MÓN ĂN CHỮA ĐAU DẠ DÀY MẠN TÍNH

Theo Đông y, nguyên nhân chính của viêm dạ dày mạn tính là sự thiếu điều độ trong công việc, ăn uống thất thường, hay ăn đồ sống lạnh, uống rượu quá nhiều. Sự căng thẳng về tinh thần cũng dẫn đến bệnh lý này. Có thể khắc phục phần nào tình trạng viêm mạn tính của dạ dày bằng các món ăn bài thuốc.

Thể can khí phạm vị (thể nhiệt)

Triệu chứng: Thường là đau nóng, đầy trướng vùng thượng vị, ấn vào đau, ợ hơi, ợ chua, trung tiện được thì thoải mái, có thể buồn nôn, nôn mửa; bệnh tăng tên khi tâm trạng căng thẳng, cáu giận.

Bài thuốc: Sài hồ bắc, bạch thược mỗi thứ 12 g, chỉ xác, xuyên khung, hương phụ mỗi thứ 10 g; trần bì, cam thảo mỗi thứ 6 g. Sắc uống ngày một thang. Nếu ợ chua nhiều, thêm ô tặc cốt 10 g; nếu buồn nôn và nôn nhiều, thêm bán hạ chế 12 g, trúc nhự 12 g.

Ngoài việc dùng thuốc, bạn có thể dùng thêm các món ăn sau để hỗ trợ điều trị:

Cháo hoài sơn: Sữa bò tươi 1 bát, hoài sơn (củ mài) 30 g, bột mỳ 30 g. Hoài sơn cắt hình quân cờ, đổ nước xâm xấp, đun nhỏ lửa cho tới khi sánh đặc. Cho sữa bò và bột mì vào, thêm nước nấu thành cháo. Liều lượng trên làm cho một lần ăn. Ngày ăn 1-2 lần khi đói, nửa tháng là một liệu trình.

Cháo tỳ bà diệp: Tỳ bà diệp (lá nhót) tươi 50 g (khô 30 g), gạo tẻ 100 g , đường phèn một ít. Cho lá nhót vào bao vải thô, sắc lấy nước, cho gạo tẻ vào nấu cháo, thêm đường phèn vừa ăn. Tất cả ăn trong một bữa. Ngày ăn 1-2 bữa.

Dạ dày lợn hấp: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen 100 g, đại táo 10 quả, thăng ma 5 g, sài hồ bắc 5 g, đương quy, hoàng kỳ trích, đẳng sâm, bạch truật, trần bì mỗi thứ 10 g, bánh mì 2 cái sấy khô. Dạ dày lợn ngâm nước sôi trong 3 phút, vớt ra, lộn ngược, xát muối, bóp rửa sạch. Hạt sen, đại táo ngâm nước khoảng 1 giờ. Các vị thuốc còn lại đem sấy khô, tán, rây nhỏ lấy bột mịn.

Nhồi hạt sen, đại táo vào dạ dày lợn, buộc chặt lại, hấp cách thủy khoảng 40 phút. Để nguội, lấy táo, hạt sen ra, nghiền thành bột nhão. Thái dạ dày thành miếng nhỏ 1-5 cm, trộn đều với bột thuốc trên, thêm đường, muối, dầu ăn, hành, ướp trong 10 phút. Ăn trong 1 bữa với bánh mỳ sấy. Món ăn này đặc biệt thích hợp với những người bị đầy trướng bụng, đại tiện lúc táo lúc nát, ăn uống kém.

Thể tỳ vị hư hàn (thể hàn)

Triệu chứng: Thường thấy đau âm ỉ vùng thượng vị, ăn vào thì đau, nếu chườm nóng, xoa bóp thì đỡ đau, ăn uống kém, người gầy yếu, tinh thần mệt mỏi, tay chân lạnh.

Bài thuốc: Bạch truật 10 g, bạch linh 12 g, bán hạ chế 6 g, trần bì 10 g, sa nhân 6 g, hương phụ 6 g, can khương 4 g, cam thảo 6 g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu ăn uống kém và đầy bụng, thêm kê nội kim 8 g, mạch nha 10 g, cốc nha 10 g để kiện tỳ, tiêu thực. Nếu sắc mặt trắng, mệt mỏi nhiều, có thể thêm đương quy 12 g, a giao 10 g, bạch thược 12 g để dưỡng huyết.

Các món ăn thích hợp có thể sử dụng:

Cháo can khương: Can khương (gừng khô) 1-3 g, cao lương khương (riềng) 3-5 g, gạo tẻ 100 g. Đem gừng, riềng sắc đặc lấy nước, nấu cháo, ăn điểm tâm buổi sáng. Dùng cho những trường hợp đau bụng âm ỉ, đau tăng khi lạnh, thích xoa bóp, chườm ấm.

Thịt dê hầm: Thịt dê 50 g, can khương 10 g. Thịt dê thái mỏng thành lát, đổ nước sôi vào nấu nhừ, vặn nhỏ lửa, cho can khương, muối ăn, hành, đun tiếp trong khoảng 20 phút, bắc ra ăn hết trong một bữa, ngày ăn 1-2 lần, liên tục trong nửa tháng. Những người thể tạng nóng, táo bón không nên dùng.

Bách dược trị vị viêm: Bạch truật 30 g, can khương 6 g, đại táo 250 g, kê nội kim (màng mề gà) tán bột 15 g, bột mì 500 g. Cho bạch truật, can khương, đại táo vào bao vải, sắc khoảng 1 giờ. Bỏ bã thuốc, trừ đại táo (lọc hết vỏ, bỏ hạt). Thịt táo và nước thuốc còn lại tiếp tục đun nhỏ lửa tới đặc sánh, ép thành bột nhão, cho bột kê nội kim, bột mì vào trộn đều, thêm nước vừa đủ, nắm thành nắm nhỏ, cán mỏng thành bánh, nướng nhỏ lửa, ăn hằng ngày khi đói. Món này thích hợp với người đầy bụnđược, ăn không tiêu.

Thịt bò hầm thuốc bắc: Thịt bò 500 g, đẳng sâm 30 g, hoàng kỳ 30 g, hoài sơn 50 g, bạch truật 15 g. Thịt bò rửa bằng nước ấm, nhúng trong nước sôi khoảng 3-5 phút, lấy ra cắt thành miếng nhỏ 2-3 cm. Đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, hoài sơn cho vào túi vải thô, buộc lại, cho vào nồi cùng thịt bò, thêm gừng tươi, hành hoa, nước vừa đủ. Hầm khoảng 1 giờ. Sau đó bỏ túi thuốc ra, thêm muối, gia vị, ăn thịt, uống nước hầm.

Món này có tác dụng bổ tỳ ích khí, thích hợp với những trường hợp tỳ khí hư nhược, ăn uống kém, tinh thần mệt mỏi, người gầy sút, bụng chướng, đầu váng mắt hoa. Những người đầy chướng bụng do thấp nhiệt không nên dùng.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.