CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG

Mục tiêu và tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng mở rộng

Thấm nhuần phương châm y học dự phòng của Đảng và nhà nước, mấy chục năm qua nhà nước và ngành y tế đã coi trọng công tác tiêm chủng phòng bệnh. Từ năm 1981 nước ta đã tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng với ý thức tiêm chủng là phương pháp phòng bệnh tích cực và hiệu quả nhất.

Đây là một chương trình phòng bệnh cấp quốc gia mang tính xã hội hóa cao, chúng ta đã đề ra mục tiêu cho từng thời kỳ, chiến lược và các biện pháp thực hiện. Được sự giúp đỡ của OMS và UNICEF và nỗ lực của toàn ngành y tế, đến nay chương trình đã gặt hái được nhiều thành tựu.

Mục tiêu của chương trình là :

Giảm trên 90% tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm trẻ em (bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, lao).

Phổ cập tiêm chủng phòng 6 bệnh cho trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi trong cả nước.

Tiến tới thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2000.

Dịch tễ học các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Theo tổ chức y tế thế giới có 8- 10 triệu người mắc lao hàng năm, trong thập kỷ tới có thêm 300 triệu người nhiễm lao, 90 triệu ngưòi mắc lao và 30 triệu người chết vì bệnh lao. Tại Việt nam tỷ lệ nhiễm lao hàng năm hiện nay là 1.5% dân số,với 76 triệu dân có 130.000 người mắc lao hàng năm, tỷ lệ phát hiện được 40.7%, số lao chưa phát hiện được là 77.000 người hằng năm, lao phổi có BK(+) mới xuất hiện hàng năm là 60.000 người. Với khả năng giải quyết hiện nay bệnh lao vẫn còn là một bệnh xã hội quan trọng trong thập niên tới.

Năm 1979 toàn thế giới có 23130 cas bị bệnh bạch hầu, trong đó châu Âu chỉ có 548 cas và Pháp 1 cas năm 1980. Ở Mỹ 1920 có 1568 cas mắc bệnh, 163 cas tử vong, đến 1965 giảm xuống 168 cas mắc bệnh, có 16 cas chết và hiện nay 1 vài cas hàng năm . Ở nước ta theo số liệu của viện Vệ Sinh Dich Tễ (VSDT) trung ương, tỷ lệ mắc bệnh năm 1983 ở Miền Bắc là 6,95 / 100.000 dân , miền trung 1,74 / 100.000 dân , miền nam 4,89 / 100.000 dân. Bạch hầu qua 15 năm tại B.V Huế có 157 cas, tỷ lệ tử vong 30.2%.

Trên thế giới ước lượng 600.000 trường hợp ho gà hàng năm, tỷ lệ mắc tại Thừa thiên Huế

1981 -1995 là 98,9/100.000 dân, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện 4.5%, nguy cơ cao ở trẻ dưới 6 tháng.

Hàng năm trên thế giới khoảng 50 triệu trẻ bị sởi, ước tính khoảng 722.000 trẻ dưới 5 tuổi, tử vong khoảng 40% ở trẻ nhỏ kèm suy dinh dưỡng, tập trung ở các nước Châu Phi và Đông nam Á. Tại Việt nam 1979 – 1999 cả nước có 579.678 trường hợp bị sởi, tử vong 2.190 trường hợp,năm 2000 miền Bắc có dịch sởi 25/28 tỉnh thành, nguy cơ cao ở trẻ dưới 5 tuổi kèm suy dinh dưỡng, không tiêm chủng.

Tại các nước có lưu hành bệnh bại liệt, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ dưới 3 tuổi là 70 – 80%,tại Thừa thiên Huế, sau hơn 10 năm uống phòng bại liệt đến 1995 tỷ lệ bệnh giảm 85.2/100.000 dân, tỷ lệ tử vong ở bệnh viện 6.8 -16.1%. Năm 2000 Việt Nam được công nhận thanh toán bệnh bại liệt và tiếp tục giám sát bệnh này trong các năm tiếp theo.

