Bệnh Thuỷ Đậu

Bệnh Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm rất hay lây, do một loại virus gây ra. Bệnh đặc trưng bằng sốt, nổi ban kiểu nốt đậu ở da và niêm mạc. Bệnh được bởi Richard Morton bác sĩ người Anh thông báo lần đầu năm 1694 và được gọi là Chickenpox.

TÁC NHÂN GÂY BỆNHTHUỶ ĐẬU

Tác nhân gây bệnh là Herpes varicellae hay Varicella-Zostervirus (VZV), thuộc họ Herpesvirus, được phân lập năm 1952. Sở dĩ virus có tên như trên vì khi người ta phân lập virus từ những bệnh nhân bị Thuỷ đậu và bệnh Zona (Zoster) thì thấy chúng hoàn toàn giống nhau. Theo giả thuyết của Hope-Símpon đưa ra năm 1965 thì Thuỷ đậu là đáp ứng miễn dịch tiên phát của ký chủ đối với virus, còn bệnh Zona là do sự tái hoạt động của virus đã tồn tại trong cơ thể ở dạng tiềm tàng (latent form) ở các hạch của thần kinh cảm giác.

DỊCH TỄ HỌC

Bệnh Thuỷ đậu chỉ ở người. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc, nhưng 90% bệnh nhân là trẻ em 1-14 tuổi. Trẻ em < 1tuổi và người lớn > 19 tuổi chỉ < 3% số bệnh nhân. Tuy nhiên ở các nước nhiệt đới tần suất bệnh ở người lớn thường cao hơn.

Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi dân cư đông đúc như nhà trẻ, trường học, khu tập thể….Ở Hoa Kỳ mỗi năm có khoảng 3 triệu trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu . Bệnh thường xảy ra vào cuối đông, đầu xuân, cao điểm là vào các tháng 3- 5.

Đường lây chủ yếu là đường hô hấp qua những bọt nước bắn ra từ người bệnh, một số ít lây do tiếp xúc trực tiếp với nốt đậu. Thời gian lây bệnh bắt đầu 24 giờ trước khi có phát ban và kéo dài cho đến khi các nốt đậu đóng mày (7-8 ngày).

Có thể bị nhiễm VZV mà không có biểu hiện lâm sàng. Thuỷ đậu gây miễn dịch vĩnh viễn sau khi bị nhiễm virus lần đầu, chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị bệnh lần hai.

CƠ CHẾ BỆNH SINH BỆNHTHUỶ ĐẬU

Sau khi xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp, virus tăng sinh tại đây rồi đến hệ võng nội mô rồi đi vào máu đến gây tổn thương da và cơ quan nội tạng. Tại da và niêm mạc, các tế bào đáy và tế bào gai của nội mạc vi quản ở lớp sừng bị phình to, chứa nhiều dịch tiết, đồng thời xuất hiện nhiều tế bào đa nhân khổng lồ chứa nhiều ẩn thể. Ở những nốt đậu đục chứa nhiều dịch tiết với nhiều bạch cầu đa nhân, tế bào thoái hoá, fibrin và rất nhiều virus.

Virus cũng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị Thuỷ đậu hoặc Zona.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG BỆNHTHUỶ ĐẬU

Lâm Sàng

Thời kỳ ủ bệnh: thay đổi từ 10-21 ngày, trung bình 15 ngày.

Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đôi khi có đau bụng nhẹ. Có thể xuất hiện những nốt hồng ban, kích thước vài mm nổi trên nền da bình thường. Thời kỳ này dài khoảng 24 giờ. Ở thiếu niên và người lớn triệu chứng thường nặng hơn. Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thường sốt cao hơn và thời gian khởi phát dài hơn.

Thời kỳ toàn phát : Trên da mặt, đầu, niêm mạc, cổ , lưng nổi những nốt đậu hình tròn hoặc hình giọt nước trên viền da màu hồng. Nốt đậu có đường kính 3-10 mm, lúc đầu chứa một chất dịch trong, sau khoảng 24 giờ thì hoá đục. Chúng mọc nhiều đợt trên một vùng da nên ta có thể thấy chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau : dạng phát ban, dạng nốt đậu trong, nốt đậu đục, dạng đóng mày. Các nốt đậu xuất hiện liên tục trong vòng 5 ngày đầu tiên; chi dưới là nơi cuối cùng có các nốt đậu.

