Thuốc Đông y bổ thận

Bài thuốc Đông y bổ thận

Theo y học cổ truyền, thận là một tạng có nhiều chức năng quan trọng. Các chức năng chủ yếu của thận gồm:

– Thận tàng tinh, chủ sinh dục và phát dục.

– Thận chủ thủy, các loại dịch thể trong cơ thể như tinh huyết, tân dịch… đều do thận quản lý và điều tiết.

– Thận chủ cốt tủy: tạo xương, phát triển hệ xương, bao gồm cả răng, thận sinh tủy, não là bể tủy, do vậy thông minh hay đần độn cũng do thận khỏe hay yếu.

– Thận khai khiếu ra tai và nhị âm (hậu môn và lỗ đái) vinh nhuận ra tóc.

Khi thận không hoàn thành được các chức năng trên gọi là thận hư. Khi đó phải dùng phép bổ thận để chữa thận hư. Thận hư có 4 thể chính như sau:

Thận dương hư:Có hai chứng chủ yếu là:

– Thắt lưng, đầu gối lạnh đau, nam dương nuy tảo tiết (bất lực, phóng tinh sớm), nữ tử cung lạnh không có con, sắc mặt bệch, mạch tế, hai xích trầm vô lực, cần dùng phép ôn bổ thận dương để chữa. Dùng bài thuốc Thận khí hoàn: thục địa 24g, sơn dược (hoài sơn) 12g, sơn thù 12g, trạch tả 10g, phục linh 10g, đan bì 6g, quế chi 6g, hắc phụ tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

– Nước tiểu ứ, phù từ thắt lưng xuống chân, thắt lưng đầu gối đau lạnh cần dùng phép ôn dương lợi thủy để chữa và dùng bài thuốc Chân vũ thang: phục linh 12g, bạch thược 12g, sinh khương 12g, bạch truật 8g, hắc phụ tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống ấm.

Thận âm hư:Có hai hội chứng chủ yếu là:

– Người gầy, đầu váng, chóng mặt, tai ù, hay quên, ngủ ít, thắt lưng, gối đau yếu, họng khô. Cần dùng phép tư bổ thận âm. Dùng bài thuốc lục vị, địa hoàng hoàn: Thục địa 24g, sơn dược (hoài sơn) 12g, sơn thù 12g, trạch tả 10g, phục linh 10g, đan bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

-Âm hư, hỏa vượng, sốt về chiều (sốt âm), đạo hãn (mồ hôi trộm), nam di tinh, nữ băng lậu, lưỡi đỏ, mạch tế sác cần dùng phép tư âm giáng hoả để chữa và dùng bài thuốc Tri bá địa hoàng hoàn: thục địa 24g, sơn dược (hoài sơn) 12g, sơn thù 12g, trạch tả 10g, phục linh 10g, đan bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày, uống ấm.

Thận khí hư:Có hai hội chứng chủ yếu:

– Thắt lưng, gối đau lạnh, tiểu són, tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều, nam hoạt tinh, nữ khí hư loãng trong, dễ sảy thai. Cần dùng phép bổ thận cổ sáp. Dùng bài thuốc Kim tỏacố tinh hoàn: Sa uyển tật lê 12g, liên tu 12g, mẫu lệ 24g, khiếm thực 12g, long cốt 30g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm.

– Đoản khí, suyễn nghịch, khi vận động thì nặng lên, ho nghịch, ra mồ hôi, có khi ho vãi đái. Cần dùng phép bổ thận, náp khí để chữa và dùng bài thuốc Nhân sâm tắc kè tán: Tắc kè khô 1 đôi, hạnh nhân 200g, cam thảo 200g, nhân sâm 80g, phục linh 80g, bối mẫu 200g, tang bạch bì 80g, tri mẫu 80g.

Tắc kè sấy khô, sao vàng tán thành bột mịn. Hạnh nhân bóc vỏ, đầu nhọn, sao vàng giòn cùng các vị rồi tán thành bột mịn, hoàn thành viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước sôi để nguội hoặc nước muối loãng.

Thận tinh bất túc:

Ở trẻ có phát dục chậm (cả thể lực và trí lực); ở người lớn già sớm, răng long, tóc rụng và bạc sớm, hay quên, chân yếu vô lực, động tác chậm chạp… cần dùng phép bổ thận cố tinh để chữa và dùng bài thuốc để ôn thận, nạp khí ích tinh, chỉ (ngưng) di niệu gồm các vị: Hoài sơn 12g, mẫu lệ 30g, phá cố chỉ 10g, hạt hẹ 10g, khiếm thực 10g, phụ tử chế 6g, thỏ ty tử 10g, lộc giác (sừng hươu) 10g, hà thủ ô 12g, liên nhục (hạt sen) 12g, ba kích 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày, uống ấm.

Thận dương hư thường dẫn đến tỳ dương hư và tâm dương hư. Thận âm hư thường dẫn đến can âm hư và phế âm hư. Do vậy, bổ thận còn dùng trong trường hợp can âm hư, không đủ sức chế can dương (bổ thận âm để dưỡng can âm) hoặc tỳ dương hư không tiêu hóa được thủy cốc (bổ thận dương để ích tỳ dương).

Lương y Vũ Quốc Trung

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.