Ma hoàng
Herba Ephedrae
Ma hoàng dùng toàn cây, bỏ rễ và đốt của nhiều loại ma hoàng, ví dụEphedrasinica Staff;Ephedra equisetina Bunge. Thuộc họ Ma hoàng –Ephedraceae.
Tính vị: vị cay, đắng; tính ấm.
Quy kinh: vào kinh phế, bàng quang.
Công năng Ma hoàng:
Phát hãn, tán hàn, tuyên phế, bình suyễn, lợi thuỷ, tiêu thũng.
Chủ trị Ma hoàng:
Giải cảm hàn do tác dụng phát hãn, hạ nhiệt. Ma hoàng thường được dùng khi cảm hàn, có sốt, kèm theo rét run, đau đầu, ngạt mũi.
Làm thông khí phế, bình suyễn: dùng khi cảm mạo phong hàn có kèm theo ho, suyễn.
Lợi niệu tiêu phù thũng, dùng đối với trường hợp phù mới mắc do viêm thận cấp tính (phù do phong thuỷ)
Liều dùng: 4 – 12g/ ngày.
Kiêng kị: Những người biểu hư, nhiều mồ hôi, phế hư có sốt cao (ho lao), cao huyết áp không nên dùng.
Chú ý:
Rễ ma hoàng vị ngọt, tính bình không độc, có tác dụng chỉ hãn, ngừng ra mồ hôi, có thể phối hợp với các thuốc cố sáp, bổ tỳ để chữa bệnh vã mồ hôi, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Ngoài ra rễ ma hoàng còn có tác dụng hạ huyết áp.
Nếu ma hoàng đem trích mật ong thì sức phát hãn giảm đi, dùng tốt với bệnh hen phế quản.
Tác dụng dược lý của ma hoàng được nghiên cứu nhiều, sau đây là một số nghiên cứu có liên quan đến sử dụng của y học cổ truyền:
Tinh dầu trong ma hoàng, chấta– terpineol tác dụng làm ra mồ hôi, hạ nhiệt. Chất ephedrin có tác dụng làm ra mồ hôi ở cơ địa sốt cao ( giải thích tính phát hãn, giải cảm , hạ nhiệt của thuốc). Chất L- ephedrin ( alcaloid) chiếm tới 85% trong ma hoàng có tác dụng giãn cơ trơn khí quản với nồng độ rất thấp 1:5.10-6 (giải thích tác dụng chữa hen, bình suyễn của ma hoàng). Cũng cần chú ý rằng 1: 10 –4, nó gây co thắt khí quản. Các thành phần khác như ephedrin còn có tác dụng làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, hưng phấn thần kinh trung ương hoặc tuỷ sống.
Tây y dùng ephedrin dưới dạng muối clohydrat hay sulfat, dùng riêng hay phối hợp làm thuốc chữa ho hen, và nhỏ mũi chữa ngạt mũi.