Khoảng 30% dân số thế giới với 2 tỷ người có biểu hiện huyết thanh học nhiễm virus viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng 350 triệu người mang virus viêm gan B mãn tính, khoảng 1 triệu người chết vì viêm gan mãn bao gồm xơ gan và ung thư gan. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo, tất cả các nước cần đưa vaccin viêm gan B vào TCMR cho trẻ dưới 1 tuổi. Năm 1997 vaccin viêm gan B đã được đưa vào TCMR tại Việt Nam. Tuy nhiên , hàng năm

TCMR mới chỉ đủ vaccin cho khoảng 20% số trẻ dưới 1 tuổi trong cả nước.

Kế hoạch 5 năm 2002 -2006 nhằm mở rộng diện tiêm vaccin viên gan B cho trẻ dưới 1 tuổi trong cả nước. Từ năm 2003, tất cả trẻ dưới 1 tuổi trong cả nước sẽ nằm trong diện tiêm vaccin viêm gan B.

Qua 15 năm 1980 -1996 tại BVTƯ Huế có 153 trường hợp uốn ván trẻ lớn, 235 trường hợp uốn ván sơ sinh, trung bình hàng năm 10 -20 trường hợp uốn ván sơ sinh, với tỷ lệ tử vong rất cao 60 – 70% , đến nay tỷ lệ này đã giảm rõ, hàng năm còn lát đát vài trường hợp.

Miễn dịch học trong tiêm chủng vaccin

Tiêm chủng nhằm mục đích phòng một bệnh xác định, bằng cách tạo nên miễn dịch chủ động cho người được tiêm chủng. Một số bệnh truyền nhiễm trước đây xẩy ra nhiều và gây tử vong khá cao ở trẻ em. Ngày nay có thể nói, không còn thấy xảy ra ở một số nước trên thế giới, là nhờ sự phát minh của thuốc chủng ngừa. Đó là các vaccin gây miễn dịch chủ động . Miễn dịch có hai loại : chủ động và thụ động .

Miễn dịch chủ động

Là khi cơ thể tự tạo ra kháng thể và duy trì lượng kháng thể này trong một thời gian nhất định để chống lại bệnh . Miễn dịch này có được sau khi bị mắc bệnh hoặc sau khi được tiêm chủng. Miễn dịch chủ động thường xuất hiện lâu sau vài tuần, nhưng bền bỉ hơn so với miễn dịch thụ động. Các loại vaccin cho miễn dịch chủ động. Vaccin được điều chế từ độc tố, từ vi khuẩn hoặc virus đã chết hoặc còn sống nhưng đã được làm giảm độc lực và khả năng gây bệnh đã được phá bỏ, chỉ còn khả năng gây miễn dịch .

Miễn dịch thụ động

Là khi cơ thể nhận kháng thể từ mẹ chuyền sang hoặc là các loại thuốc có chứa kháng thể được điều chế từ người hoặc động vật. Miễn dịch thụ động có hiệu quả ngay nhưng ngắn hạn. Các loại huyết thanh như SAT, SAD dưới hình thức cô đọng các globulin lấy từ người có bệnh hay từ động vật đều cho miễn dịch thụ động .

Để việc chủng ngừa có hiệu quả tốt, phải thực hiện sự chủng ngừa trước thời gian trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh. Chủng ngừa được tiến hành ngay từ tháng đầu, năm đầu tiên của trẻ . Mỗi nước có tình hình bệnh tật khác nhau, có những ưu tiên giải quyết khác nhau vì vậy lịch chủng ngừa của mỗi nước là khác nhau .

Các bệnh có thể phòng được bằng chủng ngừa

Các bệnh do vi khuẩn : bệnh lao, bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, thương hàn, dịch tả, dịch hạch, não mô cầu type A,C, Hemophilus influenzae type b…

Các bệnh do virus : đậu mùa, bại liệt, sởi, rubéole (sởi Đức), quai bị, cúm, dại, viêm gan virus A, B, viêm não Nhật Bản B…

Hiện nay người ta đã bỏ chủng ngừa đậu mùa bởi vì hết người mắc bệnh. Nhờ tổ chức chủng ngừa bệnh đậu mùa cho 100% trẻ em ở tất cả các quốc gia trong những năm 1960 – 1970 nên từ năm 1978 trở đi không còn ai mắc bệnh. Trường hợp mắc bệnh cuối cùng được tìm thấy ở một người lớn 27 tuổi ở Somalia năm 1977. Điều này cũng khẳng định hiệu quả rất cao của công tác chủng ngừa. Do đó hiện nay Tổ Chức Y Tế Thế Giới kêu gọi tất cả các quốc gia, bằng mọi cách tổ chức tiêm chủng cho 100% trẻ em dưới 1 tuổi đối với 6 bệnh hiểm nghèo : lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi … để đến năm 2000, có thể quét sạch các bệnh trên đây trong bệnh lý nhi khoa.