Nốt đậu có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, âm đạo, gây ra các triệu chứng nuốt đau, khó thở, tiểu rát…

Bệnh nhân thường bị ngứa nhẹ, có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Số lượng nốt đậu càng nhiều bệnh càng nặng. Trẻ nhỏ thường có bệnh cảnh nhẹ hơn trẻ lớn.

Những người suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài có bệnh cảnh nặng nề và kéo dài hơn. Đa số có sốt cao, ho, đau bụng, đau cơ. Nốt đậu thường mọc nhiều, kéo dài, ở dạng xuất huyết.

Các biến chứng thường gặp là nhiễm trùng da do vi khuẩn Gram (-), viêm phổi, viêm hạch, tổn thương đa cơ quan như phổi, gan, thần kinh trung ương…

Thời kỳ hồi phục: Sau một tuần, nốt đậu đóng mày, khô và rụng đi, không sẹo.

Cận Lâm Sàng

Công thức máu : bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ.

Huyết thanh chẩn đoán : Có thể phát hiện kháng thể kháng virus Thuỷ đậu bằng các phương pháp sau :

Test Kết hợp bổ thể

Phương pháp Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp

Test ELISA và test FAMA (Fluorescent antibody to membrane antigen )

Phân lập virus từ dịch nốt đậu.

BIẾN CHỨNG BỆNHTHUỶ ĐẬU

Bội nhiễm

Thường gặp nhiễm trùng da do Liên cầu và Tụ cầu vàng. Biến chứng xảy ra do nốt đậu bị vỡ hoặc da bị trầy xước do bệnh nhân gãi. Hoại tử Thuỷ đậu ( Varicella gangrenosa ) do Liên cầu nhóm A gây ra là một biến chứng rất nặng .

Viêm phổi

Chiếm tỷ lệ 20-30% ở người lớn và người bị suy giảm miễn dịch, hiếm gặp ở trẻ em. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, đau ngực, ho ra máu. X quang có hình ảnh tẩm nhuận dạng nốt và viêm phổi mô kẽ.

Hội chứng Reye

Gặp ở trẻ uống Aspirin trong giai đoạn đậu mọc. Ở giai đoạn hồi phục hội chứng Reye xuất hiện với triệu chứng nôn mửa, rối loạn cảm giác, kích thích hoặc hôn mê, co giật do phù não. Bệnh nhân có thể có xuất huyết nội tạng, xét nghiệm có tăng amoniac, tăng đường huyết và Transaminase máu.

Viêm não

Triệu chứng thường gặp là thất điều, rung giật nhãn cầu, múa vờn, nhức đầu, có thể có co giật, hôn mê. Bệnh thường bắt đầu sau khi nốt đậu mọc 5 ngày và kéo dài vài tuần, có khi đến một tháng. Dịch não tuỷ có Protein và bạch cầu tăng, đa số là lym phô. Tử vong khoảng 5-25%. Các biến chứng thần kinh khác có thể gặp là viêm màng não, áp-xe não hoặc tuỷ sống.

Dị tật bẩm sinh

Trẻ em có mẹ bị Thuỷ đậu trong 3 tháng cuối của thai kỳ, sau khi sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển trí tuệ…

CHẨN ĐOÁN BỆNHTHUỶ ĐẬU

Chẩn đoán xác định

Dựa vào các đặc điểm lâm sàng và kết quả CLS như nêu ở phần trên.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh Thuỷ đậu cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau :

Zona: Cũng do VZV gây ra. Thường gặp ở người lớn tuổi và những người có tình trạng suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, bệnh Hodgkin, Lymphoma, đang điều trị bằng các thuốc ức chế MD…

Lâm sàng: đa dạng: zona ngực, zona mắt, sau tai, đầu…

Ở ngực: thường gặp nhất. Các nốt phỏng thường chỉ xuất hiện một bên, dọc theo các dây TK liên sườn. Đầu tiên xuất hiện các nốt nhỏ, màu hồng. Sau đó chúng trở nên tròn và to hơn, nằm thành từng nhóm. Dịch đục sau 5 ngày và lặn sau 10 ngày, để lại sẹo nhỏ màu hồng nhạt.

