Sau khi thai nhi ra rồi, trong tử cung còn có một ít nước và huyết thừa sót lại, gọi là huyết hôi. Thứ huyết hôi đó sau lúc đẻ tự nhiên nó thải ra ngoài, nếu còn đọng lại hoặc ra rất ít thì gọi là huyết hôi không xuống. Huyết hôi là một thứ vật chất có hại sau khi thai nhi đã đẻ ra, nếu nó đọng lại trong cơ thể, thì sẽ xông lên làm cho xây xẩm ngất đi, nó ứ đọng lại thì sinh chứng đau dạ con và đau bụng, nặng thì gây ra những chứng trưng hà, tích tụ và huyết cổ. Nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sản phụ cho nên cần phải kịp thời dự phòng và chạy chữa.
NGUYÊN NHÂN BỆNH
- Huyết hư
Thể chất sản phụ vốn yếu, căn bản khí huyết không đủ, lại nhân lúc đẻ bị tiêu hao thêm, không có huyết ra, hoặc sau khi đẻ mất huyết tương đối nhiều, khí cũng bị hao tổn, không thể vận huyết đi xuống được.
- Khí uất
Sau khi đẻ lo phiền tức giận, can uất khí kết, ủng trệ không thông, ngăn trở huyết hôi không xuống được.
- Huyết ứ
Sau khi đẻ khí huyết hư nhiều, dễ cảm phải ngoại tà, nếu hóng mát giữa gió hoặc bị tích trệ những đồ sống lạnh, huyết hôi bị lạnh ngưng lại, và ứ kết mà không xuống.
BIỆN CHỨNG
- Chứng huyết hư
Sau khi đẻ huyết hôi ra màu nhợt và ít, bỗng nhiên dừng lại không ra, thấy bụng không đau mà trướng, tinh thần nhọc mệt, đầu choáng váng tai ù, tim hồi hộp, hơi thở ngắn, sắc mặt xanh nhợt, lưỡi nhợt rêu bình thường, mạch tế vô lực.
- Chứng khí trệ
Sau khi đẻ huyết hôi không ra hoặc ra rất ít, bụng trướng mà đau lưng nhưng không sợ xoa nắn, vùng eo lưng và xương sườn cũng thấy trướng đau, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch huyền.
- Chứng huyết ứ
Sau khi đẻ huyết hôi rất ít, hoặc không ra giọt nào, bụng dưới đau mà không cho xoa thậm chí chỗ đau nổi cục, chất lưỡi hơi tím rêu hơi vàng, mạch trầm sác.
CÁCH CHỮA
Chứng huyết hôi không xuống có hư thực khác nhau, cách chữa hoặc công hoặc bổ cũng khác. Đối với cách chữa bệnh này, người xưa đã từng nêu ra nhiều lần là không nên câu nệ vào thuyết “Sản hậu nên ôn” mà cứ cho bừa thuốc cay nóng; cũng cần phải chiếu cố đến “Các chứng hư yếu” không nên dùng bậy những thuốc phá huyết vì lúc mới đẻ, âm huyết tổn hại nhiều, dương khí không có chỗ nương tựa, vốn đã khô táo nhiều, lại cho thuốc cay nóng thì không khác gì cho thêm củi vào lửa. Đồng thời mọi chứng sản hậu, hết thảy đều hư nhiều mà thực ít, đáng lẽ phải củng cố khí huyết trước đã, vì vậy dùng những thuốc công ứ cũng nên thận trọng.
Cách chữa bệnh cụ thể nên căn cứ vào bệnh tình mà chữa. Huyết hư thì nên bổ huyết thông huyết mà thêm bổ khí, dùng bài Thánh dũ thang
- Khí trệ thì nên điều khí thông trệ dùng bài Thất khí thang (2); huyết ứ thì nên thông huyết tiêu ứ, dùng bài Ngưu tất tán (3) mà chữa.
CÁC BÀI THUỐC SỬ DỤNG
- Thánh dũ thang (xem kinh bế)
- Thất khí thang (Tam nhân cực nhất bệnh chứng phương luận)
Bán hạ (tẩy nước sôi) 180g Tử tô diệp 8g
Hậu phác (chế gừng) 108g Quất bì 8g
Quế tâm 108g nhân sâm 4g(có thể thay Đảng sâm)
Phục linh 144g Bạch thược 144g
Thuốc trên đây chế nhỏ, mỗi lần dùng 4 đồng, nửa bát nước, cho thêm Gừng 7 lát, Táo 2 quả. sắc còn 7 phần, lọc bỏ bã, uống vào lúc đói.
- Ngưu tất tán (Tế âm cương mục)
Xuyên ngưu tất 12g Đương quy 8g
Quế tâm 8g Mộc hương 8g
Xích thược 8g Mãu đơn bì 8g
Đào nhân 8g