Phân loại vaccin và bảo quản vaccin

Vaccin là một tác nhân gồm các vi khuẩn chết, độc tố của vi khuẩn đã được làm giảm độc lực hoặc các vi khuẩn hay virus còn sống mà đã làm yếu đi. Vì vậy vaccine chỉ mang tính kháng nguyên và không gây bệnh, khi tiêm chủng cho trẻ, trẻ sẽ chủ động tạo ra kháng thể để phòng bệnh.

Phân loại vaccin

Vaccine sống chứa các tác nhân còn sống nhưng chúng ta đã làm yếu đi vì vậy không gây nguy hiểm. Vaccin sống gồm : BCG, Bại liệt (OPV) và vaccin sởi trong đó bại liệt ở dạng lỏng còn BCG và vaccin sởi ở dạng bột khô lạnh vì vậy khi dùng có kèm theo một ống nước riêng (chất hòa tan) không được dùng nước cất hay một dung dịch khác vì sẽ làm hỏng vaccin. Vaccin BH-HG-UV là loại vaccin chết gồm ba thành phần vi khuẩn ho gà chết, độc tố của bạch hầu và uốn ván đã làm giảm độc lực gọi là Toxoid.

Vaccine BH-UV là loại vaccine chết chỉ chứa hai thành phần bạch hầu và uốn ván.

Vaccine uốn ván là loại vaccine chết chỉ chứa thành phần uốn ván, dùng tiêm cho phụ nữ và các bà mẹ có thai để phòng uốn ván sơ sinh .Vaccin sống thường tạo kháng thể hữu hiệu hơn vaccine chết vì vậy gây miễn dịch cơ bản cho trẻ cần tiêm đủ 3 mũi BH-HG-UV.

Bảo quản vaccin

Hiện nay tất cả các loại vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 00C – 80C. Việc bảo quản này tạo thành một hệ thống dây chuyền lạnh, vaccine luôn luôn ở trong tủ lạnh từ nơi sản xuất đến nơi phân phối đến khi tiêm cho trẻ . Tại mỗi tuyến bảo quản có quy định nghiêm ngặt về nhiệt độ và thời gian lưu trữ cho phép . Trong tủ lạnh vaccin sởi và bại liệt luôn luôn bỏ ở ngăn đá, còn BCG, BH-HG-UV, viêm gan B và ống thuốc pha (dung môi) sởi, BCG bỏ ngoài ngăn đá. Không để vaccin ở cánh cửa tủ lạnh, đã đem ra khỏi tủ lạnh để sử dụng thì không nên bỏ vào lại, không nên mở tủ lạnh quá 3 lần/ngày, không nên bỏ thuốc chủng thừa qua ngày mai .

Vaccin sống khó bảo quản hơn vaccine chết. Không những bị hủy bởi nhiệt độ mà còn bởi các chất sát trùng và ánh sáng, vì vậy phải lưu ý 2 yếu tố này khi tiến hành tiêm chủng . Cả vaccin sống và vaccin chết đều có thể bị hư do bảo quản chứ không riêng gì vaccine sống. Khi vaccin bị hư (không còn mang tính kháng nguyên) nếu tiêm cho trẻ sẽ không có tai biến gì nhưng trẻ không tạo kháng thể và trẻ có thể bị bệnh mà ta đã tiêm chủng . Điều này làm mất lòng tin của bà mẹ vào cán bộ y tế và về phía chúng ta thì mất công tốn tiền .Vì vậy bảo quản dây chuyền lạnh là quan trọng .

Thời gian bị hủy vaccine ở nhiệt độ 370C :

BCG : 2 tuần

DPT : 4 ngày

Bại liệt : 1 ngày

Sởi : 1 giờ

Dây chuyền lạnh là hệ thống phân phối vaccine ở trạng thái còn nguyên hiệu lực từ nơi sản xuất đến tận nơi tiêm chủng. Hệ thống dây chuyền lạnh là rất quan trọng và cần thiết vì vaccin rất nhạy cảm với nhiệt độ. Ba yếu tố cấu thành dây chuyền lạnh là : trang thiết bị, con người và các thao tác sử dụng. Nếu 1 trong 3 bộ phận cấu thành này có sai sót thì cả hệ thống dây chuyền lạnh sẽ hư vỡ nhất là đối với tuyến trung ương vì nơi đây số lượng vaccin lớn nhất, trị giá hàng tỷ đồng. Bất kỳ một sai sót nào cũng là một tai họa nghiêm trọng.

