Tía tô

Folium Perillae

Gồm các vị: lá tía tô (tô diệp), cành tía tô (tô ngạch), hạt tía tô (tô tử) thu hái từ cây tía tô Perilla frutescens (L. ) Britt. Họ Hoa môi Lamiaceae.

Tính vị : vị cay, tính ấm.

Quy kinh: vào kinh phế, tỳ.

Công năng Tía Tô:

Phát tán phong hàn, lý khí.

Chủ trị Tía Tô:

Chữa cảm mạo phong hàn, dùng lá tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác như tía tô, hương phụ, trần bì, cam thảo . Hoặc dùng riêng tía tô cho vào cháo nóng mà ăn.

Kiện vị, chỉ nôn: dùng khi tỳ vị bị ứ trệ, đầy trướng, ăn không tiêu, buồn nôn, có thể phợp với khương bào.

Khứ đờm chỉ ho: dùng khi ngoại cảm phong hàn mà ho có nhiều đờm, có thể dùng tía tô, sinh khương, hạnh nhân, bán hạ. Trong trường hợp viêm khí quản mãn tính có ho nhiều đờm có thể dùng phương tam tử thang: tô tử, lai phục tử, đình lịch tử.

Hành khí an thai, dùng khi can khí bị uất kết dẫn đến động thai; có thể phối hợp với chư ma căn, ngải diệp và tô ngạch

Giải độc cua cá, gây đau bụng, nôn mửa, dị ứng.

Liều dùng: 4 – 12 g

Kiêng kỵ: Những người biểu hư, mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm không nên dùng.

Chú ý:

Tác dụng dược lý Tía Tô:

Dịch chiết từ tô diệp làm tăng nhu động ruột, dạ dày, giãn phế quản. Điều đó chứng minh cho công năng kiện vị, chỉ ho của tía tô.

Tác dụng kháng khuẩn: tía tô có tác dụng ức chế một số vi khuẩn đường ruột như vi khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng. Tinh dầu tía tô có tác dụng diệt lỵ amip ( Nguyễn Đức Minh).

Tô tử, vị cay, tính ấm quy kinh phế, có công năng bình suyễn trừ đờm.

Phạm Xuân Sinh – Trần Thị Oanh thấy tô tử chứa 11,3% dầu béo, flavonoid, tinh dầu có tác dụng trừ đờm, bình suyễn.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.