Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là một bệnh khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Một số trường hợp khỏi, còn một số trường hợp để lại di chứng làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, đặc biệt là nữ giới
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là hiện tượng hạn chế hay không cử động được các cơ bám da mặt.
Cần nghiên cứu, phân biệt liệt VII ngoại biên đơn độc hay phối hợp (hội chứng giao bên) hay là một phần của hội chứng nền sọ.
Cần chú ý các nguyên nhân của liệt VII ngoại biên như: U não (u góc cầu tiểu não), u nền sọ, do sang chấn, do viêm nhiễm (viêm màng não nhất là viêm màng não do lao, viêm rễ thần kinh, zona hạch gối, viêm tai xương chũm, viêm xương đá…), liệt VII ngoại biên do lạnh.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên nằm trong chứng trúng phong kinh lạc của Y học cổ truyền.
Trên lâm sàng liệt dây thần kinh VII ngoại biên do nhiều nguyên nhân cơ năng hay thực thể, nguyên nhân hay gặp là:
Do lạnh (trúng phong hàn ở kinh lạc)
Do viêm nhiễm (trúng phong nhiệt ở kinh lạc)
Do chấn thương (ứ huyết ở kinh lạc)
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên có bệnh danh trong Y học cổ truyền là “Khẩu nhãn oa tà”.
Thể lâm sàng
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh
Y học cổ truyền cho là hàn tà gây trúng phong ở kinh lạc
Triệu chứng:
Tại chỗ: sau khi bị lạnh xuất hiện miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhai cơm đọng lại ở má bên liệt, nhai khó khăn, nhân trung liệt về bên lành, rãnh mũi má mất.
Toàn thân: sợ gió, sợ lạnh, gai rét, tiểu tiện bình thường hoặc trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Đại tần giao thang gia giảm
Khương hoạt 12g Ngưu tất 12g
Độc hoạt 12g Đương quy 12g
Tần giao 8g Thục địa 12g
Bạch chỉ 12g Bạch thược 12g
Xuyên khung 8g Đẳng sâm 12g
Phục linh 12g Bạch truật 12g
Hoàng cầm 8g Cam thảo 6g
Sắc uống ngày 1 thang
Châm cứu:
Cứu, ôn châm, ôn điện châm các huyệt:
Tại chỗ: Toản trúc, Tình minh, Đồng tử liêu, Dương bạch, Thừa khấp, Nghinh hương, Địa thương, Giáp xa, Nhân trung, Thừa tương, Ế phong, Ty trúc không.
Toàn thân: Hợp cốc bên đối diện
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do nhiễm trùng:
Y học cổ truyền cho là nhiệt tà gây trúng phong ở kinh lạc.
Triệu chứng:
Tại chỗ: giống thể phong hàn.
Toàn thân: Sốt, sợ gió, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: Khu phong thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết (khi còn sốt)
Khu phong bổ huyết hoạt lạc (khi hết sốt)
Bài thuốc: Nghiệm phương
Kim ngân hoa 16g Ké đầu ngựa 12g
Bồ công anh 16g Xuyên khung 12g
Thổ phục linh 12g Đan sâm 12g
Ngưu tất 12g Trần bì 8g
Sắc uống ngày 1 thang
Châm cứu: Châm tả các huyệt
Tại chỗ: Như thể trên
Toàn thân: Hợp cốc bên đối diện, Khúc trì, Nội đình cùng bên.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do sang chấn
Y học cổ truyền gọi là ứ huyết kinh lạc.
Triệu chứng:
Tại chỗ: như thể trên. Nguyên nhân thường do chấn thương như: sau ngã, sau phẫu thuật vùng tai, vùng xương chẩm, nhổ răng…
Pháp điều trị: Hoạt huyết, hành khí tiêu ứ.
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia giảm
Xuyên khung 12g Đương quy 12g
Bạch thược 12g Đào nhân 10g
Hồng hoa 8g Đan sâm 12g
Ngưu tất 12g Tô mộc 8g
Uất kim 8g Trần bì 6g
Chỉ xác 6g Hương phụ 6g
Ngày sắc uống 1 thang
Châm cứu: Châm tả các huyệt:
Tại chỗ: như trên
Toàn thân: Hợp cốc bên đối diện, Huyết hải, Túc tam lý hai bên
Những điểm cần lưu ý:
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, chẩn đoán xác định không khó. Nhưng chúng ta phải khám tỉ mỉ để phân biệt được là liệt dây thần kinh VII ngoại biên đơn độc hay phối hợp (hội chứng giao bên) và tìm ra nguyên nhân tổn thương để điều trị.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị phối hợp Y học hiện đại với Y học cổ truyền nên đem lại kết quả điều trị tốt.
Đa số liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh hoặc ứ huyết điều trị bằng châm cứu có kết quả tốt.
Trường hợp liệt dây thần kinh VII ngoại biên do nhiễm trùng phục hồi chậm hơn.
Đối với các trường hợp phục hồi chậm (>2 tháng) thầy thuốc và người bệnh phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị thường kết quả thu được tốt hơn.
Không được cứu bỏng để lại sẹo trên mặt.
Khi bị bệnh nên đeo kinh khi ra ngoài đường, nhỏ thuốc đau mắt nhiều lần trong ngày để bảo vệ mắt. Hướng dẫn người bệnh tự xoa bóp bên mặt bị liệt.
Tham khảo:http://thuocchuabenh.vn/benh-than-kinh/benh-liet-day-than-kinh-vii.html