Chỉ định và chống chỉ định tiêm chủng

Hiện nay, do nhu cầu bảo vệ trẻ em, người ta đã giới hạn đến mức tối thiểu các chống chỉ định chủng ngừa. Đối với trẻ em suy dinh dưỡng, sơ sinh thiếu tháng, thiếu cân … trước đây có người khuyên nên tránh chủng ngừa, nhưng ngày nay ngược lại, có chỉ định nên chủng bởi vì, dù phản ứng đáp ứng miễn dịch của trẻ có yếu hơn bình thường nhưng vẫn có và đủ khả năng để bảo vệ trẻ. Trẻ rất cần được bảo vệ các bệnh trên bởi vì dễ mắc, thường diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao. Như vậy còn lại những chống chỉ định sau đây :

Trẻ đang mắc một bệnh nhiễm trùng cấp tính .

Trẻ đang có bệnh ung thư.

Trẻ đang có bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải .

Không tiêm chủng BCG cho những trẻ đã biết là mắc AIDS.

Không tiêm BH-HG-UV2 và BH-HG-UV3 cho những trẻ có co giật hoặc sốc trong vòng 3 ngày sau lần tiêm BH-HG-UV1.

Không tiêm BH-HG-UV cho những trẻ có co giật tái phát hoặc đang mắc các bệnh của hệ thống thần kinh trung ương.

Lịch tiêm chủng

Lịch tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi

Lứa tuổi Vaccin

Dưới 1 tháng : BCG VGB1 (24 giờ sau sinh)

tháng tuổi : BH – HG – UV 1 Bại liệt 1 VGB2

tháng tuổi : BH – HG – UV 2 Bại liệt 2

tháng tuổi : BH – HG – UV 3 Bại liệt 3 VGB3

9 – 11 tháng : Sởi

Chú ý:

BCG (vaccin phòng lao), BH- HG – UV (vaccin phòng bạch hầu – ho gà- uốn ván), VGB (vaccin phòng viêm gan B)

Khoảng cách giữa hai lần tiêm BH-HG-UV và giữa hai lần uống bại liệt tối thiểu phải một tháng .

Nếu không cho trẻ tiêm BCG ngay dưới một tháng được, thì trong lần tiêm chủng đầu tiên cần cho ngay trẻ tiêm BCG và uống bại liệt cùng lúc với tiêm BH-HG-UV và viêm gan B.

Cần đảm bảo tiêm đủ các loại vaccin cho trẻ ngay trong năm đầu (1 mũi BCG, 3 mũi BHHG-UV, 3 lần uống bại liệt, một mũi sởi và 3 mũi VGB).

Không nên tiêm BH-HG-UV mũi 2 hoặc mũi 3 cho trẻ bị phản ứng mạnh với mũi trước. Nên bỏ thành phần ho gà, dùng vaccin bạch hầu – uốn ván tiêm đủ 3 mũi.

Viêm gan B nên tiêm sớm sau sinh, trong vòng 24 giờ đầu, hoặc 3 ngày đầu.

Lịch tiêm chủng cho phụ nữ

Lịch tiêm chủng cho phụ nữ trẻ ở tuổi sinh đẻ (15 – 35 tuổi)

Liều vaccin

Thời gian tiêm

Thời kỳ bảo vệ

UV1

15-35 tuổi, hoặc càng sớm càng tốt khi có thai

Không có tác dụng bảo vệ

UV2

Ít nhất 4 tuần sau UV1

3 năm

UV3

Ít nhất 6 tháng sau UV2

5 năm

UV4

Ít nhất 1 năm sau UV3

10 năm

UV5

ít nhất 1 năm sau UV4

suốt thời kỳ sinh đẻ

Lịch tiêm chủng cho phụ nữ có thai đề phòng uốn ván sơ sinh

Vaccin

Thời gian

UV 1

:

càng sớm càng tốt, hoặc sau khi có thai

UV 2

:

cách UV 1 ít nhất là 30 ngày và trước khi đẻ 30ngày

Các tai biến và cách xử trí

Tiêm chủng là một biện pháp hiệu lực nhất, ít tốn kém của y học hiện đại. Hằng năm ở các nước đang phát triển có khoảng 6 triệu trẻ em chết vì 6 bệnh được bảo vệ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh hiệu lực cao, tiêm chủng vaccine có thể gây ra một số biến cố. Tuy vậy tỷ lệ quá thấp, kém xa so với tác hại do bệnh gây ra nếu không được tiêm chủng.