Zona ngực gây đau đớn cho bệnh nhân. Vùng da tại chổ thường giảm cảm giác. Tiến triển: 2-3 tuần.

Ở mắt: Thường gặp ở người già. Tổn thương một trong ba nhánh của dây TK thị giác. Có thể viêm giác mạc kèm liệt vận nhãn.

Biến chứng thường gặp: đau kéo dài sau zona.

Nốt đậu do HSV (Herpes Simplex Virus): Nhiễm trùng do HSV thường gặp trên những vùng da có sẵn bệnh như chàm, viêm da dị ứng. Bệnh nhân thường không sốt, số lượng và kích thước nốt đậu nhỏ hơn. Chẩn đoán xác định dựa vào phân lập virus.

Chốc lở (Impertigo): Do Liên cầu tan máu bêta nhóm A gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em sau khi da bị trầy xước, bị tổn thương do ghẻ, chàm…rồi bị nhiễm trùng dẫn đến việc tạo ra nốt đậu.

ĐIỀU TRỊ BỆNHTHUỶ ĐẬU

Bệnh Thuỷ đậu ở trẻ bình thường nói chung lành tính và tự giới hạn, không cần điều trị đặc hiệu. Vệ sinh thân thể tốt có thể hạn chế bội nhiễm. Trẻ nhỏ cần được cắt móng tay và mặc áo quần mỏng để tránh trợt da.

Điều trị triệu chứng

Giảm ngứa bằng các loại Antihistamin ( Promethazine, Chlorpheniramine…)

Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol. Không dùng Aspirin ở trẻ em.

Điều trị nguyên nhân

Dùng các thuốc chống virus như Vidarabine , Acyclovir, Interferon alpha…

Vidarabine (Adenine arabinoside) : Liều dùng : 15mg/kg/ngày, tiêm TM. Có độc tính thần kinh nặng nề và không hồi phục nên ít được dùng.

Acyclovir (Acyclo-guanosine): hiệu quả chống VZV ở những bệnh nhân có cơ địa miễn dịch bình thường nếu được sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi khởi phát. Acyclovir giúp giảm sốt, giảm các triệu chứng toàn thân, giảm số lượng nốt đậu và kéo dài thời gian xuất hiện các nốt đậu mới. Không nên điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị Thuỷ đậu chưa có biến chứng.

Liều dùng : 7,5-10 mg/kg/ ngày, tiêm TM mỗi 8 giờ.

Thời gian điều trị : 5-7 ngày.

Interferon alpha : đã được sử dụng trong điều trị Thuỷ đậu nhưng hiệu quả chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Điều trị biến chứng

Dùng kháng sinh trong các trường hợp bội nhiễm. Bệnh nhân có hoại tử Thuỷ đậu phải được điều trị tích cực bằng Penicillin, 150-200 mg/kg/ngày, tiêm TM mỗi 4 giờ kết hợp với cắt lọc.

PHÒNG BỆNH

Cách ly bệnh nhân cho đến khi các nốt đậu đóng mày. Bệnh Thuỷ đậu rất khó phòng ngừa vì bệnh có thể lây 24-48 giờ trước khi có nốt đậu.

Chủng ngừa :

Tạo miễn dịch thụ động: Globuline miễn dịch (VZIG) có thể được sử dụng cho những người tiếp xúc với bệnh nhân nhưng chưa có miễn dịch hoặc có các yếu tố nguy cơ như trẻ bị suy giảm miễn dịch mắc phải, phụ nữ có thai, bệnh ác tính, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch…

Liều dùng : 125 đơn vị / 10kg, tiêm bắp. Liều tối đa 625 đv.

Thuốc chỉ hiệu quả khi dùng trong 96 giờ sau khi tiếp xúc và có thể lặp lại sau 4 tuần.

Tạo miễn dịch chủ động : Chỉ dùng cho những người bị suy giảm miễn dịch. Vaccine làm bằng virus sống giảm độc lực. Khả năng tạo miễn dịch khoảng 85-95%; thời gian được miễn dịch kéo dài 10 năm. Biến chứng hiếm gặp là Thuỷ đậu hoặc Zona nhẹ hoặc vừa.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.