Kỳ kinh bát mạch

1- Nguồn Gốc Kỳ Kinh Bát Mạch

Nguồn gốc của Kỳ Kinh Bát Mạch bắt nguồn từ sách Nội Kinh (Linh Khu, Tố Vấn, Nan Kinh), rõ nhất là trong Nan Kinh. Nan 27 ghi: “ Mạch có kỳ kinh bát mạch không bị ràng buộc với 12 Kinh, nói như vậy là làm sao ? … Phàm bát mạch này đều không ràng buộc với các Kinh Chính, cho nên gọi là Kỳ Kinh Bát Mạch”.

2- Tên Gọi Kỳ Kinh Bát Mạch

Nan thứ 27 ghi: “ …Thực vậy, có mạch Dương Duy, có mạch Âm Duy, có mạch Dương Kiều, có mạch Âm Kiều, có mạch Xung, có mạch Đốc, có mạch Nhâm, có mạch Đới”.

3- Tác Dụng Kỳ Kinh Bát Mạch

+ Nan 27 ghi: “ Thực vậy, bậc thánh nhân xây dựng đồ án, thiết lập các đường lạch nước, thông lợi thủy đạo nhằm chuẩn bị cho các trường hợp bất thường: trời mưa xuống làm cho các lạch nước bị tràn ngập, mưa rào vọng hành, thánh nhân không thể lập kịp đồ án. Đây là lúc mà lạc mạch bị tràn ngập và các kinh cũng không thể kịp liên hệ nhau” (Nạn Kinh 27, 4)

+ Sách ‘Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu’ ghi: “Kỳ Kinh Bát Mạch là 1 số thông lộ đặc thù nhằm điều tiết sự vận hành của khí huyết. Nó không có những quan hệ trực tiếp với ngũ tạng và lục phủ, lại càng không có những quan hệ tương phối có tính cách biểu lý với nhau. Nhưng về mặt công năng, nó có thể bổ sung khi nào 12 Kinh Mạch bị bất túc, đặc biệt là đối với 4 mạch Đốc, Nhâm, Xung và Đới”.

4- Đặc Tính Kỳ Kinh Bát Mạch

+ Mạch Đốc và Nhâm có đường vận hành riêng biệt: 1 ở sau lưng, 1 ở ngực bụng và cùng đều theo 1 hướng là từ dưới lên trên và giao nhau ở miệng. Các mạch khác đa số phải dựa vào đường vận hành sẵn có của các đường kinh khác.

+ Chỉ có 2 mạch Đốc và Nhâm là có huyệt riêng, các mạch còn lại, đều mượn của các đường kinh mà nó vận hành ngang qua.

+ Mỗi mạch đều có tác dụng riêng (xem từng mạch).

+ 2 mạch Nhâm và Đốc thường được xử dụng nhiều nhất.

Sự quan hệ của kỳ kinh bát mạch với hệ thống kinh lạc mạch

Các tài liệu Kinh Điển đều công nhận Kỳ Kinh Bát Mạch có những sự liên hệ rất độc đáo đối với hệ Kinh Mạch. Tuy nhiên, ít thấy được sự liên hệ này 1 cách trực tiếp vì các sách Kinh Điển đều cho rằng Kỳ Kinh Bát Mạch là 1 hệ thống riêng khác hẳn với 12 Kinh Mạch như Nan 27 (Nan Kinh) đã ghi: “…Phàm bát mạch này đều không ràng buộc với các Kinh Chính, cho nên gọi là Kỳ Kinh Bát Mạch”.

Tuy nhiên, rải rác trong Nội Kinh Linh Khu, Nội Kinh Tố Vấn và Nan Kinh có những đoạn nêu lên khá rõ các mối quan hệ này.

Thiên ‘Nghịch Thuận Phì Sấu’ ghi: “ … Ôi! Xung Mạch là biển của ngũ tạng, lục phủ, ngũ tạng lục phủ đều bẩm thụ khí nơi mạch này…” (Linh Khu 38, 25).

Nan thứ 28 ghi : “ Dương Duy Mạch và Âm Duy Mạch ràng buộc và liên lạc toàn thân, nó tràn ngập, không thể chảy quanh và tưới thấm các kinh“ (Nạn Kinh 28, 8).

Nan thứ 29 ghi : “ …Thực vậy, mạch Dương Duy ràng buộc với các kinh Dương, mạch Âm Duy ràng buộc với các kinh Âm..” (Nạn Kinh 29, 2).

Nan thứ 28 giải thích về tác dụng của Kỳ Kinh Bát Mạch: “Đây ví với bậc thánh nhân xây dựng đồ án, thiết lập các đường lạch nước tràn đầy, nó sẽ chảy vào các ao hồ sâu hơn, nó sẽ khiến cho thánh nhân không thể làm cho thông được, ví như mạch của con người bị lớn thịnh, nó sẽ nhập vào Bát Mạch, không còn chảy quanh được nữa và 12 Kinh cũng không thể làm cho thông khí được” (Nạn Kinh 28, 9).

