TÁO BÓN MẠN TÍNH

Táo bón là một chứng thường gặp trong bệnh đường tiêu hóa, trong đó phân nằm lâu trong đại tràng không được tống ra ngoài.

Một người bình thường có thể đi đại tiện 2 lần/ngày, hoặc 2 – 3 lần/tuần, số lần đi phụ thuộc vào thói quen, hoàn cảnh từng người, khối lượng phân mỗi ngày khoảng trên 200g. Người bị táo bón đi đại tiện < 2 lần/tuần, phân cứng và ít (<100g), phải ngồi lâu, rặn nhiều, nhiều khi có cảm giác đại tiện không hết phân cho nên khó chịu và có cảm giác muốn đi ngoài.

Táo bón có thể có nguyên nhân tổn thương thực thể và táo bón có nguồn gốc chức năng. Táo bón mạn tính thường có nguồn gốc chức năng như: ăn uống , thói quen về sinh hoạt, rối loạn cơ năng đại tràng, rối loạn chuyển hóa, do thuốc, trong bệnh cảnh của các bệnh mạn tính khác…

Trong Y học cổ truyền táo bón mạn tính được gọi tên là tiện bí để chỉ tình trạng đại tiện bí kết không thông, người bệnh khi đi ngoài phải ngồi lâu hoặc muốn đi ngoài nhưng khi đi ngoài lại rất khó khăn, phát sinh ra Tiện bí do rối loạn chức năng vận chuyển của đại trường bởi nhiều nguyên nhân gây ra.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền của Táo bón

Do vị trường táo kết:

Do bản thân cơ địa người bệnh phần dương mạnh, hay trong quá trình sinh hoạt có thói quen uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn gia vị cay nóng.

Do sau khi mắc các bệnh ôn nhiệt (các bệnh nhiễm trùng có sốt thì tàn dư của nhiệt còn lại gây tổn thương phần âm dịch của cơ thể).

Những nguyên nhân này dẫn đến đại trường táo nhiệt, do tân dịch bị tiêu hao không đưa được xuống dưới, làm phân khô kết lại và khó bài tiết ra ngoài

Do khí trệ:Thường tinh thần bị căng thẳng, suy nghĩ nhiều hoặc ngồi lâu, ít vận động, dẫn đến khí ngưng, làm cho công năng vận chuyển của trường vị bị rối loạn, chất bã bị đình ngưng ở bên trong gây ra táo bón.

Do khí huyết bị tổn thương: Thường hay gặp ở những người lao lực quá độ, sau khi mắc bệnh kéo dài, hay phụ nữ sau đẻ, người cao tuổi… làm khí huyết bị tiêu hao. Khí hư làm nhu động vận chuyển của đại trường bị suy giảm. Huyết hư làm tân dịch bị suy cạn không thể tư nhuận được đại tràng đều khiến cho đại tiện bài tiết khó khăn.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Táo bón Thể âm hư huyết nhiệt (nhiệt bí)

Triệu chứng: Táo bón lâu ngày, miệng khô, họng khô, bứt rứt khó chịu (tâm phiền), khát nước, rêu lưỡi vàng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác hoặc hoạt sác.

Pháp điều trị: tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chọn pháp:

Lương huyết nhuận táo

Dưỡng tâm nhuận táo

Thanh nhiệt nhuận táo

Bài thuốc cổ phương:

Lương huyết nhuận táo: dùng bài Ma tử nhân hoàn

Ma tử nhân 100g Hạnh nhân 50g

Bạch thược 50g Đại hoàng 40g

Hậu phác 40g Chỉ thực 40g

Tất cả tán bột làm hoàn, mỗi ngày uống 20 – 30 g

Thanh nhiệt nhuận táo dùng bài: Lương cách tán

Đại hoàng 20g Mang tiêu 20g

Cam thảo 20g Chi tử 10g

Hoàng cầm 10g Hà diệp 10g

Tất cả tán bột, mỗi lần uống từ 12 – 24g. Uống 1 – 2 lần/ngày

Dưỡng âm nhuận táo thì dùng bài: Điều vị thừa khí thang gia vị

Đại hoàng 16g Sinh địa 12g

Mang tiêu 12g Thạch hộc 16g

Cam thảo 6g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Khi bệnh nhân đi đại tiện bình thường rồi thì dừng.

Táo bón Thể huyết hư

Triệu chứng: đại tiện táo lâu ngày, hoa mắt, chóng mặt, vàng đầu, tâm phiền, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.

Pháp điều trị: Dưỡng huyết nhuận táo.

Bài thuốc: Hoạt trường hoàn

Đương quy 12g Sinh địa 12g

Ma nhân 12g Đào nhân 8g

Chỉ xác 8g

Tất cả tán bột làm hoàn, mỗi ngày uống 10 – 20g

Nếu có hiện tượng âm hư thì phải tư âm tăng dịch, gia: Huyền sâm, Mạch đông.

Táo bón Thể khí hư

Triệu chứng: Đại tiện táo kéo dài, nhưng phân không quá khô kết, khi đi đại tiện phải cố rặn, sau khi đi đại tiện người mệt lả, thậm chí vã mồ hôi, khó thở. Sắc mặt trắng, tình thần mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.

Pháp điều trị: Ích khí nhuận tràng

Bài thuốc: Hoàng kỳ thang

Hoàng kỳ 20g Trần bì 10g

Ma nhân 10g Bạch mi (mật ong) 3 thìa

Để tăng cường hiệu quả ích khí, kiện tỳ, thông tiện gia thêm: Đẳng sâm, Bạch truật, Hoài sơn, Cam thảo…

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu khí hư hạ hãm có thể sử dụng bài Bổ trung ích khí thang gia vị

Chứng táo bón trong Y học cổ truyền ít sử dụng châm cứu. Nếu có châm thì chỉ đóng vai trò hỗ trợ… Một số huyệt đạo có thể tham khảo để tùy trường hợp cụ thể phối hợp thuốc.

Phác đồ huyệt chung: Châm bổ Thiên khu, Trung quản, Tỳ du, Đại trường du, Túc tam lý, Chi câu.

Nếu dương khí kém thì cứu các huyệt trên.

Nếu âm hư huyết nhiệt thì châm bổ thêm: Tam âm giao, Thái khê.

Nếu thiếu máu thêm huyệt Cách du, Cao hoang.

Trong điều trị táo bón mạn tính, để được ổn định lâu dài, ngoài xây dựng một thói quen sinh hoạt khoa học, hợp lý, có thể tập luyện thêm phương pháp dưỡng sinh, khí công.

Bài trướcVIÊM GAN MẠN TÍNH
Bài tiếp theoBỆNH SỎI MẬT TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.