Bệnh Lạc nội mạc tử cung gây vô sinh
I. Đại cương
Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung, dày lên do hormon trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, thường bong ra khi hành kinh (ra ngoài theo đường âm đạo) và lại được tái tạo khi sạch kinh. Ngoài ra nó còn là nơi cho trứng đã thụ tinh làm tổ để tiếp tục phát triển thành thai nhi.
Lạc nội mạc tử cung là sự di chuyển của nội mạc tử cung đến một nơi khác ngoài buồng tử cung. Có thể là vào sâu trong lớp cơ của thành tử cung (lạc nội mạc trong cơ) hoặc ra ngoài tử cung như ở buồng trứng, cùng đồ âm đạo, túi cùng âm đạo-trực tràng (ngách giữa âm đạo và trực tràng) hay túi cùng âm đạo-bàng quang (ngách giữa âm đạo và bàng quang), xung quanh vòi trứng,…, màng bụng (phúc mạc), thành ruột; thậm chí còn lạc tới các cơ quan ở xa như: mũi, mắt, tai, phổi, gan, niệu quản, lạc ra ngoài da, ở khớp, thận…
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh khá phổ biến chiếm khoảng 2% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ và là một trong những nguyên nhân gây bệnh vô sinh, hiếm muộn …
Lạc nội mạc tử cung gây vô sinh
II. Nguyên nhân
Nguyên nhân thực sự của lạc nội mạc tử cung chưa được chỉ rõ nhưng có một số ý kiến cho rằng tất cả những yếu tố làm cho máu kinh chảy ngược lại đều có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung.
Ở con gái, có thể do trong chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung đóng kín nên khi tử cung co bóp đẩy máu kinh ra thì máu chảy ngược lại. Ở phụ nữ có gia đình, đa số nguyên nhân là do giao hợp khi có kinh, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược lại.
Cũng có ý kiến cho rằng căn bệnh này cũng có thể là do các yếu tố di truyền gây ra. Một số ít nêu một vài giả thuyết khác như khi con người sinh ra, một số nội mạc tử cung đã nằm lạc chỗ hay do dị sản, tế bào phôi còn tồn tại biệt hóa thành tổ chức như nội mạc, hoặc cũng có thể do đặt vòng, do tắc nghẽn đường sinh dục lúc bẩm sinh.
III. Cơ chế bệnh sinh
Ở nơi lạc chỗ, nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục nên đến chu kỳ kinh, khi nội mạc tử cung phát triển dầy lên và những mảnh lạc này cũng dầy lên (khoảng hơn 10 lần), trương lên, chứa đầy máu, chèn ép và gây đau trước khi hành kinh. Rồi khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra gây đau dữ dội khi hành kinh.
Máu ứ sẽ tạo cơ hội cho viêm nhiễm, rất dễ gây dính ở các cơ quan này.
Hết kinh, những mảnh lạc tạo thành những mô sẹo.
Đến chu kỳ sau lại thế. Số lượng các mô lạc chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi, bệnh ngày càng nặng.
IV. Triệu chứng
Lạc nội mạc tử cung khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội vùng hạ vị nhiều một vài ngày trước khi hành kinh, trong và có thể kéo dài đến sau khi hành kinh, và đau khi giao hợp.
Nếu lạc nội mạc tử cung lâu ngày và nặng, bệnh nhân sẽ đau bụng thường xuyên không liên quan đến chu kỳ kinh hay giao hợp, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn ọe, đi tả…
Nội mạc tử cung lạc ở các vị trí khác cũng sẽ có hiện tượng bong tróc, xuất huyết khiến bệnh nhân đau rất nhiều tại các vị trí có lạc nội mạc tử cung và có thể chảy máu ra ngoài như chảy máu mũi, mắt, tai, ho ra máu, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, rối loạn tiêu hóa, xuất hiện các vết bầm máu tự nhiên ở da, khớp,…luôn luôn cùng lúc với thời điểm bệnh nhân hành kinh.