Nếu xét về góc độ quan hệ ta thấy rằng Kỳ Kinh Bát Mạch liên hệ với ngũ tạng, lục phủ (qua Xung Mạch), với 12 Kinh [6 kinh Dương và 6 kinh Âm] (qua Dương Duy và Âm Duy Mạch).

Còn nếu xét về tác dụng thì Kỳ Kinh Bát Mạch là chỗ ‘cứu nguy’ cho 12 Kinh Chính khi khí ở các kinh này quá lớn thịnh, kinh mạch không thông khí được thì các khí này sẽ chảy vào Kỳ Kinh Bát Mạch, như 1 cái biển chứa nước từ các nơi bị dâng lên đổ về.

Thực tế trên lâm sàng cũng cho thấy: có nhiều bệnh tuy bệnh lý thuộc về Kinh Lạc nhưng khi điều chỉnh ở Kinh Lạc, bệnh chỉ bớt, không hết hẳn, nhưng khi điều chỉnh ở Kỳ Kinh Bát Mạch, bệnh khỏi hoàn toàn.

Thí dụ: có trường hợp sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, châm huyệt Đại Chùy (Đốc.14) lại khỏi hẳn, vì Đại Chùy tuy thuộc Mạch Đốc nhưng lại là nơi hội tụ của 6 đường kinh Dương.

Hoặc trong trường hợp cảm nhiệt, đa số châm cứu gia thường dùng huyệt Phong Trì (Đ.20) và giải thích rằng vì Phong Trì là huyệt giao hội của túc Thiếu Dương với Dương Duy Mạch, Dương Duy Mạch chủ phần Dương, phần Biểu, do đó dùng Phong Trì để giải biểu có hiệu quả tốt…

Từ các dẫn ý trên, có thể tìm thấy sự liên hệ giữa Kỳ Kinh Bát Mạch và 12 Kinh Lạc và cũng từ đó, có thể hình thành được sơ đồ quan hệ như sau:

Như vậy, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của Kỳ Kinh Bát Mạch, đặc biệt 2 mạch Nhâm Đốc như 2 trục chính, có các huyệt nối kết được với toàn thể Kinh Mạch và Kỳ Kinh, từ đó, chúng ta mới hiểu được tại sao trong các môn luyện tập công phu, khí công … người ta rất chú trọng đến 2 mạch Nhâm và Đốc.

Nếu xét theo ý của Nan thứ 28: “Đây ví với bậc thánh nhân xây dựng đồ án, thiết lập các đường lạch nước tràn đầy, nó sẽ chảy vào các ao hồ sâu hơn, nó sẽ khiến cho thánh nhân không thể làm cho thông được, ví như mạch của con người bị lớn thịnh, nó sẽ nhập vào Bát Mạch, không còn chảy quanh được nữa và 12 Kinh cũng không thể làm cho thông khí được” (Nạn Kinh 28, 9), thì Mạch Nhâm và mạch Đốc có thể được coi là ‘nguồn’ điều khiển, quân bình khí cho các Kinh Lạc và cả hệ thống Kỳ Kinh Bát Mạch.

Ứng dụng của kỳ kinh bát mạch

Trên lâm sàng khi ứng dụng Kỳ Kinh Bát Mạch để điều trị, Mạch Nhâm và Mạch Đốc thường được xử dụng nhiều hơn, còn 6 Mạch Âm Duy, Dương Duy, Âm Kiều, Dương Kiều, Xung, Đới chỉ thấy được dùng phối hợp với Giao Hội Huyệt (gọi là Bát Mạch Giao Hội Huyệt) và đặc biệt được xử dụng trong Linh Quy Bát Pháp.

Giữa các mạch cũng có sự liên hệ với nhau qua 1 số huyệt được gọi là huyệt Giao Hội, là nơi khí từ mạch này có thể chuyển qua mạch khác. Nếu nắm bắt được các huyệt này, có thể dùng để điều chỉnh sự rối loạn của các Mạch liên hệ.

Vì vậy, chúng tôi giới thiệu sau đây phương pháp nối kết Kỳ Kinh Bát Mạch với Giao Hội Huyệt và Linh Quy Bát Pháp.

Sự liên hệ giữa kỳ kinh bát mạch

Dựa theo đường vận hành của Kỳ Kinh Bát Mạch nêu trên, có thể nhận thấy sự liên hệ giữa các cặp mạch như sau:

1-Cặp Xung Mạch và Âm Duy

Đặc Tính:

Xung Mạch mượn huyệt của kinh túc Thiếu âm Thận.

Âm Duy mượn huyệt của kinh túc Thái âm Tỳ và túc Quyết âm Can.

Cả 2 mạch này có cùng đặc tính là ở phần âm và vận hành theo các kinh Âm.

+Huyệt Châm: Xung Mạch và Âm Duy hội ở huyệt Liêm Tuyền (Nh.23).

2-Cặp Đốc Mạch và Dương Kiều Mạch

Đặc Tính:

Nhánh lên của Đốc Mạch theo đường kinh Cân Bàng quang lên cổ và mặt, nhập vào huyệt Tinh Minh (Bàng quang.1).

