có một số đặc điểm chuyển hoá sau: giảm đường huyết trung bình khi nhịn ăn, tăng đường huyết sau bữa ăn và tăng insulin huyết. Những đặc điểm này đảm bảo việc cung cấp glucose liên tục tới thai nhi. Nếu tuyến tuỵ không cung cấp đủ insulin có thể dẫn đến đái tháo đường thai nghén.