KINH PHẾ
Trung phủ
Mộ của Phế, hội huyệt của 2 kinh thái âm của tay và chân. Huyệt này còn có tên ưng du, ưng trung, ưng trung du, long hạm.
Vị trí: lấy ở ngoài mạch Nhâm 6 thốn, trong khoảng liên sườn 2 (hoặc giao điểm liên sườn 2 và rãnh delta – ngực).
Tác dụng: thanh tuyền thượng tiêu, sơ điều phế khí; dùng để điều trị ho hen, đau tức ngực, đau bả vai.
Xích trạch
Hợp thủy huyệt của Phế. Huyệt này còn có tên quỷ thọ, quỷ đường.
Vị trí: ở nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu.
Tác dụng: tiết phế viêm, giáng nghịch khí, thanh nhiệt thượng tiêu; dùng để điều trị khuỷu tay đau nhức hoặc bị co lại, ho ra máu, hen suyễn, đầy tức ngực, sưng họng, sưng thanh quản; co giật, đái dầm ở trẻ em.
Khổng tối
Khích huyệt của Phế
Vị trí: nằm trên đường nối từ bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu đến rãnh động mạch quay, trên nếp cổ tay 7 thốn (nằm ở điểm gặp nhau ở bờ trong cơ ngửa dài và bờ ngoài của cơ gan tay to).
Tác dụng: nhuận phế, chỉ huyết, thanh nhiệt giải biểu, điều giáng phế khí; dùng để điều trị đau mặt trước ngoài cẳng tay, ngón tay co duỗi khó, ho ra máu, hen suyễn, sốt không ra mồ hôi, đau họng, khan tiếng, mất tiếng cấp.
Liệt khuyết
Lạc huyệt của Phế, huyệt giao hội của Nhâm mạch với kinh Phế. Huyệt này còn có tên đồng huyền, uyển lao .
Vị trí: cách nếp cổ tay 1,5 thốn phía ngoài xương quay.
Tác dụng: tuyên phế khu phong, sơ thông kinh lạc, thông điều Nhâm mạch; dùng để điều trị đau sưng cổ tay, ho, đau ngực, cảm cúm, viêm khí quản, tiểu khó, các bệnh ở cổ gáy.
Kinh cừ
Kinh kim huyệt của Phế.
Vị trí: huyệt ở trong rãnh động mạch quay, trên nếp cổ tay 1 thốn.
Tác dụng: điều trị sưng đau cổ tay, viêm khí quản, ho, đau họng, đau ngực, suyễn, sốt không có mồ hôi.
Thái uyên
Huyệt du thổ của Phế, nguyên huyệt của Phế, hội huyệt của Mạch); huyệt này còn có tên thái tuyền, quỷ tâm.
Vị trí: ở rãnh động mạch quay, nằm trên nếp gấp cổ tay.
Tác dụng: khu phong hóa đờm, lý phế chỉ khái, thanh tập phế khí ở thượng tiêu; dùng để điều trị đau khớp cổ tay, đau cánh tay, cẳng tay; đau vai có kèm đau ngực ho hen, đau họng.
Ngư tế
Huỳnh hỏa huyệt của Phế.
Vị trí: lấy chỗ tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, nằm giữa chiều dài của xương bàn ngón 1.
Tác dụng: dùng để điều trị đau tại chỗ, ho, ho ra máu, sốt đau đầu, đau họng.
Thiếu thương
Tỉnh mộc huyệt của Phế. Huyệt này còn có tên quỷ tín.
Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón tay cái và đường ngang qua gốc móng tay cái.
Tác dụng: thông kinh khí, thanh phế nghịch, lợi yết, sơ tiết hỏa xung nghịch; dùng để điều trị đau sưng tại chỗ, ho, khí nghịch; trúng phong, sốt cao, hôn mê, co giật, đau họng, sưng hàm, sưng lưỡi, chảy máu cam.