Hơn 50% số trẻ em dưới 1 tuổi có bố mẹ đi làm. Bác sĩ có thể khuyến khích bố mẹ nghỉ phép có lương và không lương để tăng tối đa thời gian cho con trong năm đầu tiên của cuộc đời và để dành cho đứa trẻ sự chăm sóc một cách cẩn thận. Môi trường chăm sóc trẻ tốt giúp cho phát triển trẻ bình thường, nhưng cũng có nhiều khung cảnh không bảo vệ được cho sức khỏe và sự an toàn hoặc không có đủ sự kích thích phát triển. Bố mẹ có thể tìm các chương trình có chất lượng ở cả các nhà tư và các trung tâm chăm sóc trẻ em; những trung tâm không vì lợi nhuận nói chung có chế độ chăm sóc chất lượng cao hơn các trung tâm vì lợi nhuận. Bố mẹ có thể so sánh một vài chương trình bằng cách tới thăm có hoặc không có kế hoạch để quan sát không khí tình cảm và tình trạng vệ sinh.

Tỉ lệ người lớn/trẻ em tốt nhất cho những trẻ dưới 1 tuổi là 1:3 và không nên vượt quá 1:4. Đội ngũ nhân viên nên được đào tạo về sự phát triển của trẻ; được trả đủ lương để hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ thay người; yêu thích trong việc giao tiếp với trẻ, đáp ứng tích cực đối với các thành tích của trẻ, và có mặt ngay khi trẻ bị bối rối; và rửa tay sau khi thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn, sử dụng giấy lau một lần để lau nước mũi, và rửa bàn thay một cách thường xuyên. Sau khi đăng ký, khuyến khích bố mẹ tiếp tục những chuyến thăm bất ngờ và điều tra những thay đổi đột ngột về hành vi của đứa trẻ như chán nản, lo âu, hoặc kích động.

Các gia đình và những đứa trẻ; những nguy cơ và các nguồn lực

Sự phát triển trẻ em bình thường được thúc đẩy bởi việc phát triển nguồn lực và sức mạnh của gia đình nhưng nó cũng bị đe dọa bởi các yếu tố nguy cơ của bản thân đứa trẻ, gia đình, và môi trường. Các yếu tố nguy cơ từ bản thân đứa trẻ gồm có bệnh mạn tính, tàn tật thực thể, cân nặng lúc sinh thấp, chậm tăng trưởng, và chậm phát triển. Các yếu tố gia đình là lạm dụng thể lực hoặc tình dục, bạo lực gia đình, bỏ mặc, trạng thái trầm cảm của bố mẹ, phụ thuộc thuốc, và bệnh mạn tính. Các yếu tố môi trường bao gồm nghèo đói và những độc tố môi trường như chì. Khi có thể, việc tiến hành sàng lọc các yếu tố nguy cơ như vậy nên bắt đầu trước khi sinh.

Những chương trình can thiệp sớm thúc đẩy sự phát triển sức khỏe và ngăn ngừa tình trạng chậm phát triển thậm chí khi những đứa trẻ và các gia đình phải đối mặt với các trở ngại về môi trường, tâm lý – xã hội, y tế nghiêm trọng. Can thiệp sớm hiệu quả có năm yếu tố.

  1. Can thiệp khủng hoảng. Hành động nhanh để xử trí các đe dọa trực tiếp cho sự an toàn (thí dụ: bạo lực gia đình, lạm dụng thể lực hoặc tình dục, bỏ mặc nghiêm trọng).
  2. Chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm. Cộng tác với các bố mẹ và tránh phân biệt con hay bố (mẹ). Mô tả thử thách gia đình phải đối mặt và các nguồn lực, sức mạnh họ có để trợ giúp họ. Dạy các bố mẹ về những nhu cầu đáng chú ý và những khả năng của con họ. Hãy lạc quan và chỉnh sửa những can thiệp của bạn cho phù hợp với văn hóa của gia đình.
  3. Hỗ trợ xã hội. Giúp đỡ các gia đình nhận biết được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, hoặc các nhóm giúp đỡ lẫn nhau.
  4. Các nguồn lực cộng đồng. Giúp đỡ các bố mẹ huy động các nguồn lực cộng đồng để xử lý các nhu cầu cụ thể của đứa trẻ và gia đình (thí dụ: chăm sóc ngày đặc biệt, các lớp học làm bố mẹ).
  5. Mô hình can thiệp sinh thái. Đánh giá bản thân đứa trẻ, gia đình, môi trường tự nhiên và làm cho can thiệp của bạn phù hợp với sử dụng sức mạnh của gia đình. Tiếp tục phối hợp mối quan hệ của nhiều ngành và chắc chắn rằng kế hoạch toàn thể vẫn còn thích hợp với gia đình. Hãy thực hiện bổn phận như một người ủng hộ và xúc tác để đảm bảo rằng đội ngũ điều trị chú ý tới các câu hỏi không được trả lời.