Dương Kiều Mạch theo vùng Dương lên mặt và cũng nhập vào huyệt Tinh Minh.

Đốc Mạch và Dương Kiều Mạch có cùng chung đặc tính: vận hành theo phần dương và nhập vào kinh Bàng quang.

+Huyệt Châm: Đốc Mạch và Dương Kiều Mạch hội ở huyệt Tinh Minh (Bàng quang.1).

3-Cặp Đới Mạch và Dương Duy Mạch

Đặc Tính:

Mạch Đới khởi từ kinh túc Thiếu dương Đởm, vòng quanh bụng.

Mạch Dương Duy khởi từ kinh túc Thái dương Bàng quang, ở phía ngoài. Vì mạch Dương Duy nối với phần dương của kinh Bàng quang, có nghĩa là nó nối với cả mặt ngoài và mặt trong , do đó nó phải theo con đường vòng quanh bụng.

Mạch Đới và Mạch Dương Duy cùng chung 1 điểm là dụa vào kinh Đởm.

+Huyệt Châm: Mạch Đới và Mạch Dương Duy không có huyệt giao hội. Điều trị ở kinh Đởm.

4- Cặp Nhâm Mạch và Âm Kiều Mạch

Đặc Tính:

Nhâm Mạch đóng vai trò kết nối 3 kinh Âm, chi phối mặt ngoài phía trước cơ thể.

Mạch Âm Kiều chi phối mặt trong phía trước cơ thể.

Mạch Nhâm và mạch Âm Kiều có cùng đặc điểm là điều hòa khí Âm của mặt trước cơ thể.

+Huyệt Châm: Nhâm Mạch và Âm Kiều Mạch, phía trên: hội ở mắt, huyệt Tinh Minh (Bàng quang.1), phía dưới: hội ở huyệt Trung Cực (Nh.3).

B- Kỳ Kinh Bát Mạch và Giao Hội Huyệt

Bài Ca ‘Bát Pháp Giao Hội Bát Huyệt’ sách ‘Châm Cứu Đại Thành’ ghi:

“ Công Tôn, Xung Mạch vị tâm hung,

Nội Quan, Âm Duy hạ tổng đồng.

Lâm Khấp, Đởm kinh liên Đới Mạch,

Dương Duy mục nhuệ Ngoại Quan phùng.

Hậu Khê, Đốc Mạch nội tý cảnh,

Thân Mạch, Dương Kiều lạc diệc thông.

Liệt Khuyết, Nhâm Mạch hành Phế hệ,

Âm Kiều Chiếu Hải cách hầu lung”.

Ý Nghĩa: Huyệt Công Tôn (Ty.4) thông với Xung Mạch, có quan hệ với vùng vị, vùng Tâm, vùng ngực; Huyệt Nội Quan (Tâm bào.6) thông với Âm Duy Mạch, quan hệ giống Công Tôn + Xung Mạch; huyệt Túc Lâm Khấp (Đ.41) của kinh Đởm thông với Đới Mạch; Dương Duy Mạch gặp huyệt Ngoại Quan (Tam tiêu.5) ở khóe mắt ngoài; Huyệt Hậu Khê thông với Đốc Mạch, chi phối vùng mặt trong cánh tay và cổ; Huyệt Thân Mạch (Bàng quang.62) thông với Dương Kiều mạch, mối liên hệ này rất thông; Huyệt Liệt Khuyết (P.7) thông với Nhâm Mạch và vận hành theo Phế hệ; Huyệt Chiếu hải (Th.6) thông với Âm Kiều mạch, quan hệ với hoành cách mô và cổ họng.

Huyệt Kinh Mạch Giao Hội

Chiếu Hải (Th.6) Mạch Âm Kiều

Công Tôn (Ty.4) Mạch Xung

Hậu Khê (Ttr.3) Mạch Đốc

Liệt Khuyết (P.7) Mạch Nhâm

Ngoại Quan (Tam tiêu.5) Mạch Dương Duy

Nội Quan (Tâm bào.6) Mạch Âm Duy

Thân Mạch (Bàng quang.62) Mạch Dương Kiều

Túc Lâm Khấp (Đ.41) Mạch Đới

Như vậy, khi mạch Âm Kiều có rối loạn, có thể châm huyệt Chiếu Hải… Mạch dương Kiều rối loạn, châm huyệt Thân Mạch…

Thí dụ trong trường hợp rối loạn giấc ngủ.

Nếu ban đêm không ngủ được, mắt không nhắm lại được, do mạch Âm Kiều hư, bổ huyệt Chiếu Hải.

Nếu ban ngày không ngủ được do mạch Dương Kiều Thực, tả huyệt Thân Mạch.

Ngoại cảm gây sốt, do mạch Dương Duy bị rối loạn, châm tả huyệt Ngoại Quan.

Cổ gáy đau, cứng do Đốc Mạch bị rối loạn, châm tả huyệt Hậu Khê…

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.