Siêu âm là một phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán, có thể thấy các nang nhỏ có âm vang rải rác. Đôi khi có thể là một hay một vài nang lớn, vỏ mỏng, chứa tổ chức tăng âm. Thêm vào đó cần chụp buồng tử cung và soi ổ bụng để phát hiện những bất thường ở tử cung, vòi trứng… Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán LNMTC là soi ổ bụng.
V. Biến chứng
Bệnh thường tiến triển âm thầm có thể trong nhiều năm, lành tính nhưng gây hậu quả tai hại nhất là vô sinh (30 – 50 %).
Cơ chế gây vô sinh do lạc nội mạc tử cung chính xác vẫn chưa được xác định rõ, có thể là:
Các mảnh lạc gây dính vùng chậu khiến cho các cơ quan sinh sản hoạt động không tốt, vòi trứng có thể bị tắc, viêm dính khiến tinh trùng không thể đến thụ tinh với trứng, hoặc thụ tinh được cũng khó di chuyển đến tử cung gây thai ngoài tử cung.
Lạc nội mạc vào cơ tử cung sẽ làm biến đổi mội trường nội tiết khiến nội mạc tử cung không thuận lợi cho phôi làm tổ, gây suy hoàng thể sớm khiến phôi không phát triển được (Hoàng thể là cấu trúc sản xuất các chất nội tiết để hỗ trợ cho thai kỳ trong 3 tháng đầu), làm rối loạn sự phát triển của các nang trứng và rối loạn rụng trứng.
Làm giảm chất lượng của trứng khi các mảnh nội mạc tử cung cắm vào buồng trứng, chúng chảy máu rồi tạo ra những vết dầy dính, co kéo thì dù hormone LH có tác động mạnh thế nào cũng không giúp trứng thoát nang được.
Cơ chế miễn dịch tế bào làm tăng số lượng đại thực bào, tế bào lympho trong dịch ổ bụng, tăng khả năng thực bào của các tế bào này, tinh trùng có thể bị thực bào, gây độc cho giao tử. Cơ chế miễn dịch dịch thể: Kháng thể tự miễn làm ảnh hưởng đến sự thụ tinh và làm tổ của phôi, gây sảy thai sớm.
Hơn nữa, bệnh còn có khả năng phát triển thành một số loại ung thư. Vì thế, mọi sinh hoạt, học tập, làm việc của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng vì những sự phiền muộn này gây ra.
VI. Điều trị Tây y
Điều trị cần tuân thủ 2 nguyên tắc là phá hủy hết tổn thương lạc nội mạc tử cung và thiết lập lại cấu trúc giải phẫu bình thường.
Điều cần lưu ý là thuốc Tây y điều trị đều là các thuốc nội tiết, giảm đau tốt nhưng có tác dụng giống như thuốc tránh thai. Về lâu dài làm thoái triển và làm teo các đám niêm mạc tử cung lạc chỗ. Vì thế, bản thân các niêm mạc bình thường trong tử cung cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây nên những bất thường về kinh nguyệt, đặc biệt là vô kinh, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Ngoài ra còn có 1 số tác dụng phụ như làm nam hóa, loãng xương, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn đông máu.
Cũng có thể sử dụng những tân dược gây mãn kinh nhân tạo, song mặt trái của liệu pháp này là sự xuất hiện những triệu chứng như trạng thái tiền mãn kinh.
Trong một số trường hợp bác sĩ phối hợp sản phẩm kìm hãm sự tái tạo không kiểm soát của màng niêm mạc tử cung, song gây nhiều tác dụng phụ (thí dụ tăng cân, nhức đầu, buồn nôn, tính khí thất thường, suy giảm dục tình, rong kinh…).
Phẫu thuật nội soi cho phép gỡ dính, phá hủy các tổn thương, bóc tách hay cắt bỏ u nang lạc nội mạc tử cung, tạo hình vòi trứng, đốt điện lưỡng cực hay đốt laser để phá hủy các tổn thương. Tuỳ thuộc vào vị trí mảnh lạc và mức độ tiến triển bệnh, cần thiết phải loại bỏ một phần, thí dụ bàng quang, ruột già hoặc toàn bộ cơ quan bị xâm lấn (ví dụ tử cung, buồng trứng). Tuy nhiên chứng bệnh vẫn có thể tái phát – thậm chí cả sau khi đã phẫu thuật.