Sau khi đẻ trong 20 ngày, huyết hôi đáng lẽ ra hết, nếu quá thời gian đó mà vẫn đầm đìa không dứt thì gọi là huyết hôi ra không dứt, dây dưa lâu ngày có thể gây ra bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người phụ sản.
NGUYÊN NHÂN BỆNH
- Khí hư
Thể chất vốn yếu, nguyên khí vốn hư, hoặc sau khi đẻ làm lao động quá sớm, nhọc mệt hại đến tỳ, tỳ hư hãm xuống, không thu nạp được huyết.
- Huyết ứ
Sau khi đẻ cảm hàn, hàn ngưng đọng làm cho huyết trệ, tích đọng lại ở trong, huyết hôi không ra, huyết tốt khó yên, hoặc ứ huyết chưa hết làm cho huyết tốt cùng bị hoá thành xấu rồi ra mãi.
- Huyết nhiệt
Âm huyết vốn hư, lại thêm lúc đẻ mất huyết, âm hư huyết nhiệt, hoặc thất tình tổn hại ở trong, can uất sinh nhiệt, bức huyết phải ra.
BIỆN CHỨNG
Triệu chứng lâm sàng của Chứng này chủ yếu biểu hiện ra ở phần huyết hôi, khi chữa cần phân biệt xem huyết hư hay thực, hàn hay nhiệt, ngoài chứng trạng chung chung ra, còn nên chú ý đến màu sắc, tính chất, nhiều ít, mùi hôi của huyết hôi.
Nếu sắc huyết đỏ nhợt mà nhiều, phần nhiều thuộc khí hư; sắc huyết tím đen và kèm hòn cục, phần nhiều là huyết nhiệt. Lại phải xét kỹ mạch và chứng thì phân biệt hàn, nhiệt, huyết hư, thực không khó gì. Những chứng thường thấy như sau:
- Chứng khí hư
Sau khi đẻ huyết hôi dầm dề không hết, sắc nhợt kèm có chất dính, không có mùi hôi, eo lưng mỏi bụng trướng, lòng phiền, khí đoản, có lúc thấy bụng dưới sa xuống, tinh thần mỏi mệt ăn uống sút kém, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi bình thường mạch hoãn nhược; kiêm huyết hư thì sắc mặt xanh nhợt hoặc úa vàng, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, thân mình tay chân giá lạnh, lưỡi nhợt không rêu, mạch hư. tế.
- Chứng huyết ứ
Sau khi đẻ huyết hôi dầm dề không hết, huyết nhiều màu tím đen hoặc kèm có hòn cục, bụng dưới đau đớn, không cho xoa bóp, nặng thì có hòn cục, tự thấy ngực bụng trướng đau, sắc mặt tím xám, không muốn ăn, đại tiện có lúc kết bí, nặng thì bế tắc không thông, sốt cơn nói sảng tiểu tiện tự lợi, chất lưỡi hơi tím, mạch huyền, sác hoặc trầm thực, hữu lực.
- Chứng huyết nhiệt
Sau khi đẻ huyết hôi không dứt, màu đỏ mà tanh hôi, bụng có lúc trướng lên, sắc mặt ửng đỏ, miệng lưỡi khô ráo, lưỡi đỏ nhợt, mạch hư mà sác; như can uất sinh nóng thì hai bên sườn trướng đau, tinh thần buồn bực. miệng khô, lòng phiền, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
CÁCH CHỮA
Cách chữa chứng huyết hôi không dứt vẫn theo nguyên tắc “huyết hư thì bổ, huyết ứ đọng thì công, huyết nhiệt thì thanh”. Huyết hư không thể giữ được huyết, thì nên bổ khí điều huyết, dùng bài Bổ trung ích khí thang
- vì ứ huyết trở trệ thì nên thông huyết trục ứ, dùng bài Sinh hóa thang
- âm hư huyết nhiệt thì nên dưỡng âm thanh nhiệt, dùng bài Bảo âm tiễn (3). Ngoài ra, bệnh này thường trong hư có thực, trong thực có huyết hư, trên lâm sàng nên xét đoán kỹ càng, hoặc trong phép bổ huyết kiêm dùng phép hành huyết, hoặc trong phép hành huyết kiêm dùng phép bổ huyết, vận dụng linh hoạt để khỏi sai với cơ chuyển của bệnh.
CÁC BÀI THUỐC SỬ DỤNG ĐIỀU TRỊ
- BỔ trung ích khí thang (xem Băng huyết rong huyết)
- Sinh hoá thang ( xem Rau không ra)
- Bảo âm tiễn (Xem Trước khi hành kinh đại tiện ra máu)