4/ Nhân sâm có phải là thuốc bổ vạn năng?

Trong cuộc sống rất nhiều người, đặc biệt những người có điều kiện kinh tế đều cho rằng: Khi có bệnh dùng thuốc bổ là rất tốt, làm tăng khả năng hồi phục sức khỏe, thậm chí lúc khỏe mạnh không có bệnh hay cảm thấy hơi mệt mỏi cũng thích dùng một chút thuốc bổ

Cũng chính vì nguyên nhân này, trên lâm sàng một số thầy thuốc không cẩn thận biện chứng bệnh là hàn hay nhiệt, hư hay thực, bệnh có ngoại tà hay không và nghĩ rằng: Cho thuốc bổ thì có gì sai? Với bệnh nhân mắc bệnh nặng, chết thì cũng không còn phải hối tiếc nữa, từ đó thuận ý bệnh nhân thích dùng thì cho dùng, vô hình gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì dẫn đến thiệt hại về kinh tế, nặng hơn thì gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như bệnh nhẹ thành nặng, nặng thì càng nặng hơn…

Thanh cung mật sử có ghi: Hoàng đế Quang Tự mắc phải chứng bệnh đờm nhiều, ứ tắc, khó khạc ra, bụng trướng đau, người mệt mỏi, gầy yếu nên ra lệnh cho quan Thái y kê thuốc bổ uống. Hoàng đế uống thuốc bổ do quan Thái y kê bệnh tình không những không thuyên giảm mà càng nặng. Thấy vậy khi sắc uống người sắc thuốc ở Thái y viện lén bỏ thêm một chút la bặc tử, Hoàng đế uống vào lần thứ nhất bụng đỡ đau, lần 2 cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, lần 3 thì khỏi hẳn

Quang Tự rất vui mừng ban thưởng hậu hĩnh cho quan Thái y mà không biết rằng công lao đó do người sắc thuốc. Nguyên nhân bệnh của Hoàng đế là vì ngày thường uống nhiều rượu, ăn nhiều cao lương mỹ vị, lâu ngày không tiêu ứ lại ở tỳ vị làm chức năng tỳ vị hư tổn sinh ra đàm thấp; la bặc tử có tác dụng hành khí kiện vị, tiêu thực, hóa đàm, nhờ vậy mà bệnh Hoàng đế dần khỏi.

Truyền thuyết cũng ghi lại rằng: có một vị thái tử vì muốn nhanh chóng được thừa kế ngôi vị đã dùng nhân sâm để giết vua cha, nhưng không ai biết được dã tâm đó mà vẫn cho rằng thái tử là người con có hiếu. Những câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng thuốc bổ không thể dùng bừa bãi mà là “lợi bất cập hại”.

Nghiên cứu dược lý hiện đại chứng minh thành phần hóa học của nhân sâm chứa hơn 15 loại yếu tố vi lượng, có tác dụng chống mệt mỏi, tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, duy trì chức năng làm việc bình thường của hệ thống thần kinh trung ương, hưng phấn hệ thống tuyến yên, tuyến vỏ thượng thận, thúc đẩy công năng của tuyến sinh dục nam và nữ, nâng cao hiệu quả năng lực làm việc, cải thiện tình trạng mất ngủ, làm giảm đường huyết, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích…

Tuy là thuốc bổ có tác dụng bổ ích nhưng đồng thời cũng có nhất định những tác dụng không mong muốn, sử dụng không hợp lý không những lợi ít mà hại nhiều, dễ dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ thể, chức năng các cơ quan tạng phủ sinh ra rối loạn.

Vì vậy chúng ta tuyệt đối không thể coi nhẹ tác dụng phụ của nhân sâm và để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe; tuyệt đối không được lạm dụng nhân sâm cũng như không nên quá tin tưởng vào một số tuyên truyền, quảng cáo phiến diện với mục đích kinh doanh nhằm cường điệu tác dụng của thảo dược này như: Có bệnh thì chữa bệnh, không bệnh thì tăng cường sức khỏe. Ai ai cũng phù hợp, bổ lục phủ ngũ tạng, kéo dài tuổi thọ…, cách suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Mặc dù thực tế lâm sàng cũng như các nghiên cứu dược lý đều đã chứng minh nhân sâm có nhiều tác dụng tốt nhưng nhân sâm không phải là thuốc bổ vạn năng nên không thể sử dụng một cách tùy tiện, không phải bất kỳ ai cũng phù hợp.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.