Khi tiêm vaccin BCG

Phản ứng thông thường : khoảng 2 tuần sau khi tiêm, chổ tiêm có một nốt đỏ, hơi sưng đường kính khoảng 10mm. Hai đến 3 tuần sau trở thành ổ áp xe nhỏ rồi loét ra và tự lành để lại sẹo có đường kính khoảng 5mm. Cần phải nói cho bà mẹ biết đó là phản ứng tốt, và phải kiểm tra sẹo ở lần tiêm sau, nếu không có phải tiêm lại.

Phản ứng mạnh : áp xe sâu hơn, sưng hạch nách hoặc gần khuỷu tay.

Nguyên nhân có thể do :

Kim tiêm không vô trùng.

Tiêm dưới da quá sâu ( sai kỷ thuật)

Tiêm liều lượng vaccin nhiều hơn quy định.

Xử trí :Nếu chỉ có phản ứng tại chổ thì không cần điều trị gì.Nếu loét to, hạch sứng to cần chuyển đi khám bệnh vì một số trường hợp cần phải điều trị.

Phản ứng nhanh : xảy ra nếu trẻ đã có miễn dịch với lao thì có thể xuất hiện sưng đỏ ngay sau khi tiêm chưa được 2 tuần. Nguyên nhân do :

Trẻ đã tiêm BCG.

Trẻ đã bị nhiễm lao.

Xử trí :

Nếu do trẻ đã tiêm BCG thì không cần điều trị gì. Nếu nghi trẻ đã bị nhiễm lao thì gởi trẻ đi khám bệnh.

Khi tiêm vaccin BH- HG – UV – Sốt cao trên 390C (2 – 6% trẻ tiêm).

Phản ứng tại chổ tiêm : đỏ da, có nốt cứng hoặc đau nơi tiêm, trẻ quấy khóc hơn ngày thường, trong vòng 48 giờ : 5 – 10% trẻ tiêm . Báo cho bà mẹ biết trước điều đó và không cần điều trị gì, các triệu chứng hết sau 1-2 ngày . Nếu có sốt cao có thể cho uống paracetamol.

Áp xe : đau và sưng tại chổ tiêm sau 1 tuần hoặc hơn. Nguyên nhân do :

Kim tiêm không vô trùng

Tiêm không đúng độ sâu

Xử trí :

Chườm khăn nóng lên chổ tiêm

Cho kháng sinh nếu cần

Nếu không khỏi gửi đi chọc tháo mủ

Biến chứng thần kinh : thường là hiếm và là do thành phần ho gà trong vaccine. Có trường hợp nặng : co giật , có dấu hiệu thần kinh , trụy mạch , biểu hiện bệnh não sau chủng ngừa. Cần chuyển đi bệnh viện và ngưng chích mũi tiếp theo.

Khi tiêm UV

Đau nhẹ, có quầng đỏ, nóng và sưng từ 1-3 ngày tại chổ tiêm, thường hay gặp ở những lần tiêm sau .

Khi tiêm vaccin Sởi

Sốt cao trên 390C xuất hiện ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau tiêm (5 – 15%).

Phát ban nhẹ : 5% trẻ tiêm . Nói với bà mẹ biết trước điều đó rằng các phản ứng này nhẹ hơn khi trẻ bị mắc bệnh sởi nhiều. Cho uống paracetamol nếu trẻ sốt cao.

Biến cố thần kinh : hiếm 1/1 triệu liều tiêm .

Khi uống vaccin Bại liệt

Thường không có phản ứng gì, nếu trẻ đang bị tiêu cháy khi uống vaccin thì tác dụng sẽ kém hơn, Trong vòng 10 năm người ta thấy số liệt liên quan với uống phòng vaccine là 1/1 triệu trẻ em uống vaccine. Tỷ lệ bại liệt do tiếp xúc với trẻ uống phòng là 1/5 triệu liều vaccine được phân phối.