Có thể rất khó khăn khi làm việc với những gia đình hỗn loạn bị phá vỡ bởi bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, hoặc phụ thuộc thuốc, vì các vấn đề tương tự này có xu hướng phá vỡ mối quan hệ giữa thầy thuốc – bệnh nhân. Điều quan trọng là việc chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm phải được tôn trọng, nhạy cảm về văn hóa, và không nói xấu. Bác sĩ cần nắm lấy vai trò chỉ đạo bằng cách giúp đội ngũ làm việc và gia đình tập trung vào tiềm năng phát triển của đứa trẻ và gia đình.

Những trẻ có mẹ đang lạm dụng ma tuý

Lạm dụng ma túy trong thời kỳ mang thai làm tăng một cách đáng kể nguy cơ cho cân nặng lúc sinh thấp, thiểu năng phát triển, tật đầu nhỏ, và các dị tật khác. Hội chứng rượu thai nhi gồm bộ ba nhóm triệu chứng được mô tả kỹ là thiểu năng phát triển trước và sau khi sinh, các dị tật hệ thần kinh, và giảm sản giữa mặt. Hệ thống tim và thận có thể cũng bị ảnh hưởng. Những đứa trẻ rất hay bị kích thích, có khó khăn về ăn uống, và biểu hiện những cách ngủ bị rối loạn. Hội chứng đầy đủ xảy ra khi uống rượu nặng trong suốt thời kỳ mang thai mà mức độ phơi nhiễm thấp cũng ảnh hưởng đến sự phát triển.

Những hậu quả cụ thể của phơi nhiễm trước khi sinh với cocain và lạm dụng các chất ma túy khác được mô tả ít hơn. Phơi nhiễm với một chất thường bị xáo trộn bởi sự sử dụng quá nhiều các thuốc gây nghiện khác và các yếu tố môi trường, xã hội (thí dụ: chế độ ăn và chăm sóc trước sinh) mà nó cũng tương quan với tình trạng phụ thuộc thuốc và còn ảnh hưởng đến đứa trẻ sinh ra.

Các bố mẹ được khuyến khích nên tìm biện pháp điều trị cho tình trạng phụ thuộc thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong khi mang thai hoặc sau khi sinh. Khi nghi ngờ tình trạng lạm dụng ma túy ở người mẹ, những đứa trẻ nên được đánh giá và điều trị các triệu chứng cai thuốc cấp tính rồi sau đó chuyển đi đánh giá tình trạng phát triển và can thiệp sớm.

Bố mẹ tuổi vị thành niên

Bố mẹ tuổi vị thành niên thường được coi là có nguy cơ cao, nhưng thực sự thì những cô gái tuổi vị thành niên tiếp cận được với các nguồn lực thích hợp, gồm có chăm sóc trước và sau khi sinh thì sinh ra những đứa bé khỏe mạnh và nuôi dưỡng con cái có sự thích nghi tốt.

Những yếu tố nguy cơ thật sự là nghèo đói, thiếu sự tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, bạo lực gia đình, và lạm dụng ma tuý. Những người tuổi vị thành niên lớn lên trong một gia đình có bạo lực, lạm dụng tình dục, hoặc phụ thuộc thuốc thì bắt đầu có quan hệ tình dục ở tuổi sớm hơn so với quần thể chung và chịu tỷ lệ có thai cao hơn.

Khi làm việc với các bố mẹ tuổi vị thành niên: mong đợi một kết quả tích cực trong khi tỏ ra sự tôn trọng và đề cao; khuyến khích sự hỗ trợ của gia đình, nếu thích hợp thì gồm cả sự hỗ trợ của người bố và gia đình anh ta; khuyến khích sử dụng các nguồn lực cộng đồng (chăm sóc trẻ, các lớp học cho bố mẹ, giáo dục, các chương trình can thiệp sớm); bắt đầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình sớm trong thời kỳ có thai; và khuyến khích tiếp tục học tập và trì hoãn việc sinh đứa con khác (việc trì hoãn ít là phải 6 tháng và hoàn thành chương trình phổ thông trung học để cải thiện được hậu quả kinh tế và xã hội thời gian dài).

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.