Khi tiêm vaccin Viêm gan B

Vaccin viêm gan B rất an toàn. Có thể có phản ứng nhẹ sau khi tiêm như sưng tấy tại chổ tiêm (3 -9%), mệt mỏi, đau đầu và khó chịu (8 -18%), sốt trên 37.70C (0.4 -8%). Những phản ứng này thường xuất hiện trong vòng 1 ngày sau khi tiêm và kéo dài 1 đến 3 ngày. Khi tiêm vaccin viêm gan B cùng lúc với tiêm BH-HG-UV thì tỷ lệ bị sốt và khó chịu không cao hơn . Phản ứng mạnh do tiêm vaccin rất hiếm gặp bao gồm các dấu hiệu nổi mày đay, khó thở và sốc ( khoảng 1/600.000 liều tiêm vaccin)

Cách tổ chức thực hiện tiêm chủng

Tổ chức tốt một buổi tiêm chủng

Phải nắm được số trẻ em trong đối tượng tiêm chủng sắp tới.

(Số trẻ em < 1 tuổi trong 1 năm = tổng số dân x 0,02 )

Phải nắm được nhu cầu từng loại vaccin của lần tiêm chủng sắp tổ chức.

Tuyên truyền, vận động, thông báo ngày, giờ, địa điểm cụ thể cho các đối tượng có con em trong diện tiêm chủng sắp tới để bà con đi đông đủ.

Lãnh vaccin ở tuyến trên và bảo quản vaccine tốt.

Sửa soạn dụng cụ tiêm chủng, nồi hấp tiệt trùng, bơm tiêm, kim tiêm, khay tiêm, chất sát trùng … Chú ý khâu vô trùng các dụng cụ, sổ sách ghi chép đầy đủ.

Tiếp đón ân cần, niềm nở các bà mẹ tại địa điểm tiêm.

Tiêm vaccin đúng đối tượng, đúng kỹ thuật .

Ân cần giải thích cho các bà mẹ sau khi tiêm và nhắc nhở bà mẹ mang con đến tiêm lần tiêm tới.

Tiến hành tiêm chủng

Đảm bảo vô khuẩn

Phòng tiêm một chiều, có lối vào và lối ra riêng.

Bơm kim tiêm tiệt khuẩn, mỗi mũi tiêm có bơm và kim tiêm riêng hoặc ít ra phải có kim tiêm riêng.

Cán bộ tiêm phải mặc áo choàng, đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ .

Không làm nhiễm bẩn các dụng cụ tiêm chủng đã được tiệt khuẩn khi thao tác.

Đảm bảo hiệu lực vaccin

Giữ lạnh liên tục vaccin khi vận chuyển đến nơi tiêm.

Kiểm tra xem phích lạnh có rạn nức không, nắp phích có khít không.

Kiểm tra bình tích lạnh lĩnh ở huyện (thành phố) có ở nhiệt độ 00C không, có đá đã đông cứng, nếu mới lấy ở ngăn đá ra thì đợi cho tới khi có vài giọt nước xuất hiện trên mặt bình tích lạnh, mới xếp chúng vào trong phích vaccin.

Không để vaccin BH -HG – UV tiếp xúc với bình tích lạnh hoặc đá lạnh . có thể bọc giấy báo các lọ vaccin này.

Kiểm tra chỉ thị nhiệt độ trên lọ vaccin Viêm gan B, nếu hình vuông bên trong hình tròn đổi màu, cùng màu với hình tròn hoặc có mầu sẩm hơn thì huỷ bỏ, không sử dụng.

Đi lĩnh vaccin sớm, nhất là về mùa hè để tránh ánh sáng khi vận chuyển. Đảm bảo đúng loại vaccin và đủ số liều vaccin cần, vaccin còn hạn dùng.

Nếu không có bình tích lạnh, thay bằng 1,5 Kg nước đá. phải bọc đá trong túi nilon để tránh làm ướt và hỏng nhãn vaccin.

Giữ lạnh vaccin trong suốt buổi tiêm.

Chỉ mở phích vaccin khi cần thiết sau đó lại đậy nắp cho khít ngay.

Không để vaccin ngoài trời nắng hoặc cạnh bếp đun.

Đọc nhiệt kế ít nhất 2 lần vào lúc bắt đầu buổi tiêm và kết thúc buổi tiêm. Ghi kết quả vào sổ quản lý vaccin.

Để các lọ vaccin đã mở vào cốc có đá lạnh hay trên 1 bình tích lạnh.

Đảm bảo kỷ thuật tiêm chủng

Tiêm BCG

Căng da vùng cánh tay trái với ngón trỏ và ngón cái, dùng một ống tiêm riêng, kim 0.45 mm. Bỏ đi vài giọt vaccin sau khi tiệt trùng bằng nhiệt độ. Tiêm 0,1ml vaccin trong da để gây một cục u ở da có đường kính 5mm .

Nốt u do tiêm BCG sẽ biến mất trong vòng nữa giờ. Khoảng 2 hoặc 3 tuần sau đó 1 khối u đỏ, nhỏ, hơi đau sẽ xuất hiện tại chổ tiêm và tồn tại vài tuần sau đó u trở thành một abcès nhỏ, loét và đóng vảy, vảy bong đi để lại 1 cái sẹo lồi màu đỏ. Sẹo nhỏ dần, nhạt và thấp dần tồn tại như vậy trong nhiều năm. Vết sẹo đó cho ta biết trẻ đã chủng BCG và chủng đạt yêu cầu. Nếu chưa có sẹo sau 6 tuần tiêm lại mũi BCG.

Tiêm viêm gan B

Vaccin viên gan B được đóng lọ 1 liều, 2 liều, 6 liều hoặc 10 liều . Liều cho trẻ em 0,5ml, mỗi liều chứa từ 1,5 g đến 10 g HBsAg tuỳ nhà sản xuất. Tiêm bắp đùi, không tiêm vào mông, tiêm ngay sau sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Tiêm vaccin Sởi

Cho chất dung môi vào vaccin khô . Nên tiêm da cánh tay trái, tiêm 0,5ml vaccin dưới da, không nên lưu thuốc trong ống tiêm quá 1/2 giờ.

Cho uống vaccin Bại liệt

Vaccin bại liệt chứa cả 3 type virus dưới dạng viên hoặc nước. Chủng bằng cách nhỏ vào miệng 2 giọt thuốc hoặc uống 1 viên. Hiện nay chương trình dùng loại uống. Phải đảm bảo trẻ nuốt thuốc.

Tiêm vaccin BH – HG – UV

Gồm vi khuẩn ho gà chết, độc tố bạch hầu và uốn ván giảm độc lực . Lắc lọ vaccin sao cho phần vaccin lắng xuống đáy được hoà trộn đều với dung dịch ở trên, Nếu bạn nghĩ rằng lọ vaccin đã bị đông băng và tan lại thì nên kiểm tra xem có bị hỏng không bằng thử nghiệm lắc, nếu lắc thuốc thấy phần trên trong phần dưới đục là thuốc hỏng, phải huỷ vaccin. Tiêm 0,5ml vaccin vào bắp đùi, không tiêm vào mông.

Tiêm vaccin UV

Vaccin uốn ván được tiêm cho tất cả phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ, vùng có nguy cơ cao. Lắc lọ vaccin sao cho phần vaccin lắng xuống đáy được hoà trộn đều với dung dịch ở trên. Nếu bạn nghĩ lọ vaccin đã bị đông băng và tan lại thì kiểm tra xem có bị hỏng không bằng thử nghiệm lắc. Hỏi người phụ nữ muốn tiêm tay phải hay tay trái, tiêm 0,5 ml vaccin sâu vào bắp.

Kết thúc buổi tiêm chủng

Tính số mũi tiêm chủng trong buổi tiêm chủng bằng cách đếm số mũi của từng loại vaccin đã tiêm để có số liệu báo cáo.

Huỷ bỏ vaccin và dụng cụ tiêm chủng sau buổi tiêm : Tất cả vaccin đã được mở trong buổi tiêm chủng đều phải được huỷ bỏ cuối buổi tiêm chủng bất kể đó là loại vaccin nào. Vaccin huỷ và dụng cụ bơm kim tiêm được huỷ đúng quy trình chôn hoặc đốt.

Hoàn thành việc sổ sách tiêm chủng.

Đánh giá sau buổi tiêm và báo cáo kết quả tiêm chủng hàng tháng.

Cách theo dõi, quản lý và đánh giá tiêm chủng

Quản lý và theo dõi tốt đối tượng trong chương trình không được bỏ sót đối tượng có chỉ định tiêm

Quản lý thai nghén tốt để chủng ngừa uốn ván đầy đủ cho bà mẹ và kịp thời bổ sung đối tượng phải được tiêm sau khi sinh

Có sổ theo dõi tiêm chủng tại trạm y tế, và phiếu tiêm chủng cho từng đối tượng tiêm để theo dõi các mũi tiêm theo đúng lịch tiêm chủng

Nhắc các bà mẹ đến khám lại nếu có sốt hoặc phản ứng bất thường sau tiêm để kịp thời phát hiện và xử lý các tác dụng phụ sau tiêm chủng

Kiểm tra sẹo BCG lần tiêm tiếp theo sau khi tiêm BCG để kịp thời có chỉ định tiêm lại

Quản lý các bệnh trong diện tiêm chủng mở rộng tại địa bàn để đánh giá kết quả – Quản lý và phân tích được số liệu tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng , tỷ lệ có sẹo BCG sau lần tiêm đầu tiên , tỷ lệ tai biến sau tiêm, số trẻ em sinh trong tháng , số trẻ em dưới 1 tuổi, số phụ nữ có thai, tỷ lệ không tiêm chủng, lý do không tiêm

Chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác .

Hoàn tất các yêu cầu , các biểu mẩu của chương trình để quản lý chương trình tốt

Tổ chức giáo dục sức khỏe tại cộng đồng

Hàng tháng trong các buổi tiêm chủng cho trẻ, đây là dịp để các bà mẹ tập trung với số lượng khá, cán bộ y tế nên tranh thủ cơ hội này để tổ chức giáo dục sức khỏe cộng động với nhiều chủ đề phong phú .

Giáo dục y tế về tiêm chủng :

Nói cho bà me biết ích lợi của việc tiêm chủng. Tiêm chủng cho trẻ phòng được bệnh gì đồng thời cũng cho bà mẹ biết một vài tác dụng phụ của từng loại vaccin có thể xảy ra và cách xử trí. Nhắc và hẹn bà mẹ đem con tới chủng lần tiếp theo.

Tổ chức lồng ghép chương trình tiêm chủng mở rộng với các chương trình y tế quốc gia khác. Ví dụ : đồng thời với tiêm chủng cho trẻ uống Vitamin A, trong chương trình Vitamin A chống mù lòa, nhắc các bà mẹ có quen biết với các đối tượng có thai nên đi khám thai để quản lý thai nghén, lợi ích của khám thai định kỳ.

Nói chuyện về phòng bệnh ỉa chảy, ho sốt, cách nuôi con, chương trình sửa mẹ, cách theo dõi cân nặng…

Trả lời cho bà mẹ các thắt mắc về tiêm chủng về con trẻ.

Thông báo cho bà mẹ các vấn đề về y tế liên quan.

CTTCMR là một chương trình đã được xã hội hóa cao nhất trong các chương trình y tế, trong đó có sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp các ngành, sự tham gia của các đoàn thể, sự nổ lực của toàn ngành y tế, trước hết là hệ vệ sinh phòng dịch và y tế cơ sở, sự hưởng ứng của nhân dân, các bà mẹ, sự đóng góp nhiều mặt của các tổ chức quốc tế, chính phủ một số nước .

Nhân dân bắt đầu quen và hiểu ngày càng rõ hơn CTTCMR phòng 6 bệnh phổ biến trẻ em . Một điều quan trọng khác là ngoài tác dụng bảo vệ tính mạng và sức khỏe trẻ em, thành công của chương trình đã tiết kiệm cho nhà nước và nhân dân rất nhiều về mặc kinh tế. Giảm số trẻ mắc bệnh, giảm số công dân tàn phế cho tương lai, tiết kiệm kinh phí cho điều trị cho xử lý các vụ dịch, giảm tốn kém cho gia đình trong việc chữa chạy, ma chay, tiết kiệm ngày công, tạo điều kiện cho cha mẹ yên tâm sản xuất .

Bài trướcPhát triển thể chất ở trẻ em
Bài tiếp theoSuy dinh dưỡng protein năng lượng trẻ em

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.